Đến Mũi Né và tung mình trên sóng - Tạp chí Đẹp

Đến Mũi Né và tung mình trên sóng

Sự Kiện
Cứ khoảng từ giữa trưa, những cơn gió đầy ấm áp lại bắt đầu thổi qua Mũi Né. Bãi biển vốn khá yên tĩnh dọc theo khu nghỉ mát nổi tiếng này dần trở nên sôi động khi hàng trăm cánh buồm, cánh dù đủ loại và rực rỡ sắc màu bắt đầu theo chủ nhân tràn ra biển rồi tung mình trong sóng nước.

Thiên đường resort và thánh địa của gió

Trong vài năm gần đây, biển Mũi Né của tỉnh Bình Thuận đã trở thành một điểm đến lý tưởng đối với những người yêu thích môn lướt ván buồm (windsurf) và ván dù (kitesuft). Nếu như Nha Trang của Khánh Hòa từ lâu đã nổi tiếng với môn thể thao lặn biển thì nay Mũi Né cũng đã tạo được dấu ấn rất mạnh về các môn lướt ván nói chung, đặc biệt là sau khi giải Lướt ván buồm Cúp thế giới PWA 2011 được tổ chức tại Mũi Né đã diễn ra rất thành công và gây tiếng vang mạnh mẽ hồi đầu năm nay.

Từ chỗ chỉ là một làng chài nghèo ven biển, Mũi Né đã nhanh chóng chuyển mình để được coi là “thiên đường resort” của Việt Nam trong khoảng 15 năm trở lại đây, và bây giờ địa danh này lại được giới yêu thích môn thể thao lướt ván trên toàn thế giới gọi là một trong những “thánh địa của gió”.

Thậm chí chính ông Chủ tịch Jimmi Diaz của PWA (Professional Windsurfing Association – Hiệp hội Lướt ván buồm chuyên nghiệp) khi đến Việt Nam hồi cuối tháng 2/2011 để tổ chức PWA Grand Slam đã từng phải thốt lên rằng Mũi Né là một trong những bãi biển lướt ván tốt nhất trên toàn châu Á, và là địa điểm tốt nhất trên thế giới từng tổ chức một PWA Grand Slam!

Không phải người ta lịch sự hay ưu ái mà nói vậy. Sự thật là Mũi Né đã được tự nhiên ban cho những điều kiện hoàn hảo để chơi lướt ván: biển đẹp, nắng ấm, rất nhiều resort và những cơn gió căng tràn thổi xiên hầu như suốt quanh năm. Vào mùa gió, bắt đầu từ khoảng tháng 11 của năm trước đến tháng 5 của năm sau, những người đam mê lướt ván buồm và lướt ván dù từ khắp nơi trên thế giới đổ về Mũi Né để tận hưởng biển, nắng và gió nơi đây. Thậm chí có nhiều người đã ở lại trọn cả một mùa gió để thỏa sức với đam mê.

Mùa gió cũng chính là mùa nhộn nhịp và sôi động nhất trong năm ở Mũi Né. Các bãi biển luôn chật người, dù và buồm. Vào buổi chiều, bãi biển Mũi Né trở thành một bức tranh lớn đẹp rực rỡ với hàng trăm cánh buồm và dù đầy màu sắc hòa cùng biển xanh và cát trắng. Thỉnh thoảng, vài tay chơi có trình độ cao lại thể hiện những màn nhào lộn, tung mình trên sóng hoặc bay bổng trên không trung một cách đầy mê hoặc.

Ngày nay, lướt ván buồm và ván dù đã trở thành môn thể thao gắn liền với Mũi Né và đang trên đà phát triển rất mạnh. Dọc theo bờ biển xinh đẹp này hiện có ít nhất hơn 20 trung tâm dạy lướt ván, trung tâm kinh doanh, cho thuê trang thiết bị và hàng trăm huấn luyện viên, hướng dẫn viên lướt ván.

