Chúng tôi, những tâm hồn du lãng cùng mê mẩn buổi chiều hoàng hôn hay ngắm ánh bình minh chan nắng trên từng cảnh vật, nào có thể bỏ qua hành trình đón tia nắng đầu tiên trên đất Việt. Những kẻ đang lang thang trở ra trong chuyến dọc Nam Trung Bộ, tụi từ Bắc vô đã hẹn nhau cùng chinh phục những mũi cực Đông.
Sáng sớm hôm ấy, tôi từ hướng Nha Trang ra, nắng đẹp, cảnh vật hai bên đường rực rỡ. Đến đèo Cổ Mã thì cơn mưa kèm theo gió lớn trút xuống rất nhanh làm mấy chiếc xe loạng choạng, phải chăng đó là điềm báo cho một chuyến đi không “êm ả”. Chúng tôi đến điểm hẹn ở ngã ba Đầm Môn lúc 8 giờ sáng và cùng hoả tốc đến nhà chú Hai – người đã gần chục năm sống bám biển có thể dẫn đường ra Mũi Đôi – Điểm cực Đông mà chúng tôi chinh phục đầu tiên.
Vượt cát, băng rừng, nhảy đá, lách khe…
Từ chân đèo Cổ Mã tới Đầm Môn dài chừng 18km, con đường nhựa mới được mở rộng chạy thẳng ra biển. Hai bên đường dân cư còn thưa thớt, dăm ba đoạn chúng tôi lại thấy những con thuyền đầy sắc màu neo đậu sau những ngày đi biển xa về. Đã tìm hiểu kỹ thông tin về hành trình nên vừa đi chúng tôi vừa phải để ý rất kỹ để tìm lối rẽ. Lối rẽ chỉ là một con đường mòn rất nhỏ ở trên cát, đúng ra thì ngày trước cũng là đường cấp phối, dần dà bị những cơn gió mang theo cát vùi lấp mất. Chiếc xe máy với hành lý nặng trĩu ì ạch qua con đường cát với rất nhiều những cái bẫy cát sụt lún.
Ba lô nặng trên vai, gió vẫn thổi không ngừng, đôi lúc cát tung lên mù mịt cả đoạn đường. Cát lún dưới chân, nhưng có lẽ lúc lên dốc là khó khăn nhất, con đường cát nhỏ một bên là vực, một bên là núi cát. Chúng tôi phải dỡ hết đồ, dắt từng chiếc xe qua từng con dốc. Cả bầu trời ám lên một màu xám, cát đỏ vàng, dưới thung lũng từng đám cỏ mọc lơ thơ, xen lẫn là dăm ba cây bụi nhỏ giữa một màu trắng vàng. Chính chặng đường này, chúng tôi phải đợi khi đông về, chờ những con nắng dịu hơn bởi mùa hè, những đồi cát sẽ “nướng chín” đôi chân của bạn.
Hơn hai tiếng đồng hồ vật lộn với con đường cát, chúng tôi mới tới được nhà chú Hai. Vội vã sắp xếp hành lý, chỉ mang theo những thứ thiết yếu nhất là nước uống, đồ ăn, lều ngủ và vài vật dụng nhỏ, chúng tôi hăm hở bắt đầu hành trình chinh phục Mũi Đôi.
Từ nhà chú Hai, chúng tôi đi tiếp đoạn đường mòn đến khu Cỏ Ống, con đường oằn mình bị mưa gió xói mòn, rồi nắng rang nứt toác. Qua bãi cát trống trải chỉ lơ thơ vài bụi cây nhỏ, nhưng lại rất nhiều loài hoa khoe sắc dưới nắng gió, chúng tôi gọi chúng là “hoa cát”, với kinh nghiệm vật lộn sáng nay, cả đoàn dễ dàng hơn khi di chuyển qua địa hình cát để đi tiếp vào rừng.
Trảng rừng đầu tiên chủ yếu là những cây gỗ thấp, dây leo với thảm lá mục tiếp đến là gỗ thưa hơn khi men theo bờ biển, cuối cùng chỉ còn lại là những cây bụi nhỏ rắn rỏi bám mình trước gió biển. Chúng tôi cứ men theo đường mòn, sóng vỗ khúc du ca lúc xa lúc gần. Một lưu ý nhỏ là luôn mang theo nước pha muối hoặc đường gluco để bổ sung khi mất nước.
