California – tiểu bang lớn thứ ba của Hoa Kỳ – là một nơi mang nền văn hóa pha trộn, rất khó để hiểu trọn vẹn nếu không quan sát một cách chậm rãi qua lăng kính đa chiều. Một người châu Á khi đến đây hẳn sẽ cảm thấy vô cùng thân thuộc với chất Á trong cảnh quan cũng như con người và văn hóa; khi lái xe dọc đường biển California lại cảm nhận được tinh thần tự do phóng khoáng vẫn thấy trong những thước phim Âu Mỹ; còn khi đi dạo giữa những khu rừng, bên dưới những con thác tuyệt đẹp sẽ hiểu sự vĩ đại và tư duy “nghĩ lớn” kiểu Mỹ. Một chuyến lái xe dọc bờ Tây California đã tô đậm những hình dung của chúng tôi về sự pha trộn vô cùng đặc sắc này.
Khi đến San Francisco, ta không thể bỏ qua cầu Cổng Vàng – biểu tượng của thành phố. Đây được xem là một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới nhờ cấu trúc đặc biệt với hai tháp cầu khổng lồ, những dây cáp to lớn trải rộng, nhìn từ xa trong một ngày mù sương trông như một sợi dây giăng giữa những cụm mây. Dĩ nhiên, bức ảnh đầu tiên kỷ niệm chuyến ghé thăm California của chúng tôi được chụp tại đây.
Pier 39 là một trung tâm mua sắm và cũng là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng được xây dựng trên một bến tàu ở San Francisco, California. Tại Pier 39 có các cửa hàng, nhà hàng, khu trò chơi điện tử, các màn trình diễn đường phố, thủy cung và các trò chơi 3D. Tuy nhiên, một người chị đang sinh sống tại California đã dẫn chúng tôi đến đây để xem một thứ khác đặc biệt hơn. Chị giới thiệu đó là “con ủa”. Ra đến nơi, tôi bật cười khanh khách vì biết được “con ủa” mà chị nói chính là những chú sư tử biển. Chúng nằm phơi mình trên những tấm ván gỗ và liên tục phát ra âm thanh “ủa”, “ủa”, “ủa” nghe rất vui tai. Sư tử biển tìm đến bến cảng này sau trận động đất Loma Prieta năm 1989, những cầu tàu khi đó khá trống trải vì người ta đã dời tàu đi để sửa chữa bến cảng.
Chúng tôi ăn món súp nghêu đựng trong bánh mì tròn ở một quán nhỏ tại cảng, sau đó thưởng thức những món hải sản tươi ngon tại một nhà hàng nhìn ra biển. Có lẽ do là ngày đầu tiên của hành trình, cảm xúc được nhân lên nhiều lần nên tôi thấy đó là bữa chiều ngon miệng nhất trong suốt thời gian ở California.
Công viên quốc gia Yosemite giáp rừng quốc gia Sierra ở phía Tây Nam và giáp rừng quốc gia Stanislaus ở phía Tây. Trở thành di sản thế giới vào năm 1984, Yosemite được quốc tế công nhận nhờ những vách đá granite, thác nước, dòng suối trong lành, rừng cây tùng khổng lồ, hồ, núi, đồng cỏ, sông băng và sự đa dạng sinh học. Gần 95% diện tích công viên được coi là vùng hoang dã. Yosemite là một trong những khối môi trường sống lớn nhất và ít bị chia cắt nhất ở Sierra Nevada. Khung cảnh tại đây nên thơ và yên bình với những tán cây to râm mát, những con thác đổ xuống từ vách núi cao, những dòng suối chảy róc rách.
Tại khu nhà hàng, tôi quan sát thấy có những tấm biển ghi “Vui lòng cho thức ăn thừa vào thùng rác đậy kín để tránh việc gấu tìm đến ăn thức ăn không phù hợp, ảnh hưởng đến sức khỏe”. Yosemite cũng như những công viên quốc gia khác chúng tôi ghé qua, đều là những nơi mà con người thấy mình là một phần của tự nhiên, cần học cách tôn trọng và sống chan hòa với tự nhiên.
