“Địa chủ” không tiền giữa nội đô

Tư Râu và đàn vịt giữa đồng hoang

Tư Râu và đàn vịt giữa đồng hoang.

“Địa chủ” không tiền

Chúng tôi tìm đến nhà anh Tư Râu, Tổ phó tổ 28 (khu phố 3, phường 28) theo lời chỉ dẫn của một số người trong xóm nhưng không gặp. “Vợ nó bệnh, nằm bệnh viện mấy hôm rày.

Nó ở bệnh viện chăm vợ”- mẹ anh nói. Sau nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng người viết cũng gặp được Tư Râu ngay chính tại túp lều vịt của anh. Gọi là Tư Râu nhưng người đàn ông dong dỏng cao gầy, tuổi ngũ tuần này lại có khuôn mặt nhẵn nhụi.

Tư Râu tên thật là Bùi Dũng Minh, 50 tuổi. Nhà anh ở đất này từ xa xưa đến giờ. Năm 1982, khi 19 tuổi, Tư Râu đi bộ đội, làm lính pháo cao xạ và từng đi chiến dịch Campuchia.

Năm 1985, Tư Râu xuất ngũ với quân hàm hạ sỹ. Về nhà được ít lâu, anh lập gia đình, rồi có 1 con trai. Vợ mất sớm, Tư Râu đi bước nữa và có với người vợ sau 1 con gái. Con gái của Tư Râu có mái tóc xoăn tít như búp bê, năm nay lên 7 tuổi, học lớp 2.

Nhà Tư Râu có 9 công đất (1 công =1.000 m2). Cuộc sống gia đình Tư Râu nhờ vào trồng lúa. Tư Râu nhẩm tính, mỗi công đất chỉ thu được 15 dạ, tương đương 300 kg/vụ.

“Với mức thu nhập đó, không cách gì đủ sống” – Tư Râu phân trần, do đất xấu, nước nhiễm phèn, phần quy hoạch cứ treo lơ lửng trên đầu nên không ai an tâm để đầu tư lâu dài, ai cũng có tâm lý làm được ngày nào hay ngày đấy bởi phải “nhổ gốc” đi bất cứ lúc nào.

Chính vì thế, dù thuộc hàng “địa chủ” trong làng nhưng với 9 công đất vẫn không đủ cho mấy miệng ăn trong nhà. Khi vợ sinh con, khó khăn của gia đình dần tăng lên. Bức bách, 6 năm trước Tư Râu quyết định ra giữa đồng vắng dựng lều chăn thả vịt kiếm thêm thu nhập.

Thấy con cái khó khăn, mẹ anh tính sang nhượng một ít đất để lo cho con cái làm ăn và chữa bệnh nhưng không ai dám bỏ tiền ra mua mảnh đất sẽ bị thu hồi bất cứ lúc nào.

Theo Tư Râu, dù mang tiếng được quyền sang nhượng, cho tặng đất… theo quy định của pháp luật nhưng thực chất người dân sống trong vùng quy họach treo Bình Quới chẳng có được quyền này theo đúng nghĩa và đó là thiệt thòi lớn.

Phường… vùng sâu

Thi thoảng gia đình Tư Râu lại hái rau kèo nèo đi bán kiếm tiền lo chợ búa

Thi thoảng gia đình Tư Râu lại hái rau kèo nèo đi bán kiếm tiền lo chợ búa.

“Tiếng là phường, nằm ở một quận trung tâm thành phố nhưng nơi này chẳng khác sâu vùng xa và không ai có thể tưởng tượng được đây là thành phố” – Hà Quốc Tân, một thanh niên làm nghề kinh doanh môi giới đất ở tổ dân phố 34, phường 28 thốt lên.

Tháng 8 – 1992, khu vực Bình Quới, được thành phố quy hoạch phát triển khu đô thị, văn hóa, thể thao, nghỉ dưỡng. Đến nay, sau nhiều lần đổi chủ đầu tư, dự án vẫn nằm trên giấy và tiếp tục rơi vào quên lãng.

Hậu quả của 20 năm quy hoạch treo là hạ tầng yếu kém, đường sá lầy lội đầy ổ gà ổ voi, nhà cửa xuống cấp, hư hại nhưng không được sửa chữa, tôn tạo…

Bán đảo Thanh Đa được nối với “đất liền” và trung tâm thành phố bằng con đường độc đạo băng qua cây cầu duy nhất: Cầu Kinh. Mãi đến năm ngoái con đường này mới được sửa sang, nâng cấp nhưng vẫn rất chật hẹp.

