Trong buổi chat khuya, mẹ viết: “Mẹ có hai điều cần chia sẻ. Thứ nhất là ông Trịnh Công Sơn còn mắc nợ mẹ cuốn sổ nhạc mà chú Toumy tặng mẹ hồi hai mươi tuổi. Cuốn sổ chép khoảng 50 bài nhạc Trịnh viết tay, rất đẹp. Sau này Toumy mượn lại cuốn sổ, rồi một lần đi học về, Trịnh Công Sơn thích quá nên đã mượn luôn. Giờ này ông Trịnh Công Sơn chết rồi, không biết cuốn sổ đang lưu lạc nơi đâu. Điều thứ hai là mẹ có hai kỉ niệm gắn liền với bài “Biển nhớ” và “Chiều một mình qua phố”. Bài “Biển nhớ” là hồi con một tháng tuổi, hai mẹ con mình bị cha đẻ con “áp tải” lên Buôn Mê Thuột, lúc dừng chân ở quán nước, mẹ đã khóc vì nhớ nhà khi nghe “Biển nhớ”. Bài “Chiều một mình qua phố” là bài mẹ hay đàn hát mỗi buổi chiều, kể từ ngày gặp lại dì Dung sau mấy chục năm chia ly. Cứ vừa đàn rồi khóc “Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em”.
Tôi lặng người trước màn hình laptop vì không nghĩ mẹ còn nhiều kỉ niệm chưa kể đến vậy. Vậy mà đó giờ tôi cứ tưởng mình đã biết hết toàn bộ câu chuyện cuộc đời mẹ.
Còn nhỏ, mỗi làn nghe mẹ hát nhạc Trịnh là một lần tôi buồn thiu, dù đôi khi đó là những lời nhạc tôi chẳng hiểu nhiều. Khi lớn lên, có dịp gặp lại những lời nhạc mẹ đã từng ca, tôi mới ngỡ ra là mẹ hát nhạc Trịnh không phải để hát thôi, mà còn để dạy tôi bài học yêu người, yêu đời…
Mẹ tôi một mình đóng cả hai vai trong sự nghiệp nuôi lớn tôi, cho đến khi ba Jean bước vào bộ phim cuộc đời mẹ. Làm mẹ đơn thân cả 15 năm, nhưng chừng đó thời gian tôi chưa từng thấy mẹ bớt lạc quan một giây phút nào. Đó là những ngày tôi loay hoay với bài tập làm văn tả về con đường đến trường của mình năm tiểu học. Biết viết gì đây, về những ngày mưa dông ngập nước, hay những hố gà hố vịt chưa một ngày được lấp phẳng? Mẹ nói hãy viết vào giấy rằng “Đó là con đường mang tên ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, vì đường nhà mình mang tên Bắc Đẩu”.
Có lần ba Jean chở hai chở hai mẹ con tôi đi thăm làng Mai của sư ông thích Nhất Hạnh ở bên Pháp. Khi vừa bước vào sảnh chùa cũng là lúc sư ông chuẩn bị kết thúc bài giảng của mình: “Hôm nay chúng ta được ngồi đây nghĩa là chúng ta có cái phúc được đến vui chơi trong cuộc đời này, trong vòm trời đầy. vậy thì ta phải chia niềm vui cuộc sống với nhau, cùng nhau ăn bữa cơm trưa trong ngày giỗ chung”. Sư ông nói tới đó, tất cả mọi người cùng đứng lên đi về phía bếp, còn hai mẹ con tôi cứ ngồi lì rồi quay sang nhìn nhau, bất động mà như đang hỏi: “Đến vui chơi trong cuộc đời này? Thì chỉ có thể là nhạc Trịnh Công Sơn”.
Sau này, đọc rất nhiều sách của sư ông, tôi càng phát hiện ra sư ông đã có những ý tứ rất đồng điệu với Trịnh Công Sơn thể hiện trong bài kinh, bút tích của mình. Vậy là tôi đã mê nhạc Trịnh, lại là người mộ đạo Phật, nên càng thấy thấm thía “ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau”.