Vào mùa cao điểm, các trung tâm này luôn chật kín khách, thậm chí có lúc “cháy hàng”. Thế nhưng mới chỉ khoảng 10 năm trước đây, hầu như chưa có ai ở Mũi Né biết lướt ván là gì, chỉ có lèo tèo dăm ba người chơi thực sự đam mê, và “thiên đường resort” vẫn còn là một địa điểm vô danh đối với các tay lướt ván trên thế giới.

Mọi chuyện được bắt đầu từ một… “ông Tây”.

Pascal Lefebvre là một người Pháp mê lướt ván buồm rồi “lỡ” mê luôn nắng và gió của Mũi Né ngay từ lần đầu tiên ông đặt chân đến Việt Nam vào năm 1995.

Khi đó, là một chuyên gia về ẩm thực, Pascal được khách sạn Novotel Phan Thiết mời về làm quản lý ở mảng này. Vốn là người yêu sóng gió, ông ngay lập tức phát hiện ra rằng Mũi Né – lúc đó hầu như vẫn đang còn là một làng chài với lác đác dăm ba resort – là một địa điểm lý tưởng để thỏa mãn đam mê trong những ngày cuối tuần.

Vào thời điểm đó, cả biển Mũi Né chỉ có mình ông đến chơi lướt ván mỗi tuần, trong con mắt tò mò lạ lẫm của người dân nơi đây. Nhưng rất nhanh sau đó, niềm đam mê của Pascal và cả những cú tung mình trên sóng đẹp mắt của ông bắt đầu thu hút được sự chú ý của nhiều người xung quanh. Một số người dân địa phương bắt đầu tìm đến ông đề nghị được hướng dẫn cách chơi môn thể thao mới lạ này. Không ít người trong số họ nay đã trở thành các huấn luyện viên lướt ván chuyên nghiệp, đến lượt mình quay lại hướng dẫn cho người mới tập chơi.

Thấy phong trào đã bắt đầu nóng lên, Pascal quyết định “dấn thân” thêm một bước nữa. Năm 1999, ông xin nghỉ việc ở Novotel, chuyển ra Mũi Né làm việc ở KS Victoria và mở một trung tâm thể thao dưới nước, mời một số “học trò” người địa phương – vốn đã trở thành các VĐV có trình độ cao – về hợp tác và lập ra website www.windsurf-vietnam.com để quảng bá về Mũi Né như là một trong những địa điểm lướt ván lý tưởng của châu Á.

Bắt đầu gắn bó với Mũi Né, người đàn ông Pháp phong trần này quyết định lập gia đình với một cô gái người Việt – chị Hồng Phương, rồi cả hai vợ chồng cùng bắt tay vào những dự định lớn hơn cho tương lai. Ông cho ra đời Câu lạc bộ Jibe’s Beach tại khu resort Full Moon của hai vợ chồng – CLB lướt ván đầu tiên tại Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, cũng bắt đầu từ năm 1999, Pascal đứng ra tổ chức một giải đấu lướt ván buồm thường niên có tên là Fun Cup, và bắt tay vào quảng bá cho giải đấu trên internet. Fun Cup được tổ chức đều đặn vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, khoảng thời gian gần như hoàn hảo của nắng và gió ở Mũi Né.

Giải đầu tiên diễn ra chỉ với vỏn vẹn 4 người chơi, trong đó có Pascal, một người bạn ngoại quốc và 2 chàng trai Việt Nam. Thế nhưng đó đã là một thành công, mà sau này được Pascal đánh giá là có vai trò rất lớn trong việc giúp du khách quốc tế nhìn nhận Mũi Né như là một điểm đến lý tưởng để lướt ván. “Lúc đó tôi chưa có tiền để làm quảng cáo, internet thì chưa phát triển mạnh, nên chỉ có thể trông chờ vào các mối quan hệ bè bạn”, Pascal chia sẻ. “Điều quan trọng là Mũi Né có tất cả mọi thứ mà những tay lướt ván đều mê: biển đẹp, nhiều nắng, khí hậu ấm áp và những cơn gió xiên thổi quanh năm!”.

