15 năm qua, những người yêu nhạc cổ điển tại Việt Nam đều chờ đợi một sự kiện được tổ chức đều đặn, chưa từng lỗi hẹn là Đêm hòa nhạc “Toyota Classics”. 15 năm, 15 lần Toyota mang tới cho người hâm mộ những bản nhạc kinh điển được trình diễn bởi các dàn nhạc lừng danh đến từ nhiều quốc gia như Dàn nhạc giao hưởng Đông Bắc Đức, Dàn nhạc Florence (Italy), Dàn nhạc Thính phòng Praha (Czech). .. Đẳng cấp, chất lượng là những gì khán thính giả trầm trồ sau mỗi đêm nhạc. Đó là những cơ hội tuyệt vời dù hiếm hoi để khán giả yêu nhạc Việt Nam được thưởng thức những tác phẩm lớn của lịch sử âm nhạc thế giới.
Nhưng đó chỉ là mảng màu rực rỡ nhỏ bé mà công chúng được cảm nhận. Nếu nhìn vào thực tế vị trí của dòng nhạc kinh viện trong đời sống âm nhạc Việt, và nếu so sánh “sức nóng” với những show ca như của Chế Linh, Bằng Kiều mới đây, thì không ít người cho rằng, Toyota giống như một “chiến binh tuẫn tiết” trên con đường đưa nhạc cổ điển tới gần hơn với công chúng.
Hãy bắt đầu từ yếu tố thực tế dễ so sánh nhất là giá vé. Đêm Hòa nhạc “Toyota Classics 2012” tối 4/11/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của những cái tên đủ bảo chứng chất lượng vàng như Dàn nhạc Thính phòng Vienna – Cộng hòa Áo trình diễn dưới sự chỉ huy của vị nhạc trưởng nổi tiếng Joji Hattori, với sự tham gia của hai nghệ sĩ độc tấu tài năng là nghệ sĩ guitar Soichi Muraji – Nhật Bản và nghệ sĩ violon Lê Hoài Nam của Việt Nam chỉ có mức giá “thân thiện”: từ 500.000 tới cao nhất 1.000.000 đồng. Những mức giá quá “sinh viên” cho một đêm nhạc đẳng cấp.
Nhưng con số 500.000đ hay 1.000.000đ này càng trở nên “mềm mại” hơn nếu đặt cạnh giá vé cho đêm live show “Số phận” của “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng, đêm nhạc Chế Linh, hay mới và “nóng” nhất là live show Bằng Kiều in concert 2012. Sau 10 năm, trở về quê hương, live show Bằng Kiều “ung dung” bán vé với mức từ 500.000đ tới 4 triệu đồng – gấp 4 lần con số “đỉnh” nhất của đêm Hòa nhạc Toyota. Chưa kể, thị trường vé chợ đen sôi sục, từ con số vài triệu bị “đẩy lên” mười mấy triệu. Và ngạc nhiên là, vé “chính thống” hay chợ đen đều hết veo, trong khi vé đêm nhạc có chất lượng nghệ thuật đỉnh cao được bán ra lặng lẽ hơn nhiều lần.
Sự “dũng cảm” của Toyota còn thể hiện chính trong cách lựa chọn con đường đến với công chúng, hay nói cách khác là hiệu quả quảng bá tên tuổi mà cơn sốt săn vé chính là một khía cạnh nhỏ nhưng nói lên nhiều điều. Không thể phủ nhận, việc mời các ca sỹ nổi tiếng trong nước và hải ngoại như Bằng Kiều, Chế Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm… sẽ dễ dàng tạo cơn sốt dư luận, kéo theo “con sốt vé”, gấp nhiều lần một đêm nhạc thính phòng vốn dĩ kén chọn người nghe, với một lượng khán giả trung thành nhỏ hẹp. Nếu chọn giải pháp “số đông”, nhà tổ chức vừa lợi thế trong quảng bá danh tiếng trên diện rộng, vừa không lo… bù lỗ sau đêm nhạc. Nhưng Toyota đã không chọn con đường dễ dàng này.
Đêm hòa nhạc “Toyota Classics” nói chung và “Toyota Classics 2012” nói riêng còn là một cuộc “chơi trội” rất đáng có và đáng quý. Không công bố con số cụ thể, nhưng việc mời Dàn nhạc Vienna (Áo) và các nghệ sỹ nổi tiếng thế giới như nghệ sĩ guitar cổ điển người Nhật Soichi Muraji; tài năng violin Việt Nam Lê Hoài Nam; nhạc trưởng người Nhật Joji Hattori, cùng các chi phí di chuyển, lưu trú… chắc chắn đã “ngốn” khoản chi không hề nhỏ.
Trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, mà việc cắt giảm chi phí là một trong những việc làm cần thiết và cấp bách cho sự tồn tại của các doanh nghiệp, thì sự kiên định của Toyota muốn dành những gì tốt nhất cho đêm nhạc lần thứ 15, giống như bao năm qua, đã cho thấy một “cái tâm” chân thành. Nhất là khi, Toyota dành toàn bộ số tiền bán vé cho chương trình học bổng Toyota Hỗ trợ Tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam
Chỉ mong rằng, khi phong trào “Nghe có ý thức” đang lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng mạng và được dư luận ủng hộ nhiệt tình, những đêm nhạc chất lượng như “Toyota Classics” sẽ đến với công chúng đông đảo hơn. Riêng với giới mộ điệu, những người cùng mang trái tim nhiệt huyết cho âm nhạc cổ điển, “Toyota Classics” chính là một “thương hiệu” không thể bỏ qua.
PV