Đi theo cách tôi chọn

Hạnh Dung nói chị chẳng có gì nổi bật – không giỏi giang, không nhiều tiền, không xinh đẹp –  có điều dám thử cái mới. Đi du lịch, mà phải là du lịch bụi, mới là cách chị chọn lựa. Hạnh Dung đi du lịch bụi rất… khôn. Chị chọn phương pháp ưu tiên. Đó là đến những nước gần và những nước có chi phí rẻ trước như Thái Lan, Lào, Campuchia,  Malaysia, Myanma, Pakistan, Ấn Độ, Nêpan, Bănglađet…

Nhưng đó là thời Hạnh Dung vừa tốt nghiệp cao học, còn bây giờ chị đã đi làm, có cuộc sống ổn định, nên trước khi trò chuyện với phóng viên, chị đã gói ghém  hành lí để tối ra sân bay. Lần này chị đi Mỹ một tháng, sau đó trở về Việt Nam và chuẩn bị thực hiện giấc mơ khám phá châu Âu…

Chị trở thành người thích “dịch chuyển” từ khi nào? Và đến thời điểm này thì đâu là chuyến đi dài nhất của chị?  
 
Trước đây tôi học chuyên ngữ, mà môi trường chuyên tương đối gò bó nên vào đại học như được thả lỏng, tôi thích đi và đi cũng nhiều. Thời đó tôi nhập nhóm “Ta ba lô”, mỗi năm đi ít  nhất 2 lần bằng xe gắn máy. Còn chuyến đi dài nhất của tôi là sau khi  tốt nghiệp Thạc sĩ về truyền thông ở Singapore. Lúc đó anh bạn rủ đi từ  Singapore qua Thái chơi, rồi về Việt Nam luôn. Chúng tôi hẹn ở biên giới Singapore với Malaysia. Nhưng đợi mấy tiếng không thấy anh ấy đâu, điện thoại cũng không được. Chắc anh  ta sợ quá bỏ cuộc, tôi đành quay trở về.
 
Về nhà nghĩ ngợi mất một ngày, đồ đạc đã gói ghém hết rồi, thế là hôm sau tôi quyết định đi một mình. Tôi đi từ Singapore qua Malaysia, qua Thái, đi Lào, rồi về Thái, qua Campuchia, ghé Myanma, lại quay về Thái và sang Ấn ở gần 6  tháng mới quay trở lại Singapore. Chuyến đi đó đã kéo dài gần 9 tháng. 
 
“Một mình một ngựa”, lại mới ra trường thì bản lĩnh và tiền bạc ở đâu để chị đi “bụi” gần 9 tháng?  
 
Thật ra lúc đầu tôi chỉ nghĩ mình đi dọc đất nước Malaysia và Thái  trong vòng một tháng. Nhưng khi hòa  đồng với thế giới du lịch bụi, đặc biệt qua Thái – trạm trung chuyển rất nhiều khách du lịch, nghe họ kể những câu chuyện về Nêpan, Ấn Độ,  Pakistan, Lào… rất hấp dẫn, và cứ thế  tôi đi. Đúng là lúc đó không nhiều tiền, dành dụm được 2-3 ngàn USD học bổng và một ít tiền nhà mang đi,  tôi cũng chỉ có thẻ ATM rút ở nước ngoài, chứ không có thẻ tín dụng. Nhủ thầm đây là chuyến đi của đời mình,  nên xác định với từng ấy tiền thì tiêu hết tiền rồi về. 
 
Tiếp cận với nhiều môi trường, nhiều con  người, nhiều nền văn hóa khác nhau, thì  những sự khác nhau đó có làm cho chị cảm thấy sốc? 
 
Tôi bị “sốc văn hóa”, và đó là cú sốc nặng nhất! Bởi cái mình quen thuộc và cái mình mới tiếp cận khác nhau nhiều quá. Lần đầu tiên tới Ấn, tôi vô cùng sốc, đó là một thế giới hoàn toàn khác, đối lập với thế giới mà tôi đang  trải nghiệm. Đến cố đô Calcutta, tôi  thấy những con người sắp chết nằm dài dọc đường, có những con kền kền và quạ đậu xung quanh. Thành phố cũ kỹ đến mức đường đi toàn đá hộc, khói bám đầy những ngôi nhà, nhìn lên không thấy mặt trời vì ô nhiễm quá. Bố mẹ, con cái nấu nướng, ăn uống ngay trên đường, và người ta cũng đi  vệ sinh ngay trên đường. Sông Hằng ngập những rác và xác động vật chết. Khi vào quán ăn, tôi là người phụ nữ duy nhất. Vì ở đó theo đạo Hồi, phụ nữ  không được phép làm việc ở nhà hàng.
 
Bạn thử tưởng tượng vào một quán ăn có hơn 100 người nhìn mình từ đầu đến cuối buổi, mà họ nhìn trực diện như đang xem tivi, vừa ngồi ăn vừa phải trông chừng mọi người nhìn mình thì sẽ sốc như thế nào?!  
 
