Dị ứng và miễn dịch

Đôi khi, dị ứng gây chết người. Người ta không quá ngạc nhiên nhưng cũng tặc lưỡi: “Thật là không may, chỉ mắc dị ứng thôi mà cũng chết!”. Nhưng một căn bệnh có tên gọi chung là bệnh tự miễn (thường ít người để ý đến và đôi khi chỉ đơn giản là nhầm nó với bệnh ngoài da) thì lại hầu như nằm chờ chết. Hiện nay, hơn 60% bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) mắc các bệnh tự miễn. Với họ, ngày tháng hy vọng sống còn lại là những tổn thương đau đớn trên cơ thể.


1.001 các bệnh dị ứng

Nhìn chung, tỷ lệ người bệnh dị ứng trên thế giới cũng như tại nước ta hiện nay có xu hướng tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và gây nhiều tổn thất về kinh tế.

Các dị nguyên đường hô hấp như bọ, bụi nhà, phấn hoa, lông và biểu bì súc vật, nấm mốc… là nguyên nhân gây bệnh thường gặp, đặc biệt là dị ứng đường hô hấp như hen phế quản (HPQ) và viêm mũi dị ứng (VMDƯ).

Một số loại thuốc hay gây dị ứng ở Việt Nam:

1. Các nhóm kháng sinh, sulfamid – 2. Thuốc chống lao – 3. Thuốc thần kinh – tâm thần – 4. Thuốc trị giun – 5. Dịch truyền – 6. Corticoid – 7. Các vitamin – 8. Vaccin và huyết thanh – 9. Thuốc giãn cơ – 10. Thuốc tim mạch – 11. Thuốc gây mê, tê – 12. Thuốc bôi ngoài da – 13. Kháng histamine H1 – 14. Chống sốt rét – 15. Thuốc y học dân tộc.

Theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu, dị ứng với bọ, bụi nhà, lông và biểu bì súc vật chiếm tỷ lệ hàng đầu ở người bệnh HPQ và VMDƯ. Dị ứng với nấm mốc và phấn hoa rất hiếm gặp. Ở Đông Nam Á, đã có vài nghiên cứu về dị nguyên gây bệnh, như tại Malaysia cho tỷ lệ dương tính cao với các dị nguyên bọ nhà (72%) và Blatte germanique (43%) khi làm test lẩy da.

Tại Thái Lan, tỷ lệ dương tính cao nhất khi làm test lẩy da là với các loại dị nguyên D.pteronyssinus (67%), D.farinae (62%) và Blatte american (44%). Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5% người lớn và 10% trẻ em mắc HPQ.

>> Các loại dị ứng thường gặp

1. Viêm mũi dị ứng
Là bệnh dị ứng – di truyền, xảy ra do tiếp xúc với dị nguyên có trong môi trường và thực phẩm. Nguyên nhân do các dị nguyên: bọ bụi nhà, thú có lông, nấm mốc, phấn hoa.
Triệu chứng: Chảy nước mũi, nước mắt, nghẹt mũi, hắt hơi từng tràng, ho, buồn ngủ, mệt mỏi, bứt rứt, căng nhức vùng mặt.

2. Hen phế quản
Theo thống kê, toàn cầu hiện nay có khoảng 300 triệu người HPQ. Mỗi năm có khoảng 250.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. HPQ và các bệnh dị ứng đã trở thành mối đe dọa về sức khỏe và là gánh nặng cho toàn nhân loại.

Dấu hiệu nhận biết hen khi có tiền sử tái đi, tái lại: Ho, khò khè, thở nhanh hay thở nông, tức ngực. Triệu chứng có thể xảy ra và nặng hơn vào ban đêm.

Những triệu chứng này trở nên xấu hơn khi: Nhiễm siêu vi (cúm), đùa nghịch quá mức, tiếp xúc khói thuốc, bếp than, mùi nặng…; tiếp xúc dị nguyên: bụi nhà, phấn hoa, thú vật, nấm mốc, phân gián; thay đổi khí hậu; cười, khóc.

3. Viêm màng kết mạc mùa xuân
Bệnh chỉ xảy ra vào mùa xuân, mắt nề, đỏ, ngứa dữ dội. Qua mùa xuân, bệnh tự khỏi.

4. Dị ứng mỹ phẩm
Một nữ bệnh nhân đã phải đến viện cấp cứu vì trong đêm tân hôn, chị sử dụng phấn Con én bôi lên da mặt làm đẹp. Kết quả là da sưng tấy, đỏ như tôm luộc và ngứa dữ dội. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm da tiếp xúc do phấn gây ra.

Nhận biết lâm sàng: Đỏ da, phù, nổi mụn nước, ngứa. Bệnh sẽ tái phát khi tiếp xúc lại với mỹ phẩm.


5. Dị ứng thức ăn
Là phản ứng quá mức của cơ thể đối với thức ăn đặc biệt, kèm theo đáp ứng miễn dịch bất thường. Thường là phản ứng dị ứng tức thì: xuất hiện triệu chứng nhanh, xuất hiện trong vòng 2 giờ nhưng cũng có bệnh nhân xuất hiện phản ứng dị ứng muộn: 1 -3 ngày.

