Đi tìm thời gian đã mất

Xuân Diệu đã chẳng nói rằng: “Mau lên chứ, vội vàng lên nữa chứ/ Em ơi em, tình non đã già rồi…” Đúng, một giây phút trôi qua, biết bao điều đã xảy ra và đã qua. Lời thúc giục, sự hối hả sống, đừng để lãng phí một giây.

Thời gian là gì

Đố bạn biết, đố bạn trả lời chính xác đấy. Có câu trả lời không?

Thời gian là gì? Ta chỉ nghĩ tới cái đồng hồ, đến đứa trẻ mới ra đời, đến người già tóc bạc, đến cái chết, và sinh ra… Rồi sự héo tàn trơ trụi rồi đâm chồi nảy lộc… Đó, kết quả, dấu vết, tàn tích của thời gian đó.

Xin được lấy tên tiểu thuyết của nhà văn Pháp Marcel Proust để đặt tên cho bài viết này. Đó là những tiếng thủ thỉ tâm tình, là sự tinh tế của từng khoảnh khắc, mùi hương, của những cô gái tuổi hoa, và mùi của chiếc bánh Madeleine ám ảnh một cách dịu ngọt, một câu chuyện đi tìm cái tôi chính mình trong cuốn tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” được xếp hạng thứ 8 trong số các cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của mọi thời đại.

Nhưng thôi, nói chuyên văn chương thì rõ dài dòng, mà cũng không nói chuyện vật lý bởi bao nhiêu năm nay, thời gian vẫn là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học.

Nói thời gian là đối tượng, ắt hẳn sẽ nảy sinh vấn đề: Thời gian hiện hữu, hay không hiện hữu. Vấn đề lại bắt đầu… to tát.

Thôi, lại thôi nhé, để cho các ông lớn tranh luận. “Trăm năm trước ta chưa có, cuộc đời vẫn thế/ Trăm năm ta hiện hữu, cuộc đời vẫn thế/ Và trăm năm sau, khi ta chết đi, cuộc đời vẫn thế”.

Cũng thôi không dám nhắc đến bụi thời gian qua sự mong chờ đằng đẵng của vợ chàng Trương, của nàng Tô Thị, của những người mong ngóng một người đến mỏi mòn.

Ở đây, ta cứ thực tế, các nàng con gái, các chàng… “con trai” và hầu hết những người nào có hẹn hò với thời gian vào buổi sáng, chả giật mình tỉnh giấc bởi tiếng chuông từ chiếc đồng hồ tròn mũm mĩm, trong điện thoại di động.

Để rồi kẻ choàng dậy, tất bật chuẩn bị đi làm, kẻ phờ phạc, mệt nhọc, lười biếng với tay tắt nút báo thức, rồi chùm chăn, cong mông mà ngủ tiếp.

Vợ đùn cho chồng dậy trước, chồng đùn cho vợ dậy trước. Đứa trẻ nhõng nhẽo muốn ngủ nướng không muốn đi học để bố mẹ lại khe khẽ hoặc ầm ĩ  đánh thức bé dậy.

Ngưng đọng

Với những kẻ bị áp lực thời gian, cái từ deadline (hạn cuối) quả thật đáng sợ. Sát ngày, sát nút, chạy vắt chân không kịp, làm ngày làm đêm, cho đáng đời những ngày làm việc không có khoa học, không biết phân công tổ chức công việc cho hợp lý. Âu cũng là cái thói xấu khó sửa.

Nhưng cũng có những anh công chức, sống với đời buồn tẻ, nhạt nhẽo, ngày lại ngày mấy bữa, chừng ấy năm, không thích, không muốn, không thay đổi nổi. Đó là những thời gian lặp lại, và có loại thời gian không biến chuyển ngay trong ý thức con người.

Nhân vật nghệ sỹ đói của Frank Kafka, thời điểm đầu tiên, anh ta được hoan nghênh bởi cái tài nhịn đói khi ngồi trong lồng sắt mấy chục ngày trời.

