Đi dọc, đi ngang

Lần thứ nhất tôi “đọc ngang”, còn lần thứ hai thì tôi cố gắng “đọc dọc”, không phải để cho khác kiểu, mà vì tác giả tập bài viết về cuộc sống ở Hà Nội này tuy tuyên bố mình “đi ngang” nhưng thật ra ông còn kín đáo liên tục “đi dọc” – dù thế nào thì cách đi của ông cũng hoàn toàn khác chuyến đi trước đây, chuyến đi được ghi lại trong sách “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”; lần ấy, đâu như cách nay đã tròm trèm mười năm, hiển nhiên là ông đi vòng tròn.

 

32 bài của tập sách nói đến rất nhiều thứ: bia hơi, xe đạp, tàu điện, tem phiếu, kem, xích lô, tẩm quất, phở, rùa, xe máy, phố cổ, đám cưới, số nhà, đổ thùng, nước máy, cho biết Claude Bourrin, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Đông Dương ngày ấy 1898-1908”, đi xe máy hiệu gì, cho biết người in thiệp cưới cho con trai ông Bạch Thái Bưởi chính là Ngô Tử Hạ, giải thích cho chúng ta biết tại sao bà chủ ngôi nhà số 74 Hàng Bạc xưa kia lại có cái tên rất lạ là Bé Tí, đính chính rằng không phải thanh niên Cổ Nhuế mà thanh niên Thường Tín mới “xin thề” là “chưa đầy hai sọt chưa về cố hương”, vân vân và vân vân.

Dày đặc trong “Đi ngang Hà Nội” là các nhân vật (dĩ nhiên là có thật, hầu hết đều là nhân vật hấp dẫn vì được nhiều giai thoại bao bọc): Tư Hồng và vụ trúng thầu phá dỡ thành Hà Nội, Cô Đốc Sao (chủ nhà hát cô đầu có phòng khiêu vũ đầu tiên, ở phố Khâm Thiên), liên quan thêm tới một nhân vật nổi tiếng nữa là nhà báo Hoàng Tích Chu, rồi Đỗ Đình Khang (vũ sư đầu tiên), Lý Lệ Hà và mối quan hệ với Bảo Đại…

Nguyễn Ngọc Tiến có thể sử dụng lời chứng của những người nổi tiếng, như khi ông kể chuyện rùa Hồ Gươm căn cứ theo nhà văn Lê Bầu và nhà văn Nguyễn Dậu, nhưng vì còn là nhà báo nên ông rất chịu khó “khai thác lịch sử” từ nhiều con người bình thường.

Nguyễn Ngọc Tiến đi ngang qua đám đông lịch sử, gặp người nào hay hay, bắt mắt và nhất là chất chứa bên trong mình nhiều câu chuyện là ông dừng lại săm soi, ngắm nghía thật lâu, ông nghe họ kể chuyện và tìm hiểu về họ, tìm hiểu kỹ càng đến độ biết nhân vật của mình xếp váy vào đáy va li rồi cất đi đâu (bài số 19, “Nhảy đầm”). Nhưng nhìn kỹ, ông còn đi dọc, đi dọc một cách mạnh bạo và hết sức nhất quán. Nói ngắn gọn là ông luôn luôn trình bày các bài viết của mình theo cùng một cách.

Ví dụ: bài 20, “Cà phê Hà Nội” mở đầu như sau: “Cùng với vũ khí và lòng tham khi xâm chiếm thuộc địa, lính Pháp còn mang theo cả cà phê trong cuộc tấn công Đà Nẵng năm 1858. Ngay sau khi chiếm được thành phố này, trong căng-tin của đám quân lính thực dân đã bán cà phê” (tr. 218). Hoặc nữa, đầu bài số 9, “Kem Hà Nội”: “Xuất xứ của kem bắt đầu từ món “tuyết ngọt” của vua Nero đãi quần thần khi lên ngôi hoàng đế La Mã. Năm trăm năm sau, thời nhà Đường (Trung Quốc) xuất hiện món sữa dê đã lên men, trộn với bột mì, hương liệu rồi làm lạnh bằng băng với muối […] Năm 1886, Khách sạn Grand với năm mươi phòng, có bàn bida là khách sạn theo tiêu chuẩn Pháp khánh thành ở khố Hàng Trống (nay là Intimex phố Lê Thái Tổ) và người ta thấy tại quầy bar có bán kem cốc” (tr. 103).

Đây là “dàn bài chung” cho mọi khảo cứu của Nguyễn Ngọc Tiến; một mặt ta thấy nỗ lực của tác giả trong việc đẩy càng dài càng tốt lịch sử của đối tượng mà ông nhắm đến, mặt khác cũng cần thấy rằng tác giả nổi bật hơn hẳn về khả năng tìm ra và lắng nghe những câu chuyện ở cái thành phố kỳ lạ như Hà Nội này, còn “hình thức” những khảo cứu ấy thường hay đánh lừa người đọc vì những mở đầu quá ư hiền lành và theo khuôn khổ: “Trước năm 1884, Hà Nội chưa có phương tiện giao thông công cộng” (bài số 4, “Từ xe ngựa công cộng đến tàu điện”) hay “Suốt chiều dài lịch sử, Hà Nội không chỉ là trung tâm quyền lực, văn hóa mà còn là trung tâm buôn bán trong đó có cả giao thương với nước ngoài” (bài số 8, “Ôtô, biểu trưng quyền lực”, tr. 91).

Mức độ khảo cứu của tác giả cũng thường xuyên dùng dằng bất quyết giữa “huyền thoại phố phường” và sách vở, tài liệu lịch sử, để rồi gần như lần nào những câu chuyện rút ra từ cuộc sống bình thường cũng giành phần thắng. Chắc hẳn đọc xong “Đi ngang Hà Nội”, những câu chuyện sẽ là thứ đọng lại lâu nhất trong đầu óc người đọc, như chuyện kỳ lạ về ông Thông suốt bao nhiêu năm trời ngày nào cũng uống đúng mười một cốc bia, không bao giờ chịu sai lệch.

Tôi sẵn sàng đọc “Đi ngang Hà Nội” đến lần thứ ba nếu sự “đi sâu” của tác giả được thể hiện cũng rõ rệt bằng khả năng “đi ngang” và “đi dọc” vốn dĩ thượng thừa, nhiều lúc gây những cơn hứng khởi lớn lao cho một sự đọc chăm chú.

Nhị Linh


From the same category