Còn nhớ cách đây mấy tháng, có bạn ca sĩ trẻ qua đời do ung thư. Anh này bạn tui, không thân lắm, nhưng trước cũng đã gặp mặt, chào hỏi xã giao vài câu. Đám ma, tui cũng lặng lẽ đến viếng, thắp xong nén hương tàn rồi đi về, không ở lại vì phải nhường chỗ cho mấy bạn ngôi sao, hotboy, hotgirl đến tạo dáng, chụp hình và check-in. Nhìn thấy, tui nổi da gà. Đã vậy, tối về nhà, lên facebook thấy có một bạn gái đẹp lắm, ngực to ghê lắm, chụp tấm hình trang điểm chừng 30 lớp phấn, câu chú thích dưới hình là, “đi đám ma anh ấy, buồn lắm nhưng vẫn phải tươi cười để chụp hình nè cả nhà.” Nhìn xong, tui biết bao nhiêu não, chắc rớt xuống ngực nên mới to dữ vậy.
Mà đợt đó, báo mạng như bắt được vàng, đăng bài, đăng tin về sự kiện này liên tục mấy chục kì, theo đủ kiểu, “những khoảng khắc đáng nhớ tại đám tang…” “ca sĩ A, B, C rạng rỡ trong trang phục đi viếng…”, thấy dân tình xôn xao, một bà chị biên tập gọi qua hỏi, sao mày không viết một bài, mày biết nó mà, tui ậm ừ, cười cho qua, thôi chị ạ, người ta mất rồi, để người ta yên. Tui chẳng phải thánh nhân, hiền thần gì, nhưng làm vậy, thấy cái tâm mình nó im lìm, không dậy sóng. Ông anh làm phóng viên nhìn một lượt mấy trang báo, nói một câu nghe đau lòng, “đúng là một người chết, mấy trăm người có cơm ăn.”
Rồi thì sao, người ta cũng quên, thông tin về cái đám tang đó cũng sẽ lặng lẽ rơi vào vùng database của các trang mạng, rơi vào đống giấy, mực của mấy tờ báo cũ chờ bán ve chai. Còn ai nhớ, họa hoằn lắm, người nhà anh ca sĩ kia hằng năm sẽ làm đám giỗ. Con người mà, ký ức họ ít, nên thường dành để nhớ nhữmg cái gì gần gần, vui vẻ hơn. Chắc vậy.
Đến gần đây, quốc tang của cố Đại tướng lại làm tui nhận ra về cái mà người ta đang suy tôn là đạo đức thế gian.
Đại tướng mất, cả đất nước buồn, chuyện đó hiển nhiên. Công lao của ông với mảnh đất này, chẳng ai dám phủ nhận, nhưng, với một đứa như tui, không dám bình luận hay bày tỏ gì nhiều, chỉ đơn giản tiếc thương thì để trong lòng là được.
Trên facebook mình, tui thấy nhiều bạn để bày tỏ lòng thành kính, cũng đổi ảnh đại diện thành hình của ông trong mấy ngày quốc tang. Hành động ấy, nghĩa cử ấy, tui không có ý kiến, vì đó là quyền cá nhân, xen mỏ vô chúng chửi chết. Nhưng buồn cái, để hình là để… cho vui vậy đó. Thấy người ta để, mình cũng phải để, cho bằng bạn bằng bè.
Bi hài bắt đầu xảy ra khi tui thấy những bạn để hình đại tướng đăng những cái status về tình yêu, chia tay, chia chân, chia con, chia chó, comment chửi bới nhau ở mọi nơi, tiếng “Đan Mạch”, “Hà Lan” được phang sa sả, tui nhìn qua cái ảnh đại diện nói mấy câu đó, thấy hình đại tướng, nổi da gà. Mấy bạn khác thì lịch sự hơn chút, họ để ảnh đại diện xong, thì có những cái status kiểu vầy, “nhân ngày quốc tang, các bạn chia sẻ hình ảnh này để có cơ hội nhận được bộ sản phẩm của shop…” thề có chúa trong chùa là tui muốn còng đầu tụi nó hết sức. Và, cũng như mọi lần, vẫn có một hai bạn ngực to nào đó chu mỏ, giơ hai ngón tay, chụp tấm ảnh tự sướng, đăng lên facebook, cạnh bên là cái ảnh đại diện hình vĩ nhân vừa qua đời.
Ở nhóm người chưa kịp nổi tiếng, họ làm vậy, còn cái nhóm nổi tiếng hơn, dân ta gọi là “sao”, sau này kêu bằng cái từ tây hơn, “xe-lép” gì đó, mọi chuyện lại còn căng thẳng gấp bội.
