Điện ảnh Hàn Quốc đang “mất sức” ở màn ảnh Châu Á - Tạp chí Đẹp

Điện ảnh Hàn Quốc đang “mất sức” ở màn ảnh Châu Á

Giải Trí

Từng là một trong những “ông vua” thống lĩnh ngành công nghiệp sản xuất phim ảnh tại châu Á, tuy nhiên, khoảng một vài năm trở lại đây, màn ảnh xứ sở kim chi dường như bao trùm một bầu không khí ảm đạm và có dấu hiệu xuống dốc không phanh. Hàng loạt đơn vị sản xuất cùng nhiều ngôi sao rơi vào cảnh “sớm nở, tối tàn”. 

Phim truyền hình thoái trào

Năm 2016 được xem là giai đoạn phim truyền hình Hàn Quốc chiếm thế thượng phong trên màn ảnh. Lúc bấy giờ, gần như 12 tháng đều có siêu phẩm truyền hình cho khán giả thưởng thức. Chưa kể, khán giả mở bất kỳ kênh truyền hình nào cũng dễ dàng bắt gặp những diễn viên xứ sở kim chi. Thậm chí các khung giờ vàng của những đài truyền hình lớn đều dành để phát sóng phim Hàn Quốc. 

8 năm trước, màn ảnh Hàn chứng kiến cuộc “đổ bộ” của các tựa phim K-drama hấp dẫn.

Đặc biệt, “cơn sốt” còn trở nên bùng nổ hơn bao giờ hết ở thời điểm cuối năm 2016. Đây là năm màn ảnh Hàn thực hiện cuộc cách mạng hóa mở rộng nội dung tiếp cận đến người xem. Không còn nằm trong thế gọng kìm của các câu chuyện tình yêu đôi lứa, thanh xuân vườn trường trước đây… Thay vào đó, các tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu đào sâu vào góc khuất xã hội qua những nội dung sinh tồn, chính trị hay bạo lực. Song, những bộ phim cũng được các nhà phim khéo léo lồng ghép, đan xen giữa yếu tố tình cảm và vấn đề xã hội, đồng thời khai thác những đề tài “gai góc” hơn như zombie, tội phạm, tình dục… Hơn thế, trong giai đoạn này, sự phát triển vượt bậc của màn ảnh xứ sở kim chi đã thu hút đầu tư của các “ông lớn” trong ngành công nghiệp điện ảnh và nhanh chóng mở ra một kỷ nguyên mới cho địa hạt phim ảnh. Nhờ đó, ngoài việc thống trị màn ảnh nhỏ, các tác phẩm còn chiếm lĩnh bảng xếp hạng ở những nền tảng chiếu phim. Không quá lời khi nói, màn ảnh Hàn trong giai đoạn từ 2016 – 2022 là lên như diều gặp gió. 

Thừa thắng xông lên, các nhà làm phim mở rộng thị trường địa hạt bằng “bữa tiệc” thể loại đa dạng từ câu chuyện nhân sinh, tâm lý gia đình đến chính kịch

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tỷ lệ phim Hàn giảm xuống rõ rệt, thay vào đó là các phim Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,… đang dần lên ngôi. Trong đó, các phim truyền hình của xứ sở tỷ dân áp đảo lượng người xem. “Câu chuyện của hoa hồng” lên sóng vào hồi đầu tháng 6 là một ví dụ điển hình. Không chỉ sở hữu dàn diễn viên thực lực, bộ phim còn nhận nhiều sự đón nhận bởi cách truyền tải thông điệp đầy nhân văn, gần gũi cuộc sống. Đó là những câu chuyện về môn đăng hộ đối, cách đối nhân xử thế và lý tưởng sống. Nhờ vậy, qua mỗi tập phát sóng, bộ phim đều nhanh chóng nằm trong top tìm kiếm và trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi khắp cõi mạng. 

Trái ngược với đông đảo khán giả, “Khách sạn vương giả” (trái) cùng “Nghệ thuật săn quỷ và nấu mì 2” là bộ phim không được chuyên gia đánh giá cao.

Có 3 lý do giải thích cho việc vì sao làn sóng phim Hàn “thất sủng”, không còn được lòng khán giả như trước đây. Thứ nhất, hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19 cùng sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng OTT (Over the top – dịch vụ phát trực tuyến) đã làm ảnh hưởng đáng kể các kênh phân phối truyền thống, dẫn đến tình trạng hơn một trăm dự án đã được hoàn thiện nhưng bị “chất đống” vì không có nơi trình chiếu. Thứ hai, hành vi xem phim và “khẩu vị” của khán giả đang dần thay đổi sau đại dịch. Nếu trước đây, người xem dành thời gian cho màn ảnh nhỏ, thì giờ đây họ tập trung nhiều hơn cho các dịch vụ trực tuyến. Tại đây, họ có thể tìm kiếm và xem bất kỳ nội dung giải trí đa dạng, đặc sắc và có sức hút hơn, chẳng hạn những tác phẩm: “Queen of Tears”, “The Glory”, “Physical: 100”… Sau cùng, chi phí sản xuất “đội giá”, cộng thêm chính phủ quyết định cắt nguồn hỗ trợ cho các nhà sản xuất phim đã đưa nền điện ảnh Hàn lâm vào tình cảnh suy kiệt. Có thể thấy, trái ngược vẻ ngoài hào nhoáng lẫn những con số “biết nói” thường được công bố trên truyền thông, ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đang bị bao phủ bởi màn sương thờ ơ dày đến từ phía khán giả. 

