Dịch vụ du lịch: Vẫn nhiều ‘thói hư tật xấu’

Tận thu cả với trẻ em

Không biết có phải do “té nước theo mưa”, ăn theo giá cả leo thang hay kinh tế khó khăn… mà gần đây, nhiều điểm tham quan, du lịch bị phàn nàn là tăng giá vé vào cổng, khu vui chơi giải trí. Đặc biệt, mỗi nơi lại áp đặt một kiểu, và đều tăng giá với ở đối tượng là trẻ em – mà lẽ ra, cần nhận được sự ưu đãi, chăm lo hơn cả.

Lãnh đạo công ty du lịch T.H.T (trụ sở tại TP.HCM), cho hay, nếu trước đây, với trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, các hãng lữ hành chỉ thu giá tour 50% so với người lớn, riêng các điểm tham quan thường miễn phí. Song hiện nay, hàng loạt khu vui chơi giải trí đã tiến hành phân định chiều cao để thu phí, thậm chí thu bằng giá người lớn… khiến lữ hành “khóc dở mếu dở”.

Chẳng hạn, về vé tham quan, mỗi điểm đến lại thu một kiểu, gây khó dễ cho lữ hành. Ví như, khu vui chơi giải trí Tuần Châu – Hạ Long (Quảng Ninh) trong khi giá vé người lớn là 160.000 đồng thì trẻ em chỉ cần cao từ 1,1m trở lên đã bị thu bằng vé người lớn, không tính tuổi! Tại khu du lịch Tràng An – Ninh Bình cũng áp dụng cách thu này, với mức vé 100.000 đồng/người. Khu du lịch Bà Nà – Đà Nẵng, giá vé người lớn là 400.000 đồng, trẻ em cao từ 1,1-1,3m là 330.000 đồng, trên 1,3m giá vé bằng người lớn… Còn tại khu du lịch động Thiên Đường  – Phong Nha (Quảng Bình), giá vé người lớn là 120.000 đồng thì trẻ em cao từ 0,9-1,3m là 60.000 đồng, còn trẻ cao trên 1,3m giá vé bằng người lớn.

Thậm chí, kinh thành, hoàng thành và các lăng tẩm ở Cố đô Huế – những di sản do nhà nước quản lý và mang tính giáo dục về lịch sử – trẻ em cao từ 1,1m trở lên giá vé cũng bằng người lớn: 55.000 đồng/điểm.

Nên có quy định thống nhất trong việc thu phí tham quan với trẻ em (ảnh minh họa – báo Đà Nẵng)

Việc tăng giá còn rất bất ngờ, như đánh đố với các công ty lữ hành và du khách. Điển hình, đầu năm 2012, Công ty CP dịch vụ cáp treo Bà Nà quy định vé tham quan là 300.000 đồng/khách, đã bao gồm dịch vụ cáp treo vận chuyển lên xuống Bà Nà, chi phí tham quan, xem phim 3-4 D và tham gia những trò chơi trong khu vực. Vào hè, giá vé tham quan tăng lên 400.000 đồng và cũng bao gồm các dịch vụ kể trên. Bất ngờ từ đầu tháng 7, khách đến Bà Nà tăng vọt, nhà đầu tư không báo trước mà tận thu theo cách: vẫn duy trì mức giá 400.000 đồng nhưng chỉ bao dịch vụ cáp treo, còn khách muốn xem phim hoặc tham gia trò chơi phải trả tiền bằng cách nạp thẻ mỗi điểm từ 20.000 đến 30.000 đồng.

Hậu quả, nhiều hãng lữ hành, hướng dẫn viên dẫn đoàn ngã ngửa, chỉ biết muối mặt “ngậm bò hòn” nghe khách phê phán chưa kể còn mang  tiếng bội tín, lừa đảo…

Rối rắm hơn, phía quản lý cáp treo Bà Nà còn quy định: hướng dẫn viên dẫn đoàn lên Bà Nà, mặc dù đã có thẻ do Tổng cục Du lịch cấp, nhưng vẫn cần nộp ảnh, làm hồ sơ để khu du lịch làm thẻ miễn phí. Nếu không, họ sẽ phải mua vé cáp treo như khách du lịch.

Theo giám đốc một công ty du lịch phía Bắc, các nhà đầu tư khu vui chơi, điểm đến có quyền tính toán, định giá để thu hồi vốn và sinh lời, nhưng với cách áp đặt tuỳ tiện mức thu với trẻ em như trên là chưa thoả đáng với đối tượng lẽ ra cần được ưu ái, quan tâm hơn cả. Hơn nữa, đối với các công ty lữ hành, khi gom khách, họ sẽ phải hỏi han đo tính chiều cao của từng trẻ để thu thêm vé, như vậy rất phiền hà. Nên chăng, cơ quan quản lý nên thống nhất một quy định các loại vé dành cho những đối tượng: người lớn, trẻ từ 1,1-1,3m, hoặc trẻ từ 1,1m trở lên… từ đó, các điểm du lịch thống nhất áp dụng theo một chuẩn.

