#DepPOV – Tại sao bạn cảm thấy bị “mất kết nối” trên mạng xã hội?

Mạng xã hội vốn được hình dung là một không gian số nơi con người có thể kết nối, trò chuyện và xây dựng cộng đồng. Từ thời kỳ sơ khai của Facebook, Instagram đến sự bùng nổ của TikTok, yếu tố “xã hội” từng gợi nhắc đến sự tương tác trực tiếp, chân thành giữa người với người. Tuy nhiên nay ngày càng có nhiều học giả, nhà báo và người dùng cho rằng tầm nhìn này đã bị phai nhạt, hay là “mạng xã hội đã không còn vui nữa”. Vậy, chúng ta cần tự hỏi: liệu mạng xã hội có còn tính xã hội không?

Từ nơi để kết nối đến sàn trình diễn

Một trong những chỉ trích chính là mạng xã hội đã chuyển từ một không gian kết nối giữa người với người thành một sân khấu để trình diễn. Những ngày đầu của Facebook, Instagram người dùng chủ yếu chia sẻ với bạn bè, gia đình, bạn học, và những người họ thực sự quen biết. Các bài đăng thường mang tính cá nhân và tự nhiên.

“The photo I hesitated to post” – một xu hướng mới đang trở nên viral trên TikTok phản ánh hài hước sự thay đổi trong cách người dùng đăng ảnh lên mạng xã hội: từ vô tư đến cẩn trọng, trau chuốt – dù có phần đẹp hơn nhưng lại thiếu đi yếu tố tự nhiên.

Dần dần, các thuật toán và tính năng bắt đầu “thưởng” cho những hành vi giống như trình diễn: lối sống phải chỉnh chu, hoàn hảo, nội dung đưa ra phải thu hút được sự chú ý. Các nền tảng ưu tiên các content có khả năng hiển cao thị thay vì sự chân thật. Đến cả người sáng lập của Meta (Facebook) Mark Zuckerberg nói rằng Meta không còn dành cho những mối quan hệ cá nhân – nơi từng là chốn để chia sẻ ảnh với họ hàng hay bạn bè, nay đã biến thành một sân khấu lớn được vận hành theo khẩu vị của thuật toán. 

Xu hướng này thúc đẩy người dùng xây dựng hình ảnh cá nhân sao cho hấp dẫn số đông, hy sinh sự chân thực để đổi lấy lượt tương tác. Kết quả nhận lại là một không gian nơi người dùng cạnh tranh để thu hút sự chú ý và sự công nhận thông qua lượt thích, chia sẻ và bình luận. Mạng xã hội giờ đây không phải để giao tiếp, mà để duy trì sự hiện diện.

Làn sóng trở lại mạnh mẽ của Tumblr là dấu hiệu rõ ràng cho thấy thế hệ trẻ đang ngày càng ngán “các buổi diễn” trên mạng xã hội hiện đại. Không phải ai cũng muốn dùng mạng xã hội để làm một nền tảng để xây dựng thương hiệu cá nhân, nhiều người chỉ mong muốn một không gian nơi họ có thể tự do thể hiện bản thân mà không bị “phân tích” bởi quảng cáo hay áp lực phải hoàn hảo. Chính sự thô mộc, tự nhiên và không ràng buộc này của Tumblr đã trở thành điểm thu hút lớn nhất, đặc biệt là với Gen Z. Tumblr được hồi sinh vì sự hoài niệm của từng cá nhân về thời kỳ đầu của mạng xã hội, nơi khi các nền tảng không chỉ là một sân khấu để biểu diễn, nơi mọi người không bị bóp nghẹt bởi thuật toán hay những chuẩn mực hào nhoáng.

Theo dữ liệu gần đây, Gen Z hiện chiếm một nửa số người dùng hoạt động hàng tháng trên Tumblr và 60% trong số các tài khoản đăng ký mới. Lý do đằng sau sự hồi sinh này là Tumblr tạo ra môi trường thân thiện để họ thể hiện những gì trong tâm trí, hơn là chỉ khoe ra những lát cắt hào nhoáng trong cuộc sống một cách chọn lọc.
Tương tác bị điều khiển bởi thuật toán

Tương tác xã hội trên các nền tảng mạng đã dần bị định hình và điều khiển bởi thuật toán. Thay vì hiển thị nội dung theo trình tự thời gian hay ưu tiên từ những người bạn thân thiết, các nền tảng mạng xã hội giờ đây sắp xếp bài đăng dựa trên khả năng thu hút tương tác, xu hướng và thương mại. Thuật toán, được vận hành bởi trí tuệ nhân tạo và học máy, quyết định người dùng sẽ thấy gì và khi nào, với mục tiêu tối ưu hóa thời gian sử dụng và lượng quảng cáo được hiển thị.