6. Viêm da dị ứng
Đây có thể là biểu hiện đầu tiên trong tiến trình phát triển các bệnh dị ứng suốt cuộc đời. Thực tế cho thấy, khoảng 75 – 80% bệnh nhân viêm da dị ứng bị viêm mũi dị ứng và trên 50% bệnh nhân viêm da dị ứng mắc phải chứng hen suyễn.
Viêm da dị ứng có 2 loại: Viêm da cơ địa và viêm da tiếp xúc.

>> Viêm da cơ địa thường kết hợp với VMDƯ, HPQ có tính gia đình, hay tái phát, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân: Do dị ứng từ thức ăn như sữa, trứng, vừng, lạc, thịt gia cầm hoặc các loại bụi, phấn hoa, nấm mốc… Cũng có thể do stress, thường gặp ở phụ nữ trẻ tuổi sau sang chấn tâm thần.

Khi bị mắc viêm da cơ địa, bạn sẽ thấy da khô, đỏ và ngứa, gãi nhiều dẫn đến xây xát, tiết dịch, phù nề, sẹo. Nếu tái phát, gãi nhiều, da bị dày sừng, nhiễm sắc tố tại các vùng da như má, trán, mặt sau chi trên, mặt trước chi dưới, các nếp gấp của da.

>> Viêm da dị ứng thường bị ở vành tai, cổ, lưng, cổ tay, bẹn, các vùng da hở khác do tiếp xúc với một số đồ vật như vòng đeo tay, vòng cổ, cổ áo, đeo kính, nhuộm tóc, sơn móng tay, móng chân, dùng thuốc… Biểu hiện trên da là các vết đỏ, phù, nổi mụn nước, ngứa. Sau khi khỏi bệnh vẫn tái phát, mặc dù không còn tiếp xúc với dị nguyên.

Một số ví dụ điển hình như: viêm da tiếp xúc do tetracycline, erthrogel, viêm da kích ứng tiếp xúc do mỡ penicilin.


7. Dị ứng thuốc
Từ năm 1990, nền kinh tế nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường. Việc nhập và bán thuốc khá dễ dàng. Nhiều thuốc kém chất lượng, quá hạn, thậm chí thuốc giả vẫn được lưu hành.

Nhiều bác sĩ quen điều trị bao vây, dùng thuốc chưa đúng chỉ định, chưa nắm vững các đặc điểm của dị ứng thuốc, tương tác, tương kỵ và sự phối hợp giữa các thuốc với nhau. Việc sử dụng thuốc trong cộng đồng khá bừa bãi.

Chuyên lạm dụng thuốc, tự điều trị và điều trị cho người khác rất phổ biến. Vì vậy, các tai biến dị ứng thuốc xảy ra thường xuyên, ngày càng nhiều với hậu quả rất nghiêm trọng. Các biểu hiện nặng của dị ứng thuốc như: sốc phản vệ, hội chứng Stevens – Johnson và Lyell… không còn xa lạ và nhiều trường hợp đã tử vong.

Theo nghiên cứu của khoa Dị ứng, trường Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ dị ứng thuốc của cả nước là 7,84%. Trong đó, dị ứng thuốc ở nhân viên y tế bệnh viện là 16,82%; ở cộng đồng dân cư là 4,24%; phường: 4,54%; trong các nhà máy, xí nghiệp: 6,81%. Nhóm kháng sinh gây dị ứng chiếm 53,79% các loại thuốc.

Hai tác giả: GS – TSKH Nguyễn Năng An và PGS – TS Nguyễn Văn Đoàn sau 25 năm nghiên cứu lâm sàng dị ứng thuốc tổng hợp tại khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (1981 – 2005), với 2067 người bệnh dị ứng thuốc, đưa ra kết quả: 136 loại thuốc gây dị ứng. Ampicillin hay gặp nhất (34,01%). Thuốc Đông y: 6,0 %… Kháng sinh là nguyên nhân chủ yếu (75,71%) với 28 nhóm thuốc gây dị ứng. Họ beta-lactamin chiếm 63,58%.

Các biểu hiện lâm sàng đa dạng gồm 24 loại triệu chứng, hay gặp nhất là ban đỏ có ngứa. Hội chứng Stevens – Johnson và Lyell: 10,35%. Tỷ lệ tử vong của hội chứng Stevens – Johnson và Lyell là 6,07%.

Với đà phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp hóa dược mấy thập kỷ vừa qua, nhiều nước trên thế giới sản xuất các thuốc chữa bệnh với khối lượng lớn. Số lượng thuốc ngày càng tăng, ước tính mỗi năm có khoảng 5.000 loại. Các biệt dược nhiều vô kể.

