Đen trắng - Màu mới của điện ảnh - Tạp chí Đẹp

Đen trắng – Màu mới của điện ảnh

Giải Trí

Những tưởng phim đen trắng đã bị thay thế và chết dần chết mòn khi phim màu phát triển và trở thành tất yếu trong thời đại ngày nay. Nhưng không, nó vẫn âm ỉ tồn tại từ thập niên này qua thập niên khác, vẫn là nguồn cảm hứng, là dụng tâm, là thử thách của không ít nhà làm phim trên thế giới. 

Cái chết của phim đen trắng

Hai màu trắng đen đã gắn liền với điện ảnh kể từ cuối thế kỷ 19. Chỉ với hai màu đơn sắc đó thôi nhưng những đoạn phim ngắn như “Tàu vào ga”, “Công nhân rời nhà máy” của hai anh em nhà Lumière đã làm náo loạn quán cà phê Salon Indien du Grand tại Paris vào năm 1895. Đó được tính là thời khắc thước phim điện ảnh đầu tiên được trình chiếu trước công chúng.

phim đen trắng - "Nebraska"
“Nebraska”

Thậm chí ngay cả khi phim màu được ứng dụng vào điện ảnh, phim đen trắng vẫn chiếm lĩnh tất cả các phòng chiếu. Chỉ đến khi Hollywood phát triển kỹ thuật Technicolor có thể hiển thị toàn dải màu sắc trong thập niên 30, phim đen trắng mới dần bị thất thế. Theo thời gian, phim màu ngày càng lên ngôi để rồi “giết chết” những tác phẩm điện ảnh đen trắng. 
Tuy nhiên, không vì thế mà các nhà làm phim từ bỏ hẳn hai màu truyền thống. Ngay trong thời kỳ phim màu làm bá chủ từ phòng chiếu cho tới ti vi tại các hộ gia đình, vẫn có những tuyệt phẩm ra đời khiến người xem phải kinh ngạc, hoài niệm về quá khứ. Có thể kể đến “Manhattan” (1979), “The Elephent Man” (1980), “Down by Law” (1986), “Wings of Desire” (1987), “Kafka” (1991), “Schindler’s List” (1991), “Ed Wood” (1994), “La Haine” (1995), “American Histoty X”, “Pi”, “Following” (đều trong năm 1998), “The Man Who wasn’t Here” (2001).

Phim đen trắng trở lại

Đối với những phim bom tấn của Hollywood, các nhà sản xuất chẳng dại gì quay bằng hai màu đen trắng buồn tẻ. Họ phải tận dụng tối đa màu sắc, kỹ xảo để chiều mắt khán giả nhất có thể. Vậy câu hỏi đặt ra là, đến giờ này có ai lại ngớ ngẩn đi quay đen trắng làm gì? Và câu trả lời là: số lượng người ngớ ngẩn ấy vẫn còn nhiều lắm. Đặc biệt trong khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng phim tăng vọt và hầu hết đều thuộc hàng cực hay.

Poster phim "The White Ribbon"

Poster phim “The White Ribbon”

Lấy dấu mốc là thành công không tưởng của “The White Ribbon” (2009) của đạo diễn Michael Haneke và ngay sau đó là “The Artist” (2011), cho đến nay, khán giả đã được chứng kiến sự ra đời của rất nhiều bộ phim đen trắng xuất sắc.

Khi mà các ông lớn “chính thống” tại Hollywood chẳng mặn mà lắm tới phim đen trắng vì còn phải phụ thuộc vào doanh thu phòng vé thì các hãng phim độc lập, các đạo diễn độc lập vẫn luôn tìm tòi trong cách thể hiện, trong các phương án nghệ thuật khác nhau. Có thể khẳng định rằng, làm phim đen trắng không phải là sự ăn theo, không phải là cách thể hiện bản thân mà nó có mục đích, là dụng tâm của mỗi tác giả, nó tôn lên sự giản đơn của cuộc sống và nó còn là giấc mơ của rất nhiều nhà làm phim.  

