Chả thế mà đám cưới Tăng Thanh Hà gây “hỗn loạn” trên các trang báo điện tử. Và ở một diễn đàn lớn nhất của các bà mẹ, topic về đám cưới Tăng Thanh Hà lên đến 150 trang!
Vì sao bạn lại tò mò chuyện của người ta như vậy?
Ở Việt Nam, chưa bao giờ như bây giờ, đời sống riêng tư bị phơi bày dễ dàng như vậy. Và người nổi tiếng rất khó để… yên thân. Từ mạng xã hội cho đến các trang báo điện tử, các tạp chí giải trí cho đến… truyền miệng. Không cần phải là ngôi sao quá nổi tiếng, chỉ cần bạn được chú ý trong một lĩnh vực nào đó, thì việc bạn bị theo dõi và bàn tán cũng tất yếu xảy ra. Một nữ giám đốc bước vào quán cà phê, bỗng được hồ hởi chào đón bởi một… người lạ. Ngỡ quen, nên phải “hoa hậu thân thiện”, người lạ hỏi từ chồng con cho đến dự án mới nhất của công ty. Thậm chí, người lạ còn nói cho chị những chuyện… thâm cung bí sử của đối thủ, như thể đây là người trong cuộc. Cuối cùng, không nén nổi phân vân, chị hỏi, thực sự chúng ta quen nhau trong trường hợp nào? Người lạ thản nhiên, chúng ta chưa hề quen nhau, nhưng em biết chị. Em theo dõi chị trên Facebook, em cũng có làm bạn với một số nhân viên của chị trên mạng. Và người ta cũng bàn tán sôi nổi về chị trên… diễn đàn của các bà mẹ. Nữ giám đốc chết lặng. Chị đã nổi tiếng theo hướng hoàn toàn không mong đợi. Cũng chỉ vì sự tò mò của nhiều người…
Trở lại chuyện đám cưới Tăng Thanh Hà, chưa có đám cưới nào mà báo chí lại vất vả để có được một tấm hình tử tế như vậy. Các trang mạng đưa tin dạng trực tiếp, cập nhật liên tục và lượng người xem cũng đạt kỷ lục. Tại sao lại như vậy? Hẳn nhiều người sẽ thốt lên. Thường, một nghệ sỹ nổi tiếng làm đám cưới đã được quan tâm nhiều, huống hồ là Tăng Thanh Hà, người chưa từng lên báo nói yêu ai, cũng chưa từng tuyên bố mình sẽ lấy chồng. Thêm đó, chồng cô (nghe nói) là một doanh nhân giàu có, gia đình rất quyền thế. Báo chí không chỉ phát sốt về đám cưới mà tất cả mọi điều liên quan đến gia đình này đều được khai thác tối đa. Có cầu thì mới có cung. Tất cả chỉ để thỏa mãn sự tò mò của bạn đọc. Sự tò mò kích thích người ta đến mức bất phân danh mục thông tin, cứ cái gì lạ và gây hiệu ứng là có đám đông bu quanh. Sự tò mò của con người dduwowcjd dẩy lên càng cao thì hiệu ứng của những câu chuyện riêng tư càng mạnh. Và những dịch vụ phục vụ cho sự tò mò của con người càng hốt bạc.
Đâu phải ngẫu nhiên mà “sex” lại là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam? Sự ràng buộc về hình thức khép nép trong đời sống đã ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người, nên tìm hiểu về sex đôi khi bị gán với ý nghĩa “dâm dục”. Và khi internet phát triển, sự bùng nổ thông tin dẫn đến một cuộc “cách mạng tình dục” thực sự khiến người ta “tưng bừng” hơn với những cuộc tò mò, tìm hiểu và suy diễn, tìm hiểu rồi thực hiện, tìm hiểu để… tám. Cứ như vậy, thế giới mạng là một thế giới dành riêng cho những kẻ tò mò.
Tại sao người ta lại có nhu cầu tìm hiểu về người khác đến vậy”? Họ muốn soi chiếu điều gì? Các nhà tâm lý từng giải thích rằng, sở dĩ người nổi tiếng được quan tâm tối đa là vì hình ảnh của họ được nhận diện bởi rất nhiều người. Còn mỗi chúng ta, cũng đều bị những ánh mắt tò mò soi chiếu mỗi ngày, nhưng nó không trở thành đề tài bàn tán ở mức độ “toàn xã hội”.
Chẳng phải truyền thông cũng dựa vào nguyên tắc này để phát triển sức ảnh hưởng của mình với cộng đồng? Nếu không, thì chuyện đời tư nghệ sỹ đâu được khai thác tối đa đến vậy? Nếu không, đám cưới ông hoàng bà chúa hay scandal của các ngôi sao thế giới dễ gì bán được giá cả triệu đô la? Với công chúng, đôi khi sự thất bại hay sự “mắc kẹt” của những ngôi sao lại là niềm an ủi với họ. Vì họ nhận ra ngôi sao cũng có khi phải rơi vào vòng luẩn quẩn của những chuyện tai nạn hay rủi ro. Và họ thực ra cũng không hạnh phúc gì hơn chúng ta. Đó chính là một sự ích kỷ có trong mỗi con người.
Sự tò mò, tọc mạch có trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống con người. Nhưng, sự tò mò đến mức không ngần ngại và giấu giếm đôi khi lại trở thành một thói tật xấu. Nó bắt nguồn từ thói tọc mạch mà ra. Nói như nhà phê bình Phan Cẩm Thượng thì “Người Việt, hay nói chính xác hơn là người nông dân Việt Nam sống trong làng xã hơn 500 năm qua, ở đó người ta luôn nhòm ngó, bàn bạc về nhau, giúp đỡ hay ghét bỏ nhau, cũng trong phạm vi cái làng. Cho đến nay, dù ra thành phố, làm việc trong các tổ hợp công nghiệp, thói quen ấy chưa thay đổi bao nhiêu. Anh bị ốm thì người ta đến thăm, anh kiếm được nhiều tiền thì người ta ghét. Năng suất lao động chưa trở thành thước đo của con người, mà vẫn đánh giá nhau qua cư xử nên tọc mạch, nhòm ngó nhau vẫn là thường nhật. Trong nước, tính cách này chủ yếu có ở người miền Bắc, ở miền Nam ít hơn. Người Nam ăn nhậu, vui vẻ, ít bới móc, nói xấu, có lẽ do thoát ly đời sống bao cấp và làng xã thuần túy sớm.
Tính cộng đồng của người Việt trong đời sống hàng ngày cũng không cao, nhất là khi ra nước ngoài, nơi rất cần tính cộng đồng. Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình nên tìm mọi cách cào bằng tất cả và ghét bỏ những người xuất sắc”.
Phải chăng đó chính là lý do, dù chẳng liên quan đến mình, nhưng cũng phải… tò mò cho biết với người ta. Để thỏa mãn và để có chuyện mà… buôn với nhau lúc trà dư tửu hậu? Và hơn thế, là được vuốt ve sự kém cỏi của mình?
Tò mò, không hoàn toàn xấu. Nhưng tò mò theo cách nhìn vào đời người khác và xoi mói, thì có lẽ là một thói quen tồi tệ, cần loại bỏ!