Dư luận sôi sục, vì sau lưng “Bụi đời Chợ Lớn” là những cái tên đình đám và có quá nhiều kinh nghiệm làm phim ở Việt Nam: Nhà sản xuất Galaxy, hãng phim Chánh Phương, đạo diễn Charlie Nguyễn, diễn viên Johnny Trí Nguyễn… thì không có lý gì lại để phim bị cấm như vậy?!
Bản thân Cục Điện ảnh cũng bối rối không kém vì không lường trước được sức ép ghê gớm từ dư luận truyền thông, và mạng xã hội – Những người lúc ấy chỉ biết đến “Bụi đời Chợ Lớn” qua cái trailer. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần cân nhắc, sửa chữa, duyệt đi duyệt lại, thậm chí phải lấy thêm ý kiến từ các tổ chức văn hóa xã hội khác… quyết định cuối cùng vẫn là cấm chiếu dưới mọi hình thức, trong sự hoài nghi ấm ức của dư luận.
Số phận của “Bụi đời Chợ Lớn” đã kết thúc cay đắng bằng một cách không ai muốn. Tổn thất về tinh thần và tài chính rất nặng nề, khi các nhà làm phim mất trắng gần cả triệu đô! Nhiều khả năng nếu “Bụi đời Chợ Lớn” được phép công chiếu, và đạt doanh thu khả quan (gần như là chắc chắn), thì đó sẽ là một cú hích lớn cho thị trường chiếu bóng nội địa và những phim đi sau. Thế mà…
Nhiếp ảnh: Zuki Nguyễn – Trang điểm: Andy Phan – Trang phục: Hugo Boss
… đuôi làm sao lọt!
Chưa khi nào phim Việt lại ngã ngựa hàng loạt trong một năm được kỳ vọng nhiều như 2013. Khi lần đầu tiên sau hơn một thập niên, từ mùa phim hè cho đến cuối năm, số lượng phim sản xuất tăng vọt và tháng nào cũng có ít nhất một phim Việt ra rạp.
Cao điểm nhất là trong 5 tháng hè.Tháng 5 là phim hợp tác Việt-Hàn “Lọ lem Sài Gòn” (đạo diễn Kim Guk Jin – Đỗ Mai Nhất Tuấn); Tháng 6 là “Biết chết liền” (đạo diễn Lê Bảo Trung); Tháng 7 có tới ba phim: “Săn đàn ông” (đạo diễn Võ Quốc Thành – Khánh Ly), “Cát nóng” (đạo diễn Lê Hoàng), “HIT: Hoàng tử và Lọ lem” (đạo diễn Ngô Quang Hải); Tháng 8 là “Đường đua” (đạo diễn Nguyễn Khắc Huy); Và tháng 9 là “Lửa Phật” (đạo diễn Dustin Nguyễn).
Trừ “Cát nóng” là phim nhà nước lời lỗ không quan trọng, 6 phim còn lại đều hoàn toàn đi theo hướng thương mại. Nhưng kết quả đáng buồn là doanh thu của cả 7 phim hè đều không tiệm cận được một nửa số vốn bỏ ra sản xuất, chứ đừng nói là huề vốn. Khó có thể đổ lỗi hết cho việc phải chiến đấu không cân sức với những phim bom tấn hè của Mỹ.
Nhìn ra thị trường phim quốc tế, đã từ lâu nước nào cũng phải học cách “sống chung với lũ”. Bây giờ không quốc gia nào trên thế giới còn muốn tìm cách cạnh tranh với phim Mỹ, mà bản thân họ phải tự phát triển điện ảnh nội địa theo tiềm lực của mình. Ở đây, trừ “Đường đua” và “Lửa Phật” được đầu tư kỹ càng và làm khá chỉnh chu, 5 phim còn lại của các đạo diễn Việt Nam đều được làm rất hời hợt, thủ pháp rất lạc hậu cũ kỹ, thậm chí có phim còn rất ngô nghê… thì khán giả dù có yêu và ủng hộ phim Việt đến mấy cũng đành phải quay lưng, bởi xung quanh họ tràn ngập những bộ phim ngoại nhập chất lượng cao, với quá nhiều sự lựa chọn!
Nếu căn cứ kinh phí theo số liệu do các nhà sản xuất đưa ra: “Lửa Phật” sản xuất khoảng 33 tỷ, “Đường đua” 12 tỷ, “Biết chết liền” 12 tỷ, 4 phim còn lại tính trung bình 5 tỷ/phim thì tổng kinh phí sản xuất là 77 tỷ (muốn hòa vốn, tổng doanh thu chiếu bóng ít nhất phải thu được là 155 tỷ!). Trong khi thực tế các nhà sản xuất chỉ thu về chưa tới 1/7 con số trên. Mức thiệt hại thật không nhỏ đối với một nền điện ảnh thị trường còn quá nhỏ bé như Việt Nam.