Không nản chí với kỳ giải Fun Cup đầu tiên, Pascal vẫn kiên trì quảng bá cho lướt ván ở Mũi Né, và vẫn nổ lực tổ chức Fun Cup đều đặn hàng năm.

Những câu chuyện về Mũi Né, về giải đấu tự phát Fun Cup và về Pascal tình cờ được một phóng viên nước ngoài phát hiện, và câu chuyện độc đáo này nhanh chóng được lan rộng khắp thế giới. Kể từ lúc đó, nhiều website của dân chơi lướt ván, các tạp chí chuyên về lướt ván trên thế giới như Surfing, Kitesurf và thậm chí cả tạp chí Forbes và tờ New York Times danh tiếng cũng đều đã nói về Mũi Né như là điểm đến lý tưởng để chơi lướt ván. Rất nhanh sau đó, Mũi Né trở nên đông khách. Nhiều người trong số họ tìm đến Pascal và CLB Jibe’s Beach của ông để chơi lướt ván. Nhiều người đã ở lại hàng tháng trời để thỏa nỗi đam mê. Thậm chí có những VĐV chuyên nghiệp từ châu Á, châu Âu và Mỹ đã đều đặn ở lại 3 tháng mỗi năm để tập luyện.

Tính đến nay, Pascal đã tổ chức thành công 12 kỳ Fun Cup. Nhờ sức mạnh của internet, quy mô của giải đấu đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây, khi giải đấu thứ 12 có tới 60 VĐV chuyên và không chuyên với 15 quốc tịch khác nhau tham gia thi đấu.

Thế nhưng niềm đam mê lướt ván của Pascal là vô bờ bến. Tận dụng mọi nguồn lực, mọi mối quan hệ với truyền thông quốc tế và cả sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Pascal đã tạo được một thành công “bom tấn”: chính thức đưa giải vô địch thế giới về lướt ván buồm PWA World Tour Series đến Việt Nam hồi đầu năm nay. Với hơn 100 VĐV chuyên nghiệp đỉnh cao đến từ 25 quốc gia trên thế giới tham dự, PWA Vietnam 2011 đã thành công rực rỡ và tạo được ấn tượng rất mạnh.

Đây là một trong số không nhiều giải VĐTG được tổ chức tại Việt Nam, và có lẽ là giải VĐTG thu hút được sự chú ý lớn nhất ở quy mô toàn cầu trong số đó. Trong suốt 9 ngày thi đấu liên tiếp, PWA Vietnam 2011 đã được truyền hình trực tiếp đi khắp thế giới bởi hàng chục kênh truyền hình lớn, và được hầu như mọi hãng thông tấn lớn trên thế giới theo dõi đưa tin.

Nói về đam mê và những dự định trong tương lai của mình, người đàn ông phong trần có nét mặt hóm hỉnh này cho biết: “Đương nhiên là tôi muốn tiếp tục tổ chức PWA Vietnam 2012. Nhưng trên hết, tôi muốn lôi kéo được càng nhiều VĐV Việt Nam càng tốt.

Năm trước, một phụ nữ Hồng Kông đã giành chức VĐTG, tại sao người Việt lại không?” Nhưng mục tiêu lớn nhất của Pascal chính là trẻ em: “Nhiều VĐV chuyên nghiệp đẳng cấp thế giới đã xuất thân từ các gia đình nghèo, nhưng nay họ đang thi đấu và biểu diễn khắp thế giới. Tại sao trẻ em Bình Thuận không thể? Tôi tin rằng trong 20 năm nữa, trẻ em Việt Nam cũng sẽ là những nhà vô địch thế giới”.

…Đến “Thầy Ta” dạy Tây chơi lướt ván

Khoảng 2 giờ chiều, gió xiên bắt đầu thổi mạnh. Một người đàn ông đen nhẻm, nhỏ nhưng chắc nịch ôm ván bước ra bãi biển, kéo theo một cánh dù màu cam đã được bơm căng. Anh ung dung lao mình xuống nước, điều khiển con dù đón gió một cách dễ dàng và thỉnh thoảng lại thực hiện một cú tung mình bay lên không đầy quyến rũ trước sự tán thưởng của rất nhiều du khách người nước ngoài.

