Điện ảnh Việt & 3 người đàn ông

 

 Đạo diễn Lưu Huỳnh

LHPVN lần thứ 15 thêm một lần nữa làm đổ vỡ những hy vọng và kỳ vọng của giới điện ảnh và công chúng về một LHP chuyên nghiệp với tiêu chí “Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”. Nhưng điện ảnh Việt năm 2007 nổi bật với hai “sự kiện”: “Áo lụa Hà Đông” và “Dòng máu anh hùng” rất đáng để hy vọng và kỳ vọng về sự đổi mới và khả năng hội nhập.

Trên đấu trường quốc tế, “Áo lụa Hà Đông” làm nức lòng quê nhà với những giải thưởng quan trọng ở những LHP tầm cỡ châu lục – Giải phim được khán giả yêu thích nhất LHP Busan (Hàn Quốc), Giải phim được khán giả yêu thích nhất LHP Kim Kê (Trung Quốc), và hiện tại đang đại diện cho điện ảnh Việt Nam tại giải Oscar 2008.

Ở trong nước, “Dòng máu anh hùng” khiến người xem thỏa nguyện với một bộ phim hành động giải trí “đạt chuẩn” tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đứng sau những thành công này là 3 người đàn ông: đạo diễn Lưu Huỳnh, đạo diễn Charlie Trực Nguyễn và diễn viên Johnny Trí Nguyễn.

Một ngẫu nhiên hợp lý: cả ba đều là người Việt mang quốc tịch nước ngoài. Họ là những nhân vật của “làn sóng phim Việt kiều” có ý nghĩa quan trọng đối với những thay đổi mạnh mẽ của điện ảnh Việt Nam hiện nay theo chiều hướng hội nhập.

Đạo diễn Lưu Huỳnh – Truân chuyên như áo lụa…

Kịch bản “Áo lụa Hà Đông” ra đời cách đây 7 năm (2000), ban đầu nó có tên là “Áo lụa Hà Tây” – do đạo diễn Lưu Huỳnh không muốn bộ phim của mình “mang tiếng” ăn theo bài thơ “Áo lụa Hà Đông” nổi tiếng của nhà thơ Nguyên Sa. Nhưng khi đưa ra Hội đồng duyệt quốc gia, kịch bản được đề nghị đổi tên vì… trước nay chỉ nghe nói lụa ở Hà Đông chứ làm gì có lụa Hà Tây!

Bộ phim do một nhóm bỏ tiền ra để sản xuất, trong đó đứng đầu dự án nên đạo diễn Lưu Huỳnh phải bỏ tiền túi ra trước trong giai đoạn chuẩn bị. Những trục trặc về đầu tư sản xuất đã khiến dự án phải dừng lại vô thời hạn và nó cũng đồng nghĩa với số tiền dành dụm bao năm của Lưu Huỳnh (khoảng 50.000USD) bỏ ra trước cũng tan theo mây khói!

Trong suốt mấy năm liên tiếp, Lưu Huỳnh vẫn kiên nhẫn “vác áo lụa” đi mời gọi đầu tư. Thú vui sưu tập xe gắn máy cổ từ khi trở về Việt Nam, giờ trở thành “vị cứu tinh” của anh. Từng chiếc xe yêu quý lần lượt ra đi để giúp cho Lưu tiếp tục theo đuổi dự án đến cùng.

Kịch bản đi lòng vòng khắp nơi, nhưng tất cả các hãng phim đều lắc đầu từ chối vì không thích đề tài cũng như dự án phải đầu tư quá lớn. Cuối cùng, quá tuyệt vọng, Lưu Huỳnh đề nghị hãng BHD cho anh làm bộ phim này bằng… Betacam cũng được!

May sao, những người đứng đầu hãng BHD giờ chót lại quyết định quay “Áo lụa Hà Đông” bằng phim nhựa, bởi như thế mới có cơ hội kinh doanh ra nước ngoài. Hai đối tác giờ chót cùng tham gia đầu tư là Công ty Ánh Việt và hãng Phước Sang – em ruột của Lưu Huỳnh.

Phim được sản xuất trong điều kiện hạn chế đủ mọi mặt về thiết bị và đặc biệt là nhân sự – cái gì cũng có nhưng không tới nơi tới chốn. Chính vì thế đạo diễn Lưu Huỳnh phải cáng đáng thêm rất nhiều vai trò từ sản xuất (đúng nghĩa của từ này, chứ không phải bỏ tiền là trở thành nhà sản xuất phim) đến thiết kế, hóa trang và thậm chí phải hỗ trợ cho cả quay phim.

