DepPodcast Banner 970x250

Di sản hỗn loạn của ông Trump sau ngày bầu cử Mỹ

Ngày 20/1, nước Mỹ chính thức bước sang một trang mới khi Tổng thống đắc cử Joe Biden làm lễ nhậm chức, khép lại bốn năm nhiều biến động dưới thời Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, mà đỉnh điểm của những biến động ấy là cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1.

Nhiều người đã bị bất ngờ bởi các sự kiện vừa xảy ra ở Washington D.C, nhưng với những người luôn theo dõi chặt chẽ các nhóm âm mưu và nhóm cực hữu trên Internet, các dấu hiệu cảnh báo đã quá rõ ràng.

2 giờ 21 (giờ chuẩn miền Đông) trong đêm bầu cử, Tổng thống Trump đã bước lên một sân khấu được dựng ở Phòng phía Đông của Nhà Trắng và tuyên bố chiến thắng. “Chúng tôi đã sẵn sàng chiến thắng cuộc bầu cử này. Thành thật mà nói, chúng tôi đã giành chiến thắng.”

Bài phát biểu của ông được đưa ra chỉ một giờ sau khi ông đăng dòng tweet: “Họ đang cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử.”

Ông Trump đã không chiến thắng. Chẳng có chiến thắng nào để đánh cắp cả. Nhưng với nhiều người ủng hộ nhiệt thành của ông, những sự thực này chẳng có nghĩa lý gì, và đến giờ vẫn vậy.

65 ngày sau, một đám đông hỗn tạp những người bạo loạn đã xông vào tòa nhà Quốc hội ở Đồi Capitol. Trong số này có những tín đồ của thuyết âm mưu QAnon, thành viên của các nhóm “Dừng việc đánh cắp” (Stop the Steal), các nhà hoạt động cực hữu, những kẻ hay khích bác trên mạng và nhiều thành phần khác.

Hôm thứ Sáu, ngày 8/1, tức khoảng 48 giờ sau vụ bạo loạn ở Washington D.C, Twitter đã bắt đầu thanh trừng một số tài khoản ủng hộ Trump có sức ảnh hưởng lớn nhất – chủ các tài khoản này thường xuyên thúc đẩy các thuyết âm mưu và hối thúc hành động trực tiếp để lật lại kết quả bầu cử.

Sau đó không lâu cũng đến lượt mục tiêu lớn nhất – tài khoản Twitter của chính ông Trump. Tài khoản của vị tổng thống với hơn 88 triệu người theo dõi đã bị cấm hoạt động vĩnh viễn do “có nguy cơ kích động bạo lực hơn nữa.”

Trang Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chưa bị dừng hoạt động. (Ảnh: BBC)

Vụ bạo lực tại Washington đã khiến cả thế giới bàng hoàng, và dường như đã khiến chính quyền trở tay không kịp.

Nhưng với bất cứ ai vẫn luôn theo dõi sát sao câu chuyện được kể- cả trên mạng Internet lẫn trên các con phố tại các thành phố ở Hoa Kỳ – sự kiện này chẳng hề bất ngờ.

Ý tưởng về một cuộc bầu cử bị gian lận đã được vị tổng thống sắp mãn nhiệm reo rắc thông qua những bài phát biểu cũng như trên Twitter nhiều tháng trước khi diễn ra hoạt động bỏ phiếu.

Vào ngày bầu cử, các tin đồn bắt đầu nổi lên cùng thời điểm người Mỹ đến các điểm bỏ phiếu. Đoạn video ghi lại cảnh một người theo đảng Cộng hòa phụ trách giám sát phòng bỏ phiếu không được tiến vào một điểm bỏ phiếu ở Philadelphia đã được lan truyền rộng rãi. Đó thực chất là một sự nhầm lẫn do việc hiểu sai các quy tắc. Người đàn ông này sau đó đã được vào phòng bỏ phiếu để giám sát việc kiểm phiếu.

