Một thế giới khác: không điện nước, không nhà tắm
Chúng tôi khởi hành sớm, chiếc xe 2 cầu khổng lồ trong lòng thành phố đến khi nắng lên chỉ còn là một chấm nhỏ giữa thảo nguyên mênh mông ngút ngàn. Có lẽ tôi chưa từng đặt chân tới nơi nào mà bốn phương màu cỏ xanh phủ ngập xa và rộng đến vậy. Gió mùa hè hiu hiu, những con đại bàng và chim ó lượn theo đà của những cơn gió trên đầu, những đàn gia súc hàng ngàn con đang gặm cỏ, thỉnh thoảng có tiếng vó ngựa rộn ràng của những thanh niên chăn cừu phi đến, khiến đàn gia súc rẽ sóng tạo ra những khối hình liên tục biến đổi trên nền cỏ xanh khổng lồ.
Các chuyến đi Mông Cổ phổ biến thường là khám phá thảo nguyên, thăm cố đô, lên Hồ Trắng… Nếu đi dài ngày hơn, các nhóm khách du lịch sẽ ghé thăm hồ Khuvsgul ở phía Bắc. Ngay từ khi sắp xếp hành trình, chúng tôi đã xác định sẽ khám phá hết những địa danh đó, nhưng đặt thêm mục tiêu xa hơn: tìm đến làng của người thiểu số Tsaatan, cũng là nơi trú ngụ của bộ lạc tuần lộc cuối cùng trên thế giới. Làng Tsaatan nằm ở cực Bắc Mông Cổ, trong rừng Taiga, được chia thành hai khu vực: làng Tây Taiga và làng Đông Taiga. Người dân ở đây sống cuộc đời du mục, cứ mỗi 4 tháng họ lại di chuyển đến nơi lạnh nhất, kiếm rêu và nấm cho tuần lộc ăn. Trong chuyến đi này, điểm đến của chúng tôi là làng Đông Taiga, nằm cách biên giới Siberia (Nga) 20km.
Từ Ulan Bator, dù có đi theo vòng cung nào thì để đến làng tuần lộc cũng phải qua Murun, thị trấn nhỏ phía Bắc. Tạm nghỉ ở đây, chúng tôi mua thêm thực phẩm và đồ dùng dự trữ cho những ngày tới. Sáng hôm sau, cả nhóm đi xe xuyên rừng Taiga suốt 14 tiếng để vào làng Tsagaan Nuur, nơi được xem là căn cứ của cộng đồng người Tsaatan. Đây là ngôi làng ven hồ có một số tiện nghi tối thiểu như điện và sóng điện thoại, trước khi bạn mất hẳn liên lạc với thế giới.
Hành trình từ Murun đến Tsagaan Nuur là cung đường off-road rất đẹp, băng qua nhiều hồ, sông suối và những cánh rừng ở độ cao 1.800-2.200m. Xe chúng tôi bị sa lầy ở nhiều suối nhỏ, nên mỗi đoạn cần vượt sông luôn mang lại cảm giác hồi hộp, li kì. Rất may, chiếc xe pick-up to nhất luôn đi sau cùng để kéo các xe còn lại trong đoàn.
Chúng tôi soạn ba lô thật gọn nhẹ nhưng vẫn đủ đồ đạc cho 3 ngày 2 đêm sống trong rừng Taiga theo phong cách hoàn toàn du mục, không điện nước, không nhà tắm. Xe dừng tại bìa rừng, 20 con ngựa đang đợi sẵn để chở 9 thành viên chúng tôi cùng đồ đạc, thức ăn và nước uống. Một chàng trai người Mông Cổ dành ra 30 phút hướng dẫn cả nhóm cách cưỡi ngựa, cách dùng dây cương ra lệnh cho ngựa rẽ trái, phải hay đứng lại.
Ngôi làng 70 người và 600 con tuần lộc
Hành trình trên yên ngựa khá nhiều thử thách. 20 anh bạn 4 chân cùng chúng tôi băng qua những đầm lầy, vài đỉnh núi tuyết, cả cánh rừng Taiga với hàng ngàn dòng chảy sinh ra từ những khối tuyết tan. Sau 8 tiếng cưỡi ngựa, vượt qua đỉnh núi cao 2.387m, trước mắt chúng tôi là ngôi làng nhỏ nằm trong thung lũng bao quanh bởi núi tuyết… Lúc đó là 10 rưỡi tối và mọi thứ dường như đông đá lại vì lạnh. Trong làng có hàng trăm mạch nước và suối nhỏ, tất cả đều lạnh buốt.
Người Tsaatan sống trong những chiếc lều hình chóp nón, cuộc sống của nhiều thế hệ đều nương theo loài tuần lộc. Đối với họ, tuần lộc là những thiên sứ được cử xuống trần gian với nhiệm vụ chăm lo cho những con thú bị lạc từ hành tinh nào đó xuống vùng đất này. Khác với tuần lộc Bắc Cực, ở đây, mỗi con tuần lộc là một thành viên trong gia đình chứ không phải là thú nuôi.