Đa phần những con đường còn lại dẫn vào các xóm làng vẫn trong tình trạng sình lầy, nhếch nhác. “Phụ nữ mang bầu, chỉ cần đi xe một đoạn là đẻ vì đường xóc”- Tân dí dỏm.

Theo UBND phường 28, phân nửa diện tích 450ha đất thuộc khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa hiện là đất nông nghiệp. Người dân tại địa phương chủ yếu làm ruộng, nuôi cá.

Nhưng theo ông Mai Văn Ba – Trưởng khu phố 3, số hộ nuôi cá không đáng kể vì chi phí đầu tư ban đầu cũng như đầu tư thường xuyên rất lớn. Đất nông nghiệp ở đây xấu nên năng suất lúa rất thấp, trong khi chi phí thuê mướn nhân công làm đất tăng cao nên nhiều người làm lúa mùa trước xong để nguyên gốc cấy tiếp mùa sau, được bao nhiêu thu bấy nhiêu.

Trồng hoa sen thu nhập cũng không cao hơn trồng lúa vì chỉ thu được sáu tháng, thời gian còn lại sen rụi lá để chuẩn bị mọc mầm mới. Đất tuy nhiều nhưng bỏ hoang gần hết, và dù có làm vẫn không đủ sống. Phần lớn thanh niên phải ly nông tìm kế sinh nhai, chỉ có người già ở nhà làm ruộng.

Mừng hụt

Tháng 3 – 2010, UBND TPHCM có Quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi đất để thực hiện Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Nhiều người dân Bình Quới nhảy cẫng vui sướng, vì từ nay được trả lại quyền định đoạt đối với nhà cửa, đất đai của mình.

Nhưng mừng hụt. Một lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh giải thích, kể từ khi có Quyết định 614 của UBND Thành phố, dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa coi như mới chỉ có quy hoạch, chưa bị thu hồi đất, nên người dân có thể thực hiện quyền mua bán, tặng cho, thế chấp… tài sản của mình theo quy định của pháp luật.

Điều đó có nghĩa, người dân nơi đây vẫn chưa thoát khỏi án treo quy hoạch – điều mà họ mong mỏi nhất từ 20 năm nay. Thực tế, các hoạt động xây cất nhà mới, sửa chữa nhà cũ, sang nhượng đất đai hoặc làm chủ quyền nhà đất vẫn rất nhiêu khê.

Vừa dặm vá con đường đất nhỏ dẫn vào nhà, ông Nguyễn Văn Nhạn (386/9 đường Bình Quới) vừa kể: Bảy, tám năm về trước, Phường đến cắm cột mốc mở đường 12 m đi qua mặt nhà tôi. Lộ giới đường “ăn” vào đất của tôi khoảng chục mét và cắt căn nhà tôi đang ở hết chừng 4 mét.

Từ ngày đó đến nay, dấu mốc con đường vẫn còn đó, nhưng không thấy ai đả động chuyện mở đường.

Thêm vào đó, với quy hoạch treo từ 20 năm trước, nhà tôi xuống cấp trầm trọng, muốn sửa sang nâng nền, nâng mái đều không được. Mới đây thì được phép, nhưng thủ tục rất nhiêu khê.

“Chua” nhất vẫn là khâu làm chủ quyền nhà đất, cất nhà, tách hộ. Ông Bùi Văn Beo (tổ 29, khu phố 3) kể khi con cái lớn phải ra riêng, đất ông bà để lại thì có nhưng con cháu muốn tách hộ xây cất nhà ở cũng không được.

Bức bí quá, đành phải làm liều để ở”-ông Beo nói. Nhiều người muốn sang nhượng đất đai để đầu tư làm ăn cũng không được.

Mấy hôm nay trời “động”, mưa to cộng với triều cường khiến cho nước ngoài đìa dâng cao và có nguy cơ tràn qua bờ đê vào nhà. Hai cha con ông Huỳnh Văn Kính, 58 tuổi (ở 480/3/31/1, đường Bình Quới) phải củng cố đê bao quanh nhà.

