Cách thị trấn Sa Pa khoảng 25km, bản Lao Chải nằm yên tĩnh và bình yên với những thửa ruộng bậc thang gối đầu lên nhau trải rộng mênh mông. Đến đây du khách không những được đắm mình trong thiên nhiên thênh thang, hùng vĩ mà còn có cơ hội tìm hiểu về kỹ thuật nhuộm vải và vẽ sáp ong của người Mông.
Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh, rồi ghép trên trang phục truyền thống của người dân tộc Mông ở Sa Pa đã được sử dụng từ lâu đời. Các họa tiết không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, sống động của người Mông và làm tôn lên giá trị của thổ cẩm truyền thống.
Để tạo nên một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh và đẹp mắt, người Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Se lanh, dệt vải bằng khung cửi, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi… Giờ đây, những công nghệ đã bắt chước được nét hoa văn này, tạo ra 10 bộ đều tăm tắp cả. Trang phục của những người nghệ nhân Mông làm ra, có những nét không đều tay nhưng điều đó lại đem đến cái lạ, cái riêng hay cái đẹp của việc không hoàn hảo.
Công đoạn nào trong quá trình tạo ra vải thổ cẩm cũng quan trọng, trong đó khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn là kỳ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục được đúc kết qua nhiều thế hệ. Sáp ong có hai loại (màu vàng là sáp non, màu đen là sáp già), sau khi lấy hết mật, sáp được nấu cho đến khi nóng chảy rồi đem trộn lẫn với nhau. Khi bắt đầu vẽ sáp lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao từ 70-80 độ, thì sáp mới không bị khô. Bút để vẽ thực chất là một thanh tre hoặc gỗ dài từ 7-10 cm, đầu ngòi bút được nẹp vào thanh tre được làm từ ba lá đồng hình tam giác, ngòi bút càng mỏng thì hoa văn càng đẹp và dễ vẽ. Mỗi công đoạn sau cũng đòi hỏi óc sáng tạo và sự tinh tế để tạo ra những hoa văn đẹp mắt và liên kết với màu sắc tổng thể.
Ảnh: Vũ Bảo Khánh – HACHI8