Nhưng đây chính là phát súng mở đầu cho một loạt video, hình ảnh, ảnh đồ họa và khẳng định nhanh chóng được truyền tay trong những ngày sau đó, dẫn đến sự ra đời của hashtag: #StopTheSteal (tạm dịch: Dừng việc đánh cắp). Thông điệp đằng sau rất rõ ràng – ông Trump đã giành chiến thắng long trời lở đất, nhưng những thế lực đen tối thuộc “nhà nước ngầm” (Deep State) đã đánh cắp chiến thắng này của ông.

Khi ngày 4/11 vừa bắt đầu được vài giờ, trong khi các lá phiếu vẫn đang được kiểm đếm, và còn cách ba ngày nữa trước khi các hãng tin tức tại Hoa Kỳ tuyên bố chiến thắng cho Joe Biden, Tổng thống Trump đã lên tiếng khẳng định thắng lợi và cáo buộc “một sự lừa gạt với công chúng Hoa Kỳ.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào làm căn cứ cho những tuyên bố của mình. Nghiên cứu về các cuộc bầu cử trước đây tại Hoa Kỳ cho thấy gian lận cử tri là cực kỳ hiếm.

Đến giữa buổi chiều cùng ngày, một nhóm Facebook có tên “Stop the Steal” đã được tạo, và nhanh chóng trở thành một trong những nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử của mạng xã hội này. Đến sáng thứ Năm, nhóm đã có thêm hơn 300.000 thành viên.

Nhiều bài đăng trên nhóm tập trung vào các cáo buộc vô căn cứ về gian lận cử tri diện rộng, bao gồm những thông tin bịa đặt như hàng ngàn người đã chết lại đi bỏ phiếu, và rằng các máy bỏ phiếu đã được lập trình để chuyển các lá phiếu bầu ông Trump sang bầu cho ông Biden. Một số bài đăng còn có nội dung đáng báo động hơn khi kêu gọi “nội chiến” hoặc “cách mạng.”

Đến chiều thứ Năm (5/11), Facebook đã khóa trang của Stop the Steal, nhưng nhóm này cũng đã kịp thu về gần nửa triệu bình luận, chia sẻ, yêu thích và phản ứng của cộng đồng mạng. Hàng chục nhóm khác sau đó đã nhanh chóng xuất hiện thế chỗ Stop the Steal.

Tư tưởng về cuộc bầu cử bị đánh cắp tiếp tục được lan truyền trên mạng và trở nên phổ biến. Không lâu sau, một trang web dành cho Stop the Steal đã được lập nhằm chiêu mộ “những người lính bảo vệ cho tính liêm chính của cuộc bầu cử.”

Vào thứ Bảy, ngày 7/11, các hãng tin tức lớn tuyên bố rằng Joe Biden đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử. Tại các thành trì của đảng Dân chủ, rất đông người đã xuống đường để ăn mừng. Trái lại, phản ứng từ những người ủng hộ nhiệt tình nhất của ông Trump trên mạng lại là sự tức giận và không chấp nhận.

Họ đã lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình ở Washington D.C trong ngày thứ Bảy của tuần tiếp theo đó, với tên là Cuộc diễu hành “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (gọi tắt là MAGA). Ông Trump đã đăng tweet nói rằng ông có thể thu xếp tới cuộc biểu tình đó và “chào hỏi.”

Các nhóm lan truyền thuyết “Đánh cắp bầu cử” mọc như nấm sau mưa (Nguồn: Getty Images)

Các cuộc biểu tình ủng hộ Trump trước đó tại Washington D.C đều không thu hút được đông đảo người dân. Nhưng trong buổi sáng đầy nắng đó, hàng nghìn người đã tập trung tại quảng trường Freedom Plaza. Một nhà nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan gọi đây là “màn ra mắt của phong trào nổi dậy ủng hộ Trump.”

