Điểm cộng và trừ của phim truyền hình kinh dị cổ trang “Tết ở làng Địa Ngục”

Đánh bại đối thủ nặng ký “Doona!” và “Gang Nam Soon” để trở thành siêu phẩm Netflix ăn khách nhất trên bảng xếp hạng top 10 chương trình truyền hình tại Việt Nam, “Tết ở làng Địa Ngục” đang chứng minh sức hút áp đảo đối với khán giả màn ảnh nhỏ – điều mà nhiều tác phẩm phim kinh dị Việt vẫn chưa thể thực hiện được. 

Đương lúc màn ảnh Việt Nam, đặc biệt là thể loại phim kinh dị đang dần đánh mất vị thế, sự ra đời của bộ phim “Tết ở làng Địa Ngục” như một làn gió mát cho phim ảnh nước nhà. Bộ phim do bộ đôi nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn cầm trịch. Cả hai cũng chính là đội ngũ ekip sở hữu loạt tác phẩm kinh dị như “Rừng thế mạng”, “Bắc kim thang”, “Chuyện ma gần nhà”… Ở lần tái xuất với “Tết ở làng Địa Ngục”, cả hai đã khiến khán giả không khỏi bất ngờ với độ đầu tư chỉn chu, kỹ lưỡng trong từng khâu.

“Tết ở làng Địa Ngục” được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang. Lấy bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ 16-17, câu chuyện xoay quanh một ngôi làng hẻo lánh ẩn mình trong cánh rừng heo hút, nơi sương mù che phủ quanh năm, mang tên làng Địa Ngục. Sở dĩ có cái tên này bởi đây là điểm cư ngụ của thế hệ hậu duệ băng cướp khét tiếng Truông nhà Hồ một thời. Sau khi gây ra hàng loạt tội ác tày trời, băng cướp bị quân triều đình tiêu diệt. Một số tàn dư còn sót lại đã lẩn trốn sâu trong núi và lập nên một ngôi làng. Nhiều năm trôi qua, các hậu duệ của băng cướp năm nào lần lượt ra đời, sống êm đềm ở ngôi làng nhỏ. Tưởng chừng như sự bình lặng cứ thế trôi qua yên ả, bỗng một ngày, những cái chết “bất đắc kỳ tử” cùng vô vàn sự kiện kỳ quái diễn ra đã ám ảnh biết bao dân làng.

Những cái chết bí ẩn liên tiếp xảy ra tại làng Địa Ngục.

“Tết ở làng Địa Ngục” thành công nhờ vào quá trình đổi mới cách làm phim của bộ đôi Hoàng Quân và Trần Hữu Tấn. Sự đầu tư chỉn chu, kỹ lưỡng của nhà làm phim đã thu hút cả các tín đồ của bộ truyện lẫn khán giả chưa đọc tác phẩm này.

3 điểm sáng đắt giá

1. Tăng chiều sâu cho tác phẩm với trải nghiệm nghe nhìn

Không khí ma mị bao trùm miền cao nguyên đá.

Lấy bối cảnh tại ngôi làng Sảo Há thuộc tỉnh Hà Giang, ngay từ những thước phim mở đầu, tác phẩm đã tạo ra một bầu không khí vô cùng đặc trưng của một ngôi làng ẩn mình trong núi: đìu hiu, tối tăm, mông quạnh. Vô vàn đại cảnh hùng vĩ được bắt trọn vào khung hình, điểm thêm sự kỳ bí và liêu trai cổ xưa cho ngôi làng. Không chỉ vậy, từng chi tiết nhỏ của bối cảnh được bộ đôi Hoàng Quân và Hữu Tấn cài cắm vô cùng khéo léo như một bộ phim điện ảnh thực thụ. Những mái nhà tranh xập xệ, cảnh vật hoang tàn, xung quanh chỉ có một màn sương mù giăng kín lối, khung cảnh vốn đã heo hút càng trở nên rợn ngợp. 

Hình tượng ông Thập và bà Vạn trong phim.

