Dịch vụ, hàng hóa tăng giá - Tạp chí Đẹp

Dịch vụ, hàng hóa tăng giá

Tin Tức

Giá cước vận tải tăng

Các chủ xe tải tư nhân chuyên chở thuê hàng hóa là những người nhanh chân trong việc “thích ứng” với việc giá xăng dầu tăng. Anh Đỗ Văn Nam (quê Thanh Hóa), người chuyên lái xe tải chở hàng từ Lạng Sơn về Thanh Hóa, cho biết sau khi giá xăng tăng, những người chuyên làm nghề vận chuyển thuê như anh đã tăng giá cước để bù đắp chi phí: “Chúng tôi tự thỏa thuận giá cước với chủ hàng. Hiện giá cước vận chuyển từ Hà Nội về Thanh Hóa đã tăng thêm 20.000 đồng/tấn, giá cước xe tải cỡ lớn từ Lạng Sơn về Thanh Hóa trước ngày 13.8 vào khoảng 15-16 triệu đồng/chuyến nay tăng thêm từ 500.000-700.000 đồng/chuyến”. Còn theo anh Nguyễn Văn Thông, người có 6 chiếc xe tải chuyên chở hàng từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) về các tỉnh bắc Trung bộ, ngay sau khi giá xăng tăng, anh đã tăng giá cước cứ khoảng 100 km thì lấy thêm 300.000 đồng.

Ông Đinh Nam Dinh, Chủ nhiệm HTX vận tải số 9 (TP.HCM), cho biết ngày 15.8 HTX đã gửi công văn đến các khách hàng thông báo sẽ tăng giá cước 4% bắt đầu từ ngày 16.8 do giá xăng tăng. Theo ông Dinh, việc điều chỉnh giá cước là bất khả kháng. Cũng tại TP.HCM, hai hãng taxi là Mai Linh và Vinasun chính thức tăng giá cước vận chuyển. Cụ thể từ ngày 16.8, Tập đoàn Mai Linh tăng giá cước taxi 800 – 1.000 đồng/km tùy theo loại xe. Còn hãng Vinasun từ 15.8 tăng cước thêm 500 đồng/km đối với tất cả loại xe.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng giá xăng dầu đã 3 lần tăng trong vòng 23 ngày, hai lần tăng trước các doanh nghiệp (DN) vận tải đã phải cố gồng không điều chỉnh tăng giá cước, góp phần ổn định thị trường, nhưng “đợt tăng này đang tạo một sức ép quá lớn, để bù chi phí nguyên liệu, các DN đang phải tính toán đến việc tăng giá vận tải”.

Theo tính toán của lãnh đạo một DN vận tải tại tỉnh Điện Biên đang có 40 đầu xe chuyên chạy tuyến liên tỉnh, trong đó có tuyến Điện Biên – Hà Nội, cho biết với mức tăng giá xăng dầu như hiện nay, so với trước ngày 13.8, cứ 1.000 km, một đầu xe phải mất thêm 240.000 đồng nhiên liệu. Con số này nhân với toàn bộ 40 đầu xe của đơn vị đang hoạt động thì số tiền sẽ rất lớn. Ông này nói cũng đang cân nhắc tăng giá vé nhưng quyết định điều chỉnh tăng giá hay không sẽ phải chờ Hiệp hội vận tải. Tương tự, ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty Đặng Đức (chuyên vận tải hàng hóa bằng container) cho hay do đặc thù của nghề vận tải, tùy vào từng khách hàng nên hai bên cùng đàm phán chứ không đưa ra mức tăng cụ thể. Ông Tiệp dẫn chứng: “Chúng tôi đã ký hợp đồng vận chuyển lâu dài với Công ty Tân Cảng – Cát Lái nên dù xăng dầu đã qua 3 lần tăng, 2 lần giảm nhưng cước hàng hóa vẫn không thay đổi. Chúng tôi không thể điều chỉnh giá cước 3 lần trong 1 tháng như giá xăng”.

Dịch vụ, hàng hóa tăng giá
Giá hàng hóa tăng sẽ khiến đời sống người dân thêm khó khăn – Ảnh: Hoàng Việt

Hàng tiêu dùng tăng giá

Trong khi đó, tại các chợ lẻ ở TP.HCM ngày 15.8, hầu hết tiểu thương đều kêu trời vì ế ẩm. Theo đại diện chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), phần lớn các mặt hàng về chợ có tăng giá nhẹ. Tương tự, đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết: “Việc giá xăng tăng nhiều lần cũng tác động một phần đến việc sản xuất, vận hành và phân phối hàng hóa của một số nhà cung cấp. LotteMart cũng đã nhận được yêu cầu tăng giá”.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó TGĐ Công ty Saigon Foods, cho biết chưa tính cụ thể tăng bao nhiêu phần trăm nhưng chắc chắn chi phí của công ty tăng lên, bởi giá điện, xăng dầu tăng không chỉ tăng chi phí vận chuyển, sản xuất mà tất cả mọi thứ khác đều tăng “liên hoàn”. “Giá hàng hóa của chúng tôi chắc chắn sẽ tăng giá tối thiểu 10% nhưng phải chọn thời điểm tăng hợp lý, chứ DN chịu hết nổi rồi”, bà Lâm than. Ông Trần Văn Hạc, Giám đốc kinh doanh Công ty C.P, cũng cho biết: “Xăng dầu cùng điện tăng giá tác động rất lớn làm đội giá thành sản phẩm. Mức tăng chưa tính ngay được nhưng tác động gián tiếp từ việc tăng giá xăng dầu, điện là không thể đo đếm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Có rất nhiều thứ bị tác động bởi chi phí vận chuyển, như phí vận chuyển nguyên liệu cám về công ty tăng, chi phí vận chuyển cám thành phẩm về trại cũng tăng, rồi từ trại xuất về các chợ tăng lần nữa, chi phí giao hàng đến cửa hàng bán lẻ cũng tăng,… nên không thể không tăng giá hàng, nhưng tăng giá thì lo không bán được hàng”.