Khi đoàn xe hộ tống ông Trump đi qua thành phố, những người ủng hộ đã hò hét vui sướng và vội vã đuổi theo để được nhìn thấy vị tổng thống đội chiếc mũ màu đỏ in dòng khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” mỉm cười đáp lại mình.

Mặc dù có sự tham dự của các nhân vật bảo thủ chính thống, sự kiện này lại bị chi phối bởi các nhóm cực hữu. Hàng chục thành viên của Proud Boys, một nhóm cực hữu chống người nhập cư chỉ nhận thành viên nam thường xuyên dính líu đến các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố đã tham gia diễu hành và sau đó là tấn công vào Đồi Capitol. Các nhóm dân quân, các nhân vật truyền thông cực hữu và những người tuyên truyền các thuyết âm mưu cũng có mặt.

Luật sư Lin Wood và dòng tweet kêu gọi biểu tình hôm 6/1.

Bà Powell và ông Wood hứa rằng họ đang chuẩn bị các vụ kiện gian lận cử tri một cách thật kỹ càng để khi trình lên, chúng sẽ có sức mạnh đập tan tuyên bố rằng ông Biden đã đắc cử tổng thống.

Bà Powell, 65 tuổi, một nhà hoạt động bảo thủ kiêm cựu công tố viên liên bang, nói với Fox News rằng nỗ lực này sẽ “giải phóng Kraken” – ám chỉ đến hình ảnh con quái vật biển khổng lồ vươn lên từ đại dương để nuốt chửng kẻ thù của nó theo văn hóa dân gian Scandinavia.

“Kraken” nhanh chóng trở thành một hình ảnh phổ biến trên mạng Internet, đại diện cho những tuyên bố lộn xộn và vô căn cứ về gian lận bầu cử.

Bà Powell và ông Wood đã trở thành người hùng trong mắt những người theo thuyết âm mưu QAnon – thuyết này tin rằng tổng thống Trump và một nhóm tình báo quân sự bí mật đang chiến đấu với một nhà nước ngầm gồm những kẻ tôn thờ Satan thuộc đảng Dân chủ, giới truyền thông, giới kinh doanh và Hollywood.

Hai luật sư này đã trở thành cầu nối giữa Trump và những người ủng hộ có đầu óc âm mưu nhất của ông – và rất nhiều người trong số đó đã có mặt ở đồi Capitol hôm 6/1.

Người biểu tình ủng hộ ông Donald Trump. (Nguồn: Getty Images)

Bà Powell và ông Wood đã thành công trong việc khuấy động phong trào trên trực tuyến, nhưng các nỗ lực pháp lý của họ lại chẳng đi đến đâu.

Khi họ công bố gần 200 trang tài liệu hồi cuối tháng 11 vừa rồi, công chúng mới biết rằng hồ sơ kiện tụng của họ chủ yếu dựa trên những thuyết âm mưu và những cáo buộc đã bị vạch trần và bác bỏ bởi hàng chục tòa án. Các hồ sơ này thậm chí còn có những lỗi pháp lý đơn giản, cũng như lỗi chính tả và lỗi đánh máy cơ bản.

Tuy nhiên, những hình ảnh biểu tượng vẫn còn đó. Các thuật ngữ “Kraken” và “Giải phóng Kraken” đã được sử dụng hơn một triệu lần trên Twitter trước cuộc bạo động ở Capitol.

Khi các tòa án bác bỏ các vụ kiện pháp lý của ông Trump, các nhà hoạt động cực hữu đã chuyển sang nhắm mục tiêu dồn dập vào các nhân viên và quan chức phụ trách cuộc bầu cử.

Những lời đe dọa sát hại đã được gửi tới một nhân viên bầu cử ở Georgia, và các quan chức Cộng hòa của bang này – bao gồm Thống đốc Brian Kemp, Quốc vụ khanh bang Brad Raffensperger và quan chức phụ trách các hệ thống bỏ phiếu của bang, Gabriel Sterling – bị gọi là “kẻ phản bội” trên mạng.

