#DEPTET - Những phong tục lấy may đầu năm của người Việt: tắm lá, xin chữ, mua muối và hái lộc - Tạp chí Đẹp

#DEPTET – Những phong tục lấy may đầu năm của người Việt: tắm lá, xin chữ, mua muối và hái lộc

Sống

Những ngày cận Tết, không khí Xuân tràn ngập khắp đất trời, hòa quyện cùng những ước vọng trong năm mới của mỗi người. Cùng khám phá những nghi lễ, phong tục truyền thống đã từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt, mang theo niềm tin vào những điều tốt lành trong năm mới. 

Tảo mộ: Tảo mộ hay còn được gọi là chạp mả là phong tục thể hiện sự thành kính, lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Cứ vào những ngày cuối năm, các gia đình lại cùng nhau dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ và đem hương hoa, lễ vật đến thắp hương để mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng gia đình. Tùy theo phong tục từng vùng miền, khi đi tảo mộ bạn cần chuẩn bị: nến, trà, rượu, nước, tiền vàng, trầu cau, nhang và trái cây, lễ chay (bánh, gạo, muối, chén mật, xôi chè) hoặc lễ mặn (chân giò, gà luộc hoặc giò).
Đầu năm mua muối: Theo quan niệm xưa, mua muối đầu năm có thể trừ tà, đem lại may mắn và tượng trưng cho tình cảm gia đình bền chặt, keo sơn. Bạn có thể đặt một túi muối nhỏ vào trong ví tiền để cầu mong cả năm tiền bạc dồi dào. Những người làm kinh doanh buôn bán có thể đặt thêm túi muối ở quầy hàng để cầu may mắn về tài lộc. Nếu có những chuyến đi du lịch xa đầu năm, bạn cũng có thể đặt túi muối trong vali hoặc treo trên ô tô để cầu bình an.
Tắm lá mùi già: Tắm nước lá mùi già vào ngày 30 Tết hay còn gọi là “tục tẩy trần đêm tất niên”  là một trong những nét đẹp văn hóa Tết vẫn được nhiều gia đình duy trì cho đến tận ngày nay. Ngoài mang ý nghĩa xua đuổi vận đen, việc tắm nước lá mùi già còn rất có lợi cho sức khỏe, giúp giảm căng thẳng, đau đầu, đồng thời có công dụng giảm đau nhức và chữa cảm rất tốt.
Dựng cây nêu: Tương truyền rằng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân về trời, khi đó tại nhà không có thần linh canh giữ nên ma quỷ rất dễ đến quấy nhiễu. Vì vậy các gia đình thường dựng cây nêu để xua đuổi vận khí xấu và những điều không may mắn. Cây nêu thường là cây tre dài khoảng 6 mét, được dựng trước sân nhà, thân cây có thể được trang trí bằng các loại cờ, đèn lồng, câu đối, phong linh,… vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa đem lại tính thẩm mỹ cho sân nhà mỗi dịp Tết đến.
Xin chữ đầu năm: Bắt nguồn từ tinh thần hiếu học, xin chữ viết từ ông đồ ngày đầu Xuân mang ý nghĩa may mắn cho những sĩ tử sắp đi thi, hoặc những người mong muốn mở rộng con đường học vấn. Người dân thường tới nhà các cụ cao niên, đền chùa hoặc Văn Miếu để xin những chữ có ý nghĩa tốt đẹp như Phúc, Lộc, Đức… về treo trong nhà, vừa có ý nghĩa tốt đẹp, vừa đem lại không khí trang trọng cho ngày xuân.
Không quét nhà đổ rác: Theo quan niệm dân gian, quét nhà đổ rác vào những ngày đầu năm, đặc biệt là mùng 1, 2, 3 là quét đi những tài lộc, thần Tài sẽ đi mất, năm đó tài chính sẽ chật vật. Tuy rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nhưng nhà bẩn sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, dễ gây các bệnh về da, bệnh đường tiêu hóa, hô hấp.. đặc biệt những gia đình có bé nhỏ. Vì vậy, trong ba ngày tết, bạn có thể để rác gọn lại một chỗ, vừa giữ vệ sinh nhà cửa đảm bảo sức khỏe gia đình, vừa giữ được tục lệ dân gian.
Hái lộc: Ở nhiều địa phương hái lộc thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết. Hái lộc có rất nhiều cách, không nhất thiết phải bẻ cành như mọi người thường nghĩ. Sau khi đi chơi giao thừa hoặc thăm chùa, miếu đầu năm, bạn có thể mua vài cây mía, cành vàng lá ngọc, phong thư hoặc một chậu cây nhỏ,… như là một hình thức hái lộc, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà.
Xông đất: Sau khi đón giao thừa, các hộ gia đình – đặc biệt là người làm công việc kinh doanh, buôn bán thường tìm kiếm người hợp tuổi đến nhà xông đất với niềm hy vọng một năm mới sẽ gặp nhiều thuận lợi, may mắn. Xông đất được coi là tục lệ quan trọng trong ngày đầu năm, do đó người xung khắc, kỵ tuổi gia chủ thì không nên thực hiện nghi lễ này. Khi đến xông đất không mặc đồ đen, thay vào đó là những màu sắc tươi tắn như đỏ, hồng, vàng, xanh… đặc biệt, theo quan niệm xưa, phụ nữ mang thai, đến ngày “đèn đỏ” thì không nên xông đất.
Không bổ dưa hấu mùng 1: Tết đến, trong mỗi gia đình không thể thiếu mâm ngũ quả tượng trưng cho 5 hành Kim – Thủy – Mộc – Hỏa – Thổ và cũng là 5 ước nguyện về Phúc – Lộc – Thọ – Khang – An. Tuy nhiên, đối với những gia đình lựa chọn dưa hấu để bày biện thì không nên bổ dưa vào ngày mùng 1 Tết. Vì người xưa quan niệm, nếu dưa không đỏ, gia đình sẽ không gặp may mắn trong năm, mọi sự trắc trở. Vì vậy phần lớn dưa hấu sẽ được bổ từ mùng 2 Tết trở đi.

Tác giả: Nguyễn Ngọc

10/02/2024, 05:00