Giá hàng tiêu dùng tăng tác động mạnh đến đời sống người lao động. Chị Võ Thị Mẫn, công nhân ở Bình Dương, cho hay những năm trước có hàng nên thường làm tăng ca đến 8 giờ tối, tuy cực nhưng có tiền. Còn hiện nay ít hàng, lương không đủ sống, lại đối mặt với giá xăng dầu tăng, hàng hóa tăng theo nên đời sống càng thêm cực. Chị Phan Thị Hiền, Q.Bình Tân, TP.HCM, thì cho rằng nói gia đình chị đành phải “bóp bụng chi tiêu vì thu nhập giảm mà giá cả tăng cao, bữa cơm gia đình đành phải teo lại”. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Hà, PGĐ kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nhận xét: “Đồng lương mỗi người ít ỏi phải trang trải mọi chi phí điện nước, xăng dầu, con cái học hành, giá hàng hóa tăng… người dân còn gì để sống? Cuộc sống người dân mỗi ngày mỗi cực do giá cả tăng, chi phí xăng dầu, điện nước tăng”.

Các chuyên gia nói gì ?

TS Nguyễn Minh Phong: Áp lực lên xã hội

Hệ quả của vấn đề này có thể thấy khá rõ là tăng áp lực lên xã hội. Người tiêu dùng sẽ phải thêm nhiều tiền hơn. Đồng thời cả người dân và DN đều phải chịu vòng xoáy của chuyện “té nước theo mưa”. Ví dụ xăng dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít thì taxi tăng thêm 1.000 đồng/km.

100 km ông taxi mất 10 lít tức là ông phải chi thêm 10.000 đồng, nhưng ông lấy lại của khách hàng thêm 100.000 đồng, tức là gấp 10 lần. Các mặt hàng, dịch vụ khác cũng sẽ tương tự, cần thấy là mức tăng sẽ tăng theo cấp số nhân chứ không chỉ đơn giản là thêm 1.000 đồng cho 1 lít xăng. Và cuối cùng điều nguy hiểm nhất là sự mất lòng tin của người dân.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: CPI rất có thể sẽ đảo chiều

Tăng giá xăng dầu chỉ là một yếu tố bên cạnh giá gas, điện… và cả viện phí. Các yếu tố nằm trong cái “rổ” tính CPI sẽ động chạm, ảnh hưởng đến 3 nhóm: nhóm lương thực, thực phẩm (chịu tác động lan truyền của tăng chi phí vận tải); nhóm vật liệu, xây dựng (chủ yếu là liên quan đến giá chất đốt) và thứ ba là nhóm giao thông, vận tải. Biến động từ việc xăng dầu đợt này hiện tại cũng chưa thể đưa ra kết luận. Hôm nay (15.8) là ngày chốt giá để tính chỉ số giá tháng 8 nên sẽ không quan sát được độ tăng của giá giao thông vận tải. Tuy nhiên có thể đưa ra một số nhận định như sau:

Thứ nhất là CPI sẽ không duy trì mức độ tăng âm như một số tháng gần đây. Hội tụ các yếu tố có thể thấy CPI tháng 8 so với tháng 7 rất có thể sẽ đảo chiều, không duy trì xu thế tăng âm như tháng 6, 7 nữa. Thậm chí nó sẽ tạo ra một xu thế diễn biến giá mới sớm hơn dự định, trước đây dự báo là xu thế đảo chiều sẽ từ quý 4/2012 nhưng với việc tăng giá đồng loạt như vừa qua sẽ tạo ra một áp lực khiến việc đảo chiều đến sớm hơn, có thể ngay từ tháng 8 này.

Thứ hai là sức mua sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến kinh tế đình đốn (mặc dù có tăng trưởng 4-5%) là liên quan đến sức mua, vốn hiện tại chỉ tương đương 1/2 những năm gần đây. Đây cũng là một phần lý do CPI tăng chậm từ tháng 3 và tăng âm tháng 6, 7 vừa qua. Việc đảo chiều không những không cải thiện sức mua lại còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua hơn nữa. Sức mua giảm có nhiều nguyên nhân song nguyên nhân cơ bản là do tương quan giữa mặt bằng giá và mặt bằng thu nhập. Giá tăng nhưng mặt bằng thu nhập tăng không kịp theo giá.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược – Bộ Kế hoạch – Đầu tư: Sức mua tiếp tục giảm

Trước mắt việc tăng giá xăng dầu sẽ chưa có tác động ngay đến CPI, đặc biệt trong bối cảnh hai tháng qua CPI tăng âm. Vấn đề chính là ở việc tăng giá đồng loạt các mặt hàng thiết yếu sẽ tiếp tục làm giảm sức mua mà hiện tại đã đang rất yếu. Từ chuyện sức mua sẽ dẫn đến chuyện xử lý vấn đề tăng trưởng cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo Thanh Niên

Thực hiện: depweb

16/08/2012, 07:34