phim đen trắng -  "Blancanieves"
“Blancanieves”

Bên cạnh “Blancanieves”, điện ảnh thế giới trong năm 2012 còn cho ra đời một loạt tác phẩm đen trắng đáng chú khác. Có thể kể đến “Much Ado About Nothing”, “Frances Ha”, “Caesar Must Die”, “Frankenweenie”, “Tabu”… Đáng chú ý trong số này là “Much Ado About Nothing”. Bộ phim vốn là phiên bản hiện đại của vở kịch nổi tiếng cùng tên do đại thi hào William Shakespeare sáng tác, và do chính đạo diễn của “bom tấn” “The Avengers” – Joss Whedon thực hiện. Việc một vở kịch của William Shakespeare được dựng thành nhiều phiên bản điện ảnh khác nhau là chuyện hết sức bình thường. “Much Ado About Nothing” cũng vậy. Không có một diễn viên ngôi sao nào tham dự, nhưng “Much Ado About Nothing” lại được giới phê bình đón nhận và đánh giá rất cao. Phim được quay chóng vánh (12 ngày) với kinh phí cực thấp. Hầu hết các nhà phê bình điện ảnh đều nhận xét tốt khiến bộ phim từ một tác phẩm độc lập kinh phí thấp nằm trong vòng bí mật nay được khán giả yêu thích điện ảnh tìm xem.

phim đen trắng - "Frances Ha"
“Frances Ha”

Nổi bật không kém là “Frances Ha” của đạo diễn Noah Baumbach. Bộ phim mang tới cho người xem một cảm xúc mộc mạc, đơn sơ và cực kỳ thuần khiết. Phim là câu chuyện về cô gái Frances phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh tại thành phố New York. Có cùng đề tài về số phận con người như “Frances Ha” là “Nebraska” (2013) của đạo diễn Alexander Payne. Cả hai tác phẩm trên đều có sự dung dị, đưa khán giả gần hơn với nhân vật, dẫn ta đi sâu hơn vào câu chuyện. Nhưng khác với “Frances Ha”, bối cảnh trong “Nebraska” lại vô cùng thê lương. Phim được đề cử giải Phim xuất sắc nhất tại LHP Oscar lần thứ 86 vừa qua.

Ra mắt trong năm 2013 còn có “A Field in England”, tuyệt phẩm “Ida”, cùng “L’arbitro” và “Computer Chess”. Để lựa chọn ra những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất Châu Âu ra đời hồi năm ngoái, “Ida” của đạo diễn Pawel Pawlikowski xứng đáng có được vị trí trong Top đầu. Lấy bối cảnh tại Ba Lan những năm 60 của thế kỷ trước, bộ phim kể về chuyến hành trình tìm về cội nguồn của nữ tu sĩ Anna/Ida trước khi thực hiện lời thề tu hành. “Ida” được quay đen trắng hoàn toàn với các góc máy hết sức đặc biệt, nhiều cảnh phá quy tắc chuẩn mực về điểm vàng của nhân vật nhưng vẫn hết sức hợp lý. Bộ phim thắng rất nhiều giải tại các LHP lớn trên thế giới như London, Gijón, Seattle, Toronto, Warsaw trong năm 2013 và đầu năm 2014.

phim đen trắng - "Ida"
“Ida”

Bị lãng quên, hắt hủi đến nỗi nhiều người quên mất rằng điện ảnh nguyên bản sinh ra đã là màu đen trắng. Phát triển huy hoàng trong kỷ nguyên vàng của Hollywood cũng là màu đen trắng, để rồi dần bị phim màu thay thế. Chẳng thế mà ngày nay, sau một vòng luẩn quẩn, đen trắng, trong vài năm qua, lại được coi là một màu mới trong điện ảnh với hàng loạt tuyệt phẩm đáng đi vào lịch sử. 

 Bài: Hoàng Phương

logo

Thực hiện: depweb

09/09/2014, 16:50