Tăng giá, bội tín với đối tác

Địa phương bị kêu ca khá nhiều trong dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua lại là Đà Nẵng – một trong những điểm đến mà các hãng lữ hành, khách du lịch luôn yên tâm rằng nơi đây giá cả nhà nghỉ, khách sạn ổn định nhất, ít bị chặt chém. Ấy vậy mà, chẳng khác gì Sầm Sơn ở phía Bắc, du lịch kêu cứ kêu, các khách sạn vẫn tăng giá phòng lên gấp rưỡi, gấp ba, bốn lần, bất kể là khách vãng lai hay đối tác thân thuộc. Họ còn chấp nhận bội tín cả với đối tác để thu lời trước mắt. Kiểu làm ăn chụp giật này khiến nhiều hãng lữ hành “choáng”.

Hình ảnh các điểm đến sẽ đẹp hơn trong mắt du khách nếu bỏ được tình trạng chặt chém, tuỳ tiện tăng giá (ảnh minh họa – NH)

Giám đốc công ty du lịch S. (TP.HCM) vẫn chưa hết hãi hùng: “Giá phòng đội giá tour lên quá cao khiến khách quay lưng. Không ít đơn vị lữ hành tại Hà Nội và TP.HCM lỗ nặng vì khách hủy chuyến đi và chấp nhận mất trắng tiền đặt cọc vé máy bay, khách sạn, vận chuyển”, vị này nói.

Ông kể, đã có trường hợp, do hành khách bận công tác đột xuất, không đi du lịch nữa nên công ty lữ hành đề nghị khách sạn bán giúp số phòng (khoảng 20 phòng) đã đặt cọc cho đối tượng khác có nhu cầu. Thay vì đồng ý cho sang nhượng hoặc hỗ trợ bán giúp để đối tác bớt thiệt (có khi còn được hưởng chênh lệch nhờ giá tăng do khách vẫn đang đổ xô đến Đà Nẵng), họ đã cương quyết từ chối và ép công ty lữ hành phải thanh toán tiếp số tiền tương đương với số phòng đã đặt, bất kể vào giờ chót có khách ở hay không!?!

Thậm chí, kể cả với đối tác làm ăn lâu dài thì khi “nước lên, thuyền cũng lên”. Phụ trách chi nhánh công ty du lịch Việt tại Hà Nội Trần Anh Giang cho biết, công ty có một đối tác quen ở Đà Nẵng, vốn là khách sạn đã hợp tác làm ăn vài năm nay. Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Du lịch Việt booking gần 20 phòng ở khách sạn này. Đến sát ngày lễ, một “đại gia” du lịch ở TP.HCM đến đây đặt phòng với số lượng lớn hơn. Thế là, từ chỗ vốn thân thiết, khách sạn trở mặt sẵn sàng chịu phạt, bắt Du lịch Việt chuyển khách qua 2 khách sạn khác, nằm sâu hơn và không gần biển. Do còn một đoàn khách đi sau cũng ở khách sạn này nên Du lịch Việt đành “ngậm bồ hòn”, chỉ đòi tiền đặt cọc và lặng lẽ chuyển chỗ cho khách.

Cũng vì đông khách, các khách sạn đã ứng xử thiếu tôn trọng với lữ hành.

Vị lãnh đạo của công ty du lịch T.H.T bức xúc, cuối tháng 3/2012, nhằm chuẩn bị bán tour trong dịp 30/4, công ty này có fax đặt công ty TNHH MTV Cội Nguồn Phú Quốc 15 phòng nghỉ trong hai đêm 29-30/4, giá 890.000 đồng/phòng. Để làm tin, phía du lịch đã chuyển đặt cọc 10 triệu đồng. Tuy nhiên, do lượng khách sụt giảm bất ngờ nên đến ngày 20/4, T.H.T chỉ bán đủ số khách ở  4 phòng, còn 11 phòng trống nên đã báo lại cho Cội Nguồn. Tưởng rằng báo hủy trước ngày đến 10 ngày, phía khách sạn sẽ phạt đối tác với giá tượng trưng để duy trì mối quan hệ làm ăn sau này, hay nặng hơn sẽ phạt 1 đêm số phòng đã hủy. Song, chiều 30/4, khi hướng dẫn viên thanh toán tiền thuê 4 phòng đang lưu trú thì chủ khách sạn thông báo: Cội Nguồn chỉ bán giúp T.H.T được 3 phòng, vì vậy, số còn lại gồm 8 phòng T.H.T phải trả thêm hơn 14 triệu đồng/2 đêm, nếu không khách sẽ không được ra khỏi khách sạn để kịp ra bến tàu.

Mặc dù lãnh đạo công ty đã điện thoại, nhắn tin nhiều lần đến chủ khách sạn để xin giảm tiền phạt, hoặc chuyển tiền sau vì đang là ngày nghỉ lễ, ngân hàng không làm việc… nhưng đều bặt tin. Không còn cách nào, công ty nhờ Trưởng phòng quản lý Lữ hành tỉnh Kiên Giang can thiệp, việc cũng không thành. Cuối cùng, hướng dẫn viên của T.H.T đành chạy vạy vay tiền đối tác tại Phú Quốc để thanh toán cho Cội Nguồn, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của khách tour.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp các công ty du lịch kể lại khi đưa khách đến các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng vào các dịp lễ. Chưa kể các tệ nạn như như ăn xin, chèo kéo, bắt chẹt khách… , các cửa hàng mua sắm ít ỏi và điểm vui chơi nghèo nàn… thì việc hành xử kiểu “cưỡi lên đầu” du khách và hãng lữ hành này vẫn là những thói hư tật xấu chưa biết bao giờ mới sửa, mới hết tại các điểm du lịch ở Việt Nam.

Theo Vietnamnet


From the same category