Phim mùa thu bắt đầu từ tháng 10 là liên tiếp 2 phim của đạo diễn Việt kiều: “Tiền chùa” (đạo diễn Thiện Đỗ) và “Âm mưu giày gót nhọn” (đạo diễn Hàm Trần). Lịch chiếu quá dày đặc của các phim nước ngoài, cộng với nguyên nhân khách quan khiến 2 phim Việt bất đắc dĩ phải công chiếu cùng ngày. Trong “cuộc chiến giành vé” này, “Âm mưu giày gót nhọn” với câu chuyện tình cảm hài duyên dáng, vui tươi, thủ pháp dàn dựng chắc tay, đã tỏ ra vượt trội “Tiền chùa” – bộ phim đầu tay của một đạo diễn đã ngoài 50 nhưng được làm rất cẩn thận, nội dung ý nhị hóm hỉnh.
Tiếc là việc phải cạnh tranh tay đôi khiến “một kẻ chết và kẻ kia không chết cũng bị thương”. Ở đây, “Âm mưu giày gót nhọn” may mắn được đóng vai “kẻ kia”, nhưng do kinh phí đầu tư cao nên có thể là hòa vốn hoặc lỗ chút đỉnh – tuy nhiên màn “chào sân” đầu tiên của hai đạo diễn Việt kiều là không hề tồi – đặc biệt là đạo diễn Hàm Trần. Bài học đắt giá rút ra ở đây, thị trường quá chật hẹp không đủ cho hai phim Việt có thể đối đầu nhau cùng thời điểm (trừ mùa Tết, mạnh được yếu thua), nếu có thì nên xếp chiếu lệch nhau tối thiểu một tuần hoặc 10 ngày. Bởi cần phải nhìn nhận một sự thật, nếu có hai phim Việt chiếu cùng lúc, khán giả Việt sẽ chỉ cân nhắc chọn một, nhất là trong điều kiện kinh tế hiện nay!
Diễn viên Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy – Diễn viên Nhan Phúc Vinh – Anh Khoa – Bộ ba ăn ý của phim “Đường đua”
Tháng 11 có 3 phim, một nhà nước – “Và anh sẽ trở lại” (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ), hai tư nhân – “Tía ơi!” (đạo diễn Xuân Phước) và “Đại náo học đường” (đạo diễn Lê Bảo Trung). “Và anh sẽ trở lại” tất nhiên chẳng đặt nặng tính lời lỗ. Khán giả gần như không quan tâm phim này, còn báo chí truyền thông thì có chú ý, nhưng về bộ phim thì ít mà râm ran nhiều về việc đạo diễn là con của một quan chức lớn ở Cục Điện ảnh, và phim này được làm từ kinh phí tài trợ cũng của Cục!
Phim “Tía ơi!” giống như kiểu… phim truyền hình, chỉ được phát hành ở một số rạp với số xuất chiếu hạn chế, mặc dù có sự góp mặt của danh hài Hoài Linh. Còn với “Đại náo học đường”, Lê Bảo Trung là đạo diễn duy nhất có hai phim chiếu trong năm 2013. Sau khi thử nghiệm bất thành với bộ phim kinh dị “Biết chết liền”, anh đã quay trở lại với đề tài sở trường hài nhảm, và “Đại náo học đường” trở thành bộ phim hiếm hoi trong năm 2013 không thua (hòa vốn và có lời chút đỉnh)
Mùa phim lễ hội tháng 12 được đánh dấu bằng sự rút lui khôn ngoan của phim “Quả tim máu” (đạo diễn Victor Vũ). Nhà phát hành Galaxy rút kinh nghiệm từ “Âm mưu giày gót nhọn”, nên đã chuyển bộ phim này sang ngày Valentine 14/2 năm 2014 để tránh việc phải “chia vé” với phim “Tèo em” (đạo diễn Charlie Nguyễn), và cũng để tránh việc Thái Hòa phải đối đầu trực tiếp với Thái Hòa, do anh đóng chính trong cả hai phim!
Tuy nhiên giờ chót lại một đối thủ “nặng ký” bất ngờ nhảy ra “chia vé” với “Tèo em”, đó là phim “Thần tượng” (đạo diễn Quang Huy). Ban đầu ai cũng nghĩ chẳng khác gì đem trứng chọi đá, nhưng thực tế khi xem phim mới thấy đây là cuộc đấu tay đôi sòng phẳng, hai bên kẻ tám lạng người nửa cân. Thậm chí “Thần tượng” còn có phần nhỉnh hơn về mặt nội dung. Một sự nuối tiếc ở đây thuộc về đạo diễn Charlie Nguyễn, anh xuống tay thấy rõ với “Tèo em”, có lẽ phần nào do sự gãy đổ của “Bụi đời Chợ Lớn” khiến anh phải đối mặt với sức ép làm một phim ăn khách mong bù đắp lại một phần tổn thất về tinh thần lẫn tài chính.
Lốm đốm mảng màu sáng tối của bức tranh phim Việt
“Những người viết huyền thoại” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) là một điểm sáng hiếm hoi của phim nhà nước trong một thập niên trở lại đây. Số tiền thực nhận để làm một bộ phim chiến tranh dữ dội về đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ là một con số nực cười, hơn 7 tỷ một chút. Cố gắng tằn tiện nhưng quay xong thì hết tiền làm hậu kỳ, Dũng phải tự thân vận động thêm hơn 2 tỷ nữa để làm âm thanh và kỹ xảo. Tổng cộng sản xuất gần 10 tỷ, nhưng phim làm ra nhìn giá trị chẳng khác 50 tỷ!
Xem phim mà cứ ứa nước mắt, thương những câu chuyện trong phim một, thì thương những nỗ lực của đoàn làm phim đến mười. Nhưng càng phẫn nộ hơn khi thấy phim làm xong, lặp lại điệp khúc: Đắp chiếu để đó! Chẳng ai trong Hãng phim truyện Việt Nam buồn đưa phim ra rạp. Đạo diễn “xót con”, lại đơn thương độc mã ôm phim vào Sài Gòn tìm nhà phát hành. Bộ phim kết thúc có hậu trong sự hân hoan của mọi người khi cụm rạp BHD đồng ý phát hành dù biết nỗ lực kéo khán giả đến xem là rất khó khăn. Có thể nói, “Những người viết huyền thoại” là một trong những điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam 2013, càng đáng khen ngợi hơn vì đây là… phim nhà nước!
Nhiếp ảnh: Bobby Nguyễn – Trang điểm: Quân Nguyễn – Trang phục: Kathy Uyên, đầm bèo lệch vai Anna Võ, hoa tai Salvatore Ferragamo, vòng tay LUALA
Phim thương mại của tư nhân đã có một năm ảm đạm, nhưng cuối năm đã bất ngờ lóe lên một tia sáng với sự xuất hiện của bộ phim “Thần tượng”. Bất ngờ ở đây là phim này không được giới truyền thông đón chờ, bởi nó có nhiều yếu tố dự báo sẽ là một “thảm họa” mới của phim Việt với công thức nhàm chán “hốt” chung vào phim “một đống” sao teen ca nhạc, hotboy hotgirl… đạo diễn thì chưa bao giờ làm phim (ông bầu Quang Huy)…
Nhưng “Thần tượng” đã làm sửng sốt tất cả mọi người, cho dù là những ai xưa nay có thành kiến xấu với phim Việt. Xem phim mà tưởng như một phim thần tượng của Hàn Quốc hay Đài Loan với dàn diễn viên Việt Nam. Tuy là bộ phim đầu tay nhưng Quang Huy đã làm hết sức nghiêm túc với những góc máy khá chững chạc không kém một đạo diễn nhiều kinh nghiệm. Điểm nổi bật là diễn xuất đồng đều của các diễn viên. Những ác cảm dự báo về “thảm họa” hotboy hotgirl đóng phim đã hoàn toàn biến mất bởi sự lột xác của chính các trai xinh gái đẹp đó. Đây có thể nói là bộ phim thần tượng tuổi teen tốt nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Đó là lý do vì sao “Thần tượng” không hề ngán ngại khi dám “đối đầu” với “Tèo em” của Thái Hòa trong mùa phim Giáng sinh 2013.
Vĩ thanh…
Một nhà sản xuất kiêm đạo diễn (giấu tên), sau khi nhìn sự lớn mạnh của điện ảnh các nước trong khu vực tại các LHP quốc tế lớn trong năm 2013, đã buồn bã nói: “Điện ảnh Việt bây giờ còn chưa đáng xách dép cho Philippines và Campuchia!”. Nhận xét quá chua chát nhưng đó là sự thật! Hãy thử nhắc đến một chuyện đơn giản nhất trong năm qua là đủ thấy đau lòng – Làm sao có thể biện minh cho việc một đất nước 90 triệu dân, trong một thị trường chiếu bóng đang phát triển bùng nổ nhất nhì trong khu vực, thế mà không chọn lấy nổi một bộ phim hợp lệ để tham dự… vòng sơ tuyển Oscar!
Không thể trách các nhà làm phim tư nhân cứ mải miết lao theo những bộ phim thương mại. Họ rất muốn, nhưng không ai dám liều lĩnh hy sinh cái danh hão – làm phim nghệ thuật – để chuốc họa tán gia bại sản.
Bài: Vũ Duyên Anh
>>> Có thể bạn quan tâm: Có thể nói, Quả Cầu Vàng năm nay là một mùa giải… huề cả làng. Các ông lớn ai cũng có quà, phim kinh phí lớn hay độc lập cũng đều được vinh danh để tạo thiện cảm tốt cho dư luận. Các phim có chất lượng cao được mong chờ gặt hái giải đều đem về ít nhất 1 giải nào đó như “The Wolf of Wall Street”, “All Is Lost, Mandela: Long Walk to Freedom”, “Her”, “Gravity”… hay thậm chí là 3 giải như “American Hustle”.