Đêm xe X – game

Mới đầu chúng tôi nghĩ, khi các anh chị lớn có sở thích đi xe Vespa, Cúp, 67 mông má, tút tát lại, thành một phong cách mà nhiều ý kiến bày tỏ ý tán thưởng trên báo chí thì có lẽ gì các em nhỏ kia không có sở thích của mình. Một chiếc xe đạp nhỏ dành cho tuổi chúng, với ít trang trí tùy theo ý muốn.

Đạp xe loăng quăng trên đường vào ngày nghỉ thiết nghĩ cũng lành mạnh khi mà các khu vui chơi của thiếu niên không đủ sức thu hút…

Đám nhỏ tạo nên thú vui với chiếc xe X-game này để giải trí, khoe với bạn bè cũng chẳng ảnh hưởng gì đến xã hội, nhưng cho đến khi chứng kiến một buổi tối thứ Bảy, chúng tôi thật sự bất ngờ đến tức giận.

19 giờ 30 tối, khu vực đài phun nước bên hồ Hoàn Kiếm. Đám đông các cô bé, cậu bé tuổi học trò, đa phần là học sinh cấp 2 đang tụ tập bên những chiếc xe đạp nhỏ.

Những chiếc xe này được gọi là xe x-game hay xe đạp ruồi, bởi kích thước nhỏ, khung chắc chắn, xe không có yên sau.

Các cô bé, cậu bé trang phục đủ loại từ juýp ngắn cũn, áo hai dây, áo lửng ngang thân đến may ô, quần đùi, tóc nhuộm xanh, đỏ ngồi trên chiếc xe đạp vốn dĩ đã đầy màu sắc nguyên bản của nhà sản xuất.

Nay được chủ nhân chế thêm nào giải lụa, bông hoa, con búp bê hay từng đám lông gà nhuộm màu phủ toàn thân xe như một con quái thú.

Một chiếc xe thế này có giá 800 nghìn đến 1,4 triệu. Còn chế thêm các bộ phận trang trí, loa đài mất đến triệu nữa. Dịch vụ chế xe, kẻ biển theo yêu cầu có đầy trên các cửa hàng ở phố Huế.

Gần đến 20 giờ, từ mọi ngả đường từng tốp xe x-game đổ về, càng lúc càng đông.

Tiếng gọi nhau nhao nhác, ầm ĩ. Những chiếc xe đứng im từ nãy bắt đầu rậm rịch khởi động. Chủ nhân của chúng nét mặt bỗng trở nên háo hức, phấn khích khi thấy một tốp x-game có cậu cầm lá cờ đuôi nheo giơ vẫy.

Tất cả các xe x-game ùa vào đoàn đi xuôi theo hướng xuống Bà Triệu. Lúc này lưu lượng các loại xe đi trên đường cao, các cô, cậu bé luồn lách thiện nghệ qua những đầu xe máy, ôtô.

Có xe gắn loa phát ra tiếng nhạc rộn rã, chiếc loa to bằng hai bàn tay người lớn đặt giữa ghi đông xe. Các cô bé đứng đằng sau xe, trên phần thừa của trục sau nhún nhảy, lắc lư theo tiếng nhạc.

– Ngã năm Bà Triệu nhé!

Đoàn xe x-game hưởng ứng lời kêu gọi đổ về ngã năm Bà Triệu, Nguyễn Du. Chúng tụ tập lại đây và bắt đầu biểu diễn các động tác bốc đầu xe, bốc đuôi xe.

Có cậu sử dụng xe đạp có trục gấp ở giữa khung. Cậu nới lỏng cái chốt vặt. Thế là cái xe dưới sự điều khiển của cậu nó cứ ngoặt nghẹo đến mức khó tin, đầu một nơi, đuôi một nơi dưới sự tán thưởng nồng nhiệt của đồng bọn đứng đầy đường.

Một chiếc xe không hiểu gắn bình ga hay thứ gì mà khi đi đằng sau có ống phun ra lửa như máy bay phản lực, kèm tiếng còi rú ầm ĩ. Gây nên bất ngờ khiến người đi đường náo loạn.

Công an phường Nguyễn Du có lập chốt trật tự ở đây. Có hai cảnh sát là trung tá Lê Vinh và hạ sĩ Bùi Thị Thu Hằng cùng hai bác dân phòng, lực lượng này quá mỏng so với hàng trăm cô cậu choai choai đang phấn khích quanh khu vực đó.

Chúng như đám ruồi, xua chỗ này tan đi thì lại đến chỗ khác. Trung tá Lê Vinh lau mồ hôi than:

– Mệt lắm anh ạ, bọn này đông quá, nói chẳng nghe nó còn cà nhau với mình nữa.

Tôi nhìn quanh thấy lác đác có mấy thanh niên ngồi trên xe máy giữa đám xe đạp. Một chiếc xe Honda hiệu PS lượn một vòng giữa ngã năm.

Trung tá Lê Vinh tiến ra nhắc nhở chúng tôi thực sự hiểu và thông cảm nỗi vất vả nhọc nhằn của các anh, anh kể:

“Đấy các anh xem, có các đàn anh kích động mới thế. Mà chả có chế tài gì xử lý chúng. Bắt xe đạp của chúng cũng chỉ hôm trước hôm sau là thả. Nhắc nhở hành chính, cũng chẳng xử phạt tiền bạc gì.

Ngày thường các cháu đi học thì vắng, chứ thứ bảy, chủ nhật như hôm nay thì đông lắm. Ở đây chúng tôi làm việc chỉ nhắc nhở các cháu đừng tụ tập thôi.”

