Điều trị cho các bệnh nhi sốt xuất huyết tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện sản-nhi Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)
Năm nay, theo báo cáo của NOAA, tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines, Malaysia,… tình trạng khí hậu nóng ấm sẽ kéo dài đến cuối năm do nằm trong vùng chịu tác động bởi El Nino, do đó sẽ kéo theo nguy cơ bùng phát và kéo dài dịch bệnh sốt xuất huyết so với các năm trước tại các quốc gia trên.
Các thống kê khoa học cho thấy, tính chất xuất hiện có chu kỳ của El Nino cũng logic với các nhận định của các nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm rằng dịch sốt xuất huyết thì cứ 3-5 năm xảy ra một trận dịch.
Tại Việt Nam, cao điểm của dịch sốt xuất huyết là vào mùa mưa, bởi đây là thời điểm độ ẩm tăng cao, và dịch cũng liên quan từng thời điểm và từng miền, thông thường có 2 đỉnh đáng lưu ý là tháng 4-5 và tháng 9-10 trong năm ở ba miền Bắc, Trung, Nam.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tình hình sốt xuất huyết tại Việt Nam diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh gia tăng ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Các tuần gần đây, số ca mắc bệnh có chững lại nhưng chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 54.000 ca mắc sốt xuất huyết, ít nhất 34 người đã tử vong.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng phải nhập viện điều trị nội trú tại tại Khoa Truyền nhiễm tính từ tháng 5/2015 đến nay là 412 ca (tăng gấp 10 lần so với cả năm 2014). Chỉ tính riêng trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 năm nay, số bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue được điều trị tại khoa là 310 (chiếm 75% tổng số các ca), trong số đó nhiều ca nặng có biến chứng, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong.
Tiến sỹ Đỗ Duy Cường – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết năm nay dịch xuất hiện, bùng phát với số lượng nhiều hơn các năm và mặc dù thời tiết đã vào Thu-Đông nhưng số ca mắc chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nhập viện đến chủ yếu từ các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa của thành phố Hà Nội. Đây là những nơi tập trung nhiều nhà trọ sinh viên với điều kiện vệ sinh môi trường, nơi ăn chốn ở chưa được đảm bảo.
Đặc biệt, theo tiến sỹ Cường, năm nay do ảnh hưởng của El Nino, thời tiết nóng ẩm kéo dài nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch phát triển.
Hiện tượng El Nino mạnh nhất trong lịch sử vào lúc này là điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh, đời sống và tuổi thọ của muỗi có xu hướng kéo dài hơn, nghĩa là có điều kiện hoàn thành chu kỳ để gây bệnh của chúng hơn, bởi lẽ côn trùng gây bệnh thường là các vector biến thái, dễ bị thay đổi bởi các yếu tố môi trường và tự nhiên.
Ngoài ra, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), El Nino còn có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể các dịch bệnh khác đối với trẻ nhỏ, gồm sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, dịch tả – những căn bệnh dễ gây tử vong cao nếu không lưu ý đề phòng và khám chữa kịp thời.
– El Nino là sự nóng dần lên của nước biển ở phía Đông Thái Bình Dương, chủ yếu dọc theo đường Xích Đạo. Hiện tượng El Nino xảy ra trong khoảng từ 2-7 năm một lần với những cường độ khác nhau và khiến cho bầu khí quyển nóng lên, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu dịch bệnh ở các quốc gia bị ảnh hưởng. Tiêu biểu như, dịch sốt rét và sốt xuất huyết có thể tăng cao tại các quốc gia nóng lên do ảnh hưởng của El Nino.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự phát triển của Anopheles minimus và Anopheles dirus (vật chủ chính truyền bệnh sốt rét) và muỗi Aedes Aegypti (trung gian truyền bệnh sốt Dengue và sốt xuất huyết-DHF) sẽ có môi trường phát triển lý tưởng ở nhiệt độ 25-32 độ C.
– Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân nên chủ động và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống như sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.
Theo VietnamPlus