Ai đã một lần lên mảnh đất địa đầu tổ quốc, đã qua những con đường cheo leo bên vách núi đá dựng đứng của Đồng Văn chắc hẳn sẽ hiểu được sự nhọc nhằn của mảnh đất này. Không ngoa để nói rằng, cuộc sống ở đây có lẽ khắc nghiệt nhất trên toàn Việt Nam, ở đâu cũng chỉ thấy đá và đá, con người như được sinh ra từ đá và chết vùi vào đá. Và trong cái không gian hơn 600km2 của miền đá khô khát miên man bất tận đó, những vẻ đẹp từ cuộc sống khắc nghiệt cũng hiện lên một cách kỳ diệu.
Dốc Bắc Sum quanh co hiểm trở, núi đôi cô Tiên đẹp mơ màng, dốc Thẩm Mã, Chín Khoanh như dải lụa giữa cao nguyên, đèo Mã Pí Lèng hiểm trở bậc nhất, hẻm vực Tu Sản dựng đứng hàng trăm mét, đường lên Ma Lé chênh vênh như bám vào vách đá… Đá miên man bất tận, đá chất ngất kéo dài hàng trăm cây số, đá khô khốc và chết chóc, nhưng bạn phải đến “Hoang mạc đá Sảng Tủng” mới cảm nhận được sự cực hạn khó nhọc của con người và sự khô khốc chết chóc của đá.
Hoang mạc đá Sảng Tủng được biết đến như một dạng địa chất độc đáo của cao nguyên đá Đồng Văn. Đó là những kiểu núi dạng kim tự tháp hoặc hình nón bên trên nhọn hoặc hơi khum với sườn thẳng tắp một góc chừng 45 độ. Không có cây cối, chỉ có trập trùng đá xám gối vào đá xám mà thôi.
Theo các nhà khoa học, dạng địa hình này được tạo ra bởi các dãy núi đá vôi bị phong hóa, trên bề mặt gần như không có lớp phủ thực vật. Đặc biệt, dạng địa hình này gần như chỉ xuất hiện từ độ cao 1.300m trở lên và nhiều nhất là trong khoảng 1.500 – 1.700m so với mực nước biển.
Có rất nhiều bãi đá khác nhau ở cao nguyên Đồng Văn như “vườn thú đá Lũng Pù” với nhiều phiến đá hình con thú to nhỏ, hay như “bãi đá hải cẩu” ở Vần Chải, “vườn hoa đá” Khâu Vai, “rừng đá Sà Phìn – Lũng Táo”, “tháp kim Pả Vi”… Những bãi đá ấy vẫn gợi lên cảm giác về sự sống và người dân vẫn có thể gieo ngô vào các hốc đất nhỏ giữa những triền núi đá để mưu sinh.
Nhưng hoang mạc đá Sảng Tủng thì lại như một bãi đá vụn hoang tàn. Gần như không có cây cối, không sông suối, cả cảnh quan của vùng đất này gợi lên sự hoang vu một cách kỳ lạ – đó cũng là lý do vì sao các nhà nghiên cứu gọi là hoang mạc đá. Cả vùng hoang mạc chỉ có mấy chục hộ dân sinh sống dưới những thung lũng nhỏ xen kẽ giữa các núi đá.
Những ngôi nhà trình tường nhỏ bé trên khoảnh đất nhỏ hiếm hoi chỉ trồng được rất ít ngô hoặc cải bởi quanh năm thiếu nước và khí hậu khô cằn. Đó là những người Mông, Dao, Lô Lô đang kiêu hãnh đương đầu với thiên nhiên và viết nên bản hùng ca sinh tồn, nơi mảnh đất mà người ta vẫn nói rằng “con người ở đó sinh ra từ đá, lớn lên cùng đá, sống trên đá và chết vùi vào đá”.