Ông Sterling đã đưa ra một lời cảnh báo đầy cảm xúc và mang tính dự đoán cho tổng thống trong một buổi họp báo hôm 1/12. “Sẽ có người bị thương, sẽ có người bị trúng đạn, sẽ có người chết, và điều đó không đúng đắn chút nào,” ông nói.

Tại Michigan hồi đầu tháng 12, Thư ký bang Jocelyn Benson, một đảng viên Dân chủ, vừa mới tỉa xong cây thông Giáng sinh cùng cậu con trai bốn tuổi thì nghe thấy tiếng ồn lớn từ một đám đông bên ngoài căn nhà của mình ở Detroit.

Quốc vụ khanh bang Georgia Brad Raffensperger và quan chức phụ trách các hệ thống bỏ phiếu của bang bị gọi là “kẻ phản bội” trên mạng.

Khoảng 30 người biểu tình mang biểu ngữ vây quanh nhà và gào lớn “Dừng việc ăn cắp lại!” qua loa phóng thanh. “Benson, đồ phản diện,” một người hét lên. “Bà là mối đe dọa với nền dân chủ!” một người khác gào thét. Một trong những người biểu tình thậm chí còn phát trực tiếp sự việc lên Facebook và nói rằng nhóm của mình “sẽ không bỏ đi.”

Đây chỉ là một trong hàng loạt những cuộc biểu tình nhắm vào những người có liên quan đến cuộc bầu cử. Tại Georgia, một dòng người ủng hộ Trump liên tục lái xe ngang qua nhà ông Raffensperger và bấm còi inh ỏi. Vợ của ông thậm chí còn nhận được lời đe dọa tấn công tình dục. Tại Arizona, những người biểu tình tụ tập bên ngoài nhà của Thư ký bang Katie Hobbs, một đảng viên Dân chủ, và cảnh báo: “Chúng tôi đang theo dõi bà.”

Vào ngày 11/12, Tòa án Tối cao đã bác bỏ nỗ lực hủy bỏ kết quả bầu cử của bang Texas. Khi các cửa sổ pháp lý và chính trị của tổng thống nối nhau khép lại, ngôn từ được sử dụng trong các nhóm trực tuyến ủng hộ Trump càng trở nên bạo lực hơn.

Ngày 12/12, cuộc biểu tình Stop the Steal thứ hai được tổ chức tại thủ đô. Một lần nữa, hàng nghìn người đã đến tham dự, và một lần nữa, các nhà hoạt động cực hữu, người ủng hộ QAnon, các nhóm MAGA quá khích và các phong trào dân quân cũng nằm trong số người biểu tình.

Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, so sánh những người biểu tình với những người lính và linh mục trong Kinh Thánh tràn tới phá đổ những bức tường của thành phố Jericho. So sánh này cũng gợi nhắc đến lời kêu gọi của những người tổ chức biểu tình cho các “Cuộc diễu hành Jericho” nhằm lật lại kết quả bầu cử.

Tướng Flynn là đồng minh thân cận của ông Trump (Nguồn: AP)

Nick Fuentes, lãnh đạo của Groypers, một phong trào cực hữu nhắm vào các chính trị gia Cộng hòa và những nhân vật họ cho là quá ôn hòa, nói với đám đông: “Chúng ta sẽ tiêu diệt đảng Cộng hòa!”

Cuộc tuần hành một lần nữa biến thành bạo lực.

Hai ngày sau đó, Đại cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của ông Biden, một trong những bước cuối cùng cần thiết để ông nhậm chức. Trên các nền tảng trực tuyến, những người ủng hộ tin rằng mọi kênh pháp lý lúc này đã trở thành ngõ cụt, và chỉ có hành động trực tiếp mới cứu được vị trí tổng thống của Trump.