Năm nay 36 tuổi, anh Nguyễn Hoàng Phi Hổ là một trong những người Việt Nam đầu tiên chơi lướt ván ở Mũi Né, và cũng là một trong những HLV Việt Nam dày dạn kinh nghiệm nhất trong môn thể thao này.
Chàng trai người Bình Thuận này gặp Pascal Lefebvre từ năm 1999, khi cả hai cùng làm việc tại KS Victoria Mũi Né. Quá mê mẩn trước những màn biểu diễn trên sóng của Pascal, anh Hổ rủ thêm anh Chinh – một đồng nghiệp – đến xin Pascal nhận làm “học trò”.

Vốn xuất thân từ dân chài, anh Hổ nhanh chóng nhận ra rằng việc điều khiển những cánh buồm và cánh dù để đạp lên ván và tung mình trên sóng chính là bản năng trời phú cho anh. Chăm chỉ cần mẫn luyện tập với sự giúp đỡ của Pascal, anh nhanh chóng trở thành một tay lướt ván khá vững vàng.


ư

Thế nhưng mọi chuyện không diễn ra dễ dàng. Để biết chơi có thể không khó, nhưng để chơi giỏi và đủ khả năng biểu diễn thì không hề đơn giản chút nào. Trang thiết bị thì quá đắt tiền đối với thu nhập của một nhân viên phục vụ, ngay cả thuê cũng không đủ. Anh không thể đổ hết mọi khoản tiền kiếm được từ công việc hàng ngày để lao vào luyện tập lướt ván, bởi phía sau anh còn có một gia đình cần phải chăm lo.

Niềm đam mê quá lớn, cộng với việc manh nha nhận thấy le lói một con đường mới, anh Hổ có một quyết định mang tính bước ngoặt: anh xin nghỉ việc ở KS Victoria để chuyên tâm đi làm trợ lý cho Pascal tại CLB Jibe’s Beach của riêng ông. “Đó là cách duy nhất để tôi vẫn có thể kiếm tiền cho gia đình mà vẫn duy trì được niềm đam mê của mình”, anh Hổ nhớ lại.

Lương không cao, nhưng bù lại anh có thêm thu nhập từ tiền thưởng của người chơi nhờ sự hỗ trợ hết mình, và quan trọng nhất là anh có thể thỏa sức tập luyện những khi vắng khách.

Có điều kiện tập luyện, anh nhanh chóng nắm được hầu như mọi bí quyết của cả môn lướt ván buồm lẫn lướt ván dù và có thể thực hiện những cú tung mình trên sóng cực kỳ đẹp mắt. Chính anh đã đóng góp công sức không nhỏ trong việc hỗ trợ Pascal xây dựng nên danh tiếng của Jibe’s Beach như ngày nay.

Thế nhưng tới khoảng năm 2007, anh bắt đầu gặp phải sự cạnh tranh dữ dội của các HLV nước ngoài – khi đó đã biết tiếng Mũi Né và đổ về đây mở trường dạy lướt ván. “Họ là những HLV có bằng cấp quốc tế nên thu nhập cao hơn hẳn, cho dù khi đọ sức trên sóng thì tôi không thua kém là bao”, anh Hổ kể.  “Công việc làm trợ lý cũng nặng nề không kém một HLV chuyên nghiệp, nhưng thu nhập lại thấp hơn nhiều”.


Anh quyết định cắt ra một khoản tiền khá lớn để theo đuổi một khóa huấn luyện và
thi chứng chỉ HLV lướt ván dù quốc tế của IKO (International Kiteboarding Organization – Tổ chức Lướt ván dù Quốc tế) – khi đó vừa mới được đưa vào Việt Nam. “Được đào tạo một cách bài bản, từ việc kiểm tra sức khỏe người chơi, cách xác định hướng gió, cách sử dụng các trang thiết bị một cách đúng chuẩn…, tôi đã trở nên tự tin hơn rất nhiều”, anh Hổ chia sẻ. Lấy được tấm bằng HLV chuyên nghiệp, anh ung dung trở lại cạnh tranh với các đồng nghiệp người nước ngoài.

