“Đi học” – Bảo “phá nát” thì thô bạo quá!

Mấy hôm rồi nổi lên tranh cãi quanh chuyện nhạc sĩ Quốc Trung  làm mới ca khúc “Đi học” tại chương trình “Giai điệu tự hào” mà tôi cũng được góp mặt. Những điều chưa kịp nói ở trường quay, giờ tôi xin nói nốt:

 
Nhạc sĩ Trần Lập tại Studio của anh. Đây cũng là nơi nhạc sĩ làm việc với các projects trong nhóm Producers của mình.

– Làm nghệ thuật, anh Quốc Trung không nhất thiết diễn giải hết bằng lời từng chi tiết sáng tạo của mình nhưng anh đã nhẹ nhàng nêu đủ ý. Tôi ủng hộ.

– Bài hát này không có giới tính, sao lại cứ phải hình dung một bé gái hát thì hợp hơn một chú mặc veston. Ai hát chẳng được, miễn là…. hay

 
 Đây cũng là nơi Trần Lập mở lớp hướng dẫn kỹ thuật dành cho các bạn yêu ca hát.

“Sáng tạo thì phải có tưởng tượng riêng chứ rập khuôn thì nói làm gì!”

– Bản phối đẹp, mới, da diết nhưng chỉ là có vẻ sang quá so với giọng mộc của Hải Bột nên độ tương phản hơi sắc. Điều này có thể gây hứng thú với người ưa đổi mới nhưng dễ khiến người quen nghe kiểu cũ không ưng. Thế thôi, chứ nói phá nát này nọ thì thật quá lời và thô bạo với sự sáng tạo.

– Nếu tôi được phối bài này, tôi sẽ không dùng dàn semi classic. Ý tưởng thể hiện sẽ thiên về hướng tạo mầu vùng cao đậm đà hơn. Có thể sẽ không giống gốc, nhưng sáng tạo thì phải có tưởng tượng riêng chứ rập khuôn thì nói làm gì.

– “Đi học” được cho là gốc nhịp 2/4 nhưng bản chất giai điệu gốc có các phân bổ note rất hợp cho chuyển êm sang 3/4 rồi. Khác biệt nhịp là không lớn nhưng hòa thanh anh Trung đặt đã tạo diện mạo mới, vẫn đẳng cấp chứ đâu có nát! Rút cuộc, mỗi tác phẩm, mỗi bản phối sẽ làm người này thích người kia thì không. Cũng là tuỳ gu.

“Khác biệt nhịp là không lớn nhưng hòa thanh anh Quốc Trung đặt đã tạo diện mạo mới, vẫn đẳng cấp chứ đâu có nát!”

 Bài hát không chỉ có giai điệu mà người hát thể hiện nhưng phần hát bao giờ cũng nổi lên trên. Tất nhiên, nếu “phần bên trên” chưa lột tả và quyện hết được với nền tảng hòa thanh thì đó lại là chuyện khác. Nhưng phối nhạc và biểu diễn là hai phần của một vấn đề, nên được đánh giá khách quan hơn. Nếu chỉ vì nghe được” phần bên trên” mà “mắng” bản phối này thì e rằng đó là chưa thỏa đáng.

Thiển ý của tôi là thế thôi.

 

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

 

Nhạc sĩ Trần Lập
logo


From the same category