Kể từ ngày bầu cử, bên cạnh Flynn, Powell và Wood, một nhân vật mới cũng đã nhanh chóng nổi lên trong giới ủng hộ Trump trên mạng.

Ron Watkins là con trai của Jim Watkins, người đàn ông đứng sau 8chan và 8kun – những bảng tin chứa đầy ngôn ngữ và quan điểm cực đoan, bạo lực và nội dung tình dục. Họ là những người khởi xướng phong trào QAnon.

Trong một loạt các dòng tweet được lan truyền rộng rãi hôm 17/12, Ron Watkins đã đề nghị tổng thống Trump noi gương nhà lãnh đạo La Mã Julius Caesar, và tận dụng “lòng trung thành mãnh liệt của quân đội” để “khôi phục nền Cộng hòa.”

Ron Watkins đã khuyến khích hơn 500.000 người theo dõi của mình đưa hashtag #CrossTheRubicon thành một xu hướng trên Twitter, ám chỉ tới khoảnh khắc Caesar phát động cuộc nội chiến bằng cách vượt qua sông Rubicon vào năm 49 TCN. Hashtag này cũng được sử dụng bởi những tên tuổi chính thống hơn – bao gồm chủ tịch đảng Cộng hòa tại Arizona, Kelli Ward.

Trong một tweet khác, Ron Watkins nói rằng ông Trump phải viện dẫn Đạo luật Nổi dậy, ở đó trao quyền cho tổng thống triển khai quân đội và các lực lượng liên bang.

Trump đã gặp Powell, Flynn và những người khác tại một cuộc họp chiến lược tại Nhà Trắng vào ngày hôm sau, 18/12. Theo New York Times, tại cuộc họp, Flynn đã kêu gọi ông Trump thiết quân luật và triển khai quân đội để “tái khởi động” cuộc bầu cử.

Nhân vật ủng hộ các thuyết âm mưu của QAnon có mặt trong cuộc tấn công vào điện Capitol, bên cạnh những thành viên cực hữu (Nguồn: Forbes)

Cuộc họp tiếp tục làm dấy lên những màn trao đổi trực tuyến về “chiến tranh” và “cách mạng” trong các nhóm cực hữu. Nhiều người coi phiên họp chung của Quốc hội ngày 6/1, một sự kiện chỉ mang tính hình thức, là thời cơ cuối cùng.

Những người ủng hộ QAnon và MAGA bắt đầu dựng lên một câu chuyện tưởng tượng nữa. Họ hy vọng rằng Phó tổng thống Mike Pence, người sẽ chủ trì buổi lễ ngày 6/1, sẽ lờ đi các lá phiếu đại cử tri.

Sau đó, tổng thống sẽ triển khai quân đội để dẹp yên bất kỳ tình trạng bất ổn nào, ra lệnh bắt giữ hàng loạt những kẻ thuộc “nhà nước ngầm” đã can thiệp vào cuộc bầu cử và tống họ vào nhà tù quân sự ở vịnh Guantanamo.

Trở lại với thực tế, chẳng có chi tiết nào trong câu chuyện này có khả năng xảy ra, dù chỉ là một chút. Nhưng nó đã khơi dậy một phong trào cho các “đoàn lữ hành yêu nước” tổ chức các hoạt động đi chung xe nhằm đưa hàng nghìn người từ khắp nơi trên cả nước tới Washington D.C vào ngày 6/1.

Các đoàn xe gắn cờ Trump và đôi khi có cả những chiếc xe kéo được trang trí cầu kỳ đã tập trung tại các bãi đỗ xe ở các thành phố như Louisville (bang Kentucky), Atlanta (bang Georgia) và Scranton (bang Pennsylvania). “Chúng tôi đang đến,” một người đăng Twitter kèm theo một bức ảnh chụp khoảng hơn hai chục người ủng hộ.

