Từ LHP Cannes ngày xưa…
Cannes (Pháp) cùng Venice (Italy) và Berlin (Đức) là 3 liên hoan phim danh tiếng nhất trong tổng số hàng trăm liên hoan phim quốc tế diễn ra hàng năm trên thế giới. Tuy không phải lâu đời nhất, nhưng Cannes lại được xem là liên hoan phim nổi tiếng nhất bởi nó hội tụ gần như đầy đủ những gì mà một liên hoan phim cần có: những bộ phim chất lượng, những ngôi sao, sự hào nhoáng, tai tiếng, bê bối, tranh cãi và phô trương…
Trong 1-2 thập niên đầu, sự kiện thảm đỏ LHP Cannes diễn ra vô cùng trang trọng. Tất cả những trò lố, những sự phô trương hào nhoáng đều tập trung về bãi biển St. Tropez gần đó (đây cũng là nơi sản sinh ra không ít huyền thoại điện ảnh, như Brigitte Bardot chẳng hạn). Các phóng viên, thợ săn ảnh, săn tài năng, người hâm mộ… đều đổ xô về chuỗi sự kiện phụ ở St. Tropez. Các tạp chí lớn dành nhiều trang báo cho những “trò mèo” diễn ra ở đó hơn là những sự kiện chính thức ở Cannes, khiến St. Tropez nổi tiếng đến mức đôi lúc người ta lầm tưởng LHP Cannes chỉ là một cái cớ.
Hơn một thập niên gần đây, LHP Cannes đã không còn tổ chức các sự kiện phụ ở St. Tropez nữa mà tập trung đưa hết về Cannes nhằm thoát khỏi tầm ảnh hưởng quá lớn của bãi biển nổi tiếng này (năm 2013 thậm chí đã xuất hiện… LHP Quốc tế St. Tropez). Tuy nhiên, sự náo nhiệt xô bồ ở St. Tropez ngày xưa xem ra còn dễ chịu hơn những gì xảy ra trong các sự kiện thảm đỏ của mỗi kỳ LHP Cannes gần đây.
… đến LHP Cannes ngày nay
LHP Cannes giàu có là nhờ sự tài trợ hào phóng của các nhãn hàng danh tiếng, các nhà tài phiệt. Đổi lại, các nhà tài trợ được ban tổ chức liên hoan phim cấp cho rất nhiều thư mời trang trọng để tùy nghi sử dụng. Chính vì điều này, Cannes đã vô tình mở rộng cửa cho các khách mời “thập cẩm” làm náo loạn thảm đỏ.
Hơn 10 năm trước, diễn viên Châu Á đừng mong đặt chân tới Cannes, trừ khi họ có góp mặt trong tác phẩm tham dự liên hoan phim. Thời thế thay đổi, dân Châu Á giờ đây vô cùng giàu có, LHP Cannes trở thành mảnh đất hào nhoáng để họ tha hồ “diễu võ dương oai”. Ban tổ chức LHP Cannes hiểu được sức mạnh thảm đỏ của mình nên cũng thỏa sức “nã” tiền những kẻ muốn có chút hào quang soi rọi, sánh vai với các ngôi sao thứ thiệt. Điều kiện cần và đủ là gì? Chỉ cần một túi tiền vô tận và có dính líu chút xíu với điện ảnh, ước mơ đến Cannes là trong tầm tay!
Có 3 loại mục tiêu khi đến LHP Cannes: 1. Nghệ sĩ có phim dự thi hoặc trình chiếu (không dự thi) – đây là hình thức chính thống và vinh dự nhất; 2. Đi chợ phim (LHP Cannes được mệnh danh là chợ phim lớn nhất thế giới), với mục tiêu hoàn toàn thuần túy là tham quan, mua bán thương mại; 3. “Cưỡi ngựa xem hoa” hoặc phô trương hình ảnh.
Đối tượng thứ 3 chỉ mới xuất hiện, chủ yếu là khách mời đến từ thị trường Châu Á mới nổi như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và vài năm gần đây có thêm Việt Nam. Các nhãn hàng và mạnh thường quân có thể hào phóng tài trợ cho LHP Cannes, nhưng có một nhân tố rất quan trọng mà họ không thể nào thâu tóm xuể, đó là các phóng viên ảnh đến từ khắp thế giới. Chính đội ngũ này đã phơi bày mặt trái của thảm đỏ.
Gánh trên vai trách nhiệm cao cả với hãng thông tấn của mình, các phóng viên ảnh chỉ có một mục tiêu duy nhất là “săn” bằng được mọi khoảnh khắc của các ngôi sao tầm cỡ quốc tế – mà nói thẳng ra ở đây là những minh tinh, tài tử đến từ các cường quốc điện ảnh như Anh, Pháp, Mỹ. Những “ngôi sao” đến thảm đỏ theo diện phô trương thừa biết họ sẽ bị rừng ống kính quốc tế ghẻ lạnh như thế nào nên chỉ còn cách bày trò để gây chú ý. Và để có được bức hình đẹp, họ phải tự bỏ tiền trang bị một đội nhiếp ảnh riêng.
Ban tổ chức LHP Cannes có hiểu những oái ăm này không? Chắc chắn có, nhưng để giữ sĩ diện cho các nhãn hàng và mạnh thường quân, họ phải giả lơ và đưa ra nhiều điều luật khắt khe nhằm hạn chế sự lố bịch càng lúc càng biến tướng trên thảm đỏ: cấm selfie, bắt buộc phải đi giày cao gót, không được “câu giờ” quá lâu…
Khoảng 5 năm trở lại đây, năm nào Việt Nam cũng có vài ba người góp mặt ở LHP Cannes. Phấn khởi không? Có chứ, nhưng thông tin dội về nước nhà cũng chỉ quanh đi quẩn lại toàn là cô này cô kia mặc đầm của nhà thiết kế nọ, hở bạo với bộ đồ xuyên thấu nóng mặt, hay lấy nhầm vé… Đó không phải là những thông tin làm nức lòng điện ảnh nước nhà, vì dù sao, tôn chỉ làm nên thương hiệu cho LHP Cannes luôn luôn là những bộ phim. Bị chê, bị chửi, bị ghẻ lạnh cũng được, nhưng yếu tố điện ảnh phải là trên hết!