Đi viện, bệnh nhân thành con nợ - Tạp chí Đẹp

Đi viện, bệnh nhân thành con nợ

Tin Tức

Tiền túi người dân chi trả trực tiếp cho viện phí là cạm bẫy đói nghèo, nhưng thực tế tại Việt Nam cho thấy chi từ tiền túi người dân cho y tế đang ở mức cao (47%, trong khi WHO khuyến cáo phần này không nên vượt quá 30-40%).

Trốn viện, thành con nợ vì viện phí

Đối tượng đầu tiên có nguy cơ trở thành “con nợ” khi mắc bệnh, đặc biệt là bệnh hiểm nghèo, là những đối tượng không có BHYT. Trong bối cảnh giá viện phí tăng, chi phí khám chữa bệnh tăng, áp lực về viện phí càng đè lên vai người bệnh chưa có BHYT.

Bà Phạm Thị Hồng, trú tại huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) bị ung thư gan nhưng không có thẻ BHYT do không có tiền mua. Bà cho biết gia đình cũng không thuộc diện được Nhà nước mua thẻ BHYT cho do ở địa phương còn quá nhiều người nghèo hơn cả gia đình bà.

Khi xuống bệnh viện K khám, điều trị dài ngày, bà không kham nổi các khoản viện phí cũng như chi phí ăn ở, đi lại, do đó, đã bỏ viện về nhà, mặc cho bệnh tình chưa thuyên giảm.

Con cái bà Hồng thấy vậy nên không đồng ý, “vận động” bà bán một vài trong số 10 con trâu đang nuôi – tài sản lớn nhất của cả gia đình – để lấy tiền chữa bệnh. Nhưng số tiền này cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu điều trị căn bệnh ung thư gan quái ác…

 

Nhiều bệnh nhân ung thư kiệt quệ vì không có tiền trả viện phí khi không có thẻ BHYT. Ngay cả với những bệnh nhân có thẻ BHYT thì phần đồng chi trả và phần chi trả cho những dịch vụ ngoài danh mục là một gánh nặng với họ – (Ảnh chụp tại BV K. Ảnh: C.Q) 

Hoàn cảnh của bà Hồng không phải hiếm trong các bệnh viện hiện nay. Tình trạng gặp khó khăn do không đủ sức trả tiền viện phí luôn khiến người bệnh đau đầu, nhiều người dân không có thẻ BHYT đi viện lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng vì cứ mỗi lần ốm dậy là họ trở thành “con nợ”.

Thậm chí, ngay cả bệnh nhân đã có thẻ BHYT nhưng do mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị lớn vượt xa danh mục được thanh toán nên cũng rơi vào tình cảnh tương tự, bởi ngoài phần phải đồng chi trả, người bệnh còn phải trả cả khoản ngoài danh mục được BHYT thanh toán.

Ông Nguyễn Tiến Công, Trưởng khoa Nhi (cơ sở Tam Hiệp của bệnh viện K) cho biết điều trị bệnh ung thư rất tốn kém, những trẻ em dưới 6 tuổi được BHYT chi trả 100% nhưng với số trẻ trên 6 tuổi, đang đi học thì ngoài khoản BHYT chi trả, gia đình phải đồng chi trả 20% chi phí điều trị. Đây là một gánh nặng lớn, đặc biệt là với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Cũng vì điều này gia đình bệnh nhân N.T.T. (37 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) phải đau đầu. Dù có thẻ BHYT (dành cho người tàn tật) nhưng khi phải vào bệnh viện Bạch Mai thực hiện phẫu thuật “thông nút động mạch cảnh xoang hang”, chi phí phẫu thuật lên tới gần 100 triệu đồng song chị T. chỉ được BHYT thanh toán một nửa, một nửa còn lại được giải thích là do chi cho các khoản ngoài danh mục nên gia đình phải bỏ tiền túi ra trả.

Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết bệnh viện mình là tuyến cuối, có nhiều bệnh nhân nặng, kinh tế khó khăn, không đủ tiền thanh toán viện phí (kể cả bệnh nhân có BHYT) nên tình trạng bệnh nhân bỏ viện, trốn viện (để không phải thanh toán tiền viện phí) đã trở nên rất phổ biến.

Tính đến nay, bệnh viện đang bị “nợ” rất nhiều tiền từ những đối tượng bệnh nhân này và không biết phải tìm cách nào để giải quyết.


Cạm bẫy đói nghèo

Hiện nay, thống kê của Bộ Y tế cho thấy chi từ tiền túi người dân cho y tế ở Việt Nam đã giảm trong những năm qua nhưng còn ở mức 47%, cao hơn khuyến cáo của WHO (WHO khuyến cáo phần chi trực tiếp này không nên vượt quá 30-40%).

Viện phí chi trả trực tiếp từ tiền túi của người dân là cạm bẫy của đói nghèo (Ảnh: C.Q)

Đánh giá về tác động của việc người dân phải bỏ nhiều tiền ra chi trả trực tiếp cho viện phí, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Một nền y tế mà có đến trên 50% là tiền túi của người dân bỏ ra thì đó là nền y tế không công bằng. Vì tiền túi của người dân phải bỏ ra mỗi khi đau ốm là cạm bẫy của sự đói nghèo”.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để giảm chi phí trực tiếp từ tiền túi của người dân, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp gồm: Xây dựng chính sách phù hợp về cơ chế tài chính y tế; Tăng độ bao phủ của BHYT (tỷ lệ bao phủ của BHYT càng cao thì tiền túi người dân bỏ ra càng ít); Tăng quyền lợi của gói chi trả dành cho bệnh nhân BHYT (gói chi trả càng cao thì người dân càng bỏ ra ít tiền túi của mình).

Theo Bộ Y tế, để thực hiện BHYT toàn dân phải đạt 3 mục tiêu: Số lượng người dân tham gia BHYT nhiều lên; Số lượng dịch vụ y tế nhiều hơn và Chi phí tiền túi thấp đi. Bộ Y tế sẽ rà soát lại danh mục thuốc BHYT để cân đối quỹ và quyền lợi của người bệnh.

Tại “Diễn đàn cấp cao về BHYT toàn dân” nằm trong khuôn khổ hội nghị của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 đang diễn ra tại Hà Nội, WHO cam kết sẽ hỗ trợ tài chính để những nước đang phát triển có thể đạt được tỷ lệ BHYT toàn dân cao hơn.

Không dám đi viện vì không có tiền

Theo thống kê, tại Việt Nam, có khoảng 40% người nghèo ốm đau bệnh tật không được điều trị vì không có tiền.

Nghiên cứu năm 2010 của Chương trình phát triển Liêp hợp quốc (UNDP) tại Hà Nội và TP HCM cũng chỉ ra rằng có 1,47% số người được hỏi tại Hà Nội (chưa mở rộng) và 3,77% số người được hỏi tại TP.HCM cho biết họ không đi khám bệnh vì không có tiền. 

 
Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

28/09/2012, 09:51