Đi đâu cũng nhớ gié bò Tây Sơn - Tạp chí Đẹp

Đi đâu cũng nhớ gié bò Tây Sơn

Ẩm Thực

Anh chồng của bạn tôi quê gốc Tây Sơn, luôn hãnh diện vì không những đã đưa được một người con gái là dân thành phố về làm dâu quê mình, mà còn hãnh diện hơn, vì người con gái ấy rất thích một món đặc sản ở đây.

Đầu tiên là đi ăn rồi bắt chước và về nhà nấu. Ăn riết và nấu riết đâm ghiền. Ghiền đến mức, người chồng làm mọi cách để giảm bớt cường độ mà vẫn không được, đành phải “ngậm ngùi” viết nên hai câu thơ này:

“Gié bò nấu với lá giang
Vợ ưa nấu miết, chồng chan miệt mài”

Nguyên liệu để nấu món này ở bất cứ nơi nào cũng có, nhưng thử nấu xoong gié bò lá giang ở một nơi không phải là Tây Sơn, sẽ thấy không thể nào ngon bằng, dù cũng nguyên liệu đó, cách nấu đó, người nấu đó.

Tìm hiểu kỹ ra mới thấy cũng là cái vị chan chát, chua chua nhưng cái chua và chát ở bó lá giang Tây Sơn rất độc đáo. Cũng vậy, gié bò ở ngoài Tam Quan, An Nhơn đâu thiếu. Vậy mà gié bò ở Tây Sơn ăn ngon hơn hẳn.

Thêm nữa, cọng bún, cái bánh tráng gạo nướng để ăn kèm, ở Tây Sơn, cũng chẳng giống ở bất cứ nơi nào. Bởi đó gié bò nấu với lá giang mới được coi là đặc sản của Tây Sơn vậy.

Gié là phần ruột non của bộ lòng. Nó có vị đắng và chính cái vị này làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Tuy kêu là vậy nhưng khi nấu người ta nấu cả gié, lá sách, gan, cật…

Tôi đã để ý bạn tôi nấu và thấy cũng chẳng quá cầu kỳ. Lòng mua về phải làm sạch sẽ. Xát muối cho kỹ. Giã một ít gừng trộn trong rượu trắng ngâm một lúc, rồi rửa sạch lại. Để vào rổ cho ráo nước rồi mới ướp gia vị. Chế dầu ăn vô xoong, khi dầu nóng tới, bỏ hành vào phi cho thơm rồi mới đổ lòng bò vô, đảo cho thật đều và ngấm rồi hãy đổ nước.

Nước sôi một chặp thì bóp lá giang đã rửa sạch vô xoong và lo nêm nếm. Vậy là xong. Món này có thể thay canh trong bữa ăn hằng ngày. Có thể ăn với bún tươi. Có thể múc ra chén, bẻ bánh tráng nướng vô ăn cho no cũng rất tiện. Còn dân nhậu thì rất ưa thứ mồi nước này.

Để coi: Làm một hớp rượu Bàu Đá (vốn xuất xứ ở An Nhơn và rất nổi tiếng) nồng – cay – thơm rát rát cái cổ họng, húp một miếng gié bò lá giang và từ tốn thưởng thức cho hết cái đăng đắng của gié, cái bùi bùi của gan và cật, cái sần sật và dai dai của lá sách… quyện trong cái vị chát và chua của lá giang. Thật khó có món mồi nào ngon như thế, rẻ như thế và cũng bắt rượu như thế.

Sau khi biết nấu món này, thi thoảng tôi cũng trổ tài. Rút kinh nghiệm của bạn, tôi đâu có chịu nấu thường xuyên dù rất ghiền, và cũng bởi đó chồng tôi đâu có cơ hội để mà làm thơ!

 Phương Quỳnh
Ảnh: Dũng Nguyễn

 

 

Thực hiện: depweb

13/11/2007, 10:29