Gặp những cảnh tượng ở Calcutta thì chị đi tiếp hay quay đầu lại? Và đi du lịch bụi –  đồng nghĩa với việc không an toàn, cũng  không có bảo hiểm – có phải là một cuộc hành trình quá nguy hiểm, nhất là với phụ nữ, ví   dụ bị đàn ông bản địa tấn công? 
 
Trước đó tôi không mường tượng được Ấn Độ như thế, và dù có đọc  sách báo, nghe kể lại, nhưng nó cũng không bao giờ sống động như  mình nhìn trực diện, nên không có lý do gì để tôi quay đầu lại. Còn đi du lịch bụi không đến mức đáng sợ  như mọi người nghĩ. Mình ít tiền hơn thì mất thời gian để tìm chỗ trọ  rẻ và ăn những chỗ rẻ. Không có bảo hiểm nên không có ai bảo vệ mình, nhưng mình được hòa nhập vào cộng đồng những người dịch chuyển, thậm chí có những người đi du lịch  10 năm liền không nghỉ, nên mình đi như thế không có gì đáng kể. 

Nhưng nếu có tiền, chị có đi du lịch bụi không? 
 
Tôi quan niệm đi du lịch mà theo tour giống như gà công nghiệp, có những điểm cố định, bạn sẽ ăn ở  đó, ngủ ở đó, và bạn sẽ nhìn cái thế giới mà công ty du lịch mở ra cho  bạn, chứ không phải là thế giới bạn muốn nhìn.

 Tôi quan niệm đi du lịch mà theo tour giống như gà công nghiệp, có những điểm cố định, bạn sẽ ăn ở  đó, ngủ ở đó, và bạn sẽ nhìn cái thế giới mà công ty du lịch mở ra cho  bạn, chứ không phải là thế giới bạn muốn nhìn.

Đi một mình, bạn tự hoạch định được chuyến đi của mình, tiếp xúc với nền văn hóa địa phương đó, bạn sẽ ăn cùng những người bản địa với những món ăn  bình dân của họ, bạn được gặp những con người thực tế chứ không phải thông qua hướng dẫn viên du lịch. Có những người nhiều tiền nhưng vẫn đi du lịch độc lập.

Nhiều tiền thì họ ở chỗ sang hơn, tôi ít  iền thì khổ hơn, họ đi tầu hỏa khoang nằm thì tôi đi khoang ngồi hoặc khoang không số. Đi du lịch bụi đa số là những người ít tiền, nhưng người nhiều tiền vẫn có khi chọn cách đi bụi. Bởi họ được đi theo cách họ chọn chứ không phải người khác chọn. 
 
So với nhiều nước trên thế giới, người Việt đi du lịch không  nhiều, đi du lịch khám phá  càng ít, phụ nữ lại càng ít hơn. Vậy thì bố mẹ, bạn bè, sếp và bạn trai “đối xử” thế nào với một phụ nữ hay đi như chị? 
 
Trong chuyến đi dài  nhất, tôi đã không nói với bố mẹ là sẽ đi du lịch lâu thế. Đến khi nghe tin, mẹ tôi khóc suốt ngày. Bà sợ có chuyện gì xảy ra trên đường, thậm chí sợ tôi…chết mất xác. Cũng may là trước khi vào làm việc, sếp không biết tôi là người có “máu” đi. Nhóm bạn của tôi đều là những người hay đi, nên với họ không có vấn đề gì. Còn người ngoài không quan trọng, quan trọng  là mình. Mình thích gì thì làm, không ảnh hưởng đến người khác là  được. Trong cuộc sống, mỗi lúc mình có ưu tiên khác nhau. Khi không có sự ràng buộc, tôi làm theo cái mình  muốn, khi có sự ràng buộc thì phải  làm theo những cái mình nghĩ là đúng, tất cả đều là lựa chọn của  mình. Tôi lấy chồng cũng xuất phát từ cùng chung sở thích đi chơi và  khám phá, thậm chí anh ấy còn đi nhiều hơn tôi!  
 
Ngoài khám phá, thì chuyến đi đó đem lại cho chị những gì? 
 
Đời là những chuyến đi, và cứ có  điều kiện là tôi đi, chứ không nghĩ mình sẽ thu lượm được cái gì sau đó. Nhưng phải thừa nhận là tôi nhận được những giá trị vô  hình cho cuộc sống, như tôi cảm thấy tự tin hơn. Trước tôi sống tới đâu hay tới đó, thì bây giờ biết lập kế hoạch lớn và kế hoạch nhỏ, trước những khó khăn vất vả tôi luôn tìm cách giải quyết. Tôi không phải người viết sách, mà chỉ là khách du lịch, nên không nghiên cứu quá sâu một nền văn hóa nào đó, mà chỉ đi để  cảm nhận sự khác biệt của những người nào đó ở một nẻo nào đó trên  thế giới./.


From the same category