Từ cú “bling” mang dấu ấn nghệ thuật trong ca khúc “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy, Bắc Ninh giờ đây trở thành điểm đến mới mẻ cho những ai mê khám phá văn hóa bản địa, những làn điệu ngọt ngào và không gian truyền thống pha chút hiện đại. Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi vừa thân quen, vừa mới lạ thì miền Kinh Bắc đang cất lời mời gọi bằng chính chất riêng của mình.
Nằm nép mình bên bờ sông Cầu, làng gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ) là một trong những làng nghề cổ nhất xứ Kinh Bắc, với gần 700 năm tuổi đời và hàng trăm lò nung đỏ lửa quanh năm. Gốm Phù Lãng mang sắc men da lươn đặc trưng, được tạo hình bằng kỹ thuật chạm nổi tinh xảo – một chất riêng khó trộn lẫn giữa những dòng gốm Việt.
Không giống Bát Tràng hay Thổ Hà, gốm Phù Lãng làm từ đất đỏ hồng Bắc Giang, phải qua hơn 10 lần “xéo nề” mới đủ độ mịn để lên bàn xoay. Dáng gốm mộc mạc mà khỏe khoắn, từ các loại bình, ang, đỉnh thờ đến tượng thú đều đậm chất thủ công và giàu giá trị văn hóa. Ngày nay, du khách có thể không chỉ tham quan, mà còn trực tiếp thử chuốt gốm cùng nghệ nhân làng nghề – một trải nghiệm chân thật và đầy cảm hứng.
Về Phù Lãng dịp cuối năm hay mùa lễ hội, du khách sẽ có dịp chứng kiến cả làng rộn ràng chuẩn bị, những chum vại xếp đầy sân và các nghệ nhân bận rộn nhào nặn, tô vẽ những tuyệt tác đến từ đất. Một điểm đến vừa đậm bản sắc, vừa lý tưởng để “check-in” giữa không gian làng quê Bắc Bộ thanh bình.

Với hơn 400 năm tuổi đời, làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) là nơi duy nhất ở Việt Nam còn lưu giữ và sản xuất dòng tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng. Ghé thăm làng vào một sáng trong veo, du khách như được bước vào thế giới thu nhỏ của làng quê xưa, nơi từng nét vẽ, mảng màu đều thấm đẫm tinh thần văn hóa Việt. Giấy dó phơi đầy sân, màu từ lá cây, vỏ sò, than tre… được pha chế tỉ mỉ, tất cả tạo nên một bảng màu thuần khiết của tự nhiên.
Tại đây, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng những bức tranh trứ danh như “Đám cưới chuột”, “Vinh hoa phú quý”… mà còn có thể trực tiếp trải nghiệm in tranh trên giấy Dó, lắng nghe nghệ nhân kể chuyện nghề – những điều tưởng chỉ còn trong ký ức. Mỗi đường khắc, mỗi lớp màu đều chứa đựng triết lý sống giản dị, gần gũi: yêu cái đẹp mộc mạc, tôn vinh đạo lý và truyền thống gia đình. Nếu có dịp đến Bắc Ninh, hãy dành thời gian ghé Đông Hồ để lắng nghe dòng chảy nghệ thuật dân gian chưa từng ngưng nghỉ.
Đền Cùng – Giếng Ngọc, một di tích linh thiêng tại làng Diềm (Bắc Ninh), là nơi thu hút hàng nghìn du khách mỗi dịp đầu xuân. Được biết đến từ thời Lý, Tiền Lê, đây là nơi các triều đại từng đến cầu nguyện và chiến thắng quân xâm lược. Đền Cùng không chỉ nổi tiếng với kiến trúc cổ kính mà còn với Giếng Ngọc, nơi có nước trong vắt, mát lành, được tin là mang lại may mắn, sức khỏe và tài lộc.
Giếng Ngọc có hình bán nguyệt, với nước màu xanh ngọc bích, được cho là có nguồn gốc từ dưới lòng đất, qua các lớp đá ong. Du khách có thể trực tiếp lấy nước giếng, thưởng thức hoặc mang về để pha trà, với niềm tin rằng nước này giúp tinh thần thư thái, minh mẫn. Đặc biệt, trong những ngày hạn hán, giếng vẫn không bao giờ cạn và ba “cụ cá thần” vẫn sống lặng lẽ dưới đáy.
Cá trong giếng được người dân gọi là thần, vì không ai biết chúng đã sống dưới giếng từ bao giờ, chỉ biết là rất lâu năm. Người làng tin rằng ba cụ cá thần là hóa thân của hai công chúa Ngọc Dung và Thủy Tiên triều Lý Thánh Tông cùng một nàng hầu, những người có công lập làng và truyền nghề cho dân. Dù trải qua hai trận lụt lịch sử vào năm 1957 và 1971 khiến nước trong giếng tràn lên, ba ông cá vẫn không rời đi. Những loài cá và rùa được thả vào giếng đều chết hoặc bò đi nơi khác, càng làm tăng thêm sự huyền bí của nơi này.

Với không khí thanh tịnh, Đền Cùng – Giếng Ngọc còn là nơi lý tưởng để tham gia lễ hội vào ngày 3/3 âm lịch, khi người dân tổ chức lễ tát giếng và dọn dẹp khu vực xung quanh. Đây là dịp để cầu bình an, sức khỏe, và may mắn trong năm mới. Thăm đền, du khách không chỉ tìm về với tâm linh, mà còn có cơ hội thưởng thức những làn điệu Quan họ đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm về văn hóa Kinh Bắc.
Tựa lưng vào sườn núi Lạn Kha (huyện Tiên Du), chùa Phật Tích là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai mê kiến trúc cổ và hành trình tìm về cội nguồn Phật giáo Việt Nam. Ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý, lưu giữ bức tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh lớn nhất nước ta – một kiệt tác điêu khắc từ thế kỷ XI. Không gian nơi đây mang một vẻ tĩnh lặng đến thiêng liêng, với mái cong rêu phong, tượng linh thú nằm im giữa vườn tháp cổ và tiếng chuông ngân nhẹ giữa thung lũng xanh rì. Vào những ngày sương giăng, cả chùa như ẩn hiện giữa cõi mộng – vừa trầm mặc vừa siêu thoát.
Chùa Phật Tích gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên Giáng Hương. Từ thời xa xưa, Giáng Hương đến chùa ngắm hoa mẫu đơn, vô tình làm gãy cành và bị các chú tiểu phạt. Từ Thức cứu nàng, và hai người gặp nhau thường xuyên. Một lần, Giáng Hương dẫn Từ Thức đến một hang đá, nơi nàng tiết lộ mình là tiên và hai người kết duyên. Dựa theo câu chuyện này, từ ngày 4 tháng Giêng hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội “Khán hoa mẫu đơn”, khai mạc vào mùng 3 Tết, thu hút đông đảo du khách đến dâng hương từ mùng 1.
Du khách không chỉ đến để lễ Phật, mà còn để hòa mình vào cảnh sắc thanh bình, chiêm nghiệm vẻ đẹp kiến trúc thời Lý độc đáo – nơi từng viên đá cũng biết kể chuyện. Đặc biệt, vào dịp đầu xuân, lễ hội chùa Phật Tích thu hút hàng ngàn người ghé về – vừa là để cầu an, vừa là để sống chậm giữa một miền văn hóa đậm đặc.
Ảnh: Tổng hợp