Đi trong miền cổ tích xứ Bavaria

Kỳ 3
Con đường di sản văn hóa
Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.

Nghe nói ở München không có di sản văn hóa nào, tôi định đến chơi với bạn bè ở đó vài ngày trước khi đi thăm thành phố di sản Salzburg, từng là một phần của xứ Bavaria trước khi thuộc về nước Áo. Những câu chuyện cổ tích của anh em Grimm – những Lọ Lem, Bạch Tuyết hay ngỗng vàng – tuy hấp dẫn đấy, nhưng câu chuyện về thần đồng Mozart, sinh ra và lớn lên ở Salzburg, và tiểu công chúa Marie Antoinette vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong những kỉ niệm tuổi thơ của tôi. Từ nhỏ tôi đã nghe kể rằng cậu bé nhạc công sáu tuổi, trong chuyến lưu diễn gia đình ở lâu đài Schonbrunn, Vienna, đã trượt ngã trên sàn đá hoa trơn, và được hoàng hậu tương lai của nước Pháp, cô bé cùng tuổi Marie xinh xắn đỡ dậy. Vừa ngưỡng mộ sắc đẹp và lòng nhân từ, vừa hàm ơn, cậu bảo cô rằng cô rất tốt bụng, và muốn lấy cô làm vợ. Những câu chuyện nửa hư nửa thực như thế thường hấp dẫn tôi hơn.

Tuy muộn tàu nhưng tôi vẫn ung dung cầm vé lên một chuyến tàu nhanh Berlin – München khác, tìm một khoang ghế trống để ngồi, đợi nộp thêm tiền đặt chỗ. Nhưng anh nhân viên soát vé tươi cười bảo tôi rằng không cần. Đang đi trong xứ nhà giàu có khác. Toa tàu sáng trưng, ghế nệm mới cứng, lại có ổ cắm điện để sạc phone và laptop. Nhìn qua cửa sổ là màu xanh tươi của những đồng cỏ, màu vàng của lúa mì, và màu nắng óng ả lẫn trong những cụm mây lấp lánh trên các ngọn núi. Alpes thật thanh bình và trù phú.

Trước khi tới München, tôi tình cờ đọc được một bài báo mô tả Bavaria như một “mảnh đất hạnh phúc nhất trần gian”, nơi “không có chiếc tàu nào đang chìm, không động đất và cũng không lụt lội. Và trên trái đất không đâu thịnh vượng bằng Bavaria”. Tiểu bang giàu có nhất nước Đức, nước giàu có nhất châu Âu, dường như không chịu ảnh hưởng đáng kể nào của cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ đang bao phủ các nước láng giềng. Các chỉ số kinh tế ở đây vẫn giữ mức lành mạnh, và tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng hai mươi năm qua.

Con đường cao tốc từ nhà ga trung tâm về thành phố ngoại vi Garching, đi qua khu phố cổ và cả Allianz Arenaqua, sân nhà của FC Bayern Munich và TSV 1860 München từ 2005. Mặt ngoài của sân là những lá kim loại chịu lực bơm đầy khí, phát sáng trắng hoặc xanh đỏ vào ban đêm. Cao ốc BMW, công viên Olympic có mái che hình cánh buồm và nhiều công trình hiện đại dọc theo đường phố như Leopoldstrasse đã tạo nên diện mạo hiện đại của thành phố. Song những tòa lâu đài ở đây, đặc biệt là ba lâu đài ở Oberschleissheim: lâu đài Cũ (Alte Schloss Schleissheim), lâu đài Mới (Neue Schloss Schleissheim) và lâu đài Vui thú (Schloss Lustheim), cùng với lâu đài Nymphenburg nổi tiếng, nằm trong một khuôn viên lớn gần trung tâm thành phố, vẫn được bảo tồn kỹ lưỡng và chìm lẫn trong diện mạo mới của München.

 

Karlplatz – một góc khu phố cổ München 

Một góc phố cổ München ở Marienplatz

Giống như những lâu đài cổ khác của châu Âu, những lâu đài ở đây cũng có nhiều sự tích. Lâu đài Nymphenburg được xây dưới thời vua Ferdinand Maria. Khi hoàng hậu sinh con trai, hoàng tử Max Emanuel, ông đã tặng cho vợ lâu đài này. Lâu đài Mới và lâu đài Vui thú được xây dựng để chuẩn bị cho lễ đăng quang tưởng tượng của Max Emanuel, song giấc mộng hoàng đế của ông không bao giờ thành hiện thực. Lâu đài Cũ do nhà quý tộc Herzog Maximilian I (ông của Max Emanuel) cho xây dựng. Những tòa lâu đài này đều còn khá nguyên vẹn, và liên tục được trùng tu. Khác với ở Roma và nhiều thành phố di sản khác ở châu Âu, chúng nằm lặng lẽ như những ẩn sĩ, vì ít khách tham quan. Chỉ có Nymphenburg đồ sộ, có mặt tiền dài rộng không kém gì cung điện Versailles, được Max Emanuel sửa sang và mở rộng từ xưa, là có đông khách, nhưng cũng không quá ồn ào.

