Đi tìm sự bền vững từ những điều đơn giản ngay trong chính cuộc sống - Tạp chí Đẹp

Đi tìm sự bền vững từ những điều đơn giản ngay trong chính cuộc sống

Bộ Sưu Tập

Trong sự kiện ra mắt BST Conscious Exclusive tại Manila (Philippines), H&M không chỉ giới thiệu những bộ trang phục được làm từ chất liệu thân thiện với môi trường mà còn mang đến buổi hội thảo vô cùng ý nghĩa với sự góp mặt của Tiến sĩ Carmen Hijosa và cô Laura Francois – hai người phụ nữ có đóng góp rất lớn cho tương lai bền vững của ngành thời trang.

Được khởi xướng từ năm 2010, cho đến nay, các BST Conscious Exclusive của H&M liên tục mang đến những sáng tạo đột phá, thay đổi quan điểm của khách hàng và hướng đến sự phát triển bền vững.

Không gian giới thiệu chất liệu piñatex được làm từ lá dứa

BST H&M Conscious Exclusive năm nay lấy cảm hứng từ việc khám phá năng lượng phục hồi của tự nhiên. Những tài nguyên khoáng sản, cây cối và thực vật đã được nhóm thiết kế chuyển thể thành vải dệt hoa và vải in mượt mà. Bảng màu đến từ thiên nhiên bao gồm tím oải hương, vàng cát, xanh nước biển, xanh dầu và hồng san hô cùng màu đen, vàng kim và bạc. Đặc biệt, H&M lần đầu tiên đưa vào sử dụng các chất liệu mới, bền vững và hiện đại như sợi cam, piñatex, bọt bloom, điển hình là mẫu áo khoác pha trộn giữa chất liệu piñatex màu bạc sáng bóng và vải dệt hoa đầy màu sắc, cộng với áo kiểu corset lệch vai lãng mạn được làm từ sợi cam.

1. Trong buổi ra mắt BST H&M Conscious Exclusive 2019 tại Bảo tàng Metropolitan (Philippines) có sự hiện diện của Tiến sĩ Carmen Hijosa – người sáng lập công ty Ananas Anam, cũng là người đã phát minh ra chất liệu piñatex. Sinh ra tại Tây Ban Nha, sự nghiệp của Tiến sĩ Carmen Hijosa đã đưa bà đi khắp thế giới. Là một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất đồ da, bà đến Philippines từ thập niên 90 để tư vấn cải thiện ngành công nghiệp đồ da. Tại nơi này, bà vô cùng bất ngờ trước mức độ ảnh hưởng độc hại của quá trình sản xuất da quy mô lớn lên môi trường xung quanh. Hành trình sáng chế piñatex của bà kể từ đó bắt đầu.

Tiến sĩ Carmen Hijosa, người sở hữu bằng sáng chế dành cho chất liệu piñatex

Lúc ấy, mặc dù đã ở tuổi ngũ tuần, Carmen Hijosa vẫn không ngần ngại theo đuổi khóa học tiến sĩ tại trường Nghệ thuật Hoàng gia Anh, song song với cuộc hành trình 7 năm nghiên cứu để phát minh ra piñatex. Bằng sự kiên trì cùng trách nhiệm với xã hội và môi trường, bà đã cho ra mắt một chất liệu mới đi liền với dây chuyền cung ứng, mang đến giải pháp cho cộng đồng nông dân trồng dứa.

Phát kiến sáng tạo của bà đã được đón nhận rộng rãi ở khắp mọi nơi. Rất nhiều thương hiệu và nhà thiết kế thời trang trên thế giới đã ứng dụng piñatex vào sản phẩm của mình, từ giày dép cho đến quần áo hoặc đồ nội thất, xe hơi. Tiến sĩ Carmen Hijosa từng nhận được hàng loạt giải thưởng cao quý như giải “Phụ nữ sáng tạo” của Innovate UK (2017), giải “Cartier Women’s Initiative Awards” (2016) và giải “Grand Designs” của Green Hero (2016). Hiện nay, bà vẫn không ngừng nghiên cứu, trực tiếp tham gia vào những công việc phát triển piñatex.

2. Laura Francois là người hoạt động vì môi trường. Bằng những câu chuyện của mình, cô đã kêu gọi mọi người thay đổi thói quen tiêu dùng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cô Laura Francois – đồng sáng lập tổ chức Clothing The Loop

Với Clothing The Loop – một tổ chức mà cô là người đồng sáng lập, Laura đã mang đến những thông điệp vô cùng ấn tượng và nhận được sự hưởng ứng rộng khắp. Rất nhiều tác phẩm sắp đặt đã được tạo nên bởi tổ chức này nhằm nâng cao nhận thức về sự ảnh hưởng của ngành dệt may đến môi trường xung quanh. Năm 2017, Laura Francois và cộng sự của mình phát hiện ra nhà máy sản xuất quần áo Tak Fak ở Campuchia trong tình trạng bị bỏ hoang. Sau khi phá sản vào năm 2009, nhà máy còn lại rất nhiều quần áo và vải vóc. Với 2.500kg quần áo thu thập được từ đây (là lượng quần áo trung bình cần thiết trong một đời người), cô cùng những cộng sự và nhiếp ảnh gia Von Wong đã tạo nên 3 không gian sắp đặt trong chính nhà máy này theo các chủ đề không khí, nguồn nước và cây cối.

Bên cạnh việc điều hành Clothing The Loop, Laura Francois còn phụ trách công việc điều phối viên của tổ chức phi lợi nhuận Fashion Revolution ở Singapore. Cô không ngừng kết nối với cộng đồng và tạo ra những cải thiện tích cực đến hiện trạng lãng phí, thừa thãi trong cuộc sống hiện đại. Đó cũng là thông điệp chính của dự án “The Tallest Closet In The World” (Tủ đồ cao nhất thế giới) được hoàn thiện vào năm 2018 của tổ chức Clothing The Loop.

Thay đổi thói quen mua sắm của bản thân để cải thiện chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống không phải là điều gì quá khó và xa vời. Đừng coi phát triển bền vững như một xu hướng nhất thời, hãy để nó biến thành lựa chọn mọi lúc mọi nơi, thành cuộc sống của chính bạn.

Tác giả: Tuấn Anh

26/05/2019, 09:00