Chưa dừng ở đó, chất liệu văn hóa Việt được đội ngũ sản xuất khéo léo lồng ghép trong phim. Toàn bộ trang phục được sử dụng trong phim phải đảm bảo hai yếu tố: tôn lên dấu ấn truyền thống và hợp bối cảnh ma mị của dòng phim kinh dị. Ngoài ra, phục trang còn phản ánh các dạng thức thời trang của cuối triều Lê – đầu thời Nguyễn và phục sức của những đồng bào dân tộc. Song, các thiết kế tạo hình cho nhân vật được kết hợp các khuôn mẫu từ cổ phục Việt Nam như chiếc áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh… Từng hoa văn, chất liệu và màu sắc đều được ekip chú trọng kỹ lưỡng để có thể mô tả nét đặc trưng của mỗi nhân vật.

Điển hình như hình tượng ông Thập (Quang Tuấn), trưởng làng có hoạt động đa dạng nên trang phục của ông thường có gùi, giày, đai, nón lá bọc bằng vải, tạo điều kiện thích hợp cho ông thực hiện nhưng chuyến băng rừng xuống núi giao thương. Hay trang phục đặc biệt của bà Vạn lái đò, ekip đã phải ngồi rút từng sợi chỉ trên tấm vải 2 mét để làm áo khoác cho nhân vật này nhằm tạo hiệu ứng ma mị. Tất cả đều được khắc họa một cách đầy chân thật, tạo cảm giác rùng rợn ngay từ phần nhìn chứ không chỉ tập trung vào âm thanh mang tính chất hù dọa bất ngờ như mô-típ làm phim kinh dị cũ. 

2. Bám sát nguyên tác 

Không chỉ được trau chuốt, đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, ekip “Tết ở làng Địa Ngục” còn rất tôn trọng nguyên tác. Có thể thấy, cách phân bố các tình tiết tài tình cũng như sự xuất hiện của nhân vật được giữ nguyên ở mạch truyện gốc đã nhanh chóng tạo nên sự thu hút cho khán giả cũng như thỏa lòng người hâm mộ nguyên tác khó tính. Ở mỗi tập phim, đội ngũ sản xuất đều tái hiện trước khán giả loạt câu chuyện về “Người chết báo mộng”, “Đom đóm câu hồn”, “Chuyến đò chở vong” cho đến “Rượu sọ người” hay “Cá chép rỉa thịt”… giống như cách phân bổ trong nguyên tác. Nhờ vậy, phần thông điệp chính về luật nhân quả, câu chuyện “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” được thể hiện mạnh mẽ, rõ nét đúng như những gì tác giả muốn gửi gắm. Tết là dịp để quây quần, sum họp bên người thân yêu nhưng ngày lễ ở làng Địa Ngục lại nhuốm màu u tối bởi họ phải gánh chịu những tai ương, chứng kiến sự suy vong của con cháu vì tội ác của thế hệ ông cha đã gây ra năm xưa. 

3. Tạo hình công phu đầy ấn tượng 

Tạo hình Sói lửa của nghệ sĩ Phú Đôn.

Với mong muốn mang đến cho khán giả cảm giác rùng rợn theo kiểu “kinh dị thể xác” (body horror), đội ngũ sản xuất của bộ phim quyết định không lạm dụng kỹ xảo mà dùng 100% sức mạnh của hóa trang để tạo hiệu ứng thị giác chân thật cho người xem. Chẳng hạn như màn hóa trang Sói lửa (NSƯT Phú Đôn), ekip đã nghiên cứu làm mới hoàn toàn bộ đồ để có thể phù hợp với hình tượng con sói bản địa Việt Nam. Hơn hết, từng sợi lông, lớp da cho đến màu mắt của sói được trang bị trên người của NSƯT Phú Đôn là thành quả của đoàn phim làm việc cật lực trong suốt 8 giờ đồng hồ.

3 điểm trừ của tác phẩm

1. Đầu voi đuôi chuột

Dù “Tết ở làng Địa Ngục” được đánh giá cao việc bám sát nguyên tác nhưng series vẫn còn tồn đọng nhiều điểm chưa trọn vẹn. Tác phẩm sa vào vết xe đổ muôn thuở là “đầu voi đuôi chuột”. Lối kể chuyện của bộ phim còn nhiều điểm bị bỏ ngỏ khiến tình tiết không liền mạch. Có thể thấy, thời lượng 12 tập không đủ để truyền tải toàn bộ câu chuyện nên ekip chỉ chắt lọc những tình tiết đắt giá thể hiện trong bộ phim. Ban đầu, kịch bản diễn biến mạch lạc, mượt mà. Nhưng đến nửa chặng đường, phim dần rời rạc và có phần “đuối sức”. Càng về sau, những mắt xích trở nên rối rắm, nhịp phim hối hả khiến nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ. Tất cả những điều này đã khiến khán giả hụt hẫng và không khỏi lóe lên nhiều thắc mắc. 

