Đếm cỗ cưới?

Không nên và không thể quy số lượng “mâm cỗ”
làm thước đo tiết kiệm, văn minh được – Ảnh: TL
Nói bi là ở chỗ, với những người nghèo, kể cả cán bộ đảng viên, thấy cái quy định này sao xa vời với mình đến vậy. Đám cưới mời vài ba chục mâm cũng còn phải tính chán mới không vay nợ, mới không bị họ hàng xóm giềng chê trách vì cỗ cưới hẻo quá, vậy mà mấy ông cán bộ đảng viên mời tới 300 người vẫn là “bị ép”! Quy định đó như thừa nhận sự xa hoa lãng phí trong đám cưới của cán bộ đảng viên Hà Nội. Nó hài là ở chỗ dự thảo có cả nội dung “không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không tổ chức tiệc ăn ở những nơi quá sang trọng, tốn kém, không phù hợp với thu nhập chung của cộng đồng dân cư và cán bộ công chức, như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp”. Dường như người thảo Chỉ thị đã lường trước khả năng ứng phó của người tổ chức – có thể làm cỗ cưới nhiều lần để mời được nhiều hơn số khách bị quy định. Và thế nào là quá sang trọng, tốn kém, không phù hợp với thu nhập chung của cộng đồng? Toàn những khái niệm chung chung, không biết lấy thước nào đo cả. 
Chưa hết, sẽ có cả Ủy ban Kiểm tra TP giám sát thực hiện, xử lý các trường hợp cán bộ vi phạm, nhưng “không phải thành lập Ban để đi đếm số người, số mâm ở tiệc cưới mà sau khi quần chúng nhân dân đi dự về phát hiện, báo cáo thì phải có thẩm tra, xử lý”. Vậy quần chúng phát hiện báo cáo theo cơ chế nào, sao quần chúng lại làm cái việc đó và liệu họ có làm được? Đám cưới vi phạm nghiêm trọng nhưng quần chúng không phát hiện thì “thoát” ư? Rõ là nhiều chuyện khó thực hiện. Thực tế cho thấy sau khi có các chỉ thị, thông tư cưới văn minh chống lãng phí, các địa phương đều triển khai, thậm chí có địa phương còn ra nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên vẫn nhan nhản đám cưới phô trương, rườm rà, lãng phí. 
Đã có những đám cưới giản dị của tỉ phú nước ngoài và trong nước. Có những đám cưới phô trương rùng rợn của những người sẵn sàng “nhịn miệng đãi khách” mà không cần tính đến việc phải “kéo cày trả nợ” sau này. Có người không giàu nhưng tham vọng làm đám cưới để kinh doanh. Lại có những đám cưới con cái quan chức cấp cao ai cũng đoán được trị giá của những phong bì khủng… Và có quá nhiều cách để người thích phô trương, ham vụ lợi, đạt được điều họ muốn, không hề bị sự kiểm soát bởi những quy định có tính hành chính nửa vời nói trên. 
Ấy là bởi cách làm đám cưới xưa cũng như nay, phụ thuộc chính vào trình độ văn hóa, điều kiện kinh tế, mối quan hệ họ hàng, xóm giềng, bè bạn… của mỗi người, mỗi gia đình. Có đám cỗ to mà nhạt hoét. Có đám cỗ vừa mà mặn mòi ấm cúng thân tình. Không nên và không thể quy số lượng “mâm cỗ” làm thước đo tiết kiệm, văn minh được. 
Đó là chưa kể nếu quy định “không được quá 300 người”, trong gia đình khi bàn tới ngày vui, cha mẹ con cái có khi bất hòa chỉ vì việc phân chia số lượng khách mời. Những gia đình, dòng họ có mối quan hệ rộng lớn sẽ phải giải quyết ra sao? Có nhiều gia đình chỉ muốn mời nhiều (hơn 300) để đền ơn đáp nghĩa bạn bè thân hữu là chính, cả những người bà con từ nước ngoài về, hoàn toàn không có lợi dụng chức vụ để thương mại hóa trong những “phi vụ” đám cưới của con, em mình – vẫn có thể bị một số “quần chúng” phát hiện quá số mâm quy định, rồi quy chụp theo ý đồ nào đó.
Không chỉ ở ta mà một số quốc gia phương Tây cũng đang ủng hộ phong trào đám cưới tiết kiệm mà vẫn tạo phong cách và chiều sâu. Nhiều đám cưới được tổ chức chỉ như hình thức dã ngoại, picnic không cần nghi lễ rườm rà, cầu kỳ, phức tạp. Đám cưới hay sẽ được nhiều người tiếp nhận. Nhưng ta chưa có mấy tuyên truyền những đám cưới “kiểu mẫu văn minh” như vậy. Những quy định có phần máy móc lâu nay chỉ khiến người ta có quyền nghi ngờ thiện chí của những người đặt ra luật lệ này, vẫn bị bệnh hình thức ám ảnh. 
Tôi ngờ rằng việc đếm cỗ cưới là điều không tưởng, dù ai nhận trách nhiệm đứng ra đếm. Ngăn chặn xa hoa lãng phí mà nhắm vào quy định cỗ cưới sẽ bất khả thi. Mọi quy định liên quan đến phong tục tập quán nếu có thay đổi cần phù hợp với bối cảnh và trình độ phát triển của xã hội. Cần hơn cả vẫn là giải pháp dân vận chúng ta quen gọi là vận động. Nói như TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, không nên hành chính hóa mà nên coi chủ trương này là một cuộc vận động. Còn gì buồn hơn khi một số quần chúng đi ăn cưới chia vui với hai họ lại nhăm nhăm… đếm cỗ?

Về lâu dài, phải giải quyết được tận gốc của vấn đề, dù là dân, dù quan chức cũng cần đủ tự trọng, đừng quá ăn thua, tham lam và thèm khát khoe khoang, kém văn hóa tới mức tự biến những ngày vui trọng đại của mình và gia đình trở thành bia miệng nhân gian.

Theo Đại đoàn kết


From the same category