Trong Kỳ tuyển sinh ĐH năm nay, 2012, môn Sử 1 lần nữa lại “đăng quang” ngôi vị “chót bảng” với hàng ngàn điểm 0. Số lượng bài thi dưới điểm trung bình môn Sử chiếm đến 80- 90%, thậm chí có trường điểm môn Sử cao nhất chỉ dừng lại ở con số 5,25.
Không thích “ôn cố tri tân”?
Phải chăng môn Sử đã không còn hấp dẫn giới trẻ trong học tập, để rồi đến khi kiểm tra, thi cử các em không đủ kiến thức để làm bài? Và cũng phải chăng đã đến lúc chúng ta nên xem hiện tượng điểm thi môn Sử thấp là “chuyện bình thường”?
Cái hay, bổ ích và cần thiết của môn Sử là từ những điển tích, sự kiện trong quá khứ, con người có thể rút ra những bài học kinh nghiệm để phục vụ cho cuộc sống hiện tại và tương lai tốt hơn, đẹp hơn, hợp lý hơn và hài hòa hơn.
Do đó, có học được, nhớ được, hiểu được, vận dụng được các kiến thức môn Sử thì con người mới “sáng tạo” ra được những trang sử mới.
Về điều này, một danh nhân cũng đã từng hàm ý: Nếu tôi có nhìn xa hơn những người khác, thì đó là vì tôi đã đứng trên vai của những người khổng lồ.
Tuy nhiên, thực tế ngày nay, trong xã hội chúng ta, giới trẻ đang dần bỏ quên đi quá khứ của nhân loại, của dân tộc, như những thứ không cần thiết và vô dụng, để chạy theo (nói chính xác hơn là để đánh đổi) những thứ vật chất kim tiền trước mắt và lao đầu vào tương lai khó đoán định.
So với các nước khác, người Việt chúng ta dường như dễ bị vẻ bề ngoài và những mục tiêu ngắn ngủi cám dỗ, hấp dẫn. An Dương Vương bị Triệu Đà lừa vì sự “hòa hiếu”. Mỵ Châu bị Trọng Thủy lừa vì tình yêu cá nhân, rốt cuộc đã gây ra tấn bi kịch cho cả một dân tộc trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc.
Hay như mới mấy chục năm trở lại đây, chỉ nghe giá móng trâu bò bằng cả con trâu, con bò thế là nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc giết hết trâu bò, lấy móng để bán cho thương lái Trung Quốc.
Hậu quả là sức kéo nông nghiệp giảm đột ngột và lại phải nhập lại sức kéo từ nước ngoài với giá cao ngất ngưỡng.
Cũng tương tự như vậy, trong năm nay, khi nghe giá gỗ sưa nhảy vọt lên đến cả bạc tỉ, người dân ven Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình) lập tức kéo vào rừng để đào trộm và mót gỗ sưa khiến cho cả một vùng rừng núi náo động và đầy bất an.
Kỳ tuyển sinh ĐH năm nay, 2012, môn Sử 1 lần nữa lại “đăng quang” ngôi vị “chót bảng”. Ảnh minh họa |
Phải chăng vì lối sống tiểu nông từ ngàn xưa kết hợp lối sống trọng đồng tiền hiện nay nên con người ta mới xô bồ như thế, đến nỗi… đạp đổ cả cổng Trường Thực nghiệm?
Dân Việt Nam còn nghèo, hàng triệu người nông dân cần con em mình đổi đời nhanh nhất nên đã lựa chọn cho con em mình những môn học, những khối thi, những việc làm có thu nhập cao trong xã hội.
Nhưng thử hỏi, liệu xã hội có bền vững và ổn định không nếu như thói vô cảm, thói dối trá lên ngôi và giá trị cộng đồng bị méo mó bởi “xã hội đồng tiền”?
Không thích làm “dã tràng xe cát”?
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Nếu như các cử nhân khối C không bị vướng vào vấn nạn thất nghiệp tràn lan và… dài hạn như hiện nay thì ắt hẳn sẽ có nhiều thí sinh lựa chọn khối C để tiến thân lập nghiệp.
Và điểm thi, dĩ nhiên chắc hẳn cũng sẽ rất cao chứ không thấp lè tè và thê thảm như tình cảnh hiện nay.
Một thực tế nữa, các cử nhân và “hậu” cử nhân (thạc sĩ) ngành KHXH &NV ít có chỗ đứng trong xã hội hiện nay nếu không có ô dù và tiền bạc lót đường trong ván bài công danh, thăng quan tiến chức.
Thử hỏi các bạn trẻ có dám dấn thân, dám xả thân trong 4 năm để “sôi kinh nấu sử” không, khi “phí” chạy chọt một công việc ổn định của ngành KHXH &NV lại không hề “nhân văn” chút nào?
Trong khi đó, mục đích cao cả của các ngành học này là làm cho con người hướng đến những giá trị Chân- Thiện- Mỹ, chứ không phải dạy cho con người làm cách nào để chạy chọt cho khéo.