Khai hỏa là anh ca sĩ, huấn luyện viên, diễn viên, giám khảo, thợ hớt tóc, chủ vựa hải sản gì gì đó với tấm hình không cần xếp hàng và đi vào viếng tang. Nói thật, tôi không ưa anh này cho lắm, sau nhiều vụ như hôn nhà sư, bất kính với bậc cha chú, nhưng lần này, tui nhìn mà cũng chả thấy có gì để mà ghét ảnh. Mà tui thấy nhiều người vô duyên hết sức, đi bình luận về cái quần, cái áo, cái kính, cái xe anh ta dùng khi đi viếng. Trên cơ bản, anh ta mặc áo dài, quần dài màu trắng, mắt đeo kính do trời nắng, chiếc xe tiền tỷ đó cũng là một loại phương tiện di chuyển, nghe đâu là do bạn anh chở đến. Thử hỏi, giờ đi viếng mặc cái gì mới vừa lòng dân? Vậy mà anh vẫn bị người ta chửi lên bờ xuống ruộng, thấy cũng tội, mà thôi cũng kệ, ai biểu đã bị người ta ghét từ trước, nên giờ thành ra làm gì cũng chướng mắt.
Rồi sau đó, hai ba sự cố bắt đầu xảy ra trong quốc tang, anh dẫn chương trình lên truyền hình lỡ mồm, bảo là “chúc các bạn có một ngày quốc tang vui vẻ”, một anh nhà báo chụp được tấm ảnh truyền thần về ông cụ quỳ lạy khi đoàn xe chở linh cữu đại tướng đi qua, nhưng than ôi, đằng sau ấy, anh ta phải vung tay dạt một cụ già khác ra do cản tầm ống kính, rồi thêm một nhóm mấy anh phóng viên bên đài trung ương đứng ôm điện thoại tự sướng giữa dòng người đang tiếc thương.
Những thứ ấy, báo chí phanh phui đủ, có những tờ thậm chí đăng liên tục mấy bài với những ngôn từ đao to búa lớn, ghê gớm như “Đạo đức phóng viên trong tang lễ đại tướng” “Hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức giới trẻ”, thằng tui nghe, thấy mấy cái bài báo có mùi hơi tào lao.
Họ nói đúng không? Đúng chứ, vì rõ ràng mấy cái người kia sai, rành rành ra đó, cãi đâu được. Họ nói hay không? Hay luôn chứ, vì dùng toàn lời lẽ đanh thép, lập luận sắc lẻm cơ mà. Nhưng, cái mục đích cuối cùng của họ là gì, cái này sẽ phải khiến nhiều người hoài nghi. Nhìn vào cứ tưởng đâu người ta đâng nhân danh cái đạo đức, cái lý tưởng trời biển nào đó để hành động, nhưng xin thưa các cụ, đằng sau đấy, chỉ một vài người lao vào viết là thực tâm muốn xã hội tốt lên, đám còn lại, toàn cái kiểu té nước theo mưa, thấy nhà người ta đăng bài, mình cũng phải đăng để có cơm có gạo, cách làm đó, tàn nhẫn lắm. Như bầy kền kền trên sa mạc, cứ lượn lờ chờ ai ngã gục thì bâu vào rỉa thịt.
Tui chả bênh vực những hành động sai trái, họ làm sai, họ phải có trách nhiệm và giải trình cái sai của họ. Nhưng tui thấy nực cười ở chỗ không biết từ lúc nào “cư dân mạng” có luôn cả cái chức năng thực thi công lý, pháp luật. Nghe đâu, nhóm phóng viên trong quốc tang kia đang được đăng treo giải thưởng để tìm ra tông tích họ. Đọc tin này, tui hoài nghi cái xã hội mình đang sống hết sức, thấy cứ như có một đám người thích lăn xả vào làm công việc đánh hơi, theo dõi, bới móc người khác. Khổ lắm, giành như thế, đám cảnh khuyển thất nghiệp thì tội chúng.
Theo nghiên cứu của tui thì mấy sự vụ đó lại chìm vào quên lãng thôi. Người ta lại chú ý đến hôm nay cô hotgirl nào khoe gì, anh ca sĩ nào bị tố lừa tình, lừa tiền. Không tin, bà con nhớ lại coi đã có bao nhiêu vụ chìm xuồng kiểu vậy. Cũng như cái bài viết này, cũng chẳng còn ai nhớ nó đã từng tồn tại đâu, nên có đọc, đọc cho vui, hiểu được rằng đằng sau chuyện này nó thường cũng có chuyện kia.
Chốt hạ vấn đề, người thì cũng đã mất rồi, quốc tang cũng đã lui rồi, sai cũng đã sai rồi, xin lỗi cũng đã xin lỗi rồi, thôi thì qua được cứ cho qua, cần chi để vài chuyện tầm phào làm ảnh hưởng đến cả nỗi đau dân tộc.
Bài: Bi Ngạn
Đừng kỳ vọng gì ở đám đông. Đám đông có thể là vị thánh 5 phút trước nhưng có thể trở thành con quỷ 5 phút sau: