#DEPTOPLIST2023 - 10 tiểu thuyết hư cấu của năm - Tạp chí Đẹp

#DEPTOPLIST2023 – 10 tiểu thuyết hư cấu của năm

Review

Nếu bạn là một tín đồ của những quyển tiểu thuyết hư cấu thì 10 tựa sách hay nhất năm 2023 (theo Tạp chí TIME) đến từ các tác giả nổi tiếng như Paul Yoon, Paul Murray và Catherine Lacey,… sẽ không khiến bạn thất vọng.

“Biography of X” – Catherine Lacey

Tác giả Lacey viết lại lịch sử Hoa Kỳ thế kỷ 20 thông qua câu chuyện cuộc đời hư cấu của X – một nữ nghệ sỹ tài năng và nổi tiếng nhưng không rõ lai lịch. Khi X khi qua đời, chồng cô là C.M Lucca vì cảm thấy tức giận trước những thông tin không chính xác về người vợ quá cố nên đã viết nên một cuốn tiểu sử về vợ. Quá trình khám phá sự thật về danh tính X đã mở ra nhiều câu chuyện táo bạo, kết hợp yếu tố hư cấu và phi hư cấu để đặt ra câu hỏi lớn về mục đích cuối cùng của nghệ thuật.

Đầy hồi hộp và căng não, “Biography of X” là một thiên anh hùng ca sôi nổi, đào sâu vào nỗi đau, nghệ thuật và tình yêu, đồng thời để lại cho độc giả thấy được hệ quả khôn lường của những lời lời dối trá.

“The Heaven & Earth Grocery Store” – James McBride

“The Heaven & Earth Grocery Store” kể về câu chuyện của những cư dân da màu và Do Thái ở khu phố Chicken Hill (Pottstown, Pennsylvania) vào những năm 1920 và 1930. Ở đó, họ cùng nhau che giấu một đứa trẻ mồ côi để không bị đưa vào trại giam do một kẻ bạo lực cai trị. Tác phẩm tập trung khai khác sức sống bền bỉ của con người ngay cả trong bóng tối của sự tuyệt vọng. Bên cạnh sự nghiệt ngã, bi thương của những thân phận không có tiếng nói trong xã hội, tác giả khéo léo cài cắm những yếu tố hài hước, sôi động như một tia hy vọng vào tình yêu – cảm xúc giúp chúng ta vượt qua mọi định kiến và sự khác biệt.

“Our Share of Night” – Mariana Enriquez

“Our Share of Night” là cuốn tiểu thuyết đầy ám ảnh về những gia đình tan vỡ tại một vùng đất bị nguyền rủa. Tác phẩm kể về một gia đình sau khi người vợ mất một cách bí ẩn, người cha và đứa con trai phải đối mặt với di sản mà bà để lại: Giáo phái Order với những bí mật đen tối và quyền năng siêu nhiên. Cuốn sách đưa người đọc bước vào cuộc hành trình tìm kiếm bản ngã và sự thoát ly khỏi số phận khắc nghiệt từ London thập niên 60 hào nhoáng đến Argentina dưới thời kỳ độc tài quân sự. Được Dave Eggers – một tên tuổi lớn trong giới văn học khen ngợi, cuốn sách này chắc chắn là một trong những tác phẩm kinh dị Latinh mà bạn không thể bỏ lỡ trong năm 2023.

“The Bee Sting” – Paul Murray

Paul Murray trở lại với tiểu thuyết hư cấu “The Bee Sting”. Tác phẩm xoay quanh gia đình Barnes, một gia tộc Ireland giàu có nhưng tài sản của họ bắt đầu sụt giảm trầm trọng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các thành viên trong gia đình ngày càng xa cách nhau. Ngoài khó khăn chung, họ đều phải đối mặt với những con quỷ của riêng mình: sự tái xuất của một bí mật được giữ kín từ lâu, sự tống tiền, cái chết của tình yêu trong quá khứ, kẻ thù không đội trời chung, một người bạn qua thư đáng lo ngại,… Cuốn sách không chỉ thể hiện tình yêu thương xoay quanh các mối quan hệ mà nó còn nhấn mạnh sự hy vọng và kiên cường của một gia đình khi thế giới xung quanh họ bỗng chốc sụp đổ. Cuốn tiểu thuyết sau khi ra mắt đã lọt vào danh sách rút gọn của Giải Booker, ngay lập tức được coi như một tác phẩm kinh điển.

“The Vaster Wilds” – Lauren Groff

“The Vaster Wilds” là câu chuyện về một cô hầu trẻ và đầy nghị lực, chạy trốn khỏi khu định cư thuộc địa từ thế kỷ 17, cố gắng sống sót giữa nơi hoang dã. Đói và lạnh, cô không biết mình sẽ đi đâu. Nhưng bằng cách nào đó, cô tìm thấy ý chí để tiếp tục tiến về phía trước. Trong câu chuyện phiêu lưu vượt thời gian của Groff, cô gái phải chịu đựng những mối đe dọa về thể chất lẫn tinh thần nhưng cô vẫn quyết tâm bước tiếp vì tin rằng có một cuộc sống tốt đẹp hơn đang chờ đợi cô. “The Vaster Wilds” mở ra một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, giúp khán giả có thêm niềm tin vào sức mạnh nội tại của bản thân, chỉ có mình mới có thể tự cứu lấy chính mình.