 

Lâu đài mới của hoàng đế hụt (Neue Schloss Schleissheim) 

Lâu đài Nymphenburg trượt danh hiệu di sản năm 1984

Nymphenburg còn là trụ sở của Cơ quan Quản trị các lâu đài, công viên và hồ thuộc sở hữu của chính quyền bang Bavaria. Chính quyền ở đây dành khá nhiều quan tâm trong việc xây dựng luật lệ và đầu tư bảo vệ các công trình văn hóa. Nhưng có lẽ sự phát triển hiện đại của München đã làm cho những lâu đài tuyệt đẹp ở đây mất cơ hội trở thành di sản. Đi qua những hành lang tráng lệ của Nymphenburg, tôi thấy tiếc khi lâu đài này bị UNESCO từ chối cấp danh hiệu vào năm 1984 và trong vài lần xét duyệt sau đó.

Cảm giác tiếc nuối này bám theo tôi khi đi qua những công trình cổ khác của München, những nhà thờ, công viên và cả cung điện Residenz Palace có khu vườn mùa đông nổi tiếng của ông vua Ludwig II. Ngồi nhấm nháp món xúc xích trắng đặc sản trước đài phun nước gần cổng quảng trường Karlsplatz, vừa nghe một người bạn kể câu chuyện về ông vua lập dị này, với câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn lưu lại muôn đời một sự bí ẩn cho riêng mình và cho những người khác”. Trước khi chết đuối một cách cũng rất bí ẩn, Lugwig II đã kịp vung tiền xây một loạt các lâu đài ở Bavaria, trong đó có Herrenchiemsee, một phiên bản của lâu đài Versailles bên Pháp, tọa lạc trên một cù lao giữa hồ Chiemsee, hồ lớn nhất ở Bavaria.

 

Hồ thiên nhiên Starnberger, một điểm du lịch nổi tiếng ở München 

Tôi đã không dừng lại thăm hồ và lâu đài ấy trên đường qua Salzburg, cũng không qua những thị trấn di sản UNESCO ở Bavaria như Regensburg hay Bamberg; để dành chúng và những bí ẩn khác của xứ này cho lần thăm sau. Trên con tàu vắt qua biên giới, tôi lại được nghe kể về chuyện gần đây, 500 câu chuyện cổ tích xứ Bavaria mới được phát hiện trong một kho tư liệu cũ. Nhà giám tuyển văn hóa nổi tiếng người Đức là Erika Eichenseer đã tìm thấy những ghi chép cũ từ hơn 150 năm trước của nhà lịch sử địa phương Franz Xaver von Schönwerth. Jacob Grimm đã từng cho rằng ở Đức, ông chính là người biết lắng nghe bằng một đôi tai nhạy cảm, và ghi chép các câu chuyện dân gian tỉ mỉ, chính xác nhất. Nhờ có  Schönwerth, nhiều câu chuyện cổ tích rất ly kì, và có vẻ hiền lành hơn những câu chuyện của Grimm, đã được truyền lại.

Những câu chuyện này đã được xuất bản bằng tiếng Đức, và đang được chính phủ đầu tư để dịch ra tiếng Anh. Theo Eichenseer, chúng là một phần của lịch sử văn hóa Đức từ thế kỷ 17 tới cuối thế kỷ 19. Một trong những câu chuyện chưa từng được kể, là về một cô gái đã tìm cách thoát khỏi bàn tay của mụ phù thủy bằng cách biến mình thành một hồ nước. Khi mụ phù thủy uống nước hồ, cô gái chui vào trong bụng và giết được mụ. Còn bao nhiêu sự tích khác nằm trong các lòng hồ ở Bavaria? Giống như sự tích về những ông vua, những bà hoàng hậu hay công chúa, hoàng tử; những câu chuyện cổ tích ấy đã thực sự làm nên một phần quan trọng của di sản văn hóa ở Bavaria.

Sân vận động Allianz Arenaqua

Giống như những câu chuyện lãng mạn và đau thương ở Salzburg đã làm cho thành phố di sản mà tôi sắp dừng chân trở nên đặc biệt, chứ không chỉ là một phiên bản của Roma như nhiều người gán cho nó. Tự nhiên tôi cảm thấy tin rằng những nhà văn hóa Đức cần cù và kiên nhẫn, vẫn đang từng ngày góp nhặt tư liệu của quá khứ, sẽ làm cho những lâu đài ở Bavaria trở nên hấp dẫn hơn đối với thế giới, bằng việc giới thiệu kho tàng cổ tích giàu có và dường như bất tận của họ.

Kỳ sau: Salzburg – Đau thương và lãng mạn.

Bài & ảnh: Lã Hoa



From the same category