Dù ban đầu được giới thiệu như một công cụ để cá nhân hóa trải nghiệm, thực chất, cơ chế này đã làm thay đổi bản chất của tương tác xã hội. Thay vì là một quá trình giao tiếp hai chiều giữa con người với nhau, người dùng ngày càng bị cuốn vào vòng lặp nội dung được thiết kế để giữ chân họ càng lâu càng tốt. Kết quả là, thay vì tham gia một cách chủ động, chúng ta trở thành những người tiêu thụ thụ động, hấp thụ dòng nội dung được sắp xếp nhằm tối đa hóa sự chú ý. 

“Nghịch lý mạng xã hội” – khi chúng ta giờ có nhiều kết nối hơn bao giờ hết, nhưng lại càng cảm thấy cô đơn và xa cách.

Sự thay đổi trong tương tác này thể hiện rõ nhất qua hiện tượng “Brain rot” và “Doom scrolling” phổ biến trên mạng xã hội hiện nay. “Brain rot” (tạm dịch là “não mốc”) mô tả cảm giác đầu óc mệt mỏi, trì trệ sau khi tiếp xúc quá nhiều với nội dung nhảm nhí, thiếu giá trị hoặc lặp đi lặp lại, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội. Trong khi đó, “doom scrolling” là hành vi cuộn không dứt qua các tin tức tiêu cực, khiến người dùng rơi vào trạng thái lo âu, mất ngủ và chán nản. Các hành vi này góp phần tao lên “nghịch lý mạng xã hội”, khi chúng ta giờ có nhiều kết nối hơn bao giờ hết, nhưng lại càng chìm trong cảm giác cô đơn và xa cách. Mạng xã hội dần trở thành một không gian quan sát bị động, nơi người dùng ẩn mình trong dòng nội dung được chọn lọc bởi thuật toán nhưng thiếu đi cơ hội cho sự kết nối và giao tiếp thực sự.

Sự xói mòn của niềm tin và tính chân thật

Song song với sự suy giảm trong tương tác giữa người với người là sự xói mòn của niềm tin và tính chân thật trên các nền tảng. Sự lan rộng của thông tin sai lệch, công nghệ trí tuệ nhân tạo, deepfake, tài khoản bot và các chiến dịch lan truyền thông tin có chủ đích khiến người dùng ngày càng mất khả năng phân biệt thông tin thật với giả, dẫn đến sự hoài nghi với mọi nội dung trực tuyến, kể cả các nguồn chính thống.  

Đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) giờ càng bị lạm dụng để tạo ra hình ảnh, giọng nói hoặc bài viết giả mạo, làm xáo trộn nhận thức và phá vỡ nền tảng của sự tin cậy. Bên cạnh đó, các tài khoản bot (tài khoản điều khiển tự động bằng phần mềm) được dùng để thao túng dư luận, khuếch đại quan điểm cực đoan hoặc gây nhiễu loạn các cuộc thảo luận công khai. Hệ quả là sự ra đời của “Dead Internet Theory” (tạm dịch: “Thuyết Internet chết”) – một giả thuyết âm mưu cho rằng phần lớn nội dung trên mạng xã hội hiện nay không còn được tạo ra bởi con người thực, mà chủ yếu là do trí tuệ nhân tạo, bot, hoặc các hệ thống tự động đăng tải. 

Quá tải nội dung và các buồng vang ý tưởng

Với hàng tỷ nội dung được đăng tải mỗi ngày bởi cá nhân và bot, mạng xã hội đang rơi vào tình trạng “quá tải”, nơi giao tiếp có ý nghĩa bị chìm trong biển nhiễu của quảng cáo, nội dung rác và content AI, khiến người dùng trở nên mệt mỏi. Hiện nay, rất nhiều người cho biết, họ cảm thấy mình bị choáng ngợp, xao nhãng, mất kết nối hoặc không còn hứng thú với mạng xã hội. 