Trái ngược với nhiều lời khen, bản thân đạo diễn Lưu Huỳnh cũng phải thừa nhận, phần hình ảnh (ánh sáng) cùng với những hạn chế trong khâu hóa trang cho Trương Ngọc Ánh, chính là khuyết điểm đáng tiếc nhất của bộ phim.

Sau này, khi Lưu Huỳnh có dịp đến chơi hai đoàn phim “Dòng máu anh hùng” và “Sài Gòn nhật thực”, nhìn thấy mọi khâu tổ chức khá khoa học và chuyên nghiệp của các đồng nghiệp, anh thoáng chạnh lòng.

Ngay khi vừa bấm máy 1 tuần, “Áo lụa Hà Đông” tí nữa phải ngừng quay vì kịch bản tiếp tục phải chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng duyệt. Đến khi xong phần hậu kỳ tại Thái Lan và Singapore với tiêu chuẩn âm thanh Dolby Digital 5.1, khi mang về thẩm định lần cuối tại Hội đồng duyệt quốc gia, lại thêm một rắc rối nữa nảy sinh.

Cảnh ngôi trường bị máy bay Mỹ ném bom bị xem là có vấn đề, lý do là sân trường có treo lá cờ vàng ba sọc đỏ – đúng với thời điểm lịch sử của câu chuyện – Hội đồng duyệt e rằng khán giả sẽ ngộ nhận quân giải phóng làm chuyện đó (ném bom) và đề nghị sửa chữa và “chua” thêm cả phụ đề.

 Không còn cách nào khác, đạo diễn phải “cắn răng” quay thêm cận cảnh đuôi của quả bom Mỹ để dựng vào, đi kèm phụ đề giải thích “Không quân Mỹ ném bom giết chết thường dân vô tội” – dù biết đây sẽ là chi tiết rất lố đối với người xem. Vậy mà khi công chiếu, vẫn có người “chụp mũ” chính trị cho “Áo lụa Hà Đông”!

Việc bộ phim đoạt giải khán giả tại LHP Pusan (Hàn Quốc) và Kim Kê (Trung Quốc), rồi đại diện cho Việt Nam để dự tranh Oscar 2008, là một “đoạn kết có hậu” dành riêng cho đạo diễn Lưu Huỳnh – một đạo diễn tâm huyết và có tài – nhưng lại rất lận đận trong sự nghiệp.

Anh đã tận lực với đứa con tinh thần của mình từ đầu cho đến phút cuối. Poster anh làm, slogan của phim anh viết. Phụ đề tiếng Anh của phim anh cũng tham gia dịch và biên tập lại. Khi “Áo lụa Hà Đông” chiếu ra mắt đích thân anh đến từng rạp để tìm cho bằng được rạp đúng chuẩn âm thanh Dolby Digital 5.1.

Để đăng ký phim dự Oscar, anh phải “vắt giò lên cổ” lo thủ tục tham dự, từ điền vào mẫu, bổ sung giấy tờ, nhờ bạn bè bên Mỹ liên lạc và chuyển phim… may mà kịp tham dự trước khi hết hạn vài giờ đồng hồ!  

Những thành công quốc tế khiêm tốn của “Áo lụa Hà Đông” cũng đủ mang lại cho anh những cơ hội mới, với những dự án lớn hơn. Ngoài bộ phim “1/3 hồn thương đau” dự định sẽ bấm máy trong năm 2008, Lưu Huỳnh còn đang đứng trước một cơ hội lớn mà anh hay gọi là Fantasy (Điều kỳ diệu): Anh đã viết xong một kịch bản, chuyển thể từ một tác phẩm văn học quốc tế nổi tiếng – một thiên tình sử vĩ đại kéo dài cả trăm năm – có bối cảnh dựa trên nền những biến chuyển lịch sử cận đại xảy ra ở Việt Nam…

Từ nay đến khi dự án quốc tế đó khởi động vẫn còn một quãng đường xa, bởi đây sẽ là một bộ phim khổng lồ về mọi mặt. Còn bây giờ Lưu Huỳnh đang khá hài lòng và hăm hở với những thuận lợi trước mắt trong sự nghiệp.

 Sau những “kinh nghiệm xương máu” đã trải qua khi làm phim ở VN, anh thường hay nói với bạn bè đồng nghiệp: “Làm được một bộ phim ở Việt Nam – khoan nói hay hoặc dở – cũng đủ xứng đáng là một kỳ công rồi!”.

 Mộc Lâm
Ảnh: Phan Quang

 

 

 

 Các tin liên quan

Điện ảnh Việt & 3 người đàn ông – Charlie Trực Nguyễn
Điện ảnh Việt & 3 người đàn ông – Johnny Trí Nguyễn


From the same category