Sau suốt 13 năm cật lực làm việc, nay thì anh đã ổn định hơn nhiều. Bên cạnh công việc chính là một HLV lướt ván dù chuyên nghiệp, anh còn mở được một cửa hàng sửa chữa và cho thuê thiết bị lướt ván của riêng mình ngay tại trung tâm Mũi Né, với sự trợ giúp của cậu con trai 14 tuổi. Nổi tiếng trong giới và được người chơi cả Việt Nam lẫn quốc tế biết tiếng, du khách chỉ cần hỏi tên (Hổ The Surfer) là có thể tìm thấy anh một cách dễ dàng.

Mặc dù đã là một HLV quốc tế và có sự nghiệp kinh doanh của riêng mình, nhưng bây giờ anh thỉnh thoảng vẫn nhận lời làm “trợ lý” cho Jibe’s Beach và Full Moon của Pascal, như một cách tri ân ông thầy cũ.

Manh nha tay chơi Việt

Đã trở thành môn thể thao nổi tiếng gắn liền với Mũi Né, được du khách khắp nơi trên thế giới biết tiếng, nhưng lướt ván buồm và ván dù lại chưa phải là môn thể thao được nhiều người Việt Nam tham gia.
Anh Lê Hoàng Hưng, giám đốc điều hành một công ty công nghệ nước ngoài có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh là một trong số không nhiều những người Việt đang đam mê với môn thể thao khá mới mẻ này.

Gần như đều đặn mỗi tuần, anh thường tự mình lái xe, chở theo cả ván và dù ra Mũi Né để chơi. “Lần đầu tiên được chứng kiến các VĐV nước ngoài nhào lộn trên sóng với dù, mình đã thấy ngưỡng mộ mê mẩn vẻ đẹp pha lẫn cảm giác mạo hiểm đó, và quyết tâm tập chơi cho bằng được”, anh Hưng tâm sự.

Anh thu xếp thời gian và công việc để rồi cứ mỗi tối thứ Sáu lại lái xe chạy ra Mũi Né, để có thể tập luyện nguyên một ngày thứ Bảy, trước khi quay trở lại TP. Hồ Chí Minh vào sáng Chủ nhật để có thể đi làm bình thường vào sáng thứ Hai.

“Học xong những kỹ thuật cơ bản trên bờ trong vòng 1 buổi sáng, tới buổi chiều mình được HLV cho thử sức ngay”,
anh Hưng nhớ lại. “Lần đầu tiên bước lên ván để xuống biển, mình cũng có cảm giác hồi hộp lắm.” Kết quả của cú thử sức đầu tiên là anh bị cánh dù no gió giật mạnh khiến anh ngã sấp khi chỉ mới vừa lao xuống biển được chừng vài mét.
Vẫn tiếp tục miệt mài tập luyện vào mỗi cuối tuần trong khoảng vài tháng, anh đã nắm được những kỹ thuật cơ bản trong việc kiểm soát dù và ván.

Bắt đầu chỉ là những quãng ngắn, chừng 20-30m anh lại bị ngã xuống biển vì chưa kiểm soát tốt cánh dù, nhưng dần dần sau khi hiểu rõ về gió và về cánh dù, anh đã có thể chủ động lướt đi trên sóng một cách vững vàng, và biết cách lái dù theo ý muốn mà không phụ thuộc vào hướng gió.

“Hóa ra chơi lướt ván dù không khó, mặc dù mới xem qua thì có vẻ là như vậy”, anh Hưng cho biết. Thế nhưng do không có nhiều thời gian tập luyện, cũng phải tới khoảng 1 năm sau, anh mới lần đầu tiên dám chủ động tung mình vào gió. “Thực ra, mình đã “bay lên” nhiều lần trước đó rồi, nhưng đều là vì không biết kiểm soát nên bị dù kéo giật lên rồi ném xuống nước thôi”, anh Hưng vui vẻ kể. “Cái cảm giác được bay lên không trung như cánh chim tự do đó thật tuyệt.

