Sáng nay, bão Sơn Tinh chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa hơn 400 km về phía đông – đông nam với sức gió đạt giữa cấp 9 và cấp 10. Cơn bão có tốc độ di chuyển rất nhanh (20 km đến 30 km mỗi giờ) và khá ổn định theo hướng giữa tây và tây – tây bắc.
Dự báo sáng 26/10 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương. Ảnh: NCHMF.
Bão đã khiến vùng biển giữa biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão cấp 9-10. Từ chiều nay, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần từ cấp 6 đến cấp 10 kèm mưa dông mạnh.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, ngày và đêm nay, bão sẽ mạnh thêm và đạt trên cấp 10 vào sáng 27/10 khi chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế – Quảng Ngãi khoảng 260 km. Trong khi đó, nhiều đài khí tượng trên thế giới nhận định bão sẽ còn mạnh thêm một cấp trước khi đổ bộ khoảng đêm 27, sáng 28/10.
Với hướng di chuyển gần như men theo ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ, khu vực đổ bộ của bão vì thế rất khó dự báo. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn nhận định bão có thể đổ bộ vào Quảng Bình còn một số cơ quan khí tượng khác trên thế giới cho rằng bão có thể chếch lên phía bắc, đổ bộ vào Nghệ An hoặc Thanh Hóa.
Dự báo ngày 26/10 của Cơ quan khí tượng Hải quân Mỹ (trên) và trang mạng cảnh báo bão nhiệt đới (dưới). Ảnh: NRLMRY/TSR.
Từ đêm nay, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và từ ngày mai (27/10) vùng biển Vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 đến cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11. Ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế từ chiều 27/10 gió sẽ mạnh dần từ cấp 6 đến cấp 10. Khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to.
Chiều 25/10, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương – Ủy Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục có công điện để chỉ đạo công tác đối phó với bão Sơn Tinh. Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát đã trực tiếp liên lạc với lãnh đạo với các tỉnh, thành phố có tàu đang hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu kiên quyết chỉ đạo tàu thuyền còn hoạt động ở khu vực này di chuyển ngay vào bờ nơi gần nhất, kiên quyết không được ở lại trên tầu để đảm bảo an toàn về người.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cử 2 đoàn công tác đi các tỉnh Bắc Trung Bộ và nam đồng bằng sông Hồng để chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, có biện pháp bảo vệ các công trình đê điều, hồ chứa và bảo vệ cây trồng vụ đông.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bão Sơn Tinh (tên quốc tế Son-Tinh) là một trong 10 tên bão do Việt Nam đặt cho các cơn bão hoạt động ở tây bắc Thái Bình Dương và Biển Đông từ năm 2000. Ngoài tên bão này, các tên bão do Việt Nam đặt còn có Lekima, Bavi, Conson, Sonca, Trami, Halong, Vamco, Songda, Saola.
Bảng tên này xuất phát từ việc đề cử của các nước trong khu vực, sau đó được Ủy ban bão tây bắc Thái Bình Dương tuyển chọn trên cơ sở tên, phát âm đề cử của nước này không mang ý nghĩa thô tục, nhạy cảm hay cấm kỵ trong ngôn ngữ nước khác. Việt Nam từng đề cử cặp tên Sơn Tinh – Thủy Tinh nhưng chỉ có Sơn Tinh được chấp nhận.
Một số tên bão sau khi gây thiệt hại quá nặng nề, gây nên nhiều ký ức kinh hoàng cho người dân đã bị đề nghị bỏ đi như Sao Mai (Hàn Quốc đề nghị bỏ) hay Chanchu (Việt Nam đề nghị bỏ).