Lần duy nhất tôi thấy mẹ khóc dữ dội là lúc đưa tang chú họa sĩ Từ Duy, một người bạn lớn của gia đình. Lúc đội kèn chơi bài “Hát cho người nằm xuống”, mẹ đã nói nhỏ bên tai tôi “Bài này mẹ chưa bao giờ hát cho con nghe vì rất thảm thương. Có đoạn “bạn bè còn đó anh biết không anh, người tình còn đây anh nhớ không anh”. Giờ thì chú Duy đi rồi, ở nghĩa trang vào mùa mưa đó chỉ có loài chim thôi”. Đó là lần đầu tiên mẹ dạy tôi về sự ngắn ngủi của một vòng đời.
Mẹ tôi thường nói, càng va chạm với đời sống thì nghe nhạc Trịnh sẽ càng thấm thía trước những đổi thay của thời thế. Hồi còn học ở trường Sư Phạm, mẹ tôi là một sinh viên học lực giỏi, hoạt động nhiệt tình, nhưng lại hay bị phê bình. Lí do vì mẹ suốt ngày hát những bản tình ca của Trịnh Công Sơn. Thỉnh thoảng mẹ vẫn hóm hỉnh nhắc lại cho tôi nghe lời mọi người phê bình mẹ: “Đồng chí Hoa suốt ngày chỉ hát nhạc “tiền chiến” như vậy là không được”. Kể từ đó, hễ thấy bóng dáng mấy người bạn hay thẳng thắn phê bình lấp ló ngoài phòng kí túc, mẹ tôi lanh lẹ đổi qua ca “Nối vòng tay lớn” hay “Huế – Sài Gòn – Hà Nội”. Hát chỉ là hát vậy thôi, chứ mẹ vẫn nghĩ, nhạc tình thì cứ là nhạc tình thôi, mắc mớ gì đâu.
Mẹ tôi vẫn chung thủy với những cảm xúc của mình để tiếp đã người đời bằng tất cả hào hiệp, giống như tâm niệm của Khánh Ly về cách sống ở đời “sống cho người – sống cùng với người – ở cùng với người”. Hàng ngày, mẹ vẫn chạy xe trên những con đường quê nắng gió, giúp đưa thư của ông bố nuôi người Pháp gửi cậu con đỡ đầu học trò nghèo. Những người dân tộc thiểu số, mà mẹ gặp sau mỗi chuyến “phượt” xe máy cùng ba Jean, vẫn luôn xem mẹ tôi là người thân của họ để nương nhờ khi rồng rắn kéo nhau về đồng bằng chữa bệnh cho con …
Năm 1980, mẹ tôi bỏ học giữa chừng để dẫn ngoại đi Sài Gòn chữa bệnh, cũng là để tìm lại người em gái tên Dung lưu lạc mấy chục năm trời. Dù chưa bao giờ tốt nghiệp trường Sư phạm, nhưng vẫn có rất nhiều người gọi mẹ tôi là cô, cô giáo. Thời điểm đó, sau rất nhiều lần mở quán ăn chay bị người ta lấy lại mặt bằng, mẹ đã bị ngoại gọi về mở quán cơm bán cho sinh viên ngay trong vườn nhà. Sơn cà lăm khi đó là một trong số 70 khách quen vẫn đến nhà tôi ăn mỗi ngày hai bữa. Một câu mười từ thì Sơn bị cà lăm tới tám từ rồi, chỉ có khi hát thì anh ta mói không bị ú ớ thôi. Vì Sơn cà lăm hay thiếu nợ nên tôi rất thiếu cảm tình với anh chàng này.
Đúng ngày 1- 4 – 2001, tôi thấy anh ta chạy ào vô nhà và kêu oang lên: “Cô ơi, Trịnh Công Sơn mất sáng nay rồi”. Nói là không thiết tha gì Sơn cà lắm, nhưng khi đó tôi quả thật rất đỗi xúc động. Thực sự khi đó còn quá nhỏ để xúc động vì tin Trịnh Công Sơn qua đời. Tôi nhớ mình xúc động nhất vì câu đó anh Sơn nói mà không bị cà lăm!
Cuộc đời sáng tác của Trịnh Công Sơn đã ở bên kia dấu chấm, nhưng những bài học mẹ dạy tôi qua ca khúc của ông, chắc chắn vẫn sẽ luôn theo tôi trên chặng hành trình mỗi sớm mai ra.
Nguyên Đài (theo Người đẹp)