Ông Thập (Quang Tuấn) và Tam Quỷ (Võ Tấn Phát) trong tập cuối bộ phim.

Đơn cử trong tập cuối của bộ phim, người xem đặt ra câu hỏi: Tại sao ông Thập (Quang Tuấn) không gặp họa sát thân như lời tiên đoán của lão ăn mày què (NSƯT Phú Đôn) mà là Tam Quỷ như trong truyện? Bởi theo nguyên tác, người lên đò chở vong là ông Thập chứ không phải Tam Quỷ (Võ Tấn Phát). Lý do tại sao có tình tiết khác với truyện gốc vẫn còn là một ẩn số. Ngoài ra, số người chết ở làng Địa Ngục phải là 192 nhưng có đến 5 người trong số đó còn sống sót vẫn chưa có lời giải. 

2. Tuyến phản diện mờ nhạt

Ẩn số Thập Nương (Lan Phương) khiến khán giả mong chờ ở mỗi tập phim.

Thập Nương (Lan Phương) là tuyến nhân vật được khán giả mong chờ nhất phim. Theo lời giới thiệu, Thập Nương là một thực thể tâm linh tà ác khiến cho ai cũng phải dè chừng. Vì trả thù cho gia tộc, cô đã luyện rượu sọ người, giao kèo với quỷ canh rượu, gieo rắc biết bao nỗi khiếp sợ cho làng Địa Ngục. Thế nhưng, không ai biết quá khứ của Thập Nương như thế nào? Cô đã phải trải qua những gì? Tất cả những gì mọi người biết chỉ là cái tên và một vài thông tin theo lời kể từ nhân vật.

Chưa dừng lại ở đó, khán giả còn so sánh phân cảnh đại chiến của Thập Nương với dân làng Địa Ngục. Ở nguyên tác, Thập Nương khiến cho tuyến chính diện không khỏi lao đao trước màn thi chuyển quyền phép. Trong khi đó, ở bản truyền hình, Thập Nương nhanh chóng bại trận trước quỷ canh rượu do sơ suất không phát hiện đúng số người chết. Điều này một lần nữa dấy lên dấu chấm hỏi lớn về việc phim tạo ra cái kết không thỏa đáng cho tuyến nhân vật này.

3. Diễn tiến thiếu liền mạch 

Bắt đầu từ tập 8, bi kịch của làng Địa Ngục được đẩy lên cao trào. Đó là thời điểm rơi vào dịp Tết và kéo dài trong bốn ngày đầu năm. Tuy nhiên, diễn biến thời gian trong suốt nửa sau của phim làm cho khán giả vô cùng khó hiểu. Điển hình ở tập cuối, mạch thời gian cảnh cái chết của cụ Khảm không được logic. Sáng sớm, Đức (Hải Nam) đến nhà tìm cụ Khảm (NS Viết Liên), phát hiện ông đã chết thảm và chạy đi báo cho dân làng. Sau khi hay tin, dân làng tức tốc cầm gậy gộc, giáo mác đến nhà cụ thì trời đã chuyển tối dù khoảng cách di chuyển không xa.

Diễn tiến thời gian gây hoang mang cho người xem.

Dù còn một vài “hạt sạn” đáng tiếc nhưng “Tết ở làng Địa Ngục” vẫn là tựa phim đánh dấu sự khởi sắc của phim ảnh trong nước nói chung và thể loại kinh dị nói riêng. Hơn hết, việc tái hiện lại những câu chuyện dân gian truyền miệng ma mị và các thế lực tâm linh lên màn ảnh đã cho thấy sự đầu tư chỉn chu của bộ đôi Hữu Tấn và Hoàng Quân.


From the same category