Từ sân bay Shin – Chitose tôi bắt đầu hành trình đến vườn quốc gia Shiretoko. Đó là một danh thắng nằm trên bán đảo Shiretoko, phía Đông Hokkaido, một trong những rừng quốc gia đẹp và ít chịu tác động của con người. Tên Shiretoko trong ngôn ngữ của người Ainu (những người bản xứ đầu tiên tại Hokkaido) có nghĩa là “Nơi tận cùng của thế giới”. Cũng bởi cái tên này, tôi nhất định chọn Shiretoko là điểm bắt đầu hành trình của mình.
Với mục đích bảo tồn khu vườn quốc gia nên hệ thống giao thông chỉ được phát triển đến khoảng một phần ba chiều dài của bán đảo. Phần còn lại là rừng tự nhiên. Do vậy chỉ có hai cách để khám phá Shiretoko là đi bộ hoặc đi thuyền. Tôi chọn cách đi bộ, và không quên mua một chiếc chuông đuổi gấu. Là con gái, lại đi một mình, tôi không muốn trở thành nạn nhân của gấu xám.
Tôi dành ra gần hai tuần để thực hiện chuyến đi này, cõng theo lều và chiếc ba lô cỡ lớn đựng vật dụng cá nhân để tiết kiệm chi phí một cách tối đa. Hokkaido là vùng đất tuyệt vời để cắm trại, nhưng cũng không phải là ý kiến hay nếu hạ trại một mình như tôi. Tôi luôn phải đi vòng quanh thăm dò rất nhiều lần trước khi quyết định hạ trại ở một chỗ nào đó. Cảm giác ngủ đêm một mình giữa rừng thật sự rất khó quên, một chút sợ hãi xen lẫn cả sự thích thú. Trời đêm đầy sao cùng tiếng côn trùng, tiếng suối làm tôi quên hết mệt nhọc sau một ngày leo núi vất vả.
Điểm đến tiếp theo trong hành trình của tôi là Ngũ hồ. Ngũ hồ là một điểm tham quan thu hút khách du lịch của Shiretoko bởi vẻ đẹp yên bình, bí ẩn kết hợp giữa rừng núi và hồ nước tự nhiên. Truyền thuyết kể lại rằng Ngũ hồ được tạo bởi năm ngón tay của Thượng đế khi nhấn xuống vùng đất này.
Vào mùa thu, khi lá rừng chuyển vàng, đây là điểm chụp hình ưa thích không chỉ của các tay máy mà của cả các du khách muốn lưu giữ lại vẻ đẹp nguyên sơ và lãng mạn của núi rừng. Do diện tích hồ nhỏ và nằm giữa rừng, khi lang thang trong khu vực này tôi thấy mình giống như đi lạc vào truyện cổ tích mà hồi bé vẫn được đọc, hòa mình và tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên. Men theo con đường rừng nhỏ, tôi theo chân đoàn khách tham quan đi dọc một cây cầu gỗ, từ đây có thể nhìn xuống biển Okhotsk, thấy hành trình của mình thật mênh mông.
TẤT TẦN TẬT VỀ SHIRETOKO
Những nơi nhất định phải đến:
+ Thác nước suối nóng Kamuiwakka (theo tiếng Ainu có nghĩa là “dòng sông của thượng đế”). Tuy nhiên, do hiện tượng đá rơi nên du khách chỉ có thể khám phá một phần hạ lưu của thác, nhiệt độ nước tại khu vực có thể tiếp cận này cũng lên tới 30oC. Một vài đoạn của thác nước tạo thành các túi nước tự nhiên, là chỗ tắm nước nóng được ưa thích của du khách.
+ Núi Rausu tuy chỉ cao hơn 1.600m nhưng được đánh giá là tương đối khó chinh phục với địa hình phức tạp, thời tiết không ổn định và sự xuất hiện thường xuyên của gấu trên cung đường. Tuy nhiên phần thưởng cho những người người vượt qua được thử thách là vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng và biển cả. Vào những ngày đẹp trời, thậm chí từ đỉnh núi có thể thấy đảo Kunashiri hiện đang tranh chấp với Nga.
+ Shiretoko cũng rất nổi tiếng với các suối nước nóng tự nhiên. Du khách có thể tận hưởng tắm nước khoáng nóng tại khách sạn, tại các phòng tắm công cộng hoặc tại các suối tự nhiên trong rừng. Một món quà lưu niệm du khách thường mua khi đến Shiretoko là chuông chống gấu, được bán tại các cửa hàng lưu niệm cũng như các quán cà phê hay khách sạn, là một kỉ niệm dễ thương cho những người đã từng đặt chân đến vùng đất của gấu.
Ẩm thực số một: Hải sản!
Vì là bán đảo nên nơi đây có nguồn cung hải sản tương đối phong phú, dọc trên phố có rất nhiều cửa hàng hải sản. Thưởng thức hải sản tươi sau khi tắm suối nước nóng là một trải nghiệm ưa thích của du khách.
Phương tiện di chuyển
Sân bay gần Shiretoko nhất là Memanbetsu Airport, có các chuyến bay thẳng từ Sapporo, Tokyo, Osaka và Nagoya. Tuy nhiên sân bay này cách Shiretoko 100km, do đó để đến được khu vực tham quan, du khách cần đi tàu hoặc xe buýt. Lịch chạy của tàu và xe buýt thay đổi theo các mùa du lịch trong năm. Từ Sapporo, du khách cũng có thể đi tàu cao tốc hoặc đi xe buýt đêm đến Shiretoko.
Shiretoko có hai thị trấn duy nhất là Utoro và Rausu, trong đó Utoro tương đối đông đúc và thu hút nhiều du khách hơn. Hệ thống xe buýt đi từ Utoro đến khu vực thác Kamuiwakka và Ngũ hồ có các chuyến thường xuyên trong ngày và lịch trình thay đổi theo mùa.