Cùng lúc đó, thuật toán cá nhân hóa góp phần hình thành các “buồng vang” (echo chamber) nơi người dùng chỉ tiếp xúc với quan điểm giống mình. Dù điều này có thể mang lại cảm giác dễ chịu trong ngắn hạn, nó lại dẫn đến sự cô lập về tư tưởng và gia tăng phân cực trong xã hội. Mạng xã hội, thay vì khuyến khích đối thoại đa chiều, lại trở thành không gian khép kín, nơi các quan điểm đa dạng bị loại trừ. Nhiều nền tảng vì thế đang dần chuyển từ kết nối con người sang khuếch đại chia rẽ.

Khi diễn ra trong cô lập, hai yếu tố này đã có ảnh hưởng vô cùng lớn đến cách người dùng tiếp nhận thông tin trên không gian mạng. Nhưng khi diễn ra song hành, người dùng không chỉ bị bão hòa thông tin mà còn dễ rơi vào trạng thái lệch lạc nhận thức, nơi họ chỉ tiếp nhận những gì quen thuộc và được thuật toán “lập trình” sẵn. Việc này khiến khả năng tiếp cận thông tin đa chiều bị hạn chế nghiêm trọng, dẫn đến sự mất kết nối xã hội, hiểu lầm giữa các nhóm ý kiến và gia tăng phân cực. Cuối cùng, thay vì trở thành nơi gắn kết và trao đổi ý tưởng, mạng xã hội biến thành không gian khép kín, gây mỏi mệt tinh thần và chia rẽ cộng đồng.

Liệu tất cả đã mất?

Mặc dù phần lớn trải nghiệm trên mạng đang dần đi xuống, vẫn có những dòng chảy tích cực âm thầm tồn tại. Rất nhiều người dùng vẫn đang sử dụng mạng xã hội như một công cụ để duy trì các mối quan hệ, tổ chức hoạt động cộng đồng, nâng cao nhận thức xã hội, hoặc đơn giản là thể hiện bản thân một cách sáng tạo và chân thực.

Những nền tảng mới như Mastodon hay Bluesky hay kể cả sự hồi sinh của các nền tảng cũ như Tumblr đang nỗ lực “phi tập trung hóa” mạng xã hội, trả lại quyền kiểm soát cho cộng đồng thay vì để thuật toán dẫn dắt. Ngoài không dựa vào/hiển thị quảng cáo, hai nền tảng này cho phép người dùng lựa chọn tham gia vào nhiều máy chủ (server) khác nhau, với mỗi máy chủ đều được tự chủ và không bị ảnh hưởng bởi thuật toán. Điều này hoàn toàn trái ngược với mô hình tập trung của các mạng xã hội truyền thống như Facebook hay Instagram, nơi mọi hoạt động đều nằm dưới sự kiểm soát của một công ty duy nhất.  Song song đó, phong trào “truyền thông chậm” (slow media) cũng đang manh nha phát triển, kêu gọi người dùng tiếp cận mạng xã hội với sự tỉnh táo, chủ đích và nhân văn hơn.

Chính những nỗ lực này cho thấy mạng xã hội không hoàn toàn đánh mất tính xã hội của nó. Trong vô vàn nhiễu động, vẫn còn những không gian số mang lại kết nối thực sự, nơi mạng xã hội được đưa về ý nghĩa ban đầu.

“Mạng xã hội liệu còn tính xã hội không?” là câu hỏi vang lên sự thất vọng phổ biến của người dùng với không gian số hiện nay. Những nền tảng từng được tạo ra để kết nối con người đã bị biến thành hệ sinh thái thu hút sự chú ý, bị định hình bởi thuật toán, và nhu cầu trình diễn của mỗi cá nhân. Những yếu tố xã hội, chân thực và niềm tin đã bị thay thế bởi chỉ số, nội dung tràn lan và tiêu dùng thụ động. Tuy nhiên, sự thay đổi này không phải là tuyệt đối. Mạng xã hội vẫn là công cụ vô cùng mạnh mẽ để tạo ra tương tác tích cực. Việc nó có thực hiện được tiềm năng đó hay không sẽ phụ thuộc các thiết kế của các nền tảng trong tương lai, hành vi của người dùng, và những quy định pháp lý đi kèm. Nhưng trên hết, liệu chúng ta có đủ dũng cảm và tỉnh táo để nhìn và định hình lại cách mình đang sử dụng mạng xã hội hay không? Câu trả lời nằm ở mỗi cá nhân.


From the same category