Nó như một thứ thuốc gây nghiện. Cứ mỗi lần tập được thêm một động tác mới, mình lại càng thấy say mê hơn với môn thể thao này.”

Khi nói về những người chơi khác, anh cho biết: “Mình cố gắng rủ bạn bè tham gia, nhưng hầu hết họ đều e ngại vì nhiều lý do. Người thì thích nhưng sợ… nắng làm đen da, người lại bơi kém, người thì không có đủ thời gian…”. Vì thế, anh Hưng thường chỉ có một “đồng đội” đi hộ tống trong những chuyến lướt ván ở Mũi Né, đó chính là vợ anh. Không thường xuyên gặp người Việt chơi lướt ván ở Mũi Né, nên khi cần chia sẻ về chuyên môn, anh thường tìm đến các HLV và những người chơi nước ngoài.

Khi được hỏi những suy nghĩ của mình về trò chơi lướt ván, anh Hưng trả lời giản dị: “Mình chỉ mong sao ngày càng có nhiều người Việt tham gia trò chơi phóng khoáng và mạnh mẽ này. Chúng ta có một trong những đường bờ biển đẹp nhất trên thế giới. Không tận hưởng và khai thác nó một cách đúng đắn cũng chính là đang lãng phí…”

+ Lướt ván buồm (windsurf) và lướt ván dù (kitesurf) thực ra là 2 môn thể thao khá khác nhau. Ván buồm dùng một cánh buồm có kích thước từ 2,5m2 đến 8m2 để đón gió, và sử dụng tấm ván lớn làm bằng vật liệu composite có sức nâng từ 75 lít lên đến 200 lít – đủ sức nâng 2 người nổi trên mặt nước. Trong khi đó ván dù nhỏ hơn nhiều, và không có sức nâng lớn như ván buồm. Cánh dù cũng có nhiều loại kích thước, từ 6m2 cho tới hơn 20m2, và phải được bơm căng trước khi bay để tạo
khung đón gió.
+ Để bắt đầu học chơi lướt ván buồm hoặc ván dù, bạn chỉ cần bảo đảm 2 yếu tố: không mắc bệnh tim mạch hoặc thần kinh và phải biết bơi – dù không nhất thiết phải bơi giỏi vì đã có các trang thiết bị an toàn hỗ trợ.
+ Nếu tiếp thu tốt và đã bảo đảm các đòi hỏi tối thiểu nói trên, bạn có thể thực hành ngay sau khi đã tập luyện trên bờ trong khoảng 3-4 giờ. Hãy tìm đến các HLV chuyên nghiệp hoặc các CLB có uy tín để được hướng dẫn đúng bài bản.
+ Một HLV thiếu chuyên nghiệp có thể làm hỏng các kỹ năng cơ bản của bạn, khiến sau này bạn phải mất rất nhiều thời gian để chỉnh sửa, hoặc thậm chí không có cơ hội chỉnh sửa nếu bạn không may gặp tai nạn.
+ Nên kiên nhẫn tập luyện để nắm vững mọi kỹ thuật cơ bản, trước khi chuyển sang các kỹ thuật cao hơn vốn thiên về tính biểu diễn.
+ Phải tuyệt đối tuân thủ mọi nguyên tắc an toàn. Các nguyên tắc này luôn được HLV chuyên nghiệp truyền đạt ngay khi bạn tập chơi lần đầu tiên.
+ Lướt ván dù nguy hiểm hơn đôi chút so với lướt ván buồm, bởi nếu không biết cách kiểm soát, cánh dù no gió có thể nhấc bổng người chơi và ném vào bãi đá, nhà cửa hay cây cối trên bờ. Tuy nhiên lướt ván dù lại dễ học và dễ chơi hơn lướt ván buồm.

Theo TTVH &ĐÔ

 

Thực hiện: depweb

05/07/2011, 14:07