“Cứu cánh” nhưng không đáng kể

Trước tình trạng trượt dốc, nhiều nhà sản xuất cùng các nhà làm phim liên tiếp phát hành những tác phẩm điện ảnh nhằm cứu vãn thời cuộc. Dẫu vậy, tình hình vẫn không mấy khả quan. Năm 2023, chỉ có 7 phim điện ảnh đạt được ngưỡng hòa vốn trên cả trăm tỷ. Và “Spring in Seoul” và “Crime City 3” là 2 tựa phim nổi bật, thu hút lượng không nhỏ khán giả khi trình làng. Dẫu vậy, nếu đặt lên bàn cân với năm 2019, thì tổng doanh thu của phim năm 2023 chỉ “bỏ túi” 65.9% và tổng lượt khán giả đến rạp cũng nằm ở 55.2% so với cùng kỳ. 

“Extruma: Quật mộ trùng ma” ra mắt hồi tháng 2/2024, nhận được kỳ vọng phục hồi nền điện ảnh. Dù đã dốc hết sức, nhưng tác phẩm không thể cứu vãn cú trượt dài này.

Sang đến đầu năm nay, Hội đồng phim Hàn Quốc tiết lộ điện ảnh Hàn có tổng cộng 55 phim Hàn Quốc được ra mắt trong 6 tháng đầu năm, nhưng chỉ có 6 bộ phim gồm “Quật mộ trùng ma”, “Vây hãm: Kẻ trừng phạt”, “The Birth of Korea”, “Bà thím báo thù”, “Stalker: Tội ác hoàn hảo” và “Alienoid 2: Đa chiều hỗn chiến” thu hút hơn 1 triệu khán giả xem phim. Tuy nhiên, có 4/6 tổng số phim lần lượt là “Quật mộ trùng ma” (11.9 triệu); “Vây hãm: Kẻ trừng phạt” (11.4 triệu), “The Birth of Korea” (1.1 triệu)  và “Picnic” (350.000) đạt được điểm hòa vốn trong nửa đầu năm nay. Ngoài ra, tổng số người xem sụt giảm hơn 31%, chưa kể nhiều nhà sản xuất hay đơn vị đầu tư từ chối các kịch bản mới, vì họ lo ngại không có khả năng sinh lời, trừ khi đó là dự án có sự góp mặt của “bảo chứng phòng vé”. Theo tờ Korea Herald, ở thời điểm hiện tại, việc tác phẩm có sự góp mặt của dàn diễn viên đình đám cũng “chưa chắc” thu hút được khán giả và cứu vãn được tình hình khủng hoảng của màn ảnh lúc này.

Diễn viên “mất đất”

Có một thực tế khá phũ phàng trong nền công nghiệp điện ảnh hiện nay: phim ảnh không còn là “sân chơi” chung, mà trở thành “chiến trường” cạnh tranh giữa diễn viên thực lực và thần tượng. Ngày càng nhiều ngôi sao ở đa lĩnh vực lấn sân sang diễn xuất và tạo được tiếng vang. Một trong số đó phải kể đó như Bae Suzy, D.O, IU, Yoona,… Hơn nữa, không khó để chúng ta nhận thấy rằng tần số phủ sóng của các thần tượng ngày càng tăng lên. Điều này đã dẫn đến thực trạng, nhiều diễn viên kỳ cựu rơi vào tình cảnh “mất đất diễn” và đối diện với nỗi lo thất nghiệp. Trong khi, các thần tượng vẫn liên tục nhận được nhiều dự án phim “mát tay” và có phim được phát sóng. 

Từ trái sang: IU, D.O và Suzy là một trong những thần tượng thành công trên bản đồ điện ảnh địa hạt.

Điển hình như nam tài tử Park Hyung Sik. Xuất phát điểm là thành viên của nhóm nhạc ZE:A, sau đó lấn sân sang điện ảnh và gặt hái được nhiều thành công. Với khả năng diễn xuất ấn tượng, anh luôn được các nhà sản xuất “chọn mặt gửi vàng” cho những vai diễn từ nam sinh học đường đến tâm lý “nặng đô”. Gần đây nhất, Park Hyung Sik góp mặt trong dự án “Nốt trầm bác sĩ” cùng Park Shin Hye. Tương tự Park Hyung Sik, các thành viên của nhóm 2PM gồm Nichkhun, Taecyeon, Junho và Chansung cũng khuynh đảo màn ảnh ở nhiều bộ phim đình đám. 