Từ sáng sớm, người con trai ông Kính đẩy chiếc thuyền nhỏ làm bằng kim loại qua bên kia bờ đìa lặn xuống xắn từng cục đất đem về đắp đê. “Mỗi năm mỗi đắp, không thì nước tràn vào sân vườn, ngập đến rốn, nước ngâm lâu cây trong vườn chết hết…”- ông Kính nói. Bờ đê bao hiện đã cao hơn sân vườn cả mét, khiến nhà ông Kính như nằm trong lòng chảo.

Vầng sáng bồn chồn

Cảnh sống tạm bợ, nhếch nhác tại Bình Quới

Cảnh sống tạm bợ, nhếch nhác tại Bình Quới .

Đàn vịt nhà Tư Râu suốt ngày sục sạo ngoài ruộng tìm cái ăn. Mặc dù vậy, Tư Râu bảo, chiều về vẫn phải đổ lúa cho chúng ăn thêm vì thức ăn ngoài đồng không đủ no để đẻ trứng. Trong đàn vịt phởn phơ vẫn có vài con đèo đẹt.

Vừa rồi, Tư Râu làm một con vịt còi và mua xị rượu đế nhâm nhi để gọi là “kỷ niệm 20 năm quy hoạch treo khu Bình Quới – Thanh Đa”.

“Lễ kỷ niệm” ngay tại túp lều vịt của mình ở giữa đồng ruộng, cạnh bờ sông Sài Gòn. “Lễ kỷ niệm” diễn ra lặng lẽ, nhưng trong lòng Tư Râu luôn có những đợt sóng ầm ào.

Chỉ tay về bên kia sông Sài Sòn, nơi có những khu biệt thự Thảo Điền, An Phú (quận 2) sang trọng, Tư Râu Bảo: “Cách đây 20 năm, bên đó cũng như bên này, toàn đồng hoang cỏ dại. Bây giờ bên ấy phố xá sầm uất, còn bên này vẫn cỏ dại đồng hoang. Nghĩ mà đau. Điều khiến anh “đau” nhất là nằm trên một đống tài sản, đất đai, ruộng đồng mênh mông mà vẫn nghèo đói. Nhiều lúc muốn cười mà nước mắt cứ chảy quanh vì tủi thân.”

Đang mơ màng, Tư Râu choàng tỉnh khi thấy người phụ nữ trẻ ôm rau kèo nèo ở phía ngoài lều vịt. “Anh Tư, chừng này là được á?”- người phụ nữ hỏi. “Ừ, được”– Tư Râu trả lời.

Đợi khi người phụ nữ chất rau lên chiếc xe đạp ọp ẹp đi khuất, Tư Râu giải thích: “Đó là cô em vợ. Khi vợ bệnh, cô ấy ra hái rau giúp đem về bỏ mối lấy tiền chạy chợ. Mỗi bó rau chừng hai bàn tay ôm bán được 4.000 đồng. Loại này là đặc sản, các nhà hàng rất chuộng, nhưng rau trồng chỉ có hạn và thỉnh thoảng mới hái một lần”.

Trời về chiều. Tư Râu vội vã rời lều vịt vào bệnh viện chăm sóc vợ.

Nên “cứu” bán đảo Thanh Đa

Đó là thông điệp của Chủ tịch Học viện và Hội Kiến trúc Hoàng gia Anh, bà Angela Brady, gửi đến lãnh đạo TPHCM và Bộ Xây dựng Việt Nam trong khuôn khổ hội thảo “Kiến trúc và thiết kế phát triển bền vững” do Hội đồng Anh phối hợp Phòng Thương mại – Đầu tư Anh quốc tại Việt Nam tổ chức cuối tháng 3-2012.

Trước đó, qua thị sát thực tế, bà Angela và nhiều chuyên gia cùng nhận định bán đảo Thanh Đa là một trong số ít ỏi khu bảo tồn sinh thái và lịch sử còn sót lại của TPHCM, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, bán đảo Thanh Đa đang đối mặt với sạt lở đất, ngập nước ven sông, nền đất yếu…

Theo bà Angela Brady, TPHCM nên “cứu” bán đảo Thanh Đa bằng cách giữ nguyên hiện trạng, không nên bê tông hóa hay thêm các công trình cao tầng, không nên di dời người dân để thực hiện các dự án thương mại vì họ là một phần của lịch sử, góp phần phát triển bán đảo Thanh Đa.

Theo Tiền Phong


From the same category