Đẹp trai có gì là sai... - Tạp chí Đẹp

Đẹp trai có gì là sai…

Review
Đầu tiên phải khẳng định rằng việc người ta nổi tiếng vì đẹp, một cái đẹp bẩm sinh, không có gì là sai cả. Ở đâu đó bạn sẽ đọc được những quan điểm theo kiểu chỉ đẹp thôi thì chẳng có gì đáng hâm mộ cả – phải hâm mộ vì tài năng vì phẩm chất vân vân. Nhưng những quan điểm kiểu ấy rốt cục cũng chẳng ngăn được nhân loại yêu cái đẹp và chi cả đống tiền ngồi hàng ghế đầu của các cuộc thi nhan sắc (vốn cũng được tổ chức bằng hàng đống tiền).

 

Ai chẳng hâm mộ người đẹp. Nhưng nếu đưa cái đơn giá 20 triệu vào câu chuyện thì mọi thứ bỗng nhiên thay đổi. Đặc biệt là 20 triệu này được đem đi làm từ thiện, theo thông tin từ các nhà tổ chức. Hãy nghĩ về lộ trình của 20 triệu ấy: nó được chi ra để một người ăn tối với một chàng trai đẹp – sau đó được dùng để làm từ thiện. Tức là việc thỏa mãn cái nhu cầu mỹ cảm của người xùy tiền đến trước, “ngồi trên đầu” cái hành động từ thiện sau này.

Ở châu Âu và Mỹ thỉnh thoảng người ta phát hiện ra những cô gái gọi là sinh viên, bán dâm để có học phí. Hãy giả dụ như vị đại gia mua dâm biết cô gái cần tiền đóng học phí từ trước khi thỏa thuận giao dịch. Như vậy có thể nói rằng anh ta đã chi tiền để giúp cô gái đóng học phí không? Không phải chứ. Anh ta chi tiền để thỏa mãn bản thân thôi.

Cái động cơ ban đầu sẽ che mờ đi ý nghĩa của toàn bộ câu chuyện theo cách đó.

Tất nhiên là gặp trai đẹp và mua dâm là hai việc rất khác nhau, xin nhấn mạnh. Nhưng nó cùng phục vụ cho một động cơ thuần túy bản năng, một thứ thuộc về tâm sinh lý cá nhân của mỗi con người. Và chi ra 20 triệu để gặp một chàng trai đẹp, chi ra 20 triệu để thỏa mãn một động cơ mang tính bản năng, để được thẹn thùng vô tình chạm vào tay anh Omar đẹp trai, say mê ngắm anh bên ánh nến cả buổi tối, chụp ảnh cùng anh đưa lên Facebook, thì 20 triệu đấy đem đi làm từ thiện nó cũng mất một phần ý nghĩa đi.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet cũng hay đấu giá các bữa ăn trưa cùng mình, giá lên tới mấy triệu USD. Nhưng Buffet là một thương nhân, 50 năm lăn lộn trên thương trường. Bữa ăn cùng ông mang một ý nghĩa khác: nó sẽ được nhìn nhận là cuộc trò chuyện của các thương gia hàng đầu, về kinh tế, về chính trị, về những vấn đề rất nghiêm túc.

Một bữa ăn trưa có mấy tiếng đồng hồ thì cũng chẳng nói được gì nhiều. Và cũng có thể là sẽ có một đại gia đồng tính nào đó của Phố Wall yêu thầm Buffet, chi ra 3 triệu USD để gặp ông để thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý, thì cũng giống với vị sẽ chi tiền gặp Omar thôi. Nhưng cái bữa ăn trưa ấy, với cái tên của tỷ phú Buffet, nó mang một cái “vỏ bọc ý nghĩa” khác, dù chỉ là vỏ bọc hình thức thôi, thì số tiền sau này giao cho quỹ từ thiện mang một tư thế khác.

Của cho không bằng cách cho, chính là ở chỗ này.

Hãy nghĩ về việc một tỷ phú già, đã yếu lắm, tuyên bố rằng cứ mỗi lần có người có thể làm cho ông ta cảm thấy hứng tình, ông ta sẽ tặng cho quỹ từ thiện 1 triệu USD. Nhu cầu của ông này chẳng có gì sai cả, còn mang dáng dấp của tình yêu tha thiết cuộc sống nữa kìa. Nhưng đem cái nhu cầu đấy ra làm tiền đề cho một cuộc từ thiện thì hơi có vấn đề.

Của cho không bằng cách cho. Chỉ cần nhà tổ chức đặt vấn đề khác thôi, rằng Omar sẽ cùng các bạn gây quỹ từ thiện trong một bữa tối, thì mọi chuyện khác hẳn đi rồi. Đằng này, là cái gì mà “màn đấu giá đặc biệt để được ăn tối cùng” ư? Cái nguyên cớ khiến ngay cả vẻ đẹp lộng lẫy của Omar cũng trở nên tầm thường.

Bài: Đức Hoàng 

Ảnh: Telegraph

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: Ngọc Phạm

29/08/2013, 10:20