Khác hẳn với kỳ vọng ban đầu, các nhà làm phim tỏ ra dè chừng trước quyết định chính thức về sự hoạt động của phim tư nhân. Những cái tên Lý Huỳnh, Đào Thu, Hai Nhất… tưởng sẽ đi tiên phong nay lại “ở ẩn”. Nhưng không mất quá nhiều thời gian cho sự chờ đợi, các đại diện mới – Thiên Ngân, Phước Sang, Á Mỹ, Việt phim… đã và đang tung ra thị trường những sản phẩm đầu tiên, bước đầu tạo nên một diện mạo mới cho điện ảnh Việt.
Ê kíp làm phim 39o yêu
Con người mới
Sau thành công của Vũ khúc con cò (chủ yếu ở thị trường nước ngoài), hãng phim Việt đã “dấn thân” vào thử nghiệm mới khi cộng tác với TFS sản xuất phim truyền hình 39o yêu. Lần đầu tiên một kịch bản phim được xây dựng bởi nhóm biên kịch “đa quốc gia”, gồm người Việt Nam, Úc, Ấn Độ, Rumani. Ngoài Nguyễn Phan Quang Bình, phim còn cộng tác với đạo diễn Rumani Bogdanmustata – người từng đoạt giải tại Liên hoan phim Quốc tế tổ chức ở Munich và Karlovy Vary. Không “vay mượn” đạo diễn hay biên kịch nước ngoài, nhưng Á Mỹ lại “ăn theo” trào lưu phim Hàn khi quyết định “rút ví” một số tiền không nhỏ để mời hai diễn viên Hàn Quốc Che Hee Yong – người mẫu chuyên nghiệp, diễn viên của hãng MBC và Min Sun Hong – diễn viên từng tham gia phim Vợ tôi là găng-tơ đóng phim Lửa tình.
Bộ phim đầu tay của Thiên Ngân – Những cô gái chân dài – không khó để đem lại doanh thu 5 tỷ đồng. Ngoài chiêu tiếp thị độc đáo, ngoài câu chuyện phim giải trí đơn thuần, có tiết tấu nhanh, mạnh, 5 tỷ đồng doanh thu còn do sự góp mặt của đông đảo người mẫu hàng đầu, đặc biệt là những vơ – đét của sàn catwalk như gương mặt lạnh Xuân Lan, nụ cười ấn tượng Anh Thư, đôi chân 1,12m Thanh Hằng… “Gương mặt ăn khách là phim có thể hút khán giả”, chiêu thức này được Thiên Ngân tiếp tục áp dụng khi mời Lam Trường tham gia Nữ tường cướp. Phim hài Khi đàn ông có bầu cũng quy tụ 40 ngôi sao hài trong cả nước, 3 ca sĩ nổi tiếng Phi Hùng, Phương Thanh, Minh Thuận. 39o yêu cũng quyết tâm hội ngộ những người mẫu hàng đầu Hồ Ngọc Hà, Nguyễn Bình Minh, Huy Khánh, Quốc Cường…
Câu chuyện mới
Không đi vào những câu chuyện nặng nề “đao to búa lớn”, không giáo điều, không còn chiến tranh với những đau thương mất mát, không còn những đồng quê xào xạc lúa với những con người quê “chân lấm tay bùn”, cũng không còn cảnh miền núi hoang sơ với những con người ngô nghê đến tội nghiệp… Các nhà làm phim mới xác định “đánh đúng” và “đánh trúng” đối tượng khán giả, đó là giới trẻ bằng những câu chuyện tình nhẹ nhàng, lãng
mạn, nhưng cũng không kém phần giật gân, câu khách. Câu khách ngay từ cái tên. 39o yêu, Lửa tình – đủ để khán giả hiểu phim là câu chuyện tình mãnh liệt. Những cô gái chân dài, Công nghệ lăng xê – đáp ứng sự tò mò của khán giả về thế giới thời thượng là sân khấu ca nhạc và sàn diễn thời trang. Nữ tướng cướp, Khi đàn ông có bầu – càng dễ “khiêu khích”.
Mỹ Duyên trong Nữ tướng cướp
Những chi tiết “chọn lọc” mà các nhà làm phim cung cấp cũng là chiêu thức kích thích sự tò mò của giới trẻ. Khi phim Hàn Quốc làm nhiều khán giả “đắm đuối” thì cũng là lúc mối tình Hàn Quốc – Việt Nam xuất hiện trong phim Lửa tình. Mối tình này còn được thi vị hóa ngọt ngào khi lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông. 39o yêu cũng là câu chuyện về tình yêu, tình bạn hiện đại, hấp dẫn và cũng mang tính chất “xuyên quốc gia”. Nữ tướng cướp còn gay cấn hơn khi kể về những cô gái xinh đẹp “cướp” trái tim của chàng ca sĩ ăn khách Lam Trường. Khi đàn ông có bầu lại “ăn theo” vở kịch Đàn ông có bầu từng gây “sốt” năm 1999 với khoảng hơn 200 lượt khán giả đến xem – một con số mơ ước của sân khấu kịch.