Các đoàn xe gắn cờ Trump và đôi khi có cả những chiếc xe kéo được trang trí cầu kỳ. (Nguồn: Getty Images)

Tại một bãi đậu xe của Ikea ở Bắc Carolina, một người đàn ông khác thì khoe chiếc xe tải của mình. “Mấy lá cờ hơi rách một chút – chúng ta sẽ gọi chúng là cờ chiến từ bây giờ,” ông ta nói.

Khi sự thật rằng ông Mike Pence và các nhân vật chủ chốt khác của đảng Cộng hòa sẽ làm theo luật và cho phép Quốc hội xác nhận chiến thắng của ông Biden trở nên chắc chắn, ngôn từ nhắm đến họ liền trở nên độc địa. “Pence sẽ phải ngồi tù chờ xét xử vì tội phản quốc,” Wood đăng tweet. “Ông ta sẽ bị xử bắn.”

Các cuộc thảo luận trực tuyến cũng ngày càng sôi sục. Những đề cập tới súng đạn, chiến tranh và bạo lực tràn ngập khắp các nền tảng mạng xã hội “tự do ngôn luận” tự tạo, ví dụ như Gab và Parler, vốn phổ biến với những người ủng hộ ông Trump, cũng như các trang web khác.

Tại các nhóm Proud Boys, nơi các thành viên từng ủng hộ cảnh sát, một số quay lưng lại và cho rằng chính quyền đã không còn đứng về phía họ.

Hàng trăm bài đăng trên trang web ủng hộ Trump nổi tiếng, TheDonald, công khai thảo luận các kế hoạch vượt qua các rào chắn, mang theo súng ống và vũ khí khác đến cuộc tuần hành bất chấp luật súng đạn nghiêm ngặt tại Washington. Đã có những cuộc trò chuyện công khai về việc xông vào Capitol và bắt giữ những thành viên “phản quốc” trong Quốc hội.

Hôm thứ Tư, 6/1, ông Trump đã có bài phát biểu với đám đông hàng nghìn người ở Ellipse, một công viên ở phía Nam Nhà Trắng, trong hơn một giờ đồng hồ.

Ban đầu, ông khuyến khích những người ủng hộ “lên tiếng một cách hòa bình và yêu nước”, nhưng sau đó kết lại bằng một lời cảnh báo. “Chúng ta chiến đấu ác liệt, và nếu các bạn không chiến đấu một cách ác liệt, các bạn sẽ chẳng còn đất nước nữa. Vì thế, chúng ta sẽ đi trên Đại lộ Pennsylvania, và chúng ta sẽ hướng tới Đồi Capitol.”

Đối với một số nhà quan sát, tiềm năng xảy ra bạo lực trong ngày hôm đó đã sớm hiện rõ.

Michael Chertoff, cựu bộ trưởng an ninh nội địa dưới thời tổng thống George W Bush, đổ lỗi cho cảnh sát đồi Capitol, những người được cho là đã từ chối các đề nghị hỗ trợ trước đó từ lực lượng Vệ binh Quốc gia vốn hùng hậu hơn. Ông mô tả đó là “thất bại tồi tệ nhất mà tôi có thể nghĩ đến cho lực lượng cảnh sát.”

“Tôi cho rằng đây là một bước ngoặt sự kiện tiêu cực có thể dự đoán được trước,” ông Chertoff nói. “Nói trắng ra thì đã quá rõ ràng. Nếu bạn đọc báo và có một cái đầu tỉnh táo, bạn sẽ hiểu ra rằng đang có rất nhiều người bị thuyết phục rằng cuộc bầu cử bị gian lận. Trong số đó có những phần tử cực đoan và bạo lực. Một số còn công khai kêu gọi ‘Mang theo súng của các bạn’.”

