Hương cao nguyên còn đó, thắm đượm trên đôi môi
“Traveling in Style” luôn là một “đặc sản” của Đẹp. Những chuyến du hành để thực hiện các bộ hình thời trang công phu, gắn với những địa danh văn hóa, du lịch đã đem đến không chỉ các shoot hình ấn tượng mà còn cả những câu chuyện kể thú vị. Cao nguyên đá Đồng Văn, điểm địa đầu phía Bắc Lũng Cú, cao nguyên xanh Mộc Châu trù phú, kỳ quan vịnh Hạ Long, gành Đá Đĩa (Phú Yên)… đã trở thành hậu cảnh mê đắm cho nhiều bộ hình thời trang.
Và lần này là những địa danh của “trái tim Tây Nguyên”: thành phố Buôn Ma Thuột, buôn Đôn, hồ Lắk, thác Dray Nur, nhà dài của người Ê-đê hay thậm chí là một buôn làng vô danh tình cờ gặp trên đường đi.
Một ê kíp lên đến 13 người. 88 chiếc khăn Hermès đủ sắc màu được stylist Kim Tuyến phối thành những bộ trang phục kỳ công. 4 thùng đồ phụ kiện và đạo cụ… 3 giờ sáng, người mẫu Kim Nhung đã được đánh thức để chuẩn bị make up và làm tóc dưới bàn tay tài hoa và kỳ công của chuyên gia trang điểm Tùng Châu. 5 giờ sáng, cả ê kíp 13 người lên đường. Những địa danh du lịch và văn hóa của Đắk Lắk vốn cách xa nhau nên phải tận dụng từng chút thời gian. Ánh nắng buổi sớm ở buôn làng Eam Dharia, hoàng hôn ở dòng sông Sêrêpôk mùa cạn nước ở buôn Đôn cho ngày đầu. Bình minh tinh sương trên hồ Lắk, nắng chiều ở thác Dray Nur, ngôi nhà dài của nghệ sĩ Y-zack ở buôn làng A’ko Hdông lúc nhập nhoạng tối của ngày thứ 2 – từng thời khắc một được nhà sản xuất hình ảnh Hellos và Bambie lên lịch chính xác và chi tiết, nhưng đôi lúc cũng bị phá vỡ bởi sự ngẫu hứng của Giám đốc Sáng tạo Hà Đỗ và nhiếp ảnh gia Tangtang.
Không chỉ những địa danh văn hóa và du lịch tuyệt đẹp, mà còn là những người dân hồn hậu và mến khách, như ông già Y Niu mặc đồ lính cài hoa trên mũ cối ở bên thác Dray Nur, như hai cô bé trong trang phục truyền thống của người Ê-đê ở buôn Eam Dharia… đã lưu lại trong chúng tôi những ký ức sống động, như lời ca khúc “Ly cà phê Ban Mê” của nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Hương cao nguyên còn đó, thắm đượm trên đôi môi.”
“Một mình lang thang trên đất này, theo dấu chân cha ông từng ngày. Một mình qua sông qua núi đồi, tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời…” – những ca từ trong ca khúc “Đi tìm lời ru thần mặt trời” của nhạc sĩ Y Phôn Ksor đưa ta đến với miền cao nguyên nắng gió, đến với những bản làng xa xôi, nơi có con đường đất đỏ và những nụ cười hồn hậu mến khách của người Tây Nguyên.
Bầu trời với những đụn mây trắng cao vời vợi và ánh nắng buổi sớm mai như phả một lớp mật lên ngôi nhà Dài truyền thống của người Ê-đê ở Buôn Eam Dharia, xã Eanuól, nơi đám trẻ hồn nhiên chơi đùa, như lời ca khúc “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến – “Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi. Một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui. Ở nơi ấy, họ đang sống cuộc sống thanh bình. Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi.”
Hoàng hôn ở Buôn Đôn, nơi có dòng sông Sêrêpôk quanh năm nước chảy hiền hòa, nơi những người dân Ê-đê say sưa với những vũ điệu dân gian bên đống lửa để mừng lễ hội săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Chú voi đã được thuần dưỡng này được anh chàng nài voi đặt tên là Beckham (tiếng Lào là “Thần vàng”), nặng 4 tấn và 60 năm tuổi đời.
Những chiếc xe công nông thô sơ trên con đường đất đỏ bazan – hình ảnh quen thuộc ở các bản làng Tây Nguyên
Cây cầu treo bằng tre xuyên qua rặng rễ si già trăm tuổi, hồ nước tự nhiên được kiến tạo từ dòng thác hùng vĩ Dray Nur là những hình ảnh ấn tượng chỉ có ở miền cao này
Cây si già hàng trăm tuổi vươn nhánh từ những rễ cây lớn chằng chịt tạo thành nơi trú ngụ bình yên cho buổi trưa hè
Giọt cà phê sóng sánh, giọng hát hào sảng đậm chất núi rừng của nghệ sĩ Y-zack cất lên từ chái nhà Dài của người Ê-đê, sớm mai trên hồ Lắk, hoàng hôn nơi bản Đôn… có thể làm say lòng bất cứ du khách nào đang lang thang trên miền đất này để tìm Lời ru của thần mặt trời
Giám đốc sáng tạo: Hà Đỗ
Sản xuất: Hellos – Nhiếp ảnh: Tang Tang
Bài: Lâm Lê – Người mẫu: Kim Nhung
Stylist: Kim Tuyến Nguyễn – Trang điểm: Tùng Châu
Trợ lý: Johnny Mạch – Ngọc Huyền – Dâng Cao
Trang phục & phụ kiện: Hermès