Một số nước trên thế giới đã ban hành các biện pháp siết chặt nhập cảnh nhằm ngăn chặn phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Ngày 10/11, Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho hay tất cả hành khách, bất kể quốc tịch, đáp các chuyến bay khởi hành từ nước này đến Trung Quốc đều phải có 2 chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, được thực hiện tại hai cơ sở khác nhau.
Quy định này do phía Trung Quốc ban hành và có hiệu lực từ ngày 11/11. Theo KDCA, hai xét nghiệm phải được thực hiện 48 giờ đồng hồ trước khi khởi hành tại các cơ sở do Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul chỉ định. Chi phí cho hai xét nghiệm này vào khoảng 400.000 won (tương đương 359 USD).
Trước đó, phía Trung Quốc chỉ yêu cầu hành khách khởi hành từ Hàn Quốc có 1 chứng nhận xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành.
Trong khi đó, Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao Israel thông báo sẽ dỡ bỏ quy định tự cách ly đối với những người từ Trung Quốc nhập cảnh nước này. Trong thông báo chung, hai bộ trên nêu rõ Trung Quốc đã được đưa vào danh sách vùng “xanh” do số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này vẫn ở mức thấp.
Trước đây Israel đã cho phép người lao động lành nghề và sinh viên từ Trung Quốc nhập cảnh nước này song phải cách ly 2 tuần.
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn nguồn hãng tin Tasnim của Iran cho biết Bộ trưởng Bộ Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli xác nhận nhà chức trách nước này sẽ áp đặt các hạn chế đối với các hoạt động kinh doanh trên toàn quốc để đối phó với tình trạng gia tăng lây nhiễm SARS-CoV-2 hiện nay.
Phát biểu bên lề cuộc họp tại Trung tâm Quốc gia về Quản lý và Phòng chống dịch bệnh COVID-19, ông Rahmani Fazli cho hay từ ngày 10/11 lệnh giới nghiêm sau 18h hằng ngày sẽ bắt đầu có hiệu lực tại các thành phố mới và áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp ngoại trừ các doanh nghiệp “cấp một”.
Ngày 7/11, Trung tâm trên đã thông báo lệnh giới nghiêm áp dụng cho tất cả các hoạt động và kinh doanh không thiết yếu ở thủ đô Tehran và ở tất cả các thành phố thủ phủ các tỉnh, áp dụng từ ngày 10/11 đến ngày 10/12.
Các hoạt động “cấp một” bao gồm các trung tâm y tế, hiệu thuốc, dịch vụ cứu hộ, cứu hỏa, xe cứu thương và các dịch vụ công cộng như điện, nước, điện thoại và thực phẩm như siêu thị và các chuỗi cửa hàng.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Italy ngày 9/11 thông báo mở rộng biện pháp siết chặt tại vùng Tuscany và 4 khu vực khác nhằm kiềm chế làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại nước này. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11/11.
Hồi tuần trước, Chính phủ Italy đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm và phân chia các khu vực theo màu dựa theo mức độ nghiêm trọng của các ổ dịch COVID-19, qua đó ban hành một số hạn chế bổ sung phù hợp với tình hình dịch bệnh tại từng vùng.
Theo quy định mới, vùng Tuscany, gồm các thành phố như Florence and Siena, cùng vùng Liguria; Abruzzo; Umbria và vùng miền Nam Basilicata, được phân loại là vùng da cam. Tại những khu vực này, các quán bar, nhà hàng buộc phải đóng cửa, trong khi cửa hàng được phép hoạt động. Người dân chỉ được phép đi lại trong thành phố.
Trong khi đó, thành phố Milan và phần lớn khu vực công nghiệp ở phía Bắc Italy được xếp vào vùng đỏ và phải thực hiện phong tỏa một phần.
Là quốc gia châu Âu đầu tiên hứng chịu dịch COVID-19, Italy đã khống chế đợt bùng phát dịch đầu tiên sau khi áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc hồi tháng 3 và tháng 4 vừa qua, song tình trạng gia tăng số ca mắc mới và tử vong đã buộc nước này áp đặt trở lại các biện pháp phòng dịch.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến nay, Italy đã ghi nhận 960.373 trường hợp mắc COVID-19 và 41.750 ca tử vong. Riêng trong ngày 9/11, nước này ghi nhận 25.271 ca mắc mới COVID-19, giảm so với 32.616 ca một ngày trước đó; số ca tử vong là 356 ca. Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện gia tăng cũng đang gây áp lực cho hệ thống y tế Italy, và theo cảnh báo của giới chức y tế, nếu xu hướng này tiếp diễn, số ca tử vong do dịch COVID-19 có thể lên tới 10.000 ca vào tháng tới.
Cùng ngày, chính quyền thành phố Podgorica của Montenegro thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại thành phố này trong bối cảnh giới chức y tế nỗ lực kiểm chế sự bùng phát dịch COVID-19 một tuần sau khi nhiều người đến dự lễ tang của một giám mục tại đây.
Quy định mới bao gồm lệnh giới nghiệm từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, đồng thời cấm người dân tại Podgorica cũng như tại thành phố Cetinje đến thăm hoặc gặp mặt nhau. Nhà hàng, quán bar buộc phải dừng hoạt động.
Các biện pháp trên được đưa ra sau khi Montenegro ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh trong những tuần qua, khiến quốc gia vùng Balkan này là một trong những nước có tỷ lệ mắc cao nhất châu Âu. Chỉ trong hai tuần qua, Montengro đã ghi nhận 5.300 ca mắc mới, và Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tình hình này “đáng báo động”.
Đặc biệt, quan ngại gia tăng sau khi hàng nghìn người dự lễ tang của Giám mục Amfilohije, người đứng đầu Giáo hội Cơ đốc tại Montenegro hồi đầu tháng 11 này, bất chấp cảnh báo của giới chức y tế nước này về nguy cơ lây nhiễm.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Bộ Y tế Colombia thông báo Chính phủ nước này sẽ thực hiện Chương trình Kiểm tra, Theo dõi và Cách ly Chọn lọc (PRASS) ở khu vực biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Giám đốc Cơ quan Dịch tễ học và Nhân khẩu học thuộc Bộ Y tế Colombia Julián Fernández Niño nhấn mạnh quốc gia Nam Mỹ này sẽ không từ bỏ những nỗ lực nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch COVID-19 từ việc mở cửa biên giới với các nước láng giềng.
Ông Fernández Niño cho biết các chiến lược giám sát dịch tễ học sẽ được tăng cường trong thời gian tới tại khu vực biên giới. Tuy nhiên, quan chức này cũng khẳng định việc Colombia mở cửa biên giới với Ecuador, Peru và Brazil cho đến nay chưa tạo ra nguy cơ liên quan đến dịch tễ học tại nước này.
Colombia đã đóng cửa biên giới trên biển, trên bộ và đường sông từ ngày 17/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Quốc gia Nam Mỹ này mở cửa trở lại biên giới với các nước láng giềng vào tháng 9 với lý do cần phải kích hoạt lại nền kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Colombia đã ghi nhận 1.143.887 ca mắc COVID-19, trong đó có 32.791 trường hợp tử vong.