Thực tế phũ phàng, hiện thực gần như là một sự vỡ mộng của các thế hệ đi trước khiến các thế hệ đi sau không dám “chơi một ván bài đã lật ngửa” và đầy tính mạo hiểm. Chính vì thế, mặc dù phương pháp giảng dạy có hay, có mới, SGK có sửa đổi, đề thi dễ hơn…, thì nhiều thí sinh vẫn bị xơi điểm 0 và bị điểm xấu môn Sử như thường.
Bởi trong suy nghĩ của các em, những đẳng thức toán học, những công thức hóa học, những định luật vật lý, cách phát âm tiếng nước ngoài hữu ích và cần phải ưu tiên bộ nhớ của mình trước nhất.
Thử hỏi khi bộ nhớ đã đầy (full) thì liệu những kiến thức môn Sử có thể nhồi nhét thêm được nữa không? Hay như kiểu “đàn gảy tai trâu”, “tai này sang tai nọ”, trả hết lại kiến thức cho thầy cô sau mỗi tiết học?
Thậm chí, khi không nhận thức được sự quý giá của Sử, nhiều bạn trẻ còn chà đạp lên cả những chứng tích lịch sử. Chẳng hạn hành động đứng, ngồi lên đầu rùa tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, tạo dáng chụp ảnh của một số học sinh là một minh chứng điển hình.
Tại sao đến 1 chốn linh thiêng, cao quý như Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhưng các học sinh này lại có thái đô, hành vi vô văn hóa đến vậy?
Hay sự yếu kém, non nớt về nhận thức, đúng hơn là sự hiểu biết mơ hồ về những giá trị văn hóa, đạo lý, tri thức thiêng liêng đã khiến họ thành những kẻ nông nổi đáng lên án?
Khối C không… “đơn độc”?
Tuy nhiên, nhiều phân tích cho rằng năm nay căn bệnh “dốt đặc cán mai” kiến thức môn Sử đã có “dấu hiệu” suy giảm.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho Bộ GD- ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bởi trước đây, ngay cả chương trình: “Học Sử qua tên phố” tại Thủ đô Hà Nội, ngành GD có vẻ như vẫn còn “lực bất tòng tâm” trong viên giải quyết căn bệnh này ở giới trẻ Hà Nội.
Cũng phải kể đến nhu cầu và thực tiễn xã hội hiện nay. Các ngành hút thí sinh trước đây như kinh tế, ngoại ngữ, y dược… đã bị “bão hòa” về nhu cầu tuyển dụng. Trong cơ chế thị trường như hiện nay, cơ chế xin (không)- cho (không) như ngày xưa đã bị… tuyệt chủng.
Nếu không có tiền, có vốn, có thế, có sắc đẹp, và có lá gan dám “đánh đổi và bất chấp”, thì thử hỏi cử nhân các khối A, B, D… có thể thành công hay không, khi mọi thứ hiện nay đều có thể mua được bằng tiền. Và do đó, chỉ khi có tiền, người ta mới có trọng lượng? Cho nên vấn nạn thất nghiệp không phải chỉ riêng cho các cử nhân ngành Sử nữa.
Do đó, với những điều kiện xã hội đặc thù, hạn chế như trên, các ngành ngoài khối C cũng gặp phải khó khăn nhất định. Hiện nay 1 cử nhân quản trị kinh doanh, kỹ sư tin học thất nghiệp dài hạn hoặc làm những công việc trái tay là những câu chuyện bình thường, xưa rồi Diễm.
Và do đó, hình như các môn tự nhiên, ngoại ngữ đã bắt đầu có dấu hiệu lây bệnh “đội sổ” từ môn Sử.
Chẳng hạn, về môn tiếng Anh. Theo thống kê trong kỳ thi ĐH năm nay, trường có tỉ lệ thí sinh dưới điểm trung bình môn tiếng Anh chiếm tỉ lệ cao nhất hiện nay là ĐH Quảng Nam. Chỉ có 4 thí sinh trong số 472 thí sinh dự thi đạt từ 5 điểm trở lên, cao nhất là 6 điểm.
Bi đát không kém là ĐH Đồng Tháp chỉ có 9 thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên và cao nhất là 7 điểm. Hay như tại ĐH Đà Nẵng, điểm 0 nhiều nhất lại đa số là môn Toán, còn môn Sử với 45 thí sinh xơi “trứng ngỗng” tạm xếp vị trí thứ 2.
Những điểm 0 này được đánh giá là “những điểm 0 trung thực”. Nhưng việc hiện diện nhiều điểm 0 môn Toán, và Anh Văn như trên đã chứng minh một sự bất bình thường, y như năm đầu tiên môn Sử được lên “bảng phong thần”.
Một vấn đề kéo dài mãi, dù được cho là “chuyện bình thường” vẫn hóa ra không bình thường chút nào!
Theo Vietnamnet