Đeo kính giãn tròng: Đẹp ít, hại nhiều - Tạp chí Đẹp

Đeo kính giãn tròng: Đẹp ít, hại nhiều

Xu Hướng Làm Đẹp

Kính áp tròng nào cũng có chỉ định


Các loại kính được đặt lên lòng đen (giác mạc) có tên chung là kính áp tròng hay kính tiếp xúc, với những chỉ định chính: điều trị các tật khúc xạ như: cận – viễn – loạn thị (thay thế kính gọng thông thường); điều trị một số bệnh: giác mạc hình chóp, trượt biểu mô giác mạc tái phát, sau mổ LASIK… Kính giãn tròng là một loại kính áp tròng, do vậy đòi hỏi các chỉ định mang tính chuyên khoa. Mục đích thẩm mỹ hay thỏa mãn thú chơi của người sử dụng không được giới y khoa khuyến khích.

Lạm dụng kính được hiểu theo hai nghĩa: không có bệnh mà vẫn dùng để thoả mãn thú chơi; đeo kính quá lâu so với tuổi thọ của kính hay lười tháo lắp, lười vệ sinh kính. Lạm dụng kính không sớm thì muộn sẽ gây hại cho mắt.

Ẩn hoạ từ mốt

Kính giãn tròng thực sự gây nên cơn sốt khi được các minh tinh Hàn Quốc, Trung Quốc đua nhau “lăng xê”. Kính giãn tròng về cơ bản cũng là kính áp tròng nhưng phần tròng mắt có thêm đường viền xung quanh giúp mắt trông to hơn. Màu mắt đen nay được thay bằng màu xanh da trời, vàng, đỏ lửa hoặc hoa văn như hình ngôi sao, mặt cười, chữ… lấp lánh trong mắt, trông thật ấn tượng.

Các mẫu kính giãn tròng được rao bán trên mạng

Trên các mạng rao vặt ở Việt Nam đầy ắp các quảng cáo về kính giãn tròng. Đa số là kính của Hàn Quốc có giá từ 200.000 – 350.000đ/cặp, đủ màu sắc, có độ và không độ. Các cửa hàng mắt kính thì có các loại xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Indonesia… giá từ 260.000 – 500.000đ/cặp.

Giới trẻ đang sử dụng nhiều loại kính tiếp xúc như một cách trang trí cho mắt: thay đổi màu mắt,tạo hình ảnh đồng tử giãn to giả tạo, có hình ảnh của con thú được ưa thích hay hình trái bóng… Xin nói ngay là nguồn gốc của các kính trên không rõ ràng, không ai dám đảm bảo chất lượng cũng như không ai đền bù cho họ nếu có thiệt hại do kính gây ra.

 

Thêm nữa, đeo kính tiếp xúc không đúng chỉ định, lạm dụng hay vệ sinh kém, sai sót về kỹ thuật tháo lắp có thể gây ra các tai biến sau: xước, trượt lòng đen gây đau đớn; loạn dưỡng lòng đen, viêm nhiễm hoặc loét lòng đen do vi khuẩn, virút hay nấm; nếu có dị vật bay vào mắt bị kẹt giữa kính và lòng đen thì sẽ rất khó lấy ra, làm bệnh nhân đau đớn nhiều trong khi bác sĩ cũng khó thao tác khi lấy dị vật. Như vậy cái hay, cái đẹp do kính trang trí mang lại thì ít nhưng tốn kém và nguy hại thì lại nhiều.

TS. BS Lê Đỗ Thuỳ Lan, Bộ môn Mắt, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết nếu mang kính quá 16 giờ mỗi ngày sẽ gây kém hấp thu nước trên giác mạc dễ gây viêm và loét giác mạc, ảnh hưởng đến tầm nhìn. Đặt kính sai vị trí sẽ làm trầy giác mạc, dễ gây mù. Một số người bị dị ứng với kính sẽ bị đỏ mắt. Hiện nay có khoảng 15 – 20% bệnh nhân bị viêm giác mạc do sử dụng kính áp tròng không đúng cách.

Tại Trung Quốc cũng đã xuất hiện hàng loạt cảnh báo về nguy cơ gây mù mắt do kính giãn tròng.

Trên phim ảnh, người ta dùng kính trang trí cho những đêm dạ tiệc hoá trang, để cuốn hút người tình hay để thay đổi nhận dạng khi hoạt động gián điệp… Thực tế thì chúng ta không mấy ai rơi vào hoàn cảnh tương tự, do vậy đừng tiêu tiền vô ích để “chơi” loại kính này.

Theo SGTT

Thực hiện: depweb

05/11/2012, 14:37