Đề xuất nhập xe túc túc: Rất ngược đời!

Xe túc túc không thể thay thế xe máy

TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia độc lập có nhiều năm nghiên cứu về giao thông, nguyên chuyên viên Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, việc Hiệp hội vận tải Hà Nội đề xuất Bộ GTVT nhập xe túc túc về để thay thế xe máy cần phải xem xét lại, vì xe túc túc không thể thay thế được xe máy.

“Cách đây 30 năm nhà nước đã hạn chế xe lam (loại xe ngay xưa gần giống như xe túc túc) vì xe lam chạy trong đô thị gây khói, mất an toàn và mất mỹ quan. Do vậy, nếu đồng ý cho nhập xe túc túc về để hạn chế xe máy thì phải xem lại bài học kinh nghiệm dù xe túc túc đã được cải tiến đỡ ồn ào, đỡ khói hơn”, ông Thuỷ nói.

Xe túc túc chẳng khác gì xe lam.

Ông Thuỷ cũng cho biết, xe túc túc không thể hạn chế được xe máy vì nó cồng kềnh và không tiện dụng như xe máy. Nếu có nhập loại xe này về nó chỉ có thể cạnh tranh được với xe ôm, nhưng xe ôm lại có lợi thế đi được những con đường mà xe túc túc không thể chạy được.

Trước đề xuất nhập khẩu xe túc túc từ các nước đưa về, ông Thuỷ cho rằng, xe túc túc chẳng khác xe tự chế ở trong nước, trong khi đó 4 đến 5 năm nay chúng ta cấm xe tự chế vì cho nó là nguyên nhân gây mất an toàn.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, về quan điểm Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam không đồng tình với đề xuất sử dụng xe túc túc thay thế xe máy, vì loại xe này không đảm bảo an toàn và gây ô nhiễm môi trường.

“Túc túc là loại xe 3 bánh giống xe lam ngày xưa, giờ bỏ rồi mà lại cho vào lưu hành trong thành phố để gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông là không nên. Hơn nữa những nước ở xung quanh Việt Nam như Thái Lan thì đã loại bỏ loại xe này ở đô thị lớn Băng Cốc bằng việc đưa về nông thôn, giờ nếu Việt Nam lại nhập loại xe này đưa về thành phố thì hơi ngược”, ông Hùng nói.

Vận tải công cộng vẫn là thượng sách

Ông Thuỷ khẳng đinh, để hạn chế xe máy thì chiến lược lâu dài vẫn là phải phát triển giao thông công cộng, không nên nghĩ giao thông công cộng là quá xa xỉ và tốn kém, mà phát triển giao thông công cộng là điều bắt buộc phải làm đổi với các thành phố từ 5 đến 7 triệu dân Hà Nội và TP.HCM.

“Cách duy nhất để hạn chế xe cá nhân thì chỉ có phát triển phương tiện công cộng, đây là nguyên tắc thống nhất đối với hầu hết các nước trên toàn thế giới chứ không thể đưa xe túc túc khói bụi vào thay xe máy được”, ông Thuỷ nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong khi chờ đợi các dịch vụ vận tải công cộng lớn (tàu điện ngầm và tàu điện trên cao) thì hiện tại cần phải đa dạng hoá loại hình xe buýt cho phù hợp với mật độ dân cư và đường xá trong giao thông đô thị.

“Có những tuyến đường đặc thù ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM xe buýt không đi được thì nên có xe ca tải trọng nhỏ từ 12 chỗ ngồi trở xuống để chạy tuyến cố định từ trung tâm phường xã, quận huyện tới các bến xe”, ông Hùng đề xuất.

Theo Vietnamnet


From the same category