Trái ngược với chốn phồn hoa đô thị, Cửu Long Thành Trại – bối cảnh của dự án điện ảnh “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” – lại sở hữu nhiều gam màu văn hóa độc đáo của Hồng Kông. Những điều đặc sắc đó sẽ được khắc họa thông qua các mô hình tái hiện chân thực bối cảnh phim. Triển lãm “Đến Hồng Kông, bước vào thế giới phim ảnh – Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” sẽ đưa người xem trở về khung cảnh những năm 1980, hòa mình vào dòng chảy lịch sử và văn hóa của xứ Cảng thơm.
Sau khi ra mắt vào tháng 6/2024, bom tấn điện ảnh “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” đã gây tiếng vang lớn trên toàn cầu. Bộ phim cũng lọt vào danh sách đề cử Liên hoan phim Cannes, đồng thời đại diện Hồng Kông ở hạng mục “Phim Truyện Quốc Tế Xuất Sắc” tại Giải Oscar 2025. Bối cảnh phim được dàn dựng công phu, cùng những pha hành động mãn nhãn của dàn diễn viên gạo cội đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Tiếp nối chuỗi thành tích đó, Tổng cục Du lịch Hồng Kông kết hợp cùng các đơn vị tổ chức triển lãm trưng bày “Đến Hồng Kông, bước vào thế giới phim ảnh – Cửu Long Thành Trại: Vây Thành”. Một mô hình căn nhà hai tầng cao 6.5m, với biển hiệu neon khổng lồ “Cửu Long Thành Trại” đã được trưng bày tại sảnh đón của sân bay quốc tế Hồng Kông (HKIA). Từng chi tiết được phục dựng cầu kỳ, tỉ mỉ theo tỉ lệ 1:1, như tiệm cắt tóc, quán trà, cửa hàng và các ngõ hẻm quanh co trong thành phố. Triển lãm đang diễn ra từ nay đến ngày 20/11. Buổi triển lãm thứ 2 dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 12 tại trung tâm mua sắm AIRSIDE ở thành phố Cửu Long – bối cảnh chính của bộ phim.
“Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” kể về câu chuyện của chàng thanh niên Trần Lạc Quân (Lâm Phong). Anh là một thanh niên lạc lối, vô tình bước vào thế giới tội phạm và trở thành anh em với các băng đảng xã hội đen đầy nguy hiểm tại Cửu Long Thành Trại. Dưới sự lãnh đạo của Long Quyển Phong (Cổ Thiên Lạc), họ đã lập lời thề bảo vệ nơi trú ẩn tại Cửu Long Thành Trại của mình. Bộ phim lấy bối cảnh tại khu vực đầy hỗn loạn, tối tăm của Thành phố Cửu Long cũ. Và buổi triển lãm sẽ mang những thước phim trên màn ảnh bạc ra ngoài đời thực, đưa khán giả trở lại thời kỳ hoàng kim của một địa điểm huyền thoại đã bị phá hủy, cùng cuộc sống của người dân nơi đây vào những năm 1980.
Tiệm cắt tóc: Một trong những bối cảnh chính của phim là tiệm cắt tóc của của Lâm Quyển Phong. Cửa tiệm mang đường nét kiến trúc, văn hóa của những năm 1980, với gạch lát sàn mosaic, ghế barber màu đỏ cổ điển và các dụng cụ làm tóc lâu đời. Bối cảnh ghi hình cũng được giám đốc nghệ thuật Mak Kwok Keung tìm hiểu và phục dựng lại từ những bức ảnh và thông tin cũ.
Quán trà: Đây là nơi tụ họp quan trọng của băng nhóm ở khu Cửu Long Thành Trại trong phim. Các gam màu ấm như be, nâu và cam được chọn làm màu sắc chủ đạo để tạo nên một không gian ấm áp và thoải mái. Triển lãm sẽ phục dựng quán ăn, cùng các món quay Quảng Đông và cơm xá xíu trên bàn ăn – một biểu tượng tình bạn giữa các nhân vật. Kiểu nhà hàng bình dân Cha Chaan Teng này cũng là một nét văn hóa đặc sắc, hiện thân cho sự giao thoa Đông – Tây của Hồng Kông.
Xưởng hoa nhựa: Cửa hàng là nơi nhân vật Trần Lạc Quân mua một chiếc mặt nạ kẹo socola để ngụy trang, cũng là một điểm nhấn thú vị không thể bỏ qua trong triển lãm. Các món ăn vặt, đồ chơi bên trong cửa hàng và xưởng hoa nhựa được tái hiện một cách chân thực, chứa đựng hơi thở Hồng Kông ở thập niên 80 đầy hoài niệm.
Cửa hàng đồ gia dụng: Những vật dụng gắn liền với sinh hoạt thường ngày của cư dân khu Thành Trại, như giếng nước, đồ điện gia dụng và cửa hàng đồ cũ, cũng được dựng lên đầy chân thực. Khung cảnh hoài cổ này sẽ đưa người xem ngược dòng thời gian về những con phố xưa.
Ngõ tối: Những đường hẻm hẹp khét tiếng là “đấu trường” của các trận chiến hành động kịch tính trong phim. Con hẻm ngoằn ngoèo, tối tăm, với những cánh cửa chớp rỉ sét, những đường dây điện chằng chịt trên cao khiến ánh sáng hầu như không lọt qua đều được phục dựng công phu đến từng chi tiết. Qua bàn tay tài hoa của các nhân viên sáng tạo trong đội ngũ sản xuất, con hẻm nhỏ đã trở nên sinh động hơn bao giờ hết, bóc trần những góc khuất đầy bí ẩn của thành phố Cửu Long cũ.
Gác mái: Trong không gian nhỏ hẹp của gác mái, Trần Lạc Quân đã tìm thấy một nơi trú ẩn, cùng những người bạn đáng tin cậy. Bộ phim miêu tả chân thực cuộc sống của những người dân khu Thành Trại, từ những vật dụng quen thuộc như quạt trần, bàn mahjong (bàn chơi mạt chược) đến những thùng bia xếp chồng lên nhau. Các chi tiết nhỏ này đã giúp tạo nên một không gian sống động và gần gũi với khán giả.
Đến với triển lãm, bạn đừng quên tìm kiếm poster điện tử giới thiệu về phiên bản hiện đại của khu Thành Trại, giúp bạn hiểu rõ hơn về sự phát triển và bảo tồn của di tích lịch sử này. Đồng thời, triển lãm cũng sẽ có một bảng thông tin đầy đủ về lịch sử của khu Cửu Long Thành Trại và dự án điện ảnh “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành”. Ngoài ra, du khách cũng có thể tham khảo hướng dẫn du lịch do Tổng cục Du lịch Hồng Kông biên soạn, để khám phá thêm những điểm đến hấp dẫn xoay quanh bộ phim đình đám.
Sau khi triển lãm tại sân bay khép lại, không gian “Cửu Long Thành Trại: Vây Thành” sẽ được chuyển đến trung tâm mua sắm AIRSIDE ở Kai Tak vào mùa lễ hội cuối năm. Đây là một địa điểm gần gũi với bối cảnh gốc của bộ phim. Tại đây, du khách sẽ được đắm chìm vào hành trình đến thành phố tường thành Cửu Long trong những ngày tươi đẹp xưa cũ, khám phá từng ngóc ngách và hòa mình vào câu chuyện chân thực. Với thiết kế đặc biệt, triển lãm sẽ mang đến cho người tham dự một trải nghiệm nhập vai độc đáo, như thể bạn đang thực sự sống trong bộ phim.