Do cạnh tranh và chạy theo thị hiếu khách hàng, các công ty dược, hãng thuốc đua nhau sản xuất nhiều biệt dược mới. Để đảm bảo tính độc quyền, nhà sản xuất còn giấu công thức, không công bố hết các thành phần của thuốc hoặc các tá dược, gây nhiều lúng túng cho thầy thuốc khi sử dụng hoặc đối phó với những biến chứng.

Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng, có tính mẫn cảm chéo, hay xảy ra trên những bệnh nhân có cơ địa dị ứng. Một số bệnh nhân thường bị sốc phản vệ do cefalexin, mày đay cấp toàn thân sau khi tiêm ampicilin đã được điều trị tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng.


Chẩn đoán bệnh dị ứng

Những năm gần đây, các kỹ thuật chẩn đoán miễn dịch – dị ứng học cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sinh học phân tử, tổ hợp gen, kỹ thuật ELISA và các phương pháp chẩn đoán đặc hiệu khác, đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong chẩn đoán các bệnh lý có cơ chế dị ứng – miễn dịch.

Các phương pháp chẩn đoán đặc hiệu bệnh dị ứng thường được sử dụng như khai thác tiền sử dị ứng, test lẩy da, test trong da, test áp, định lượng IgE đặc hiệu bằng phương pháp ELISA, test chuyển dạng lympho bào… giúp xác định chính xác nguyên nhân gây dị ứng.

Khai thác tiền sử dị ứng và làm các test da là phương pháp kinh điển nhưng đơn giản, dễ thực hiện và rất có ích trong chẩn đoán đặc hiệu nguyên nhân dị ứng với nhiều loại dị nguyên khác nhau như thuốc, vắc-xin, mỹ phẩm, bọ nhà, phấn hoa… Tùy theo loại quá mẫn và thời gian đọc test, người ta phân test da làm hai loại chính là test da đọc nhanh và test da đọc chậm.

Test da đọc nhanh bao gồm 2 kỹ thuật là test lẩy da và test trong da, được chỉ định với các thể quá mẫn type I (quá mẫn nhanh) như mày đay, Quincke, viêm mũi dị ứng… Các test này có giá trị chẩn đoán cao với một số dị nguyên như kháng sinh nhóm beta-lactam, quinolon, rifampicin, thuốc giãn cơ, latex, corticoid, một số thuốc ức chế miễn dịch (cyclophosphamide), chất cản quang (fluoresceine), chất sát khuẩn (chlorhexidine), một số sinh phẩm như formaldehyde (trong lọc máu, bào chế vắc-xin), các vắc-xin nuôi cấy trên phôi trứng, gelatine (như vắc-xin phế cầu) và một số giải độc tố.

Test bì đọc chậm bao gồm 2 kỹ thuật là test trong da và test áp, được chỉ định để chẩn đoán nguyên nhân của các thể quá mẫn muộn như viêm da dị ứng tiếp xúc, viêm da dầu, ban dạng sởi…

Các test khác được sử dụng nhiều hơn như test sinh hóa miễn dịch định lượng IgM/IgG đặc hiệu, xét nghiệm phức hợp miễn dịch…

>>> Điều trị bằng cách nào?

Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu (LPMDĐH) được coi là phương pháp điều trị đặc hiệu các bệnh dị ứng. Liệu pháp này được chỉ định chủ yếu ở những bệnh nhân HPQ dị ứng qua trung gian IgE đặc hiệu, VMDƯ, viêm kết mạc dị ứng và dị ứng với nọc côn trùng.

Nguyên lý của LPMDĐH là đưa dị nguyên vào cơ thể với liều tăng dần, tới khi đạt được hiệu quả điều trị. LPMDĐH đường dưới lưỡi đã được áp dụng tại nhiều nước châu Âu từ hơn mười năm nay. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, phương pháp này có hiệu quả tương đương với LPMDĐH đường tiêm dưới da nhưng lại có tính dung nạp tốt hơn trong điều trị HPQ dị ứng và/hoặc VMDƯ.

Hiệu quả của phương pháp này là làm giảm các triệu chứng lâm sàng cũng như giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng histamin, thuốc kích thích beta 2 giao cảm và corticoid.

Cũng giống như đường dùng tiêm dưới da, LPMDĐH đường dưới lưỡi làm giảm tính phản ứng da, mũi hoặc kết mạc khi làm test kích thích với dị nguyên. Phương pháp này có tính dung nạp tốt khi chủ yếu chỉ gây phản ứng tại chỗ với tỷ lệ thấp (ngứa miệng), đôi khi gây đau bụng thoáng qua, chưa có phản ứng toàn thân nào được ghi nhận.

Việt Nam chưa có nghiên cứu bài bản về phương pháp này. Khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng đã cử bác sĩ đi học về phương pháp này tại Pháp năm 2008 và mời chuyên gia Pháp chuyển giao công nghệ của phương pháp này.

Thực hiện: Chung Nhi

Hỗ trợ thông tin: PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn

Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội;

Trưởng bộ môn Dị ứng, Đại học Y Hà Nội


From the same category