Hơn 12 giờ, chúng tôi dừng nghỉ để ăn trưa, phần ăn của mỗi người là cơm rang hành với muối vừng mà chú Hai đã chuẩn bị sẵn. Ăn uống xong xuôi, cả đoàn lại tiếp tục len lỏi trong rừng cho tới khi tới bãi Rạng. Tìm được một tảng đá khá lớn có thể che chắn gió biển, chúng tôi để lại toàn bộ đồ đạc để leo qua ngọn đồi nhỏ phía trước, nhảy đá, lách khe, mài mông chinh phục mũi cực Đông.
Việc nhảy ghềnh đá tiêu tốn khá nhiều sức lực của các thành viên vì phải liên tục băng qua các tảng đá lớn, với những con sóng dập dềnh như muốn đánh úp chúng tôi. Ai cũng chăm chăm hướng về phía trước, nơi không xa là đích đến thực sự của hành trình. Chóp inox nhỏ gắn vào nền đá do các bạn trẻ thuộc Hội leo núi khắp ba miền cùng xây dựng ngày 4/8/2012, đặt dấu mốc tọa độ cực Đông trên đất liền, và cũng xác nhận đây là điểm đón những tia nắng đầu tiên của dải đất hình chữ S.
Căng mình vượt qua cửa ải cuối cùng là phải lách qua một khe đá rất hẹp, chỉ một chút sơ sẩy là cụng đầu và xước chân tay ngay. Tương trợ lẫn nhau, sau những giọt mồ hôi rơi trên đá là bước chân đặt lên đỉnh thành công, chúng tôi đã tới được nơi đón ánh nắng đầu tiên của cả vùng Đông Dương. Phút lặng im trước biển cả bao la, chẳng ai nói với nhau điều gì nhưng tôi biết rõ trong tim mỗi người đang trào lên những xúc cảm đặc biệt lắm. Những xúc cảm của hành trình chinh phục vùng đất mới.
Chúng tôi ngược trở ra theo lối cũ về bãi Rạng, chú Hai có việc phải về trước và dặn chúng tôi cứ theo lối cũ mà ra. Trước khi về chú còn dặn dò kỹ về nguồn nước ngọt ở đây. Mạch nước ngọt duy nhất bắt nguồn từ trên tận đỉnh núi, chảy men theo vách đá rồi hòa vào lòng đại dương. Về tới chỗ để đồ sau tảng đá, chúng tôi sửa soạn cắm trại, củi lửa, lấy nước chuẩn bị cho một bữa tối giữa đất trời biển cả.
Đêm về, cả lũ đi dạo khắp bãi biển, trèo lên tảng đá có mặt bằng phẳng nhất, ngồi hát cho nhau nghe những bản tình ca trên nền nhạc là sóng biển rì rào, rỉ tai nhau câu chuyện chuyến đi. Trăng của ngày cuối cùng trong năm (theo tết Tây) lên muộn, mặt biển loang loáng một màu bàng bạc của chút trăng mới mọc. Đêm khuya dần, gió biển mạnh hơn, trở về nơi cắm lều, đốt đống lửa và chờ đón thời khắc của năm mới đang tới dần.
Đi miết rồi cũng thành quen
Những tia nắng đầu tiên của ngày mới đã đánh thức chúng tôi, cả đoàn hò nhau dậy khám phá bãi Rạng. Trên bãi biển còn nhiều dấu tích của san hô, có cả những tảng san hô đã chết khá lớn, vô vàn vỏ ốc, sò mà sóng đánh dạt vào bờ. Ngồi trên bãi cát, nhâm nhi ly cà phê nấu vội, hít thở bầu không khí trong lành, nghe tiếng sóng vỗ thật nhẹ… có lẽ sẽ chẳng ai trong chúng tôi quên được giây phút đó. Dỡ lều, dọn dẹp vệ sinh rồi lên đường trở về. Một mong ước nhỏ với những bạn chinh phục cực Đông là đừng xả rác ra bờ biển, hãy mang chúng trở ra hoặc đốt thật sạch.
Chặng đường trở về không quá vất vả, ngoại trừ việc gặp quá nhiều ngã ba mà không ai nhớ đường. Cũng bởi vì có hai con đường mòn chính của hai người hay dẫn các đoàn ra mũi cực là chú Ba Thanh và Hai Châu đi qua đi lại nhiều, chúng tôi phải gọi cứu viện chú Hai ra dẫn về. Theo bước chân đã quen từng gốc cây ngọn cỏ của chú, chúng tôi nhanh chóng nhận ra lối cũ đi về.