Công nghệ mới
Trước đây các nhà làm phim luôn than thở thiếu tiền, thiếu trường quay, thiếu máy móc hiện đại… Khi phim tư nhân vào cuộc tình hình đã thay đổi. Phạm Hoàng Nam – đạo diễn phim Khi đàn ông có bầu khoe “đòi hỏi bất cứ cái gì cũng được đáp ứng. Anh em trong đoàn làm xong rất hài lòng, không ai kêu ca bất cứ điều gì”. Cũng theo Phạm Hoàng Nam thì “tiền đầu tư không vung vãi theo kiểu trên trời rơi xuống. Chỉ tương đương với số tiền đầu tư của Nhà nước, nhưng được tính toán khéo léo, dựa trên hiệu quả công việc chứ không chi tiêu bừa bãi”. Con số 3 tỷ đồng đầu tư cho Khi đàn ông có bầu phải chia 1/3 cho việc làm hậu kỳ ở Thái Lan gồm in tráng, làm master, kỹ xảo hình ảnh. Bởi thế nên ngày 25/7 Khi đàn ông có bầu bấm máy, nhưng chỉ quay cảnh phục vụ cho việc lồng ghép kỹ xảo, đến ngày 1/8 đoàn phim mới quay những cảnh có nhân vật. Phim còn có nhiều đoạn thu trực tiếp ở trường quay, hạn chế tối đa việc làm âm thanh giả. Nữ tướng cướp của Thiên Ngân với số vốn đầu tư 2 tỷ do đạo diễn ăn khách Lê Hoàng đảm nhiệm cũng được sản xuất theo công nghệ này. Nữ tướng cướp còn hào phóng chi hơn 100 triệu đồng cho phần âm nhạc và tin tưởng giao cho nhạc sĩ Đức Trí – người vừa tốt nghiệp bằng ưu đại học Berklee (Mỹ) “bao” toàn bộ khâu này. Lửa tình với số vốn dự kiến 3 tỷ đồng cũng đưa phần hậu kỳ sang Hàn Quốc “giải quyết” và được phía bạn hứa hẹn là chỉ lấy giá “ưu đãi”.
Sau Một chuyến phiêu lưu, Lẵng hoa tình yêu của TFS, 39o yêu là bộ phim truyền hình đầu tiên của một hãng phim tư nhân được thực hiện theo công nghệ mới. 39o yêu sử dụng 3 máy quay kết hợp thu hình, thu tiếng đồng bộ. Hạn chế tối đa cảnh phải làm lại tiếng động do tạp âm nhiều, không thể loại bỏ. Thuê 1000m2 ở 196 Hoàng Văn Thụ, Tp.HCM làm trường quay với 20 bối cảnh, ngoài 1/3 quay ở ngoại cảnh, còn lại hoàn toàn được thực hiện trong trường quay. Nhờ công nghệ mới, ngày 2/11 khởi quay, ngày 20/11 giám đốc sản xuất Ngọc Hiệp đã có trong tay 2 tập đầu tiên mang đi chào hàng tại Hội chợ phim Hàn Quốc và nhận được kết quả hết sức khả quan. Với mục tiêu hoàn thành phim vào tháng 4/2005, hiện tại cả đoàn phim đang thực hiện gấp rút để có thể đóng máy vào trước Tết nguyên đán.
Lời kết
Bằng bộ óc “toán học” của những nhà kinh doanh, không ai dại dột bỏ tiền tỷ ra để… chơi ngông, nên với quyết tâm khai thác lợi nhuận từ điện ảnh, các nhà làm phim đang vào cuộc đầy sung mãn. Vẫn còn quá sớm để khẳng định thành công hay thất bại, nhưng sự vào cuộc của các hãng phim tư nhân bước đầu đã tạo nên không khí sôi động cho điện ảnh, bằng chứng thuyết phục nhất là cuộc “tranh rạp” đầy thú vị cho phim Tết năm nay. Từ cuộc cạnh tranh này, một số hãng phim tư nhân đã le lói ý định xây dựng rạp chiếu riêng như Thiên Ngân, Phước Sang, công ty BHD…
Tuy nhiên không ít người lại tỏ ra lo ngại. Liệu trào lưu làm phim thương mại hiện nay đã có một định hướng rõ ràng hay chỉ là biện pháp ăn sổi? Cộng tác với nước ngoài làm phim về Việt Nam liệu có hiệu quả lâu bền hay chỉ tạo nên sự tò mò ban đầu? Diễn viên trẻ đẹp, thời thượng có thể tạo nên dấu ấn đích thực khi luôn phải dùng hình thể lấn át chuyên môn, không dám đi sâu lột tả nội tâm nhân vật? “Ăn theo” trào lưu phim Hàn đã là một phương án hay khi bản thân phim Hàn đang bắt đầu có dấu hiệu nhàm chán ở thị trường Việt Nam bằng những câu chuyện tình sướt mướt có mô típ cũ rích? Tình yêu nam nữ đơn thuần liệu có phải nhu cầu số một của người Việt khi họ còn quan tâm đến nhiều tình cảm khác với những giá trị tinh thần đích thực?… “Cái chết non” của dòng phim mì ăn liền vẫn hiện hữu như một bài học đắt giá! Nhưng dẫu sao, chúng ta – những người luôn kỳ vọng vào sự phát triển của điện ảnh Việt. Hãy dành sự khích lệ nhiệt tình cho các hãng phim tư nhân.
Họ đang đi để có một con đường!
Chia sẻ bài viết này