Lúc nhỏ tôi thường lẩm nhẩm đoạn điệp khúc bài hát “Hotel California”, mãi sau này lớn lên mới biết bài hát do Eagles thu âm năm 1976 phản ánh đời sống thượng lưu ở Los Angeles. Đến trung tâm thành phố Los Angeles, bạn sẽ thấy cái chất điện ảnh phảng phất trong không khí, dội ra từ những tòa nhà, ngấm xuống mặt đường, lủng lẳng trên các biển hiệu, vấn vít dưới từng bước chân, bộc lộ trên những gương mặt người.
Tại trung tâm Los Angeles có một con đường thu hút rất nhiều du khách đến chụp ảnh kỷ niệm, chính là đại lộ Danh Vọng với hơn 2.700 ngôi sao khắc tên các nhân vật nổi tiếng có đóng góp quan trọng trong ngành công nghiệp giải trí thế giới. Con đường được bao phủ bởi poster của rất nhiều bộ phim thuộc về các thời kỳ khác nhau, cũng như mannequin nhiều nhân vật phim ảnh mà công chúng mến mộ (hoặc ghét cay ghét đắng).
Dù không ưa sự xô bồ và cái mùi ngai ngái khó chịu từ rác bẩn thì khi ở đây, tôi vẫn thấy thích bởi dường như những mảnh ghép điện ảnh đã trở thành một phần trong tôi từ rất lâu rồi.
Chắc chắn bất kỳ ai đến đây cũng không thể bỏ qua bảng hiệu Hollywood huyền thoại xuất hiện trong rất nhiều bộ phim. Buổi chiều, rất đông du khách tản bộ lên đỉnh đồi để hít thở bầu không khí trong lành, rất khác biệt so với không khí tại khu trung tâm náo nhiệt. Những căn biệt thự trên những con dốc uốn quanh và những bụi hoa dại gợi chúng tôi nhớ về Đà Lạt thân thương. Có lẽ đây là lý do mà nhiều người Việt cảm thấy California thân thuộc.
Đây từng là nơi cập bến quan trọng của hạm đội hải quân, và hôm ấy chúng tôi đã nhìn thấy một con tàu quân đội lớn ngay tại bến cảng. Có vẻ như đang có tiệc, những người mặc trang phục quân nhân đang tụ tập ăn uống và ôm nhau hát trên boong tàu.
Tuna Harbor Park còn có nhiều đài tưởng niệm và tác phẩm điêu khắc, một trong số đó chính là tác phẩm “Nụ hôn chiến thắng” của Seward Johnson, ghi lại khoảnh khắc chàng thủy thủ ôm hôn một cô gái giữa quảng trường Thời Đại (New York) sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến II. Có giai đoạn Tuna Harbor Park từng là một cảng cá ngừ. Hiện nay, nơi này trở thành công viên với những khu vực tuyệt đẹp để đi bộ, đạp xe, chèo thuyền và thư giãn.
Từ Los Angeles đi dọc bờ Tây về phía San Diego, bất cứ lúc nào ta cũng có thể dừng lại để thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tại vịnh La Jolla, bãi đá trải dài là nơi nghỉ ngơi lý tưởng của bầy hải cẩu và những chú bồ nông. Chúng tôi rất vui mừng nhận ra bầy sư tử biển từ xa bằng âm thanh “ủa”, “ủa”, “ủa” đặc trưng; tôi còn bắt gặp một con bơi lội thảnh thơi rồi lăn vào bờ, đùa nghịch trên bãi cát. Khu vực này được bảo tồn nên du khách không được phép chơi các môn thể thao biển. Lúc chúng tôi đến đây đã có rất nhiều người dân địa phương cũng như du khách tập trung để ngắm cảnh biển về chiều, chia sẻ với nhau bầu không khí mát mẻ vô cùng khoan khoái. Họ nắm tay nhau dạo bộ hoặc ngồi lặng lẽ trên bãi cát. Mấy em bé nô đùa. Dù thời tiết không lý tưởng – trời nhiều mây, gió mạnh thổi tung những con sóng, nhưng tôi thấy lòng dễ chịu vì được tận hưởng khoảnh khắc bình lặng của riêng mình.