Cô Zaya – người được coi như ngoại trưởng của làng Đông Taiga – nói với chúng tôi rằng cũng như con người, mỗi con tuần lộc có một gương mặt riêng, một cặp sừng khác nhau và một cá tính đặc biệt. Zaya không phải người Tsaatan nhưng cô đã rời nước Mỹ, từ bỏ thế giới văn minh để đến thảo nguyên này chỉ vì tình yêu với tuần lộc. Hiện, cô đã lấy chồng là người làng Đông Taiga.
Mỗi sớm, chúng tôi được đánh thức bởi đàn tuần lộc vừa kêu ột ột vừa gặm cỏ quanh lều. Những người phụ nữ Tsaatan dậy sớm, vắt sữa tuần lộc trong ánh bình minh. Người Tsaatan dùng sữa tuần lộc để chế biến thành phô mai và trà sữa chứ tuyệt nhiên không nuôi tuần lộc lấy thịt. Họ gần như ăn chay với thực phẩm chủ yếu là trái cây, rau rừng… Sừng tuần lộc rụng theo chu kỳ được dùng để chế tác ra những vật phẩm lưu niệm bán cho khách du lịch tới thăm làng vào phiên chợ họp 1 tiếng mỗi ngày.
Làng Đông Taiga có khoảng 16 hộ gia đình, gần 70 người và hơn 600 con tuần lộc, còn làng Tây Taiga dân số đông hơn và ở xa hơn. Tổng cộng, tộc người Tsaatan chỉ còn khoảng gần 400 người và 1.800 con tuần lộc, là dân tộc thiểu số ít người nhất của Mông Cổ. Trước khi đến đây, chúng tôi được dặn dò rất nhiều về cách cư xử với người dân làng, chẳng hạn: đừng nhìn họ với ánh mắt tò mò, cần xin phép trước khi chụp ảnh hay bước vào lều của họ… nhưng thật sự, tôi lại thấy đó là những người dễ mến nhất, thật thà nhất và chu đáo nhất trong các bộ lạc từng gặp. Đêm đến, chúng tôi ngủ trong lều của họ, người chủ nhà gom hết chăn ấm và thậm chí cởi luôn chiếc áo choàng của anh đắp lên người chúng tôi để tránh những cơn gió lạnh buốt của thảo nguyên.
Tips
Vé máy bay
Rẻ nhất là bay bằng HongKong Airlines từ Việt Nam, transit ở Hong Kong rồi đến Ulan Bator bằng Mongolian Airlines, hết khoảng 750USD (khoảng 18 triệu VND) cho vé khứ hồi nhưng bạn sẽ mất 9-12 tiếng chờ quá cảnh. Hợp lý nhất là bay bằng Korean Air với tổng thời gian bay và quá cảnh khoảng 12 tiếng, giá 1.200USD (khoảng 28 triệu VND) cho vé khứ hồi.
Visa
Visa Mông Cổ được cấp sau 10 ngày tại Đại sứ quán. Hồ sơ xin visa bao gồm hộ chiếu, 1 ảnh 3x4cm, đơn xin visa, phiếu thu phí visa và mã code của công ty du lịch. Phí xin visa là 25USD (khoảng 590.000VND).
Đồ công nghệ
Trước khi vào làng Tsaatan, bạn cần sạc dự phòng và pin máy ảnh đủ cho 3 ngày không có điện.
Đồ bảo vệ
Mông Cổ là vùng có lượng tia UV cao và nhiều côn trùng. Bạn cần mang kính mát, kem chống nắng, nón rộng vành, khăn giấy ướt, cồn sát trùng tay và chai xịt côn trùng.
Thuốc
Do điều kiện ăn ở mang tính du mục, bạn nên mang theo thuốc cảm, thuốc tiêu hóa, kháng sinh và thuốc ho.
Phương tiện liên lạc
Sim 4G loại 8GB ở Mông Cổ có giá bán khoảng 350.000VND, loại 3GB giá khoảng 150.000VND. Ở đây, bạn được miễn phí cước 4G khi vào Facebook. Tuy nhiên nhiều đoạn trên thảo nguyên sẽ không có sóng.
Thực phẩm
Các món ăn Mông Cổ phần lớn là thịt cừu, dê, ngựa và rất ít rau. Bạn nên mang theo mì gói, ruốc, rong biển khô và viên uống bổ sung chất xơ khi đi dài ngày.
Trang phục
Mùa thu và mùa đông ở Mông Cổ rất lạnh, nên mang theo quần áo ấm và mặc thành nhiều lớp: lớp lót giữ nhiệt, áo thun, áo len, áo gió, khăn… Nếu đi vào mùa hè, vẫn cần mang áo ấm để mặc vào buổi tối và sáng sớm.
Nên mang theo loại giày hiking/trekking để di chuyển xa, kèm một đôi giày sneakers dùng trong sinh hoạt tại lều. Khi vào làng Tsaatan, bạn cần mua thêm một đôi ủng đi ngựa.
Đồ lưu niệm
Mông Cổ nổi tiếng với các sản phẩm từ sợi cashmere như quần áo và khăn.