Trong khi đó, dựa vào số TS dự thi, mức độ đề thi…, chuyên gia một số trường đưa ra dự đoán điểm chuẩn của trường mình.
Sau giờ thi, các thí sinh trao đổi xem sẽ được bao nhiêu điểm – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh tăng, điểm chuẩn tăng ?
Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Quang – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, năm nay chỉ tiêu các ngành của trường vẫn như cũ. Theo đánh giá, đề thi khó tương đương năm 2011. Trong khi đó, năm nay, một số ngành như công nghệ, điện tử… số lượng hồ sơ dự thi tăng hơn năm ngoái nên dự đoán có điểm chuẩn nhỉnh hơn năm 2011. Trong khi đó, những ngành như toán, vật lý do số lượng hồ sơ giảm nhẹ nên điểm chuẩn có thể sẽ bằng hoặc thấp hơn chút ít. Cùng quan điểm này, PGS-TS Hồ Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM cho biết: “Năm nay số lượng TS dự thi vào trường tăng hơn 20% trong khi đó, chỉ tiêu vào các ngành vẫn như cũ. Các TS có vẻ hồ hởi với đề thi”. Trên những cơ sở này, ông Phong dự đoán năm nay điểm chuẩn các ngành của trường không thấp hơn năm ngoái.
Biến động khối C, D
Thạc sĩ Ngô Đức Tuấn – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng: “Dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi về điểm chuẩn so với năm trước, nếu có cũng không đáng kể. Tuy nhiên, với tình hình đề thi khá dễ của khối C và D nên tùy ngành mà điểm chuẩn có thể sẽ cao hơn từ 0,5 đến 1 điểm so với năm 2011. Trong đó ngành quản trị luật điểm chuẩn sẽ thấp hơn ngành luật”. Ngược lại, ở trường ngoài công lập, theo thạc sĩ Lâm Thành Hiển – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, nếu điểm chuẩn các ngành thuộc khối thi khác có tăng thì các ngành khối C nhiều khả năng vẫn bằng điểm sàn. Lý do là số lượng TS khối C thi vào trường năm nay khá thấp, ít hơn chỉ tiêu.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận định: “Đề thi các môn đợt 2 dễ thở hơn, TS làm bài tốt hơn nên kết quả điểm thi có thể sẽ cao. Ngành tiếng Anh tuyển khối D1 dự kiến không có thay đổi so với năm 2011 (20 điểm trong đó môn Anh văn nhân hệ số 2). Cũng như vậy, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM nhận định: “So với năm 2011, năm nay số TS đăng ký dự thi thấp hơn, tỷ lệ dự thi cũng thấp hơn 1% nên dự kiến điểm chuẩn các ngành sẽ bằng điểm sàn của Bộ”.
Ở phía bắc, theo ông Tô Ngọc Hưng – Giám đốc Học viện Ngân hàng, năm nay trường vẫn lấy điểm sàn vào trường tương đương năm trước, có thể từ 21-22 điểm. Ngành ngân hàng vẫn có mức điểm chuẩn cao nhất, từ 24-25 điểm.
Ông Bùi Văn Nhàn – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại thông tin: “Trường không lấy điểm chuẩn vào từng ngành ngay mà có điểm sàn vào trường. Vì vậy điểm chuẩn một số ngành có thể sẽ cao hơn mọi năm”. Trong khi đó, ông Lương Khắc Hiếu – Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền cho hay: “Điểm chuẩn nguyện vọng 1 ngành thấp nhất cũng không thấp hơn 15 điểm, ngành cao nhất bao giờ cũng là báo chí tuyền hình với khối C: 22,5 điểm, khối D từ 20 đến 21 điểm”.
Điểm cao ở khối B
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dũng, đây là năm đầu tiên ngành công nghệ môi trường của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tuyển sinh khối B nhưng là ngành có tỷ lệ chọi rất cao. Do vậy, nếu điểm chuẩn khối A năm 2011 là 15 thì khối B năm nay có thể tăng hơn từ 1 đến 1,5 điểm. Tổ chức thi nhiều ngành khối B, ông Phạm Thái Sơn – Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng dự kiến: “Nhóm ngành thực phẩm tuyển khối B sẽ tăng từ 0,5 đến 1 điểm, khối A vẫn giữ nguyên”.
Với các trường y dược, theo một cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm nay chỉ có hơn 1.000 TS thi vào. Tuy vậy, những TS còn lại đều có học lực khá giỏi nên có thể điểm chuẩn năm nay sẽ bằng hoặc cao hơn năm 2011. Ông Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng nhiều ngành tỷ lệ chọi rất cao nên điểm chuẩn cũng khó thấp hơn mọi năm. Ông Hinh nói cụ thể: “Điểm chuẩn ngành cao nhất vẫn là bác sĩ đa khoa và răng – hàm – mặt. Dự báo điểm chuẩn thấp nhất vẫn là y tế công cộng”.
Điểm sàn ĐH năm 2010 và 2011
– A, D: 13 điểm
– B, C: 14 điểm |
Theo Thanh Niên