Hơn cả xu hướng hoài niệm, “Dumbphone” giúp bạn kết nối lại với chính mình, tách khỏi guồng quay “sống ảo” trên mạng xã hội và tìm về sự tĩnh lặng trong thời đại số.
Mạng xã hội từ lâu đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống hằng ngày, đặc biệt với thế hệ trẻ, những người lớn lên giữa kỷ nguyên số. Họ gần như không thể rời xa các nền tảng số, liên tục cập nhật từng phút, từng giây mọi diễn biến đang xảy ra trong thế giới ảo, nơi họ tin đó là kênh thông tin nhanh nhất và toàn diện nhất. Chính thói quen này đã góp phần nuôi dưỡng tâm lý FOMO (Fear of Missing Out), hội chứng sợ bị bỏ lỡ những cơ hội, trải nghiệm hay thông tin quan trọng mà người khác đang sở hữu. Tâm lý này đẩy nhiều người vào trạng thái bất an thường trực, luôn cảm thấy bản thân tụt lại phía sau, không kịp nắm bắt những gì đang diễn ra xung quanh.
Đáng lo hơn, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo đang khiến tình trạng này trở nên trầm trọng. Gen Z (người sinh từ năm 1997 đến 2012) và Alpha (người sinh từ năm 2010 đến 2024) ngày càng cảm thấy áp lực khi đối mặt với nỗi sợ bị AI thay thế trong chính lĩnh vực mà họ đang theo đuổi. Chỉ cần một chút chậm chân, họ có thể đánh mất cơ hội hoặc tụt lại phía sau cuộc đua công nghệ. Điều đó dẫn đến việc họ luôn trong tâm thế cạnh tranh, đối đầu và thường xuyên so sánh bản thân với thành công của người khác như một thước đo giá trị cá nhân.
Theo một báo cáo mới được công bố bởi tổ chức Common Sense Media, những thanh thiếu niên có triệu chứng trầm cảm từ mức trung bình đến nặng có xu hướng sử dụng mạng xã hội liên tục nhiều hơn 18% so với nhóm không có triệu chứng. Một nghiên cứu khác được đăng trên American Journal of Preventive Medicine cho thấy việc dành hơn ba giờ mỗi ngày trên mạng xã hội làm tăng đáng kể nguy cơ tự làm hại bản thân. Đặc biệt, việc tiếp xúc kéo dài với nội dung ngắn dưới một phút khiến người dùng rơi vào cái bẫy dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến khoái cảm.
Càng tiêu thụ nhiều nội dung nhanh, não bộ càng trở nên “nghiện” các dạng kích thích tức thì, khiến người dùng dần đánh mất khả năng tận hưởng những hoạt động cần sự kiên nhẫn như đọc sách hay trò chuyện sâu sắc. Không dừng lại ở đó, việc tiếp xúc quá thường xuyên với video ngắn còn gây ảnh hưởng đến khả năng tập trung và ghi nhớ. Những nội dung này được thiết kế để tiếp thu nhanh chứ không khuyến khích tư duy sâu, từ đó khiến trí nhớ dài hạn suy giảm. Tất cả những hệ lụy trên cho thấy, dù mang lại vô số tiện ích, mạng xã hội không hẳn là công cụ lý tưởng để thế hệ trẻ phát triển toàn diện, cũng như thấu hiểu bản thân một cách sâu sắc.
Mọi chuyện đã khác, thế hệ Gen Z Mỹ đã thấy được sự tác động tiêu cực của việc quan tâm quá mức các thông tin trên mạng xã hội đã cho ra đời trào lưu “Dumbphone” – hồi sinh và sử dụng những chiếc điện thoại từ thời ông bà để giảm thiểu sự chú ý vào nội dung kỹ thuật số cũng như chăm sóc sức khỏe tâm thần. Việc này cực kỳ dễ hiểu, thế hệ này mong muốn được giành thời gian hoàn toàn vào chính mình, không bị thông báo tin nhắn của các ứng dụng làm phiền mỗi khi đang nghỉ ngơi. Đó là chuyện mà ai cũng thấy sau khi điện thoại thông minh ra đời. Thêm vào đó, thế hệ này nhận thấy một chiếc điện thoại cơ bản của thế hệ ông bà là một giải pháp lý tưởng, vẫn có thể kết nối với người thân nhưng không bị nó chi phối. Đồng thời, chúng có tính bảo mật cao hơn, thời lượng pin dài hơn và rẻ hơn nhiều so với những chiếc điện thoại thông minh hiện tại.
Một khía cạnh khác không thể bỏ qua của trào lưu này chính là tính thẩm mỹ. Xu hướng Y2K vẫn chưa hạ nhiệt hoàn toàn, chỉ là nó đang chuyển hướng sang một ngách khác, mà giới trẻ tìm thấy nơi đáp ứng được với sở thích này. Với những chiếc điện thoại cũ, họ thỏa thích diện lên người như một món phụ kiện giúp phô bày sở thích cá nhân mà vẫn hợp thời. Họ săn lùng những chiếc điện thoại cổ từ BlackBerry Bold, Curve cho đến Nokia 3310, những mẫu điện thoại tưởng chừng đã “ngủ yên” trên kệ tủ, thiết kế lại vỏ máy, trải nghiệm lại cảm giác bấm phím của một thời chưa xa.
Sự hồi sinh của những chiếc điện thoại “cục gạch” không đơn thuần là một trào lưu nhất thời, mà còn phản ánh một nhu cầu sâu xa hơn: khát vọng giành lại quyền kiểm soát đời sống cá nhân trong bối cảnh con người ngày càng bị cuốn vào guồng xoay của công nghệ. Với Gen Z, việc lựa chọn một thiết bị thế hệ cũ kỹ không phải là hành động thách thức thời đại tiến bộ của kỹ thuật, mà là một tuyên ngôn văn hóa rằng không phải lúc nào kết nối cũng đồng nghĩa với hiện diện, và không phải mọi tiện ích đều mang lại giá trị thực.
Trong khi thế giới đang chạy đua để tích hợp thêm nhiều tính năng vào một chiếc điện thoại thông minh, thì một bộ phận giới trẻ lại chọn cách bước lùi, để lắng nghe chính mình nhiều hơn, thay vì để cuộc sống bị dẫn dắt bởi những thông báo, thuật toán và dòng thời gian vô tận. “Dumbphone” không chỉ là một thiết bị, mà còn là biểu tượng của một lối sống mới, một sự tỉnh thức giữa thời đại bão hòa thông tin, nơi mà im lặng, đơn giản và giới hạn trở thành một dạng xa xỉ được lựa chọn có chủ đích.