Không chỉ tạo được dấu ấn trên âm nhạc, Park Hyung Sik gây ấn tượng với những vai diễn do anh đảm nhận. Trong “Nốt trầm bác sĩ”, anh vào vai bác sĩ thẩm mỹ Jeong Woo đứng trước nguy cơ phải tạm dừng sự nghiệp.

Mặt khác, nhiều thần tượng dù nhận vô vàn lời chê trách về diễn xuất, song vẫn được nhận ưu ái từ nhà sản xuất. Nguyên nhân của việc này bắt nguồn từ hai nguyên do. Thứ nhất, họ sở hữu ngoại hình bắt mắt, đồng điệu với nhân vật. Do đó, diễn xuất có phần lép vế nhưng “visual” bùng nổ cũng phần nào “cứu cánh” tác phẩm. Cuối cùng, họ là những ngôi sao được săn đón, sự xuất hiện của họ sẽ làm cho bộ phim ít nhiều nhận được nhiều sự quan tâm.

Bén duyên với điện ảnh từ 2012, nhưng các màn thể hiện của Naeun không đủ sức thuyết phục khán giả.

Thành viên nhóm nhạc April – Naeun là một minh chứng cho điều đó. Dù đã tham gia lĩnh vực diễn xuất hơn một thập kỷ, nhưng nữ thần tượng vẫn bị gắn mác “bình hoa di động”. Vì biểu cảm “một màu”, khả năng diễn xuất khiên cưỡng cùng kỹ năng đài từ còn hạn chế. Đáng nói, kể cả khi nữ thần tượng sánh vai bên các ngôi sao hàng đầu như Lee Bo Young, Choi Ji Woo,… trong các dự án tầm cỡ nhưng cô vẫn “dậm chân tại chỗ”. Mặc cho thần tượng có diễn xuất tốt hay không, nhà sản xuất vẫn bất chấp chọn họ với mục đích tăng doanh thu, mang lại lợi nhuận và danh tiếng cho tác phẩm của mình. 

Mức cát-xê “kịch trần” 

Bên cạnh những lý do kể trên, một yếu tố đáng chú ý góp phần tạo ra những thách thức của ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc là mức cát-xê diễn viên tăng cao. Việc thù lao ngày càng “leo thang” bắt nguồn từ sự cạnh tranh của nền tảng OTT nhằm có được ngôi sao hàng đầu. Sự cạnh tranh khốc liệt này đã khiến chi phí sản xuất tăng cao, đồng nghĩa các công ty sản xuất ngày càng căng thẳng trong vấn đề tài chính.

Dù phía công ty chưa lên tiếng xác nhận mức cát-xê, nhưng nhiều thông tin hé lộ rằng Kim Soo Hyun nhận 800 triệu won cho 1 tập phim.

Theo lời dẫn của một CEO của công ty truyền hình, phương tiện truyền thông Hàn Quốc tiết lộ: “Nam tài tử Kim Soo Hyun nhận được 800 triệu won khi xuất hiện cho mỗi tập ‘Queen of tears’”. Nếu đúng, tổng số thu nhập của anh sau 16 tập phim sẽ chạm ngưỡng 12.8 tỷ won (khoảng 9.85 triệu USD), chiếm một phần ba ngân sách sản xuất phim là 40 tỷ won. Không chỉ riêng Kim So Hyun, các nam tài tử khác như Song Joong Ki, Lee Min Ho, Lee Jong Suk và Ji Chang Wook cũng nhận được mức cát-xê khoảng 4.8 tỷ won (3.5 triệu USD) cho 16 tập phim. Về mảng điện ảnh, Song Kang Ho, Lee Byung Hun và Ha Jung Woo là ba cái tên nằm trong danh sách nhận mức cát-xê khủng. Bộ ba diễn viên sẽ nhận được khoản phí là 1 tỷ won cộng 10% lợi nhuận.

Tuy không còn phủ sóng thường xuyên trên màn ảnh, nhưng Song Kang Ho, Lee Byung Hun và Ha Jung Woo vẫn nhận được mức cát-xê đáng nể mỗi khi góp mặt trong các dự án. 

“Bật mí” nguyên do cho việc chấp nhận trả một mức cát-xê ngoài tầm kiểm soát, đại diện một công ty sản xuất cho biết sự nổi tiếng, uy tín của các ngôi sao có thể giúp phim thêm thu hút và nhận về lợi nhuận lớn. Hơn thế nữa, các công ty sản xuất không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả hàng trăm triệu won cho mỗi tập phim để chiêu mộ dàn diễn viên “hot”. Họ luôn bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, từ đó tạo nên một vòng luẩn quẩn khiến chi phí sản xuất ngày càng tăng. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài, nguy cơ màn ảnh Hàn Quốc không thể sản xuất các dự án tầm trung và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng, đồng thời gây mất ổn định cho sự phát triển lâu dài đã tồn tại hàng thập kỷ cũng như vị thế toàn của nội dung K-drama.

Tác giả: Khánh Duyên

21/08/2024, 07:00