Một chiếc xe PS kia lượn lại từ hướng khác, lượn sát, rồi dừng xe cách chừng 3 mét, gườm gườm nhìn tổ trật tự. Đến 22 giờ thì tổ trật tự của Công an phường Nguyễn Du ra về.

Bấy giờ ở góc đường tôi mới để ý thấy ba đôi thanh niên nam nữ đang ngồi trên xe máy. Họ ăn mặc dáng vẻ đàng hoàng không giống với đám thanh niên cổ vũ.

Có người trong số họ cầm bộ đàm, tôi đến hỏi chuyện thì ra là các chàng cảnh sát cơ động đội 7 Hà Nội đang trực trong bộ đồ dân sự. Thượng úy Nguyễn Văn Bình tổ trưởng tay cầm bộ đàm nói.

– Bọn em trực theo dõi, nếu thấy có dấu hiệu đua xe thì báo cáo cho đơn vị triển khai đối phó. Giờ càng ngày càng phức tạp quá anh ạ.

Đầu tiên là lẻ tẻ mấy đứa chơi xe, dần dần chúng nó thành từng nhóm. Rồi từng nhóm lại liên hệ với nhau. Chúng bé thế thôi nhưng điện thoại di động có hết. Phát hiện nơi nào không có cảnh sát là chúng gọi nhau đến tụ tập, biểu diễn, làm trò các kiểu.

Mệt, nhưng cũng chỉ ngăn chặn, nhắc nhở chứ chưa có biện pháp gì quyết liệt. Các cậu đây là cùng tổ với em. Còn kia là bạn gái của họ.

Hôm nay thứ bảy bọn em phải trực quan sát, theo dõi. Để các cô ấy đi cùng vừa ít bị để ý, lại vừa được bên nhau ngày thứ bảy. Đến 11 giờ là hội này tan gần hết mà anh.

22 giờ 30, thượng úy Bình và đồng đội lặng lẽ ra về. Vẫn còn vài chục chiếc xe đạp chở các cô cậu bé ở ngã năm. Có thời gian để ngắm kỹ các xe, tôi giật mình vì những chữ ghi trên cái bảng như biển số xe.

Hình như các cô cậu bé này không chỉ tranh nhau trội hơn ở phần trang trí xe, mà cả phần slogan nữa.

Dạo trước những câu như: “Xe mẹ mua, đua mẹ đánh” hay “Anh hãy yêu em”, “No comment”… bây giờ các câu ấy còn táo tợn hơn đến ngỡ ngàng: “Đẹp trai hơn bố, cả phố phải nhìn”, “Girl phố cổ kưa đổ mới tài”…

Hỏi chuyện vài cô cậu được biết, những tấm biển thế này khi về nhà chúng cất đi trước để bố mẹ không biết. Việc mua xe xin bố mẹ cũng dễ vì mua xe tự đi học bố mẹ không phải đưa đón.

Có em dùng tiền để dành của mình (?) để mua xe đi, lúc không đi gửi nhà bạn hoặc ngoài bãi, bố mẹ cũng không biết. Có người còn tưởng con đi học thêm vì trong số các em có nhiều em đeo cặp.

Các cô cậu chở nhau thành cặp thường là những đôi yêu nhau. Tôi bàng hoàng nghe cô bé khoảng 14 tuổi nói vậy. Vẻ mặt không tin của tôi khiến cô bé ấy phải nói thêm cho tôi rõ: “Yêu nhau như người lớn đã sao. Mười ba, mười bốn là yêu được rồi chú ạ”.

Tôi không muốn hỏi nữa, sự đi sâu vào vấn đề không biết cô bé nói thật hay đùa. Cầu cho cô bé ấy nói đùa để bậc phụ huynh như tôi khỏi lo.

Tự dưng tôi rút máy điện thoại theo bản năng, hỏi xem đứa cháu gái 13 tuổi đã ngủ chưa. Em dâu bảo cháu ngủ rồi tôi thở phào thành tiếng.

Anh bạn photo giơ máy ảnh tác nghiệp. Bọn trẻ phát hiện, chúng ngổ ngáo ùa tới giọng lấc cấc: “Ông kia chụp cái gì bọn tôi đấy, đừng có mà chụp”.

Phải hai mươi đứa nhỏ vây quanh, đứa lớn nhất chỉ đến vai tôi. Chúng bắt anh photo phải giở máy ảnh xem lại hình ảnh có chúng không để bắt xóa.

Thấy chúng hung hăng, anh bạn đành phải xóa những bức ảnh vừa chụp. Anh thỏa thuận: “Đây xóa ảnh vừa chụp hội bọn em, còn ảnh này trở đi là anh chụp hội khác rồi!”

Đám trẻ xem thấy đúng, mới gườm gườm bỏ đi. Không còn công an, chúng tôi cảm thấy thiếu an toàn bảo nhau ra về. Trên đường về vẫn thấy từng tốp xe x-game bật nhạc, đi uốn éo, đánh võng.

Đồng hồ trên tay chỉ đã 23 giờ. Hà Nội dạo này đèn điện nhiều, đường phố lung linh dưới ánh đèn cao áp đỏ. Có bậc phụ huynh nào đi tìm con không, muộn lắm giờ về nhà so với bọn trẻ rồi đấy.

 Bùi Minh Huấn
Ảnh: Quang Bảo

 

 


Các tin liên quan

Chuyên đề sống: Style 9X
Cosplay – Niềm say mê của teen
Lập shop để lấy tiền đi cos
Teen với album nghiệp dư
Phỏng vấn 9X


From the same category