Nhưng năm tháng qua đi, thị hiếu thay đổi, thị trường thay đổi, sở thích của loài người thay đổi; những đứa trẻ lớn lên, nhìn nhân vật nghệ sỹ đói ngồi trong lồng sắt chung với đám thú vật, mà chúng dửng dưng không còn thích thú quan tâm…

Tiết mục của chàng nghệ sỹ đói không thu hút được ai nữa, nhưng dường như chàng chỉ lờ mờ nhận ra điều đó, chàng ngẫm nghĩ, nhưng không gắng hiểu tại sao, nếu có hiểu, chàng cũng không biết giải quyết thế nào, mà chỉ cố tình khoe tài năng đã hết còn hợp thời.

Cuối cùng chàng cũng chết, bởi chàng đã nhịn đói đến đỉnh điểm, đến thăng  hoa, đến tận cùng của nghệ thuật, của đời chàng. Rồi lãnh cái chết, nhưng đau thay, không ai biết cái tài đó của chàng, chàng chết trong im lặng.

Câu chuyện kinh hồn này của Franz Kafka phản ánh nhiều chiều, nhưng chiều thời gian và ý thức hết thời đến đau xót của con người ở đây thật rõ ràng.

Trong cuốn “Đo thế giới” của D.Kehlman, thời gian dường như chững lại, có một chốn, mà nơi đó “thời gian đứng yên.

Ở đấy, hạt mưa lơ lửng trong không khí, con lắc đồng hồ lắc qua một phía, những con chó ghếch mắt sủa câm lặng, khách bộ hành dường như chết đứng trên những con đường bụi bặm, chân co lại như bị cột dây…”.

Mau lên chứ

Trong thần thoại Hy Lạp về Oedipe, con quái vật Sphinx đầu người, mình sư tử, nằm trên con đường đi Thèbes, đưa ra câu đố và ăn thịt ngay những người không giải đáp được.

Câu hỏi đó là: “Con vật nào đi bốn chân buổi sáng, hai chân buổi trưa, và ba chân buổi chiều?”. Chàng Oedipe nhận ra đây là biểu tượng của ba giai đoạn đời người: Tuổi thơ ấu, trưởng thành và tuổi già. Thấy chàng trả lời đúng, con quái vật nhảy xuống biển chết.

Xuân Diệu đã chẳng nói rằng: “Mau lên chứ, vội vàng lên nữa chứ/ Em ơi em, tình non đã già rồi…” Đúng, một giây phút trôi qua, biết bao điều đã xảy ra và đã qua. Lời thúc giục, sự hối hả sống, đừng để lãng phí một giây.

Trong kinh thuyết của nhà Phật, thường có từ “Satna” nhằm chỉ giây phút hiện tại. Sống trong giây phút hiện tại. Đó là món quà lớn nhất mà cuộc sống mang lại, hãy tận hưởng trọn vẹn giây phút đó.

Sống, và phải biết tận dụng, tận hưởng thời gian, để biến chúng phục vụ cho cuộc sống của mình, biết yêu thương chính mình.

Chẳng gì thì cô đào Kate Winles trẻ trung bốc lửa đóng vai nữ chính trong phim “Titanic” huyền thoại, đến cuối phim, trở thành một bà già da mặt nhăn nheo, tóc bạc trắng, ngồi như nữ thần thời gian kể chuyện tình của đời mình trên con tàu Titanic.

Thời gian bệnh lý

Với những người thất tình, người ta bảo thời gian sẽ chữa lành vết thương lòng. Sự tái thiết qua thời gian chứng tỏ sức mạnh của thời gian cũng như sự phá hủy của nó. Những người bị bệnh ảo, sự hỗn loạn của thời gian biểu hiện rất rõ.

