Luống cuống vì con dị ứng sữa
Dị ứng sữa là một trong những loại dị ứng thực phẩm thường gặp nhất ở nhóm trẻ nhỏ. Biểu hiện dị ứng có thể từ từ khiến cha mẹ không biết. Nhưng có những trường hợp trẻ biểu hiện rõ ràng ngay sau khi uống sữa. Một lần, đến giờ đi ngủ, em gái tôi đã khua khoắng cả nhà vì con của em vừa uống sữa xong thì khóc ré lên và có những nốt ban nổi trên da. Đứa bé được hơn 6 tháng nên em gái tôi quyết định cho uống bổ sung sữa ngoài. Tối đó, lần đầu tiên bé được uống sữa công thức. Thằng bé sinh ra rất háu ăn nên uống 100ml ngon lành. Nào ngờ chỉ vài phút sau người bé nổi ban, thở khò khè khiến em gái tôi hét toáng lên cầu cứu cả nhà. Bố mẹ và vợ tôi cùng chạy vào, ai nấy đều hốt hoảng. Nhìn thằng bé, tôi biết ngay cháu đã bị dị ứng sữa. Ngay lập tức tôi cho cháu dùng thuốc chống dị ứng. Đó là lần đầu tiên, bố mẹ và vợ tôi chứng kiến tình trạng dị ứng sữa. Tuy bé không gặp vấn đề nguy hiểm gì vì ứng cứu kịp thời nhưng em gái tôi cứ ngồi than vãn: Trẻ con bây giờ, có đứa nào không dùng sữa. Con mình “chê” sữa thì lấy gì để cao lớn hay nó đòi bú sữa mẹ mãi đấy. Hôm sau, tôi bỏ ra nửa buổi sáng tìm mua được loại sữa dành riêng cho trẻ có tiền sử dị ứng thì em gái tôi mới vui lại.
Dị ứng sữa thực chất là tình trạng trẻ bị kích thích bởi một loại protein có trong sữa, trong đó chủ yếu là dị ứng sữa có nguồn gốc từ sữa bò. Sữa nào cũng giàu protein, nhưng cấu trúc protein khác nhau sẽ quyết định đến việc hấp thu và nguy cơ dị ứng ở trẻ. Trong cấu tạo protein của một số loại sữa, đặc biệt sữa bò có nhiều thành phần ox-lactoglobulin nên dễ gây ra dị ứng. Một số trẻ cũng có hiện tượng dị ứng với sữa mẹ nhưng trường hợp này rất ít. Những trường hợp dị ứng sữa mẹ thường là do hệ miễn dịch của trẻ quá mẫn cảm; Hoặc do mẹ dung nạp quá nhiều sữa bò, sữa có chứa đạm gây dị ứng dẫn đến việc sữa mẹ có chứa quá nhiều thành phần đó.
Khi con dị ứng sữa bò, bạn có thể cho bé dùng sữa gạo, đậu nành hoặc sữa bò đã thủy phân đạm.
Mất kênh dinh dưỡng quan trọng
Khi trẻ dị ứng sữa sẽ có nhiều nguy cơ giống như khi dị ứng các loại khác. Nguy cơ nhẹ nhất là trẻ mất cơ hội dùng loại thực phẩm đó. Sữa là một nguồn dinh dưỡng quan trọng với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, đặc biệt nhóm trẻ dưới 1 tuổi. Bởi vậy khi dị ứng sữa, trẻ mất đi một kênh dinh dưỡng quan trọng, cha mẹ phải vất vả trong việc tìm loại thay thế (bây giờ dòng sữa dành riêng cho trẻ dị ứng đã ra đời, cách đây vài năm thì việc này vô cùng khó khăn).
Nguy cơ nguy hiểm hơn là khi dị ứng sữa, trẻ sẽ đầy hơi, trướng bụng, tiêu chảy, nổi mề đay, hăm tã thường xuyên dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm lớn. Ở một số trẻ, triệu chứng dị ứng không rõ ràng nên nhiều cha mẹ không nhận ra, cứ để trẻ dùng sữa đó dài ngày thì tình trạng suy dinh dưỡng càng nặng và sức đề kháng bị suy giảm trầm trọng. Còn một số trẻ có biểu hiện quá mẫn cảm có thể bị sốc phản vệ, không kịp thời điều trị có thể tử vong nhanh chóng.
Dùng sản phẩm gì thay thế sữa?
Lưu ý, trên thị trường hiện nay còn có dòng sữa dành cho trẻ bị tiêu chảy khi dùng sữa có nguồn gốc sữa bò. Sữa này khác với sữa dành cho trẻ dị ứng. Trẻ bị tiêu chảy khi dùng sữa (không có phản ứng dị ứng như nổi mẩn) là tình trạng trẻ không đủ men tiêu hóa đường lactose. Bởi vậy dòng sữa dành riêng cho nhóm trẻ này là dòng sữa loại bỏ thành phần đường lactose chứ không thủy phân đạm và loại trừ protein gây dị ứng.
Để sớm biết con dị ứng
Dị ứng sữa có hai dạng phản ứng nhanh và phản ứng chậm. Phản ứng chậm là trường hợp bé có biểu hiện không rõ ràng như tiêu chảy, đầy bụng, bứt rứt, quấy khóc, chậm tăng cân, tiêu ra máu. Những biểu hiện này dễ khiến cha mẹ nhầm lẫn với bệnh lý hoặc hội chứng khác như đói, phát ban, ăn thực phẩm kém vệ sinh. Những trường hợp này, trẻ có thể tự “cầm cự”, chỉ vô tình được bác sỹ phát hiện khi đi khám một loại bệnh khác. Bởi vậy nếu thấy con chậm lên cân, hay bứt rứt sau khi dùng sữa, bạn nên đưa con đi khám hoặc tư vấn dinh dưỡng. Còn trong trường hợp phản ứng nhanh, trẻ sẽ có những dấu hiệu trầm trọng như sưng phù, khó thở, chảy nước mũi, nổi ban nên cha mẹ sẽ đưa đi cấp cứu ngay. Bác sỹ có thể chỉ định cho trẻ dùng một số thuốc nhằm tăng cường miễn dịch, chống dị ứng.
Tư vấn của Th.s Bs Nguyễn Bạch Đằng, Bộ môn tiêu hóa, Học viện quân y.