“Temple Folk” – Aaliyah Bilal

“Temple Folk” của tác giả Aaliyah Bilal gồm 10 câu chuyện nhỏ kể về cuộc sống của những người Hồi giáo da màu. Nội dung xoay quanh các vấn đề phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, kinh tế và chính trị. Tác phẩm khắc họa sâu sắc trải nghiệm của một cộng đồng nhỏ bé dám đứng dậy chống lại nền văn hóa chính thống và khao khát được công nhận. Sách nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù sự hoàn hảo là điều mà nhiều người trong số chúng ta phấn đấu đạt được, nhưng chính những lỗi lầm mới tạo nên một con người.

“Tom Lake” – Ann Patchett

“Tom Lake” lấy bối cảnh mùa xuân năm 2020 ở Michigan, nhân vật chính Lara và ba cô con gái đang chăm sóc cây anh đào tại vườn của gia đình. Tại đây, Lara đã kể cho các con nghe về mối tình lãng mạn vào nhiều năm trước của mình. Sự chia sẻ chân thành của cô đã giúp các con hiểu rõ cuộc sống trước đây của mình. “Tom Lake” mang đến câu chuyện về tình yêu tuổi trẻ, hôn nhân và cuộc sống mà các bậc phụ huynh đã trải qua trước khi có con. Thông qua câu chuyện của gia đình Lara, sách giúp khám phá ý nghĩa của hạnh phúc trong bất kỳ không gian và thời gian nào, đồng thời đưa ra lời khuyên về việc sẻ chia sẻ có tác động tích cực đến mối quan hệ gia đình.

“The Hive and the Honey” – Paul Yoon

“The Hive and the Honey” là một tập truyện ngắn gồm nhiều nhân vật. Mỗi câu chuyện đề cập đến các chủ đề về bản sắc, sự thuộc về và sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong nhiều thế kỷ. Tác phẩm kể về cộng đồng người Hàn Quốc hải ngoại, từ một cựu tù nhân đang cố gắng xây dựng gia đình và bắt đầu cuộc sống mới tại một thị trấn nhỏ ở ngoại ô New York, một cô hầu gái thời Chiến tranh Lạnh đang tìm kiếm đứa con trai mà cô ấy bỏ lại ở Bắc Triều Tiên, một samurai hộ tống một đứa trẻ mồ côi về với đồng bào của mình vào thời Edo,… Những câu chuyện của Paul Yoon đan xen giữa thiện và ác, tác phẩm đã chỉ ra được sự phức tạp của cuộc sống nhập cư, đồng thời trả lời các câu hỏi về ý nghĩa thực sự của việc thuộc về một nơi nào đó và cách để xây dựng một gia đình hạnh phúc. “The Hive and the Honey” được nhận xét là tác phẩm mà Paul Yoon đã viết ở thời kỳ đỉnh cao năng lực và cả sự nghiệp của mình.

“Y/N” – Esther Yi

“Y/N” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Esther Yi, kể về một người kể chuyện ẩn danh sống ở Berlin (Đức). Vì quá chán công việc viết quảng cáo hàng ngày, người này đã dành phần lớn thời gian “sống ảo” trên mạng bằng cách “viết lách” về một ngôi sao K-pop nổi tiếng tên Moon. Sau khi nghe tin Moon giải nghệ, cô đã ngay lập tức bỏ lại mọi thứ và mua vé máy bay đến để tìm gặp thần tượng của mình.

Từng lọt top “100 cuốn sách hay nhất 2023” của Thời báo New York và được ca ngợi là một tác phẩm “kỳ lạ và tuyệt vời”, thông qua sự ám ảnh của nhân vật chính với K-pop, tác giả đã đào sâu về một xã hội hiện đại ngăn không cho con người được thỏa ước nguyện cá nhân.

“Tremor” – Teju Cole

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Teju Cole – “Tremor” tái hiện lại trải nghiệm của con người, đặc biệt là người da màu trong nhiều thế kỷ, là một cuộc khám phá sâu rộng về mối quan hệ của nghệ thuật với lịch sử và khả năng phục hồi của con người trước sự khắc nghiệt của cuộc sống. 

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Tunde, một nhiếp ảnh gia và giáo sư người Mỹ gốc Nigeria. “Tremor” bắt đầu khi Tunde cùng vợ Sadako đi khám phá đồ cổ ở Maine (một bang trong vùng New England của Hoa Kỳ). Thông qua những món đồ được tìm thấy, Tunde liên tục suy ngẫm về chủ nghĩa thực dân và những sự kiện lịch sử tàn khốc. Cole đã vạch trần những hành động tàn bạo trong lịch sử, từ tàn dư của bạo lực thuộc địa trải dài khắp Đại Tây Dương đến sự hiện diện thường xuyên của nạn phân biệt chủng tộc, nỗi sợ hãi và bạo lực trong cuộc sống hàng ngày. Từ các câu chuyện lịch sử đan xen với nghệ thuật và trải nghiệm cá nhân, cuốn tiểu thuyết tiết lộ mối liên kết giữa cuộc sống con người, bản chất của sự tồn tại là một cuộc khám phá mạnh mẽ về điều gì tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa trong một thế giới đầy bạo lực và kỳ diệu.

Nguồn: Time Magazine

Tác giả: Thu Thủy

21/12/2023, 11:05