Tuy nhiên, nhiều người Mỹ như James Clark, một đảng viên Cộng hòa 68 tuổi tại Virginia, vẫn bị bất ngờ bởi những diễn biến ngày 6/1. “Tôi thấy sốc hoàn toàn. Tôi không nghĩ sự việc sẽ đi xa đến mức ấy,” ông nói với BBC.

Cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội được cho là đã đánh thẳng vào biểu tượng của nước Mỹ (Nguồn: AP)

Nhưng những dấu hiệu đã hiển hiện suốt nhiều tuần. Một đám hổ lốn các nhóm cực đoan và âm mưu đã bị thuyết phục rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Trên mạng, họ liên tục nói về việc tự vũ trang và bạo lực. Có lẽ các nhà chức trách cũng không xem những bài đăng của họ là nghiêm túc, hay đủ cụ thể để tiến hành điều tra. Để bây giờ, họ phải đối mặt với những câu hỏi nhắm thẳng vào sự việc.

Đối với lễ nhậm chức ngày 20/1 của Joe Biden, Chertoff kỳ vọng vào một “màn ra quân mạnh mẽ hơn” của các lực lượng an ninh. Nhưng điều đó không ngăn được nhiều người trên các nền tảng cực đoan kêu gọi gia tăng bạo lực và gây gián đoạn trong buổi lễ.

Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra cho các nền tảng mạng xã hội lớn vì đã cho phép những thuyết âm mưu tiếp cận hàng triệu người. Tối muộn ngày thứ Sáu, Twitter đã xóa các tài khoản của Flynn – cựu cố vấn của Trump, các luật sư “Kraken” là Powell và Wood, và Watkins. Sau đó, tài khoản của chính ông Trump cũng bị xóa.

Khi màn đêm buông xuống, các cuộc đụng độ giữa người ủng hộ Trump và phe đối lập đã diễn ra, bao gồm một cuộc ẩu đả cách Nhà Trắng khoảng năm dãy nhà.

Hành động bạo lực – mặc dù đã được cảnh sát kiểm soát phần lớn trong trường hợp này – là một dấu hiệu rõ ràng cho những gì sắp tới. Đến lúc đó, tổng thống Trump và đội ngũ pháp lý của ông vẫn nuôi hy vọng với hàng chục vụ kiện pháp lý.

Mặc dù nhiều tòa án đã bác bỏ các cáo buộc gian lận, nhiều người ủng hộ Trump trên mạng vẫn đặt niềm tin vào hai luật sư có quan hệ thân thiết với vị tổng thống – Sidney Powell và Lin Wood.

play-rounded-fill

Các vụ bắt giữ những người đã xông vào Đồi Capitol vẫn đang được tiến hành. Nhưng hầu hết những kẻ bạo loạn vẫn đang sống ở một vũ trụ trực tuyến song song – một thế giới ngầm đầy rẫy các sự kiện thay thế.

Họ đã đưa ra những lời giải thích huyễn hoặc để bác bỏ tuyên bố qua video của ông Trump, được đăng trên Twitter một ngày sau cuộc bạo loạn, ở đó ông lần đầu thừa nhận rằng “một chính quyền mới sẽ nhậm chức vào ngày 20/1.”

Họ cự cãi rằng ông không thể nào bỏ cuộc. Một trong số những thuyết mới này tin rằng công nghệ tạo hình ảnh giả “deep fake” đã được dùng để gán mặt ông Trump vào đoạn video, thay vì ông thực sự đã lên tiếng. Hoặc có lẽ tổng thống đang bị giam giữ làm con tin.

Nhiều người vẫn tin rằng ông Trump sẽ thắng.

Không có bất kỳ bằng chứng nào ủng hộ, nhưng tất cả chứng tỏ một điều. Bất kể chuyện gì xảy ra với Donald Trump, những kẻ bạo loạn đã tràn vào Đồi Capitol sẽ không dễ dàng lùi bước.

Hình ảnh tưởng như chỉ xuất hiện trong các bộ phim của Hollywood (Nguồn: AP)

From the same category