Biển mùa này ít cá, cũng vì thế mà bữa cơm khá đạm bạc nhưng ai cũng ăn lấy ăn để. Vừa ăn, vừa nghe cô chú kể chuyện đời, chuyện biển. Chuyện cuộc sống chìm nổi, những nguy hiểm từ biển cả, những chuyến dẫn đường đầu tiên ra mũi cực. Cái lần đầu tiên ấy, chú cũng phải lần mò, đi mấy lần mới nhớ được đường. Câu cuối cùng chú nói với chúng tôi về cái sự đi của chú nghe sao thật nhẹ nhàng: “Đi miết rồi cũng thành quen”.
Khu vườn với nhiều cây trái mà cô chú đã mất công mang ra trồng, bãi biển cạnh nhà hoang sơ yên bình là nơi chúng tôi cùng nhau khám phá sau bữa trưa. Cô chú Hai Châu mong muốn xây dựng nơi đây thành một chỗ dừng chân cho mọi người. Vào mùa hè, có thể tha hồ ăn đồ biển do chính tay chú Hai đánh bắt, lặn biển ngắm san hô, đi câu mực, bắt nhum… Chúng tôi tạm biệt cô chú chỉ với những cái bắt tay thật chặt và lời hứa, mùa hè chúng cháu sẽ quay trở lại.
Chặng đường trở ra vẫn phải vượt qua những đồi cát cũ, có lẽ do quen đường hay những cơn gió đã hiền dịu hơn mà cả đoàn chỉ mất có một nửa thời gian so với lúc đi vào. Chúng tôi lên đường đến Mũi Điện là cực Đông “chính thức” của đất liền.
Đón bình minh ở Hải đăng Đại Lãnh
Chúng tôi tới nhà anh chị Mười ngay dưới chân Mũi Điện khi trời cũng đã xế chiều. Do hôm đó sóng biển khá to kèm theo gió lớn, không thể dựng lều ở bãi biển được nên chúng tôi phải dựng ngay sân nhà anh chị. Một bữa tối với những đặc sản từ biển cùng câu chuyện cuộc sống, lời du ca của bạn bè cũng quá đủ với cả đoàn rồi.
Sáng hôm sau, chúng tôi chạy thật nhanh đến Hải đăng Đại Lãnh để đón những tia nắng đầu tiên tại mũi cực thứ hai. Theo tư liệu, Mũi Điện (hay còn gọi mũi Đại Lãnh) do một người Pháp tên là Varella phát hiện vào thế kỷ 19, nên nó còn có tên gọi Cap Varella (mũi Varella). Đây chính thức được công nhận là nơi đầu tiên của nước ta đón ánh bình minh. Hải đăng Đại Lãnh, vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, được nguời Pháp xây năm 1890. Khu nhà và tháp đèn có diện tích 320m2, cao 26,5m so với nền tòa nhà và cao 110m so với mực nước biển.
Đứng từ trên ngọn tháp, ngắm nhìn biển bao la với mùi mặn mòi trong nắng sớm, cảm giác ung dung giữa trời đất rộng lớn. Những nhà khảo sát địa chất nói rằng, mũi Đại Lãnh khá đặc biệt, nó như một ngọn núi, lại giống một hòn đảo vì có một suối nước ngọt tách nó ra khỏi đất liền, nhưng thực chất nó lại là đất liền…
Chúng tôi đã cùng chinh phục 2 mũi cực Đông trên đất liền của đất nước. Với chúng tôi, mũi thực sự đón ánh nắng đầu tiên là Mũi Đôi. Cùng nhau đi tiếp chặng đường ven biển ngắm vịnh Vân Phong đẹp đẽ, chan hòa trong nắng rồi cũng phải chia tay nhau. Kẻ tiếp tục hành trình của mình đi dọc Nam Trung Bộ, kẻ ngược ra Bắc, người vào Nam…
Theo máy định vị cá nhân của những nhà “thám hiểm” không chuyên, mũi Đôi nằm ở kinh độ 109027’42” Đông, vĩ độ 12038’51” Bắc, còn mũi Điện có kinh độ 109027’06’’ Đông và 12053’48’’ Bắc. Như vậy, mũi Đôi đón ánh bình minh sớm hơn mũi Điện chừng 36 giây.
Lịch trình: Ngày 1: Đầm Môn – Đồi cát – Nhà chú Hai – trekking Mũi Đôi – Bãi Rạng Ngày 2: Bãi Rạng – Nhà chú Hai – Đầm Môn – Nhà anh Mười (Mũi Điện) Ngày 3: Thăm quan Hải đăng Đại Lãnh và trở về+ Mũi Đôi tại bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa. + Mũi Đại Lãnh còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hoà Tâm, Đông Hòa, Phú Yên. |