Thời gian với một bệnh nhân thật nặng nề và dài so với ngày của người bình thường. Đối với những bệnh nhân tâm lí, thời gian không còn là thời gian thông thường nữa. Tất cả đảo lộn trong sự mù mờ hỗn loạn.

Nhưng, có một loại thời gian, mà người viết bài này không thể nào quên được. Đó là một lần đi thăm các bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối, những bóng người nằm, đi lại, trong một căn phòng đặc biệt, có thể, gọi đó là căn phòng tử thần.

Trong căn phòng đó, có một chiếc giường, giường tử thần, dành cho những bệnh nhân quá nặng. Trong sự nặng nề đó, mọi người lại rất yêu thương nhau, chăm sóc nhau tận tình đến giây phút cuối cùng, kể cho tôi nghe, ai hôm qua đã chết, ai hôm qua lại vào chiếc giường đó, ai hôm qua chảy máu mãi không ngừng…

Và chỉ trong một thời gian ngắn nửa tháng sau, khi tôi quay lại, hỏi thăm cán bộ thì được biết, số người trong căn phòng đó, đã lần lượt bị Tử thần xóa sổ… Ai có thể là người ghi lại những số phận trong thời gian chờ Tử thần đón đi như vậy nhỉ?

Sức mạnh của thời gian

Thời gian không trôi vùn vụt nhanh cũng không chậm chạp như con người nghĩ, mà chính cảm giác thời gian nhanh chậm, chững, xáo trộn, loạn, là do tâm lý, công việc, cuộc sống và cách sống của chúng ta.

A. Einstein đã khẳng định: “Tất cả chúng ta đều đã bị lừa, bản chất đích thực của thế giới không phải như chúng ta tưởng. Những gì chúng ta cho là ổn định, là bất biến, tuyệt đối, thật ra chỉ có giá trị tương đối trong phạm vi nhỏ hẹp của đời sống hàng ngày mà thôi.

Xét về căn bản, chúng chẳng có gì là bền vững và ổn định mà hoàn toàn hư ngụy – vật chất hư ngụy – không gian hư ngụy – và thời gian, cái tưởng như tuyệt đối, cũng chỉ là hư ngụy mà thôi!”.

Mà thời gian, có thể mua bán được chứ. Bao nhiêu tiền một giờ, một tháng, một năm, một lần, một đời… Ví như một cầu thủ, một quan chức, một người nào đó, muốn thay đổi con số thời gian, năm sinh, hay năm làm việc, năm tuổi, thì đi “mua” thôi.

Cái này, gọi là “mua thời gian” giả dối, còn thời gian thực sự, thì… hoang tưởng. Về chuyện thời gian trong tình dục, thì cứ ngẫm mà xem, chả phải ngẫu nhiên mà người ta bàn đến chuyện thăng hoa vào lúc nào, mấy giây mấy phút, có khả năng mấy giờ.

Hoặc sự lệch pha thời gian trong tình dục, ấy là bạn nam nên hiểu biết tâm lý của bạn nữ mà biết đường đối xử cho thanh lịch.

Bạn hãy công bằng với thời gian và tự hỏi mình đã sống  thế nào, sử dụng thời gian một cách nghệ thuật chưa?

Dành thời gian cho gia đình, quan tâm đến cuộc sống của gia đình, của bạn bè, đó là điều quan trọng trong cuộc sống hối hả ngày nay.

Ai cũng có cảm giác thiếu thời gian và bị áp lực thời gian, nhưng đúng như tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nói về các nghịch lý thời gian: “Càng phát triển, càng có ít, thời gian ai thiếu cứ thiếu, ai thừa cứ thừa, và thời gian là tác động đa chiều”.

 Tuệ Thư

 

 

 
Các tin liên quan

Cuộc sống bận rộn là cuộc sống có ích
Ngủ là cái chết ngắn
Bóng đêm là vỏ kén ấm áp
Tôi yêu sáng thứ 7
Giờ thứ 25


From the same category