Đi tìm giá trị cốt lõi của phong tục lì xì - Tạp chí Đẹp

Đi tìm giá trị cốt lõi của phong tục lì xì

Sống

Nếu không tìm hiểu về những giá trị tốt đẹp đằng sau nét văn hóa lì xì đã có từ bao đời nay trong đời sống người Việt, ta sẽ khó tránh cái nhìn phiến diện và đánh giá sai lệch về phong tục này.

Lì xì vốn là một nét văn hóa đẹp, in sâu vào tâm thức người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về. Phong bao lì xì tượng trưng cho lời chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc vào năm mới. Ý nghĩa tốt đẹp của tục lệ này không nằm ở số tiền mừng mà ở thiện ý, nhận được hay cho đi đều được coi là điều may mắn.

Xuất xứ của phong tục lì xì


Phong tục lì xì ngày Tết bắt nguồn từ các nước Á Đông. Tương truyền thời xưa có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa và xoa đầu trẻ con, khiến những đứa trẻ khóc thét và trở bệnh vào hôm sau. Thuở ấy, có cặp vợ chồng già mãi mới sinh được mụn con trai. Khi Tết đến, 8 bà mụ đã hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên đứa bé. Khi đứa bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này, đặt lên gối con. Nửa đêm, khi yêu quái xuất hiện, nhìn thấy những tia vàng sáng rực thì lập tức bỏ chạy. Phong tục lì xì ngày Tết được ra đời từ đó.

Ý nghĩa của chiếc phong bao

Người Việt Nam ưa chuộng phong bao màu đỏ, bởi đó là màu của sự may mắn, phát tài. Trong khi đó, người Nhật sử dụng phong bao màu trắng có ghi tên người nhận, thể hiện sự trân quý của người tặng, còn người Hồi giáo tại các nước Châu Á như Malaysia, Singapore, Brunei lại sử dụng màu xanh như biểu tượng của hi vọng trong năm mới.

Tiền mừng tuổi được đặt trong phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, tinh tế của người Á Đông, bởi sẽ không có sự so bì, tị nạnh giữa những người được nhận. Bên trong bao lì xì, người ta thường sử dụng những tờ tiền mới để mừng tuổi đầu năm. Tiền mới tượng trưng cho sự tinh khôi, mới mẻ, khởi đầu năm mới thuận lợi. Ngày nay, nhiều gia đình thường sưu tầm những đồng tiền mệnh giá thấp, được in mới đặc biệt cho ngày Tết để đặt vào bao lì xì cho thiếu nhi.

Người Việt từ xưa đến nay thường gửi phong bao lì xì kèm lời chúc sức khỏe, thành đạt cho năm mới. Ta trao và nhận phong bao lì xì bằng hai tay, và chỉ mở sau khi người trao tặng đã ra về để thể hiện phép lịch sự. Nếu nhà có trẻ nhỏ, cha mẹ sẽ dạy các bé cách đối đáp khi nhận tiền mừng tuổi và bày tỏ niềm trân trọng với người trao bao lì xì.

Trên thực tế, hiện nay đối tượng được lì xì vào ngày Tết không chỉ giới hạn trong độ tuổi thiếu nhi. Dù là bất kỳ ai ở độ tuổi nào cũng có thể trao và nhận bao lì xì từ nhau, bởi lẽ, lì xì không phải là một cách để tích góp thêm tiền của, mà giá trị cốt lõi của phong tục này là để chúng ta trao gửi những lời chúc tốt đẹp cùng niềm tri ân đến với những người thân thương, từ đó mở ra một năm mới đầy hứa hẹn cho tất cả mọi người.

Tác giả: Đẹp Online

22/01/2023, 06:30